Nhiều điểm mới tạo điều kiện tối ưu hơn cho người dân
Bộ Tài chính đã chính thức trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP.
Thủ tục bồi thường bảo hiểm bắt trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới sẽ thuận lợi, đơn giản hơn.
Theo đó, dự thảo đã bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục, bồi thường, khắc phục thiệt hại cho người dân tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Sẽ cân đối hơn về mức phí và trách nhiệm bảo hiểm
Theo đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 103/2008/NĐ-CP được xây dựng trên quan điểm kế thừa, hợp nhất các quy định vẫn còn phù hợp và sửa đổi, hoàn thiện một số quy định hiện hành, bổ sung một số quy định mới đặc thù đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới.
Theo đó, về giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, dự thảo nghị định bỏ quy định về mẫu Giấy chứng nhận bảo hiểm, chỉ quy định những thông tin bắt buộc cần có như: Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới; số biển kiểm soát hoặc số khung, số máy; loại xe, trọng tải, số chỗ ngồi, mục đích sử dụng đối với xe ô tô; tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH); mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự đối với bên thứ ba và hành khách; trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn; thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm;…
Mở rộng phạm vi đối tượng, nâng mức chi hỗ trợ nhân đạo
Video đang HOT
Mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành là 100 triệu đồng/người/vụ, dự kiến sẽ được nâng lên 150 triệu đồng/người/vụ. Trong khi đó mức phí bảo hiểm cơ bản là không thay đổi.
Dự thảo cũng quy định mở rộng phạm vi đối tượng cũng như nâng mức chi hỗ trợ nhân đạo. Theo quy định hiện hành, mức chi hỗ trợ nhân đạo là 20 triệu đồng/người/vụ đối với trường hợp tử vong, dự thảo nghị định quy định mức chi hỗ trợ nhân đạo là 45 triệu đồng/người/vụ. Ngoài ra, dự thảo nghị định còn bổ sung thêm chi hỗ trợ cho các trường hợp điều trị cấp cứu, trong đó mức chi dự kiến 15 triệu đồng/người/vụ.
Về phí bảo hiểm và thanh toán phí bảo hiểm, dự thảo nghị định quy định theo hướng Bộ Tài chính quy định mức phí bảo hiểm căn cứ trên số liệu thống kê nhằm bảo đảm khả năng thanh toán của DNBH, tương ứng với mức trách nhiệm bảo hiểm và mức độ rủi ro để đáp ứng cơ bản chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế đối với nạn nhân bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản. Đồng thời, dự thảo nghị định quy định căn cứ vào lịch sử tai nạn giao thông và năng lực chấp nhận rủi ro, DNBH được chủ động xem xét tăng phí bảo hiểm tối đa 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định nhằm thực hiện lộ trình tính phí bảo hiểm theo rủi ro cụ thể của từng xe cơ giới.
Về mức trách nhiệm bảo hiểm, dự thảo nghị định bổ sung quy định căn cứ chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế đối với nạn nhân bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản, Bộ Tài chính quy định mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới để vừa bảo đảm mục đích, tính chất của bảo hiểm bắt buộc, vừa đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong điều chỉnh mức trách nhiệm, bù đắp các chi phí trên khi có thay đổi, biến động.
Tạo điều kiện hơn về hỗ trợ tài chính và thủ tục bồi thường
Theo đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, nhằm đảm bảo nạn nhân nhanh chóng có đủ nguồn tài chính hợp lý, cần thiết để được chữa trị, chi trả các chi phí y tế, dự thảo nghị định bổ sung quy định trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Cụ thể, trong trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì tạm ứng 70% mức trách nhiệm bảo hiểm đối với trường hợp tử vong, 50% mức bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu; còn trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì tạm ứng bồi thường 30% mức trách nhiệm bảo hiểm đối với trường hợp tử vong, 10% mức trách nhiệm bảo hiểm đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.
Cùng với đó, về hồ sơ bồi thường bảo hiểm, dự thảo nghị định quy định theo hướng tăng cường minh bạch, giảm nhẹ gánh nặng cho bên mua bảo hiểm, người đươc bảo hiểm (chủ xe cơ giới, người lái xe) và tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của DNBH để góp phần đẩy nhanh quá trình giải quyết bồi thường. Theo đó, dự thảo đã cụ thể hóa số lượng hồ sơ bồi thường các bên phải cung cấp; phân định rõ trách nhiệm thu thập của DNBH, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm đối với từng loại tài liệu cụ thể của hồ sơ bồi thường.
Dự thảo cũng đã cắt giảm 2/5 chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; chỉ yêu cầu các tài liệu của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn trong trường hợp các vụ tai nạn gây hậu quả tử vong đối với hành khách và bên thứ ba, đồng thời quy định rõ thời hạn cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp bảo hiểm; bổ sung biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, người lái xe.
Theo quy định hiện hành, thời hạn bảo hiểm 1 năm áp dụng cho tất cả các phương tiện xe cơ giới chưa tạo điều kiện cho việc tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy. Do đó, để tăng cường tỷ lệ tham gia bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, giảm chi phí khai thác cho DNBH và tạo thuận lợi cho chủ xe cơ giới, dự thảo nghị định đã có sửa đổi bổ sung. Theo đó, đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm. Đối với xe cơ giới còn lại thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm.
Sẽ có thay đổi trong thu chi bảo hiểm trách nhiệm đối với chủ xe cơ giới
Bộ Tài chính vừa hoàn thành Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, mức bảo hiểm đã có nhiều thay đổi.
Sẽ nâng mức trách nhiệm bảo hiểm với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra lên 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn. Ảnh: ST
Tăng mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về con người
Trong dự thảo Thông tư lần này, nội dung đáng chú ý là nâng mức trách nhiệm bảo hiểm với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra. Mức trách nhiệm bảo hiểm này quy định trong Thông tư số 22/2016/TT-BTC là 100 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) trong một lần trao đổi với báo giới, mức bồi thường này chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra. Do vậy, trong dự thảo Thông tư, mức bồi thường này được tăng lên là 150 triệu đồng/vụ (tăng thêm 50 triệu đồng so với quy định hiện nay).
Bên cạnh đó, Dự thảo bổ sung thiệt hại về tài sản do xe máy điện gây ra vào đối tượng được bồi thường cùng nhóm với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự gây ra. Mức bồi thường là 50 triệu đồng/vụ tai nạn; Đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc; sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe máy chuyên dùng gây ra, mức bồi thường vẫn được giữ nguyên là 100 triệu đồng/vụ tai nạn.
Một nội dung đáng chú ý nữa của Dự thảo là quy định về cơ cấu tổ chức hoạt động của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới và tỷ lệ chi cho tằng nội dung của Quỹ này. Theo đó, tiền của Quỹ sẽ được dùng để chi cho công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ (không vượt quá 10% tổng số tiền có trong Quỹ); chi cho công tác tổ chức tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ và chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (mức chi không vượt quá 15; chi hỗ trợ nhân đạo (mức chi không thấp hơn 35%).
Ngoài ra, Dự thảo cho phép chi tối đa 10% tổng số tiền có trong Quỹ để hỗ trợ khen thưởng thành tích cho lực lượng công an trong công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý vi phạm hành chính các chủ xe cơ giới trong việc thực hiện quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và công tác điều tra xác minh các vụ gian lận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc doanh nghiệp bảo hiểm...
Dự thảo cũng quy định, định kỳ hàng quý, 6 tháng, Quỹ này phải có báo cáo gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) và quyết toán cuối năm phải có xác nhận của kiểm toán độc lập và được công bố rộng rãi cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ biết, đảm bảo Quỹ được hoạt động công khai, minh bạch.
Xe máy điện cũng phải mua bảo hiểm bắt buộc
Không chỉ tăng mức trách nhiệm bảo hiểm, dự thảo Thông tư này cũng quy định lại mức phí bảo hiểm của từng loại xe cơ giới. Đáng chú ý, tại Phụ lục 1 về biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự năm của chủ xe mô tô 2 bánh, thay vì chỉ quy định mức phí xe mô tô từ 50 cc trở xuống là 55.000 đồng và xe trên 50 cc là 60.000 đồng thì dự thảo đã bổ sung thêm mức phí của xe máy điện là 55.000 đồng. Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, xe máy điện cũng phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.
Ngoài ra, mức phí bảo hiểm bắt buộc của một số loại xe khác tại dự thảo cũng tăng so với quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC đang được áp dụng, như: xe ô tô không kinh doanh vận tải dưới 6 chỗ ngồi thì phí bảo hiểm tăng 5% từ 437.000 đồng lên 458.850 đồng; xe vừa chở người vừa chở hàng (Pickup, minivan) tăng 7% từ 933.000 đồng lên 998.310 đồng... Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải: nếu dưới 6 chỗ ngồi theo đăng ký tăng 10% từ 756.000 đồng lên 831.600 đồng; xe 16 chỗ ngồi tăng 12% từ 3.054.000 đồng lên 3.420.480 đồng... Còn với xe ô tô chở hàng (xe tải): dưới 3 tấn tăng 13% từ 853.000 đồng lên 963.890 đồng; xe trên 15 tấn tăng 15% từ 3.200.000 đồng lên 3.680.000 đồng...
Nếu dự thảo Thông tư được thông qua, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 quy định Quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Thông tư số 151/2012/TT-BTC ngày 12/9/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 126/2008/TT-BTC ngày 22/12/2008 và Thông tư số 103/2009/TT-BTC ngày 25/5/2009; Thông tư số 43/2014/TT-BTC ngày 11/4/2014 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 126/2008/TT-BTC ngày 22/12/2008, Thông tư số 103/2009/TT-BTC ngày 25/5/2009 và Thông tư số 151/2012/TT-BTC ngày 12/9/2012 của Bộ Tài chính.
Bằng mọi cách phải tìm được 4 nạn nhân mất tích còn lại ở Phước Lộc Những ngày qua, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương khơi thông tuyến đường vào thôn 1 và thôn 3 (xã Phước Lộc, H. Phước Sơn) để đưa các phương tiện cơ giới tiếp cận hiện trường, tìm kiếm 4 nạn nhân vẫn còn mất tích. Các lực lượng đang nỗ lực thông đường đưa xe cơ giới vào...