Nhiều ca Covid-19 chưa xác định được nguồn lây trong cộng đồng
Đây là nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 8/4.
PGS Phu nhận định, các ca bệnh số 243, 237, 251chúng ta chưa xác định được nguồn lây nhiễm, cho thấy có sự lây lan trong cộng đồng.
Theo PGS Phu, vừa qua, một số ý kiến quy ngay nguồn lây nhiễm một số ca bệnh mới phát hiện liên quan đến các ổ dịch cũ, đơn cử như bệnh nhân số 243 được cho là lây từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai (bệnh nhân 243 đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3, đến ngày 5/4 được xác định mắc Covid-19). Nếu điều tra dịch tễ cho thấy sự liên quan đến ổ dịch cũ là dễ nhất nhưng phải đặt trường hợp bệnh nhân không lây nhiễm từ đó mà từ cộng đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng với virus Corona (Covid-19), sáng 8/4. Ảnh: VGP
“Qua thực tế, có khả năng trường hợp bệnh nhân số 243 không lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai vì xét nghiệm kháng thể cho thấy người này mới lây nhiễm. Điều tra dịch tễ cũng cho thấy bệnh nhân số 243 di chuyển nhiều nơi, nên phải đặt vấn đề có thể nguồn lây là từ cộng đồng” – PGS Phu cho biết.
Theo ông Phu, tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập ngay, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện.
Vì vậy, các địa phương khi gặp các ca Covid-19 lây nhiễm tương tự, không được mất cảnh giác, chủ quan chỉ cho rằng ca nhiễm mới có liên quan đến những ổ dịch cũ.
PGS Phu nhấn mạnh, trong thời gian tới cần quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người lành, phát hiện sớm trong cộng đồng các ổ dịch nhỏ để xử lý kịp thời.
Video đang HOT
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch Covid-19, nhưng chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng. Bởi trước 0h ngày 22/3, thời điểm chúng ta tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, thì vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.
Vì vậy, ngoài các ổ dịch như quán bar Buddha (TPHCM), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hay các khu cách ly tập trung, chúng ta không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, dứt khoát không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất; tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; coi tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm…; hoàn thiện cơ chế để giám sát, truy vết.
Ban Chỉ đạo thống nhất phải kiên định nguyên tắc từ đầu: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị. Đây là chiến lược không thay đổi.
Đến giờ phút này chúng ta vẫn đang kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca nhiễm cộng đồng. Tất cả các ca nhiễm này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng, cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, chúng ta phải quyết liệt, không được chủ quan, mất cảnh giác. Nhìn lại, ngay trong giai đoạn 1, khi 3 tuần liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca Covid-19 nhiễm mới nhưng Bộ Quốc phòng vẫn tổ chức diễn tập toàn quân để ngay trong tình huống tốt nhất vẫn phải lường trước tình huống xấu nhất.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Đến giờ phút này chiến lược phòng, chống dịch của Việt Nam là rất hiệu quả, hoàn toàn khác các nước phương Tây.
Một mặt chúng ta theo dõi, nghiên cứu các kinh nghiệm trên thế giới nhưng điều quan trọng là phải kiên trì các nguyên tắc chống dịch từ ban đầu. Đặc biệt trong giai đoạn này phải rất chú ý đến việc phát hiện các ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, coi đây là ổ dịch tiềm năng (F0) để tiến hành ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng với các đối tượng F1, F2.
Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, trong 251 trường hợp Covid-19 (tính đến sáng 8/4), có 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 37,4%).
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị mở rộng đối tượng rà soát tại cộng đồng. Trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ không chỉ ở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do…
Đối với người Việt Nam là những người từ nước ngoài về nước; những người đi đến hoặc đi qua vùng có ca nhiễm bệnh trong nước; những người có liên quan dịch tễ đến các ca bệnh; những người sống lang thang, liên quan đến tệ nạn xã hội.
Theo Diệu Linh
Xác định 17 người ở TP.HCM từng đến ổ dịch Covid-19 tại BV Bạch Mai
Cả 17 trường hợp này đều đã được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, hiện đã có kết quả của 2 người đầu tiên.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM vào sáng 3/4, TP.HCM đã xác minh, điều tra 17 trường hợp từng đến bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từ ngày 13/3 đang sinh sống trên địa bàn Thành phố. Hiện, tất cả đã lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 2/17 trường hợp có kết quả âm tính với virus SAR-CoV-2, 15 người đang chờ kết quả.
Được biết, số người liên quan đến bệnh viện Bạch Mai chủ yếu là các trường hợp thăm, khám, điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, người có tiếp xúc với nhà ăn của Công ty Trường Sinh hoặc người có liên quan đến các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Bên trong một khu cách ly tập trung tại TP.HCM
Đối với việc theo dõi, xử trí chuỗi lây nhiễm liên quan quán bar Buddha (quận 2, TP.HCM), TP.HCM đã ghi nhận 16 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 có liên quan quán bar này. Đáng chú ý, khi lấy mẫu xét nghiệm lần 2 đối với những người từng đến bar Buddha, cơ quan chức năng vừa phát hiện thêm 1 trường hợp có nguy cơ nhiễm cao.
Về tình hình chung, trên địa bàn TP.HCM đã có 50 người nhiễm Covid-19 (chưa tính 1 trường hợp nguy cơ cao liên quan quán bar Buddha). Cho tới thời điểm này, 15 trường hợp đã khỏi bệnh (3 trường hợp giai đoạn đầu, 12 trường hợp trong giai đoạn từ 9/3 trở lại đây).
Để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, TP.HCM đang triển khai cách ly tổng cộng hơn 10.000 người. Cụ thể, số người đang còn cách ly tại các điểm cách ly tập trung của Thành phố là 8.035 người, tại các điểm cách ly tập trung của quận/huyện là 438, tại nhà/nơi lưu trú là 1.788.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Ngọc Phạm
'Cuộc đua tốc độ' ở ổ dịch bar Buddha Không phải ngẫu nhiên "ổ dịch" tại quán bar Buddha (P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) được đánh giá là "một chuỗi lây truyền bệnh". Các ca bệnh liên tục được công bố và chỉ sau ít ngày Buddha trở thành ổ dịch lớn nhất phía Nam đến thời điểm hiện tại. Nhân viên y tế thu thập thông tin, lấy mẫu xét nghiệm những...