Nhiều đội phản đối đề xuất V.League trở lại của VPF
Nhiều đội bóng ở cả miền Bắc và Nam không ủng hộ, thậm chí phản đối đề xuất thi đấu V.League tập trung của VPF vào giữa tháng 4 hoặc đầu tháng 5.
Hôm 25/3, Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) xác nhận tiếp tục hoãn các giải chuyên nghiệp tới ngày 14/4, đồng thời đưa ra 2 phương án tổ chức tiếp lượt đi V.League 2020. Phương án một diễn ra từ ngày 15/4 tới 29/5, phương án hai diễn ra từ ngày 1/5 tới 28/6.
Điểm đáng chú ý nhất trong hai phương án của VPF là đề xuất tập trung các CLB cả 3 miền về phía Bắc, thi đấu trong thời gian ngắn. Các CLB từ Thanh Hóa trở ra Bắc vẫn đá trên sân của mình. Các đội còn lại sẽ dùng sân của những CLB phía Bắc và một số sân trung lập như PVF, Mỹ Đình, Phú Thọ làm sân nhà.
VPF cho các đội bóng thời gian tới 29/3 để phản hồi kế hoạch này. Đề xuất của VPF ngay lập tức đã tạo ra nhiều dư luận trái chiều, nhất là với các CLB miền Nam.
Các đội bóng phía Bắc sẽ được thi đấu trên sân nhà trong trường hợp V.League tổ chức theo phương án tập trung vào giữa tháng 4, đầu tháng 5. Ảnh: Minh Chiến.
HAGL, CLB Sài Gòn, Bình Dương không ủng hộ
Đại diện cho CLB Sài Gòn, HLV trưởng kiêm Chủ tịch Vũ Tiến Thành, trao đổi với Zing.vn về đề xuất của VPF: “Tình huống bây giờ là bất khả kháng. Tôi rất hiểu mục đích của VPF là muốn đẩy giải đấu kịp tiến độ, phục vụ đội tuyển quốc gia nhưng kế hoạch này không khả thi. Tôi từng nghĩ việc đá theo vùng là một giải pháp nhưng sau khi nghe phản biện thì tôi cũng không ủng hộ kế hoạch này”.
“Chúng ta phải chờ chủ trương của Chính phủ, từ Bộ Y Tế. Khi các cơ quan chức năng đánh giá tình hình dịch Covid-19 ổn thỏa thì hãy tiếp tục thi đấu. Bây giờ thi đấu, làm sao chúng tôi biết đối thủ không có người bị nhiễm virus corona. Đá tập trung cũng không công bằng. Đá vậy giống như giải tập huấn, sẽ làm mất giá trị giải đấu”, ông Thành phân tích.
Không công khai phản đối như ông Thành, nhưng HAGL cũng chẳng tỏ ra ủng hộ VPF. Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh tỏ ra lo lắng khi nói về đề xuất này. Ông chia sẻ: “HAGL là thành viên của giải đấu nên sẽ ủng hộ phương án để giải diễn ra thành công, an toàn. Tình hình dịch đang diễn ra phức tạp, chúng tôi muốn chờ việc kiểm soát tốt hơn, an toàn hơn”.
Video đang HOT
Chủ tịch kiêm HLV trưởng Vũ Tiến Thành (trái) phản đối kế hoạch V.League tập trung ở phía Bắc từ giữa tháng 4. Ảnh: Quang Thịnh.
“Cầu thủ va chạm nhiều khi tranh chấp bóng. Chúng tôi chờ dịch được kiểm soát tốt thì sẽ sẵn sàng ngồi lại bàn với VPF và các thành viên để đưa ra phương án tốt. Mọi người cũng biết là cuối năm nay nhiều giải đấu của đội tuyển, cần sự bàn bạc thống nhất. Quan điểm của HAGL là ủng hộ tìm ra phương án tốt khi Chính phủ kiểm soát được dịch”.
Từ Gia Lai, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cũng khẳng định đội bóng phố núi sẽ không có ý kiến về việc này cho tới khi dịch được kiểm soát lại ở Việt Nam đồng thời sẽ chờ sự cho phép của Chính phủ với các hoạt động thể thao, giải trí.
Chờ đợi cũng là lựa chọn từ phía Bình Dương. Tổng giám đốc Lê Hồng Cường cho biết đội bóng đang xin ý kiến lãnh đạo. Bình Dương xác nhận họ luôn ủng hộ giải đấu và đội tuyển quốc gia nhưng rất quan ngại về tình hình dịch bệnh.
CLB Nam Định đóng cửa, đá tập nội bộ với đội U19 trong thời gian tạm nghỉ vì dịch. Ảnh: Minh Chiến.
Các đội ở miền Bắc thận trọng
So với những đại diện miền Nam, các đội phía Bắc có thái độ mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, họ vẫn khá lăn tăn trước đề xuất của VPF.
Đại diện Hải Phòng, GĐKT Lê Xuân Hải, trao đổi với Zing.vn: “ CLB Hải Phòng đã nắm được kế hoạch của VFF và VPF về các phương án tổ chức lại V.League. Quan điểm CLB là chưa nên tổ chức khi mà tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp”.
Quan điểm thận trọng đó cũng được chia sẻ bởi HLV Phan Thanh Hùng của Quảng Ninh: “Tôi nghĩ ưu tiên số một lúc này phải là an toàn của cầu thủ, cộng đồng chứ chưa phải là hình thức tổ chức nào cho V.League. Dịch diễn biến thế này, sức khỏe của con người là trên hết chứ tụ tập đông người cũng không phải việc tốt lắm đâu”.
Ý kiến của ông Hùng cũng trùng khớp với ý kiến từ CLB cũ của ông. Chủ tịch Đỗ Vinh Quang của đội Hà Nội khẳng định: “Hiện tại, việc tổ chức thi đấu V.League như thế nào, với hình thức ra sao không phải là điều quan trọng, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho cầu thủ, quan chức, thành phần tổ chức thi đấu. Không ai có thể khẳng định mọi thứ chắc chắn an toàn. Chính vì vậy, chúng tôi xác định, chỉ khi nào Chính phủ cho phép các hoạt động văn hóa thể thao trở lại bình thường, thì tôi nghĩ V.League mới nên tiếp tục thi đấu”.
Vì sao V-League 2020 cứ phải vội vã tiếp diễn?
VPF vừa lên phương án tổ chức phần còn lại của lượt đi V-League tập trung ở 7 sân bóng. Vấn đề là tại sao V-League cứ phải vội vã lăn bóng, thay bình tĩnh chờ dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn?
Phương án tổ chức tập trung, như đã nói, gây ra khá nhiều bất cập, đặc biệt là có thể khiến cho cuộc đua đến ngôi vô địch trở nên thiếu công bằng.
Ví dụ như CLB TPHCM là đội có khả năng tranh ngôi vô địch V-League năm nay với CLB Hà Nội. Nhưng theo như phương án thi đấu tập trung mà VPF vừa gửi đến đại diện các đội bóng để thăm dò ý kiến, thì đội bóng thành phố phải dùng sân nhà là sân Mỹ Đình ở Hà Nội.
Vấn đề không phải là CLB TPHCM phải đá phần còn lại của toàn bộ lượt đi tại Hà Nội để tranh chấp ngôi vô địch với một đại diện của bóng đá Hà Nội. Mà vấn đề nằm ở chỗ, đội bóng thành phố dù có đá ở đâu đi chăng nữa, cũng đã mất đi lợi thế sân nhà, sân nhà thực thụ của họ là sân Thống Nhất ở TPHCM.
CLB TPHCM sẽ đá "chấp" sân nhà, nếu chiếu theo phương án thi đấu tập trung V-League 2020, mà VPF đề xuất
Cuộc đua giành suất trụ hạng cũng lâm vào tình cảnh tương tự, những đội thường xuyên ngụp lặn ở nhóm có nguy cơ rớt hạng trong ít mùa giải gần đây gồm HA Gia Lai, Sài Gòn FC sẽ thiệt thòi đáng kể so với các đội về lý thuyết là đối thủ trực tiếp của họ trong cuộc chiến giành quyền trụ hạng như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Nam Định hoặc Thanh Hoá.
Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Nam Định và Thanh Hoá vẫn được chơi trên sân nhà, theo như đề xuất của VPF, trong khi "sân nhà"của HA Gia Lai ở phần còn lại của lượt đi, theo như phương án đá tập trung, là sân của... Nam Định, còn Sài Gòn FC sẽ buộc phải dùng sân Mỹ Đình làm "sân nhà".
Bất cập thứ hai, như đã từng đề cập, việc giải đấu diễn ra trong bối cảnh không có khán giả, ít được dư luận chú ý, với riêng bóng đá Việt Nam, rất dễ xảy ra tiêu cực, dàn xếp. Bởi, "bóng đá như sân khấu 4 mặt", như cách gọi của dân trong nghề, giờ 4 mặt đấy thiếu người quan sát thì thật chẳng biết giới bóng đá nội sẽ làm gì đằng sau những "bức màn" vô hình hạn chế người quan sát.
Và chi tiết quan trọng nhất vẫn là cho dù có đá tập trung, có hạn chế di chuyển, mà nếu bóng lăn khi dịch Covid-19 chưa được dập tắt hoàn toàn, thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vẫn cứ là nguy cơ.
V-League có thể thiệt hại về kinh tế nếu tạm ngưng cho đến khi dịch Covid-19 được không chế hoàn toàn, nhưng sẽ an toàn cho sức khoẻ của các cầu thủ và lực lượng làm nhiệm vụ tại giải
Lý lẽ LS V-League 2020 cần tiếp diễn để duy trì phong độ cho các cầu thủ hướng tới việc tập trung đội tuyển quốc gia, chuẩn bị cho các giải quốc tế, trong bối cảnh hiện tại, xem ra không thuyết phục.
Bởi, các giải quốc tế, bao gồm cả vòng loại World Cup có sự hiện diện của đội tuyển Việt Nam, hiện đã tạm dừng cả rồi, dự đoán đến tận cuối năm mới trở lại (trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến theo hướng khả quan nhất). Cũng chẳng còn đội tuyển nào trên thế giới tập trung, nên đội tuyển Việt Nam có sớm gom quân vào lúc này cũng gần như... chẳng để làm gì cả.
Đấy là lý do mà các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu đều chọn phương án hoãn vô thời hạn, phòng dịch Covid-19, cho dù nếu bàn về thiệt hại kinh tế, từng giải La Liga, Permier League, Serie A..., rồi từng CLB của các giải đấu này chịu thiệt lớn hơn nhiều BTC và các CLB tại V-League.
Họ không vội vã tiếp diễn giải đấu thứ nhất là vì sự an toàn của chính các thành viên từng CLB, các thành viên tham gia làm nhiệm vụ tại giải. Thứ nhì là họ không có gì phải vội bởi hiện tại không còn là giai đoạn mà các giải quốc nội cần phải gấp rút thi đấu, để nhường sân chơi cho các đội tuyển quốc gia.
Còn một phương án nữa, ít bất cập hơn nhiều, đồng thời rất quan trọng ở điểm là an toàn hơn nhiều, đó là chờ cho dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn, mọi người nói chung và giới bóng đá nói riêng không còn phải lo vừa đá bóng vừa phòng dịch, hãy trở lại. Trở lại với những sân bóng có khán giả đúng nghĩa các sân bóng. Trở lại với những cuộc tranh tài thật sự công bằng về yếu tố sân bãi, về sự quan sát và chung tay giám sát của đông đảo dư luận cũng như người hâm mộ bóng đá!
Chứ V-League tiếp diễn trong hoàn cảnh mà dịch Covid-19 vẫn chưa qua hết, các đội bóng và các lực lượng vừa thi đấu vừa làm nhiệm vụ mà vẫn cứ lo nguy cơ dính dịch bệnh, e rằng hơi "ép chỉ tiêu" cho giải và cho các đội bóng!
Thiện Nhân
V-League 2020: Thi đấu tập trung là kéo lùi bóng đá nội... vài thập niên Một trong những phương án "chữa cháy" cho V-League là thi đấu tập trung. Nhưng chúng ta đã mất vài chục năm để từ cách tổ chức giải như thế lên thể thức "League", giờ lẽ nào đi giật lùi? Bàn về các phương án "chữa cháy" cho V-League, thi đấu tiếp trong giai đoạn tiếp theo, VFF và VPF có nhắc đế...