Nhiều doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh giảm mục tiêu doanh thu, lợi nhuận
Trước sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dù đã xác định kế hoạch lợi nhuận năm sẽ giảm nhưng nay tiếp tục điều chỉnh giảm thêm các chỉ tiêu do việc sản xuất kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Năm 2020, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 14.640,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 381,6 tỷ đồng giảm 50% so với 2019. Ảnh: Nguyễn Thanh
Khó khăn
Một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19 phải kể đến ngành dệt may. Mới đây một doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may- Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã phải điều chỉnh giảm đến 50% so với năm 2019.
Cụ thể, lên kế hoạch cho năm 2020, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 14.640,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 381,6 tỷ đồng, giảm 50% so với 2019; doanh thu Công ty mẹ Tập đoàn ước đạt khoảng 1.327,79 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ năm 2020 ước đạt 130,43 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tình hình sản xuất kinh doanh nửa đầu năm 2020 ghi nhận những kết quả không mấy khả quan, ảnh hưởng Covid-19 đã khiến kết quả kinh doanh các đơn vị trực thuộc sụt giảm nghiêm trọng. Theo đó, sản xuất kinh doanh của hầu hết các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn đều sụt giảm dẫn đến kết quả quý 2 không mấy khả quan.
Cụ thể, tính riêng quý 2/2020, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 3.082 tỷ đồng giảm 36% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán chiếm tới 91% trong doanh thu thuần nên lãi gộp đạt 280 tỷ đồng, giảm 36% so với quý 2/2019; trong khi lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 giảm 24,5% so với cùng kỳ, đạt 7.046 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 276 tỷ đồng, giảm 20,7% so với nửa đầu năm 2019. Tháng 4/2020 hầu như không có doanh thu do miền Bắc bị áp dụng lệnh giãn cách xã hội và sản xuất kinh doanh ở miền Nam rất hạn chế.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, 6 tháng đầu năm chưa phải là thời điểm khó khăn nhất, do kinh tế vẫn còn được thông thương và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, so với thời điểm hiện tại khi mà thế giới đang bước vào thời kỳ không thể kiểm soát được dịch bệnh, việc làm chưa tạo lập lại, tiền trong các quốc gia đều đang ở trạng thái cạn kiệt và nhu cầu tiêu dùng giảm, thì những tháng cuối năm 2020 mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may. Hiện nay, đơn hàng cho quý 4 hầu như chưa có và là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn. Trong khi đó, những đơn hàng khẩu trang cũng đã đảo chiều, số lượng không nhiều trong khi giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất.
Nhiều mục tiêu giảm sâu
Những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 được dự báo là sẽ tiếp tục khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Mới đây, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex cũng đã có thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất – kinh doanh năm 2020. Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến sẽ điều chỉnh kế hoạch năm 2020 với doanh thu sau điều chỉnh là 443 tỷ đồng, giảm 231 tỷ đồng, tương ứng giảm 34,3% kế hoạch doanh thu trong Đại hội đồng cổ đông năm 2020. Lợi nhuận trước thuế là 1,5 tỷ đồng, giảm 6 tỷ đồng, tương ứng giảm tới 80% so với kế hoạch Đại hội đồng cổ đông năm 2020 đã thông qua.
Trong quý 2, tình hình kinh doanh của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19 khi ghi nhận mức doanh thu trong quý 2 giảm tới 60%. Nguyên nhân là do các thị trường của doanh nghiệp giảm sức mua mạnh, có thời điểm còn bị hạn chế xuất khẩu. Việc xuất khẩu sang Ấn Độ, các chính sách giới nghiêm của Ấn Độ làm cho hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị tồn đọng tại cảng, gây phát sinh nhiều chi phí, lãi vay và khiến Công ty lỗ hơn 1 tỷ đồng. Nhờ kết quả lãi trong quý 1, Công ty đang lãi sau thuế lũy kế 675 triệu đồng sau 6 tháng đầu năm 2020.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng vừa thông qua kế hoạch doanh thu năm 2020 là 12.500 tỷ đồng, giảm 33% và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, giảm 70%. Trước đó, vào đầu năm 2020, Hội đồng quản trị Công ty đã đề ra kế hoạch doanh thu 20.200 tỷ đồng, lợi nhuận 720 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dịch Covid – 19 đã tác động nghiêm trọng trực tiếp tới tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam từ tháng 1 đến nay đã làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Công ty. Công ty đặt kế hoạch trúng thầu cả năm khoảng 16.200 tỷ đồng. Đến tháng 5, số hợp đồng ký mới là 3.100 tỷ đồng. Tiềm năng trúng thầu năm nay còn khoảng 13.100 đồng. Các hợp đồng chuyển từ năm trước qua năm nay và năm sau (backlog) khoảng 16.000 tỷ đồng. Để khắc phục được những khó khăn trên, Công ty dự kiến tích cực thu hồi nợ; tăng cường quan hệ chiến lược với ngân hàng (cơ cấu lại nợ và thời gian thanh toán nợ gia hạn); lên kế hoạch phát hành trái phiếu; bán bớt cổ phần ở một số công ty con nhằm thu hồi vốn để duy trì cho mảng cốt lõi.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình nhận định, đại dịch Covid -19 sẽ là cơ hội rất lớn cho Công ty thúc đẩy nhanh quá trình số hóa trong quản trị. Sau đại dịch, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới đều chọn lựa đầu tư công để khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, Hòa Bình không thể có nhiều dự án ngay mà cần phải kiên trì chờ đợi ít nhất qua đến năm 2021 hy vọng làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn.
Fecon tiếp tục trúng thầu dự án điện gió giá trị gần 440 tỷ đồng
Fecon đảm nhiệm việc thiết kế, mua sắm, thử nghiệm trạm biến 110 kW; thiết kế, mua sắm, thi công, thử nghiệm đường dây truyền tải 110 kV; thi công khu vực nhà máy chính.
Tổng giá trị các hợp đồng thi công nhà máy điện gió gần 1.940 tỷ đồng, chiếm 52,4% trong tổng giá trị hợp đồng ký mới năm 2020.
Công ty Fecon (HoSE: FCN) thông báo trúng thầu dự án nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng với giá trị gần 440 tỷ đồng. Tổng thầu là công ty TNHH PowerChina Việt Nam. Fecon đảm nhiệm việc thiết kế, mua sắm, thử nghiệm trạm biến 110 kW; thiết kế, mua sắm, thi công, thử nghiệm đường dây truyền tải 110 kV; thi công khu vực nhà máy chính.
Thời gian kéo dài từ tháng 8 năm nay đến tháng 8 năm sau.
Trước đó, công ty từng thông báo trúng thầu dự án nhà máy điện gió Trà Vinh 3 vào cuối tháng 7. Dự án này do công ty Cơ điện lạnh (HoSE: REE) làm chủ đầu tư. Gói thầu Fecon đảm nhiệm là xây dựng đường cầu nối tất cả các trạm phát turbine và xây dựng móng cho 12 cột turbine gió, đường dẫn cũng như các hạng mục khác.
Giá trị gói thầu là 490 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ 29/7 đến 7/8. Như vậy, cùng với dự án nhà máy điện gió Thái Hòa, nhà máy điện gió B&T Quảng Bình, tổng giá trị các hợp đồng thi công nhà máy điện gió Fecon thực hiện lên gần 1.940 tỷ đồng, chiếm 52,4% trong tổng giá trị hợp đồng ký mới năm 2020.
Doanh nghiệp coi các dự án năng lượng tái tạo là mảng kinh doanh chiến lược trong vòng 5 năm tới. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, trả lời câu hỏi về lợi nhuận năm tới đến từ dự án nào, ban lãnh đạo cho biết công ty đang triển khai một dự bán điện gió ở Sóc Trăng, dù chưa có lợi nhuận trong 2 năm đầu nhưng có thể kỳ vọng chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài trong 1-2 năm tới. Ngoài ra, 3 dự án điện ở Gia Lai và dự án hạ tầng đô thị đầu tiên ở Quế Võ, Bắc Ninh sẽ mang lại lợi nhuận.
Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2020 đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 29,4% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 195 tỷ đồng, giảm 3%. Ngoài ra, công ty cũng đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 825 tỷ đồng vào năm 2025.
Sau 6 tháng, công ty có 1.191 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 28 tỷ đồng, giảm 75%. Fecon hoàn thành 30% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận.
KQKD ngành thép quý 2: Bất chấp dịch bệnh, vẫn còn những doanh nghiệp lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ Trong đó có doanh nghiệp ngành thép có lợi nhuận tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Nửa đầu năm 2020 hầu hết các doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh đều chịu tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19. Ngành thép là một trong những ngành chịu tác động lớn khi các dự án bị đình trệ, thậm chí ngừng hoạt...