Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi xin “visa” xuất khẩu sang Trung Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề xuất một việc
Ngày 8/3/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có Công điện số: TCOCD272 gửi các Bộ NNPTNT, Công Thương, Y tế đề nghị thống nhất giao một đầu mối (đề xuất Văn phòng SPS Việt Nam) tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Lệnh 248, 249 để Đại sứ quán trao đổi với Hải quan Trung Quốc.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, năm 2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” (Lệnh 248) và “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” (Lệnh 249) có hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/2022.
Trong đó, nhiều nội dung quy định mới được bổ sung, sửa đổi và thay thế các quy định liên quan trước đây, nhằm mục đích nâng cao công tác quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, đặc biệt là quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc phải đăng ký với cơ quan hải quan nước này.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng đúng và đủ các quy định của Trung Quốc, đảm bảo các hoạt động xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc diễn ra liên tục, thuận lợi khi Lệnh 248, 249 được thực thi, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã thường xuyên liên hệ, trao đổi với cơ quan Hải quan sở tại để tìm hiểu các quy định liên quan và yêu cầu phía bạn có văn bản hướng dẫn nhằm kịp thời cung cấp cho các bộ chức năng quản lý lĩnh vực nông sản, thực phẩm trong nước thông tin, hướng dẫn tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị các Bộ thống nhất giao cho một đầu mối (đề xuất Văn phòng SPS) tập hợp thông tin từ các Bộ, đơn vị phụ trách gửi cho Đại sứ quán để trao đổi với Hải quan Trung Quốc giải quyết các vướng mắc trong việc đăng ký mã số để xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc. Ảnh: D.V
“Đến nay, việc triển khai đăng ký doanh nghiệp theo yêu cầu của Hải quan Trung Quốc cơ bản hoàn thiện. Tính đến ngày 07/3/2022, có 1.853 doanh nghiệp được Hải quan Trung Quốc cấp mã, đảm bảo xuất khấu nông sản, thực phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc” – Đại sứ Phạm Sao Mai nêu rõ trong công điện.
Tuy nhiên, trong quá trình các doanh nghiệp đăng ký mã số để xuất khẩu sang Trung Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã nhận được kiến nghị, phản ánh từ các Bộ chức năng và doanh nghiệp về một số vấn đề vướng mắc, tồn tại trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
Trong đó, một số vướng mắc hay gặp như: Một số doanh nghiệp đã được cập nhật lên hệ thống nhưng chưa được cấp tài khoản truy cập; khi xử lý hồ sơ trên hệ thống đã thao tác đúng nhưng một số trường hợp không hiển thị; một số doanh nghiệp và sản phẩm chưa thể làm thủ tục xuất khẩu do hệ thống Hải quan Trung Quốc chưa hiển thị mã.
Từ thực tế này, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời các ngành chức năng và doanh nghiệp trong nước đôn đốc, trao đổi với Hải quan Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hoàn thành việc phê duyệt cấp mã doanh nghiệp và sản phẩm, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế rà soát lại số doanh nghiệp và sản phẩm đã đề xuất với Hải quan Trung Quốc nhưng chưa được phê duyệt, cấp mã; liệt kê cụ thể những khó khăn vướng mắc trong quá trình đăng ký.
Video đang HOT
Với tư cách là đầu mối thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, cũng như các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, thanh tra, kiểm tra của mọi thành viên WTO, Văn phòng SPS Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các Cục, Vụ chuyên môn có liên quan, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc trong việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp về các quy định mới của Lệnh 248, Lệnh 249 – được phía Trung Quốc đưa ra vào ngày 12, 14/4/2021.
“Ngoài ra, để đảm bảo tập trung thông tin, tránh tình trạng mỗi Bộ hoặc đơn vị phụ trách của Bộ phản hồi thông tin riêng lẻ như thời gian vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị các Bộ thống nhất giao cho một đầu mối (đề xuất Văn phòng SPS) tập hợp thông tin từ các Bộ, đơn vị phụ trách gửi cho Đại sứ quán để trao đổi với Hải quan Trung Quốc” – Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh trong công điện.
Liên quan đến đề xuất này của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) cho biết, sẵn sàng hợp tác với các ngành chức năng, doanh nghiệp tập hợp mọi thông tin, vướng mắc trong quá trình các doanh nghiệp đăng ký mã sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
“Đây là ý tưởng rất hay, làm được như vậy thì thông tin sẽ chuyên nghiệp và nhanh hơn. Thực tế trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia như EVFTA, UKVFTA, CPTPP… thì Văn phòng SPS Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan đầu mối thực thi Chương SPS (Chương về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật)” – ông Nam nhấn mạnh.
Vì sao việc phê duyệt mã sản phẩm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc còn chậm?
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến ngày 22/02/2022, đã có 1.656 doanh nghiệp được cấp mã số xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện nay, việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm.
18 nhóm thực phẩm phải đăng ký khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc
Theo báo cáo số 1133/BC-BNN-CBTTNS của Bộ NNPTNT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đáp ứng yêu cầu, quy định tại Lệnh 248, Lệnh 249 của thị trường Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc đã và đang tiến hành cải cách toàn diện và có các yêu cầu cao hơn về giám sát đối với thực phẩm nhập khẩu.
Hệ thống khung pháp lý để kiểm soát gồm: Biện pháp quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249) và Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc (Lệnh 248) với các nội dung mới rất nghiêm ngặt tác động đến các đối tượng.
Theo các quy định này, Trung Quốc gia tăng các quy định kiểm soát gồm nâng cao tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm nhập khẩu tương ứng, nộp báo cáo kiểm nghiệm theo lô hoặc tăng cường đình chỉ, tạm dừng hoặc cấm đối với doanh nghiệp nếu vi phạm an toàn thực phẩm hoặc cả đối với hoạt động đánh giá rủi ro thực hiện bởi các cơ quan nhà nước.
Đưa quy định cấm nhập khẩu thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh truyền nhiễm.
Trung Quốc gia tăng các quy định kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Trong ảnh: Xe chở nông sản chờ thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: VGP.
Đặc biệt, theo Lệnh 248, doanh nghiệp sản xuất nước ngoài phải đăng ký khi xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc, gồm: thịt và các sản phẩm từ thịt, vỏ ruột, sản phẩm thủy sản, sản phẩm từ sữa, yến sào và sản phẩm từ tổ yến, sản phẩm từ ong, trứng và các sản phẩm từ trứng, chất béo và dầu thực phẩm, thực phẩm chế biến hỗn hợp từ bột mì, thực phẩm từ ngũ cốc, sản phẩm công nghiệp xay xát ngũ cốc và mạch nha, rau củ tươi và khô (rau tách nước, sấy), đậu khô, gia vị, các loại hạt (quả hạch) và hạt giống, trái cây sấy khô, hạt cà phê và hạt ca cao chưa rang, thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm chức năng. Đây đều là những sản phẩm Việt Nam đang xuất khẩu số lượng khá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại đã nêu doanh nghiệp phải tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện đăng ký.
Việc phê duyệt mã sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc còn chậm
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT cho biết, ngay sau khi Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng lệnh mới trong kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, Bộ NNPTNT đã nhanh chóng phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn và giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp; ban hành các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký thông tin với cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Có 187/270 doanh nghiệp do Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đã được cấp mã xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong ảnh: Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc. Ảnh: Báo Bình Thuận.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Bộ NNPTNT cũng tích cực trong trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để triển khai đáp ứng quy định mới; từ tháng 11/2021 đến nay, Bộ NNPTNT tiếp nhận các vướng mắc từ các cơ quan có thẩm quyền, của khối doanh nghiệp để trao đổi trực tiếp hoặc thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc phát sinh.
Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, đến ngày 22/02/2022, có 1.656 doanh nghiệp được cấp mã số, trong đó, 779 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được cấp mã số, đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định và không bị gián đoạn.
Có 187/270 doanh nghiệp do Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đã được cấp mã, tuy nhiên do mức độ đa dạng của sản phẩm nên hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới cấp khoảng 70% khối lượng theo đề xuất Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đăng ký và đang tiếp tục.
Có 11 doanh nghiệp xuất khẩu sữa thuộc thẩm quyền Cục Thú y quản lý; số còn lại là mã số cấp cho doanh nghiệp thực hiện theo loại hình tự đăng ký; doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Y tế.
Bộ NNPTNT cũng nêu rõ một số khó khăn trong việc xin cấp mã số của doanh nghiệp xuất khẩu như tồn tại một số lỗi kỹ thuật khi sử dụng hệ thống đăng ký doanh nghiệp nước ngoài trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc do hệ thống mới vận hành như: tốc độ truy cập chậm, ngôn ngữ Tiếng Trung, lỗi giao diện khó theo dõi...
Việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp.
Từ thực tế đó, Bộ NNPTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT tiếp tục làm đầu mối trao đổi với phía Hải quan Trung Quốc và phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý tại các địa phương để triển khai tiếp việc đăng ký doanh nghiệp.
Tăng cường trao đổi với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật khi đăng ký trên cổng thông tin điện tử một cửa của Hải quan Trung Quốc; tháo gỡ việc chậm cấp mã số doanh nghiệp cho các mặt hàng là sản phẩm có nguồn gốc thực vật và những vướng mắc phát sinh.
Triển khai theo Nghị định thư về yêu cầu Thú y và sức khỏe cộng đồng đối với sản phẩm sữa Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc ký ngày 26/42019.
Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục tăng cường đôn đốc và trao đổi với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Lệnh 248 &249.
Đăng ký đúng quy trình của Trung Quốc mà vẫn chưa được cấp mã số, Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị khẩn Trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) vừa có văn bản đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Trung Quốc đã phê duyệt 1.528 mã...