Nhiều đô thị ‘bỏ hoang’ sau 10 năm Hà Nội mở rộng
10 năm mở rộng,địa giới hành chính,đô thị bỏ hoang, Mê Linh, Hoài Đức
Những “đô thị ma”
Từng gây sốt trên thị trường bất động sản (BĐS) phía Bắc Thủ đô, sau ngày sát nhập về Thủ đô những năm 2008-2009, đến nay các khu đô thị mới, các dự án nhà ở tại huyện Mê Linh (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc-PV), vẫn là những khu đất trống, những khu nhà xây dở dang lâu ngày không một bóng người.
Tại xã Tiền Phong nơi tập trung nhiều dự án nhất của huyện Mê Linh, với gần 20 dự án nhà ở, khu đô thị (KĐT) quy mô hàng trăm hecta như: Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Cty CP Vinh Sơn trên 60ha; Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Cty CP ĐTXD&TM Phúc Việt quy mô 24,3 ha; Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân KCN của Cty CP ĐT-XD số 18 quy mô gần 16 ha; KĐT Minh Giang Đầm Và (2 giai đoạn) của Cty TNHH Minh Giang gần 22ha; dự án làng hoa Tiền Phong của Cty TNHH Tiền Phong trên 40ha; Làng Quốc tế Tiền Phong gần 30ha.., đều trong tình trạng đắp chiếu, cỏ mọc um tùm.
Ngay cả khu đô thị Hà Phong quy mô trên 41 ha do Cty CP Hà Phong làm chủ đầu tư, một trong ít ỏi khu đô thị đầu tiên trong danh sách dự án được đưa vào sử dụng cũng chỉ thấy thấp thoáng vài căn biệt thự, nhà phố có người ở trong tổng thể hàng trăm lô biệt thự. Kề đấy, dự án Spring Hill City đã được đầu tư hạ tầng nhưng đến nay làm nơi chăn thả trâu bò, cỏ hoang phủ kín lối vào các khu biệt thự.
Dự án khu đô thị Thanh Lâm-Đại Thịnh 2 do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư dang dở gần chục năm.
Ngay sát trụ sở Huyện uỷ-UBND huyện Mê Linh là KĐT mới Thanh Lâm-Đại Thịnh 2 với diện tích lấy đất hàng trăm ha.
Những khu đô thị tại huyện Mê Linh dở dang hạ tầng với những cống bê tông bỏ trơ giữa đồng cỏ.
Lãnh đạo UBND huyện Mê Linh cho biết: Trong 47 dự án khu đô thị và dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Mê Linh với tổng diện tích đất khoảng 1.800 ha, nhiều dự án trong số này dù không phải điều chỉnh quy hoạch được phép tiếp tục triển khai ngay nhưng gần chục năm nay vẫn hoang tàn, việc thu hồi, bồi thường GPMB đều dở dang. Có thể điểm mặt những “ông lớn” như: Khu nhà ở của Cty Vinaconex 2 thuộc xã Quang Minh với quy mô gần 22ha hiện vẫn còn diện tích chưa GPMB; Khu du lịch 79 mùa xuân của Cty CP An Phát (Toàn Thắng) tại xã Thanh Lâm với quy mô gần 100 ha.
Video đang HOT
Riêng Tổng Công ty HUD đang “ôm” nhiều dự án KĐT với hàng trăm hecta đất, gần chục năm nay không triển khai xây dựng, rất nhiều diện tích đất chưa đền bù, chưa GPMB. KĐT Thanh Lâm – Đại Thịnh 1 (53,57ha); KĐT Mê Linh -Đại Thịnh (141,84ha); KĐT Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 trên 55 ha được triển khai từ lâu nhưng đến giờ vẫn còn GPMB dang dở (0,18ha chưa GPMB).
Nhiều dự án dù không phải điều chỉnh quy hoạch được phép tiếp tục triển khai ngay nhưng gần chục năm nay vẫn hoang tàn.
Các dự án đình đám một thời như KĐT Cienco5 của Cty XD công trình 547 tại xã Tiền Phong (giai đoạn 1-36 ha), đến nay các tuyến đường trục đã hoàn thành thông xe nhưng dấu vết còn lại chỉ là những ống cống bê tông bỏ trơ giữa đồng cỏ. KĐT Cienco5 (giai đoạn 2 và giai đoạn mở rộng) cũng của nhà đầu tư này với trên 30 ha hiện vẫn đang dang dở GPMB đền bù cho người dân.
Đến những dự án, KĐT “ma” phía Tây chưa biết ngày hoàn thành
Tại huyện Hoài Đức, huyện Thạch Thất (trước đây thuộc tỉnh Hà Tây-PV) nơi mà giới đầu tư nhận định sẽ có tốc độ phát triển vượt bậc khi về Hà Nội, bởi được quy hoạch nằm trong phần “lõi” trung tâm mới phía Tây; có lợi thế về hạ tầng giao thông, kết nối với các trục giao thông hướng tâm lớn nhất như Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long… Chính vì thế, Hoài Đức từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của các “ông lớn” BĐS với hàng loạt dự án nhà ở, KĐT mới được phê duyệt trước và sau này về Hà Nội. Tuy nhiên thực tế đến nay hàng loạt KĐT của những “ông lớn” vẫn dang dở, hoang tàn. Thậm chí, nhiều dự án, KĐT mới ở khu vực này được xem dự án “ma” vì bỏ hoang lâu năm không ai về ở.
Tại huyện Hoài Đức nơi lâu nay được giới đầu tư nhận định sẽ có tốc độ phát triển vượt bậc trong 19 huyện của Hà Nội, bởi được quy hoạch nằm trong phần lõi trung tâm mới phía Tây nhưng hàng loạt KĐt mới dang dở, hoang tàn.
KĐT Lideco Bắc 32 của Công ty Cổ phần phát triển Đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư nằm tại trung tâm thị trấn Trạm Trôi trên 38 ha, được xem là KĐT hoàn chỉnh nhất khu vực này, sau nhiều năm đưa vào sử dụng đến nay chỉ lác đác vài hộ sinh sống. Những ngôi biệt thự kiểu dáng châu Âu vẫn hoàng tàn, cỏ mọc um tùm.
Liền kề với KĐT Lideco là hàng loạt các KĐT gây “sốt” một thời như KĐT Kim Chung – Di Trạch, KĐT Nam 32, Vân Canh, Vườn Cam…, đang trong cảnh hoang tàn, dở dang. Điển hình dự án Kim Chung – Di Trạch diện tích trên 140 ha, quy mô dân số 23.000 người do Tổng Cty CP Thương mại và xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư, với giá bán liền kề lên đến 50-60 triệu đồng/m2 năm 2006 – 2007 khi nó chưa về Hà Nội. Nhưng sau 10 năm về Hà Nội, dự án vẫn chỉ là KĐT bỏ hoang, chôn theo hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư. Người dân gọi đây là KĐT “ma” bởi sự hoang tàn bao năm nay.
Dự án KĐT mới Kim Chung – Di Trạch nằm trên địa bàn hai xã Kim Chung và Di Trạch (huyện Hoài Đức) do Tổng Cty CP Thương mại và xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư với diện tích trên 140 ha; quy mô dân số khoảng 23.000 người vẫn cảnh hoang tàn.
Cỏ mọc tùm lum trên đất dự án bỏ hoang 10 năm.
Cảnh những dãy biệt thự, nhà liền kề hoang tàn, bỏ hoang từ nhiều năm nay tại khu đô thị Kim Chung-Di Trạch (huyện Hoài Đức).
Hậu quả từ việc dễ dãi phê duyệt dự án
Trao đổi với Tiền Phong, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, sau 10 năm Hà Nội mở rộng việc những dự án tại Mê Linh, Hoài Đức… vẫn bị bỏ hoang khi các chủ đầu tư không thực hiện là vi phạm và sẽ bị thu hồi.
Theo ông Tùng đây là hậu quả của việc quá dễ dãi trong vấn đề cấp đất, phê duyệt cho các dự án: “Có lợi ích nhóm ở đó nên có nhà đầu tư thậm chí sau khi có đất rồi họ không làm họ sang tay chuyển nhượng kiếm tiền có thể gấp nhiều lần giá trị ban đầu. Thành phố cần khẩn trương thu hồi và xử phạt thật nặng nếu chủ đầu tư không tái khởi động lại dự án. Bởi phạt nặng đảm bảo tính minh bạch trong quản lý đô thị, quản lý đất đai”, ông Tùng nói.
Theo Ninh Phan-Hoài Nam
Tiền Phong
Quy hoạch Thủ đô định hình để phát triển
Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, diện tích Thủ đô định hình hơn 3.358 km2, dân số 7,7 triệu người (gấp 1,24 lần so với năm 2008) với 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Để định hình Thủ đô trong không gian mới, công tác quy hoạch luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm.
Rà soát lại một loạt đồ án quy hoạch
Thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai ngay việc xây dựng chiến lược, quy hoạch và cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trên địa bàn mở rộng. Hà Nội đã tổ chức rà soát 642 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai 329 đồ án phù hợp với quy hoạch Hà Nội mở rộng; hoàn thành việc rà soát, đề xuất cho dừng, giãn, hoãn, chuyển đổi mục đích đầu tư các dự án không phù hợp định hướng quy hoạch mới.
Một góc khu đô thị phía tây Hà Nội mở rộng.
Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội cho biết: Hà Nội cũng triển khai nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch nguồn nhân lực Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch sử dụng đất Thành phố đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015). Đây là những quy hoạch mang tính định hướng và phải đi trước một bước.
Cùng với đó, Hà Nội phối hợp với các cơ quan Trung ương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Thủ đô, được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012; trên cơ sở đó, Thành phố đã ban hành 11 cơ chế, chính sách cụ thể hóa Luật Thủ đô để triển khai thực hiện trên địa bàn. Giai đoạn này, Hà Nội đã hoàn thành đô thị hóa huyện Từ Liêm và điều chỉnh địa giới thành 2 quận. Hiện nay Thành phố đang chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển và chuyển đổi huyện Hoài Đức thành quận để nâng cao tỷ lệ đô thị hóa.
Trong 10 năm qua, không gian đô thị phát triển theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tạo nên diện mạo mới sau 10 năm phát triển. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành: Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh về phía Tây; Việt Hưng, VinHome RiverSide về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda về phía Nam; Ciputra ở phía Bắc;... cùng với các khu đô thị mới trong vành đai 3 như Royal City, Times City, Trung hòa Nhân Chính... đã tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm phát triển.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án như công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia; kêu gọi đầu tư phát triển Thành phố thông minh khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài.
Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng, phát triển Thủ đô xứng với tiềm năng hiện có, Hà Nội kiến nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Thủ đô, đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị bổ sung một số cơ chế, chính sách tài chính đối với Thủ đô Hà Nội trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ nhằm phát huy tính chủ động, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.
Sớm giải quyết những bất cập
Tại hội nghị góp ý cho báo cáo tổng kết 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, không ít ý kiến đã chỉ ra những tồn tại mà Hà Nội cần sớm khắc phục. Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung Ương Cao Đức Phát cho rằng: Hà Nội cần có những đánh giá chất lượng và việc thực hiện quy hoạch. Trong quy hoạch, Hà Nội định hướng những đô thị vệ tinh để kéo giãn dân trong nội đô nhưng đến nay chưa hình thành được những khu đô thị vệ tinh để kéo giãn mật độ dân số trong nội thành. Hà Nội vẫn còn tập trung các hoạt động kinh tế nhiều vào trong nội đô. Điều đó thể hiện qua việc giao thông quá tải dẫn đến tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường còn tồn tại trong khu vực nội thành.
Đối với các khu vực sát nhập về Hà Nội, không ít dự án treo vẫn đang tồn tại đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đơn cử như tại Mê Linh, có tới 47 dự án khi chuyển giao về Hà Nội thì đến nay mới chỉ có 1 dự án đã xong, 12 dự án đình chỉ, còn lại triển khai rất chậm. "Do đó trong tháng 8 này, Thành phố sẽ có cuộc hợp chuyên đề để giải quyết những vướng mắc với các dự án còn lại", ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở KHĐT cho biết.
Trong khi đó, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng: Với không gian mở rộng, thành phố có nhiều điều kiện phát triển thành trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước. Ông Tuấn cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, trong đó có việc hình thành nhiều khu đô thị nhưng chưa có khu đô thị nào đồng bộ, đủ thu hút dân cư, góp phần giải tỏa, gánh đỡ cho nội đô.
Còn kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục, một trong những người được mời thiết kế Khu đô thị Linh Đàm từ đầu chia sẻ: Khu nhà ở Bắc Linh Đàm nguyên bản với hình thành các phố trong khu đô thị, khu sinh hoạt chung. Quy hoạch chung với 60% diện tích khu là sân chơi, sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa; nhà ở chiếm 23%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khu đất HH bị phá vỡ quy hoạch ban đầu và biến thành Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với khoảng 8.000 căn hộ. Công trình do Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư với 4 tổ hợp nhà từ 35 đến 41 tầng (khoảng 20 căn hộ/tầng) trên khu đất khoảng 3 ha. Mỗi tổ hợp lại gồm 3 đơn nguyên nhà A, B, C. Tổng cộng khu HH có tới 12 tòa nhà chung cư cao tầng, mật độ xây dựng trên 50%.
Điều này cho thấy quy hoạch tại nhiều khu nội đô đang không như ban đầu, đây là một trong những nguyên nhân khiến hạ tầng dù đã được cải tạo so với trước nhưng không đồng bộ, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, áp lực dân số ngày càng lớn... Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội còn rất nhiều việc phải giải quyết trong việc thực hiện đúng với quy hoạch được duyệt.
Theo XC
Báo tin tức
Hà Nội: "Làng" biệt thự triệu đô hễ mưa là ngập, dân bơi xuồng trên đường phố Sống trong những ngôi biệt thự, nhà liền kề hoành tráng có giá trị cả triệu đô la, nhưng những cư dân ở khu đô thị khu Geleximcon vẫn nói với nhau "cứ mưa to là họ rẽ sóng ra khơi, được đi thuyền trên phố". Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn- Geleximco của chủ đầu tư là Công ty CP Xuất...