Nhiều “chiêu” lách nghĩa vụ quân sự
Mỗi năm có hai đợt tuyển quân, phải chi cho phường đội 8 triệu đồng/lần để “lo” cho con khỏi đi nghĩa vụ.
Như vậy ngân sách không thu được tiền mà tiền lại rơi vào túi cá nhân.
Nhiều ý kiến trong giới nhà giàu đồng tình đóng tiền, và chấp nhận đóng nhiều tiền, để con em mình khỏi đi nghĩa vụ, tăng thu cho ngân sách.
Nhằm có một cái nhìn đa chiều về đề xuất thu tiền để khỏi đi nghĩa vụ, phóng viên đã tìm gặp giới nhà giàu nhằm lắng nghe quan điểm của họ về chuyện này.
Một giám đốc công ty du lịch có hai con trai đang du học ở Mỹ cho biết mỗi năm ông tốn khoảng 2 tỉ đồng cho hai người con này. “Tiền ăn học, thuê nhà, sách vở, đi lại… mỗi năm ngốn hết của tôi 1 tỉ đồng/cháu. Hai cháu tốn hết 2 tỉ đồng/năm. Như vậy bốn năm đại học, hai “ông nghiện” đốt hết của tôi 8 tỉ đồng”.
Hàng năm, rất nhiều thanh niên chấp hành nghiêm túc việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với đất nước. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Chưa hết, vì hai con trai của ông đang trong độ tuổi gọi nghĩa vụ quân sự (18-25 tuổi) nên hàng năm, phường đội đều có “trát” gọi hai lần vào tháng 1 và tháng 8. “Mỗi lần như vậy, tôi phải đem visa, giấy xác nhận đang học ở Mỹ… của các cháu lên phường đội để “trình diện” nhằm chứng minh các cháu không trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Mà nào đã yên, cứ mỗi kỳ nghỉ tết, nghỉ hè… hai cháu về nhà chơi, cũng là thời điểm nhận giấy báo đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự gửi về tận nhà. Thấy “rách việc” quá, tôi lên gặp phường đội trưởng thì được vị này tư vấn cách “lách”. Đó là cứ nói hai cháu nhận giấy báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự trễ, lại đang đi chơi hoặc thăm ông bà ở quê… nên không đi khám sức khỏe được. Mà không đi khám thì làm sao trúng tuyển, cho nên lần nào cũng… thoát”, vị giám đốc tâm sự.
Một vị nhà giàu khác chỉ thêm chiêu khác. Đó là cứ đi khám sức khỏe bình thường, nhận giấy báo trúng tuyển bình thường, nhập ngũ bình thường rồi… một tuần sau loại ngũ. “Lúc đó anh cứ yên tâm đi làm nhưng phụ cấp, tiền ăn… của anh thì lãnh đạo đơn vị nhận. Cái đó gọi là đôi bên cùng có lợi”, ông này chỉ điểm.
Cao thủ hơn, theo quy định, hai tháng quân trường, anh sẽ không được quyền ra khỏi đơn vị và không được về thăm nhà. “Trên thực tế, hàng tuần tôi vẫn về thăm nhà, thăm người yêu… bình thường. Chỉ cần lúc lên “biết điều” với lãnh đạo đơn vị, thế là xong. Thậm chí nhiều bạn tôi “chung chi” đẹp còn được ở hẳn nhà, đi làm kiếm tiền, chẳng cần phải có mặt trong đơn vị mà vẫn có tên trong danh sách”, một người từng đi lính tâm sự.
Phổ biến hơn là chạy tiền để bộ phận khám sức khỏe ghi kết quả khám sai lệch so với thực tế. Chẳng hạn như ghi tăng độ cận thị, nghiện ma túy, xăm mình hình quái thú… để đối tượng được xếp vào diện không đủ sức khỏe nhập ngũ trong đợt đó hoặc năm đó.
Tiêu chuẩn nhập ngũ trong thời bình
Theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 đã được sửa đổi, bổ sung năm 1990, năm 1994, năm 2005 và Thông tư số 167/2010/TT-BQP ngày 19.11.2010 của Bộ Quốc phòng về tuyển chọn và gọi công dân dân nhập ngũ hàng năm, công dân muốn nhập ngũ phải đủ các tiêu chuẩn sau:
-Về độ tuổi: từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, trong đó gọi từ lứa tuổi thấp đến lứa tuổi cao.
Video đang HOT
- Về tiêu chuẩn chính trị, đạo đức:
Thực hiện theo hướng dẫn của liên Bộ Quốc phòng – Bộ Công an về tiêu chuẩn chính trị, nguyên tắc, thủ tục tuyển chọn công dân vào phục vụ trong quân đội.
Những cơ quan, đơn vị trọng yếu, tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng về nguyên tắc tuyển chọn, điều động người vào làm việc ở cơ quan, đơn vị trọng yếu, cơ mật.
Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lữ đoàn 144, Đoàn Nghi lễ Quân đội thuộc Bộ Tổng tham mưu thực hiện tuyển chọn tiêu chuẩn riêng theo quyết định của Bộ Quốc phòng.
Những công dân xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống), không gọi nhập ngũ vào quân đội.
- Tiêu chuẩn sức khỏe:
Tuyển những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo tiêu chuẩn sức khỏe quy định của liên bộ Y tế – Quốc phòng về việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Những công dân mắt tật khúc xạ về mắt (cận thị, viễn thị), nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS, không gọi nhập ngũ vào quân đội.
- Tiêu chuẩn học vấn:
Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ học vấn lớp 8 trở lên. Những địa phương thực sự khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì được tuyển chọn số có trình độ học vấn lớp 7.
Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các xã biên giới được tuyển từ 20-25% có trình độ học vấn cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên, nếu vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu có thể tuyển một số không biết chữ để vừa huấn luyện, vừa học tập để nâng cao trình độ học vấn nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở cho địa phương sau khi xuất ngũ.
Tích cực tuyển chọn, gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề để giảm bớt lưu lượng đào tạo trong quân đội, góp phần thực hiện công bằng xã hội và nâng cao chất lượng xây dựng quân đội.
Theo Kiến thức
Nghĩa vụ quân sự: "Khổ sai đâu mà dùng tiền thay thế!"
"Nghĩa vụ quân sự là một môi trường rất tốt, một trường học rất tốt để rèn luyện thanh niên về phẩm chất đạo đức, về các kỹ năng sống. Vì thế không nên đặt vấn đề dùng tiền thay thế như vậy".
Bên lề kỳ họp Quốc hội, GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn chia sẻ quan điểm với phóng viên báo điện tử Infonet khi đề cập đến giải pháp dùng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự đang được dư luận quan tâm trong những ngày qua.
Sau khi ý tưởng đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự được đưa ra, đã có nhiều ý kiến trái chiều về phương án này, ông có đồng tình với phương án này không?
Tôi không ủng hộ phương án này!
GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trao đổi với phóng viên về ý tưởng nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự chiều 26/11. (Ảnh: Nguyễn Dũng)
Vì sao, thưa ông?
Lý do vì nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ của thanh niên. Nghĩa vụ quân sự là một môi trường rất tốt, một trường học rất tốt để rèn luyện thanh niên về phẩm chất đạo đức, về các kỹ năng sống. Vì thế không nên đặt vấn đề dùng tiền thay thế như vậy.
Những người nào có những khó khăn mà không thu xếp để đi nghĩa vụ quân sự được, đó là điều đáng tiếc. Còn ai đã có điều kiện, có thể thực hiện được nghĩa vụ quân sự thì nó không chỉ là việc thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, mà thực sự đó là một cơ hội rất tốt để rèn luyện.
Bởi vậy tôi cho rằng không nên đóng tiền để thay thế chuyện đó (nghĩa vụ quân sự - PV). Nghĩa vụ quân sự có phải cái gì đó khổ sai đâu mà phải đóng tiền để thay thế?!
Tuy nhiên thực tế cho thấy có nhiều thanh niên trong độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự nhưng lại không đi. Để đảm bảo sự công bằng, nếu anh không đi thì phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó, mà đóng tiền cũng là một trong những giải pháp. Theo ông nếu lý giải như vậy thì có đủ sức thuyết phục không?
Tôi sẵn sàng đi nghĩa vụ quân sự nhưng anh lại không gọi tôi. Vậy vì sao tôi lại phải đóng tiền?! Đúng không ạ?!
Chỉ trong trường hợp tôi tình nguyện, tôi muốn không đi thì tôi mới đóng tiền. Nhưng chính từ chuyện "không muốn đi" ấy mới cần phải đánh dấu hỏi. Vấn đề ở đây không phải là muốn hay không muốn vì đó là nghĩa vụ, mặt khác đó còn là điều kiện rất tốt để cho thanh niên rèn luyện cơ mà.
Những người đã qua thực hiện nghĩa vụ quân sự thường là những người trưởng thành rất tốt sau khi trở về. Đó không chỉ là môi trường tốt mà còn là một cơ hội cho thanh niên. Tôi nghĩ không nên đặt vấn đề dùng tiền thay thế.
Nghĩa vụ quân sự là môi trường rất tốt để thanh niên rèn luyện phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống. (Ảnh IT)
Vậy trong trường hợp không muốn đi nghĩa vụ quân sự, lúc đó có thể dùng tiền thay thế?
Như tôi đã nói, ở đây không có chuyện muốn hay không muốn. Đã là nghĩa vụ thì phải bắt buộc đi. Có thể trước khi đi anh không muốn, nhưng khi đi rồi anh sẽ thấy khác.
Chúng ta thấy như ở Hàn Quốc, có thể những ca sĩ rất nổi tiếng người ta còn đi nghĩa vụ quân sự. Tại sao mình lại đặt vấn đề như vậy? Tôi cho rằng đặt vấn đề đó là không nghiêm túc.
Thông thường chỉ những trường hợp không thi đỗ đại học, lúc đó người ta mới cân nhắc có nên đi nghĩa vụ hay không. Vậy đối với học sinh, sinh viên, theo ông có nên thực hiện nghĩa vụ quân sự đầy đủ không?
Trước đây chúng ta có đặt vấn đề với những đối tượng trúng tuyển vào các trường Đại học, cao đẳng thì sẽ được ưu tiên để các em đi học.
Bây giờ đặt ra vấn đề đó tôi cho rằng rất đúng. Tức là các em phải thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với tổ quốc. Nghĩa vụ này vẫn phải được ưu tiên. Tất nhiên anh có thể bảo lưu kết quả, rồi sau đó khi đi nghĩa vụ về sẽ tiếp tục học.
Chẳng hạn khi đã đến tuổi mà cùng một thời điểm anh được gọi cả nghĩa vụ quân sự và gọi nhập học vì đã trúng tuyển, thay vì trước đây đi học thì bây giờ anh có thể đặt nghĩa vụ quân sự lên trên.
Nếu như vậy sự học của thanh niên có bị lỡ nhịp?
Những thanh niên đã đỗ vào đại học có thể là những con người ưu tú trong số đông. Nhưng không nên đặt vấn đề chỉ những người trượt đại học mới đi nghĩa vụ quân sự. Phải ưu tiên cho nghĩa vụ quân sự, bởi bây giờ môi trường ấy không chỉ là tập tành một vài động tác đơn thuần, mà còn có thể tham gia vào kỹ thuật. Vì thế môi trường quân sự cần phải có nguồn đầu vào tốt.
Thời gian đi nghĩa vụ quân sự không uổng phí đối với thanh niên. Ngược lại sẽ là rất tốt cho những người thanh niên trong cả cuộc đời sau này của họ.
Mặt khác tuổi nghĩa vụ quân sự bị hạn chế. Bởi vậy nếu anh học ngày học đêm rồi đến lúc sẽ không còn tuổi để đi học nghĩa vụ quân sự nữa. Lúc đó anh sẽ mất đi cơ hội, còn việc học là suốt đời.
Theo ông chúng ta có nên đặt vấn đề nghĩa vụ quân sự đối với nữ giới không?
Nữ giới cũng có thể tham gia vào một số lĩnh vực về quân sự, nhưng không thể đưa ra quy định nghĩa vụ bắt buộc đối với nữ giới.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Sơn
Người đề xuất "đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự" cần xin lỗi dân Về ý tưởng "đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự", tướng Lê Mã Lương nói: "Đại biểu quốc hội đó cần phải có lời xin lỗi nhân dân vì phát biểu vội vàng"... Ý kiến bên lề Quốc hội cho rằng có thể cho phép đóng một khoản tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nhằm bảo đảm sự công...