Nhiều đại gia mất trăm tỷ đồng vì ‘bẫy’ của gã đàn ông 22 vợ
Tạo ra những công năng đặc biệt cho viên thiên thạch, Huy cùng đồng phạm được cho là lên kế hoạch dụ nhiều đại gia vào “bẫy”, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Bộ Công an và VKSND Tối cao vừa chuyển vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Lê Văn Huy (50 tuổi, ngụ Quảng Nam) cầm đầu cho Công an TP HCM và VKS cùng cấp điều tra.
Lê Văn Huy. Ảnh: C.A
Theo hồ sơ, Lê Văn Huy tên thật là Lê Văn Hiếu (năm 2006 đã đổi tên). Từ nhỏ, ông ta theo cha mẹ vào sống tại thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đầu năm 1998, một nhóm người từ TP HCM lên núi tìm thiên thạch, Huy nhận lời dẫn đường và tìm hiểu được sức hút của các hòn “đá trời” được cho có giá hàng triệu USD.
Kết quả điều tra cho rằng, nảy sinh ý định “kiếm chác”, Huy tìm những viên đá có hình dáng và màu sắc lạ. Nhằm đổi “đẳng cấp” cho dễ chiêu dụ, ông ta bán nhà để mua ôtô đắt tiền; sắm quần áo hàng hiệu, nhẫn kim cương… biến mình thành đại gia. Huy sau đó đi khắp nơi thu nạp đồng phạm và tìm những “con mồi” là đại gia, có hứng thú với thiên thạch.
Nhóm Huy được cho là lập những kế hoạch tinh vi, đánh vào tâm lý các “con mồi”. Huy huấn luyện đàn em rành nhiều thủ thuật liên quan đến uy lực của “đá trời” để lừa đảo. Nhóm này chuẩn bị sẵn những “đạo cụ” cho màn ảo thuật khiến kính để gần thiên thạch sẽ rạn vỡ, thủy ngân đông đặc… hay gắn nguồn điện vào đá khiến người chạm vào bị tê dại.
Để đàn em giới thiệu về công năng và giá trị của thiên thạch, Huy sẽ vào vai đại gia trả những khoản tiền khủng để mua lại. Ông ta cũng thành lập hàng loạt công ty kinh doanh đá quý với vốn điều lệ nhiều tỷ đồng.
Viên “đá trời” được nhóm Huy dùng để lừa đảo. Ảnh: C.A
Tháng 6/2012, đồng phạm của Huy tiếp cận vợ chồng doanh nhân tên Thanh ở quận 1 (TP HCM) dụ bán thiên thạch giá 12 triệu USD. Khi họ đang bán tín bán nghi, Huy đứng đằng sau trong vai giám đốc công ty đá quý liên lạc ông Thanh, vờ đặt mua “đá trời” với giá 80 triệu USD.
Video đang HOT
Ông Thanh sập bẫy khi thấy giá nhóm chào hàng so với giá người cần mua quá chênh lệch, nên đã nhận mua viên thiên thạch. Vợ chồng ông Thanh sau đó lên Lâm Đồng gặp người tên Ma Sầu đang giữ viên “đá trời” nặng hơn 5 kg. Ma Sầu nói rằng viên thiên thạch do ông nội người Campuchia để lại, công năng rất lớn.
Họ được nhóm chào hàng đưa lên Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) làm nhiều phép thử như: cho dòng điện chạy qua khiến ông này tê dại khi chạm vào, đặt viên đá gần miếng kính khiến nó vỡ vụn… Tin là tìm được hàng thật, vợ chồng doanh nhân cầm nhà đất ở trung tâm Sài Gòn đưa nhóm này hơn 40 tỷ đồng. Khi mang viên đá về, ông Thanh không thể liên lạc được với Huy.
Nhà chức trách cho hay, bằng thủ đoạn tương tự, Huy và đồng bọn đến Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang… để lừa 8 đại gia. Để qua mắt cơ quan điều tra, đến đâu, Huy cũng làm giấy tờ giả với nhiều tên, thay đổi hàng loạt ôtô, lập nhiều công ty…
Một trong số nhiều lệnh truy nã đặc biệt của Huy. Ảnh: C.A
Từ năm 1998, quá trình di chuyển nhiều tỉnh, Huy có đến 22 vợ và có 31 đứa con. Hồi đầu năm, ông ta bị cảnh sát bắt khi đang trên đường trốn sang Campuchia. Ngoài các vụ lừa đảo, Huy còn bị tình nghi liên quan đến các vụ giết người bịt đầu mối.
Mới đây, Bộ Công an đã họp liên ngành với nhiều tỉnh thành, sơ kết vụ án. Theo đó, Huy được chuyển về Công an, VKSND TP HCM để kiểm sát và điều tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập, đánh giá vụ án một cách toàn diện, khách quan và có hệ thống.
* Tên nạn nhân được thay đổi
Vy Tường
Theo VNE
Những thiệt hại khiến ông Nén yêu cầu bồi thường 18 tỷ đồng
Đưa ra số tiền yêu cầu bồi thường oan sai 18 tỷ đồng, luật sư và ông Huỳnh Văn Nén cho đây là con số chỉ mang tính tương đối.
Ông Nén đến tòa sáng nay. Ảnh: Tư Huynh
Sáng 11/4, ông Huỳnh Văn Nén và người thân đến TAND tỉnh Bình Thuận nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại 18 tỷ đồng vì phải mang hai án oan về tội Giết người - xảy ra ở xã Tân Minh (huyện Hàm Tân) gần 20 năm trước. Ông bày tỏ mong muốn được Nhà nước sớm xem xét giải quyết số tiền này để lo cho gia đình và các con đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong thời gian ông vướng lao lý.
Thẩm phán Trần Thị Thiên Hương - đại diện TAND tỉnh Bình Thuận - tiếp nhận đơn của ông Nén, giải thích về quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước và yêu cầu ông bổ sung một số tài liệu, chứng cứ.
Trao đổi với VnExpress, luật sư Phạm Công Út - hỗ trợ tư vấn pháp lý cho ông Nén trong việc bồi thường oan sai - cho biết, những thiệt hại xảy ra đối với ông Nén là không thể tính toán bằng con số và cũng khó chứng minh một cách chính xác bởi có những thứ vô hình không thể đong đếm được. Tuy nhiên, ông và những luật sư từng tham gia hỗ trợ kêu oan cho ông Nén đã căn cứ vào Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước để đưa ra số tiền hợp lý đối với những gì ông đã trải qua. Bao gồm 4 khoản: thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tinh thần và thu nhập bị mất trong hơn 17 năm 6 tháng chịu oan sai.
Trong đó, ông Huỳnh Văn Truyện (cha ông Nén) đã cùng những người trong gia đình ròng rã đi kêu oan trong nhiều năm, tốn kém rất nhiều chi phí. Để có tiền đi đến các cơ quan tố tụng từ Bắc đến Nam kêu oan và thăm nuôi ông Nén, gia đình ông đã phải bán nhà, đất và nhiều tài sản khác.
"Gia đình ông Nén có lúc tưởng như khánh kiệt, con cái không được học hành, thất nghiệp... Không phải tài sản nào bán đi cũng để lại giấy tờ, hóa đơn để chứng minh thiệt hại. Vì vậy chúng tôi mong cơ quan chức năng giải quyết trên tinh thần bù đắp những mất mát cho ông Nén", luật sư Út nói.
Từ một người khỏe mạnh, là lao động chính trong gia đình, sau nhiều năm bị giam oan sức khỏe ông Nén hiện giảm sút, một bên mắt gần như bị mù. Ngoài ra, trong thời gian bị giam ông cho là mình bị bức cung, nhục hình, để lại những thương tích trên cơ thể.
Luật sư cho biết, ông Nén còn có những biểu hiện về tâm thần khi nhiều lúc đuổi đánh vợ con. Trước Tết, ông được gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện tâm thần TP HCM và được kết luật có dấu hiệu bệnh lý. Những chứng cứ này cũng được ông củng cố trong hồ sơ yêu cầu bồi thường oan sai.
"Từ một người không giết người thành một người phải buộc thừa nhận đến chi tiết hành vi gây án và những vết tích bầm dập trên cơ thể của ông ấy đến nay vẫn còn thì cơ quan tố tụng cũng cần xem xét", luật sư Út nêu quan điểm.
Về khoản tổn thất tinh thần, luật sư cho rằng, ông Nén không chỉ bị tổn thất nặng nề do bị kết án oan, có thời gian bị người dân xa lánh mà vợ con ông cũng bị người đời chê trách. Nặng nề nhất là việc ông Nén bị mất niềm tin với gia đình vợ vì từ lời khai của ông mà 9 người bị cáo buộc là hung thủ trong vụ giết bà Dương Thị Mỹ (còn gọi là kỳ án vườn điều). Vụ việc khiến cả gia đình vợ ông tán gia bại sản, có người đã chết khi chưa được minh oan.
Luật sư Út tính toán, ông Nén phải chịu hai bản án oan với tổng cộng 17 năm 6 tháng 11 ngày tù. Trong đó, có những ngày ông được tại ngoại nhưng vẫn mang thân phận bị can và chỉ được thay đổi biện pháp ngăn chặn. Theo quy định của pháp luật, khoản bồi thường bị mất thu nhập do bắt giam oan sẽ được tính là một ngày tù bằng 3 ngày lương tối thiểu.
Trong đơn yêu cầu bồi thường oan sai, ông Nén cũng bày tỏ tâm nguyện được giải quyết tiền bồi thường để trả ơn những người đã giúp ông giải oan dù họ không đòi hỏi.
Luật sư Phạm Công Út và ông Nén. Ảnh: Phước Tuấn
Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội Giết người. Tháng 4/1998, ông bị cho là dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp chiếc nhẫn, bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản.
Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước. Do không chứng minh được hành vi phạm tội, 12 năm sau đó cơ quan điều tra phải minh oan cho họ, bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén đang thi hành bản án chung thân nên không được giải quyết.
Cuối năm ngoái, ông Nén được TAND tỉnh Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương do cảnh sát tìm được hung thủ giết bà Bông. Ngay khi được minh oan, ông đề nghị xử lý hình sự 14 cán bộ trong ngành công an, VKS, TAND tỉnh Bình Thuận gây oan sai cho ông và 9 thành viên trong gia đình vợ. Trong đó chỉ rõ điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra ký kết luận điều tra, kiểm sát viên, lãnh đạo VKS ký cáo trạng, thẩm phán xét xử cấp sơ thẩm.
Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã đến thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận làm việc với ông Truyện, 8 người trong gia đình vợ ông Nén và với anh Nguyễn Phúc Thành - người có đơn từ trong trại giam tố cáohung thủ thật sự giết bà Bông chứ không phải ông Nén.
Hải Duyên - Tư Huỳnh
Theo VNE
Sếp ngân hàng tiếp tay cho đại gia thủy sản chiếm đoạt 1.000 tỷ Người từng đứng đầu Ngân hàng VDB - Chi nhánh Minh Hải thừa nhận được các doanh nghiệp đặt vấn đề xin hạn mức vay trước khi phân bổ vốn dẫn đến thất thoát 1.000 tỷ đồng. Cùng với việc truy tố giám đốc 7 công ty, xí nghiệp thủy sản ở Cà Mau và chục nhân viên về tội Lừa đảo chiếm...