Nhiều bệnh nhân Covid-19 Đà Nẵng không xuất hiện triệu chứng
40% bệnh nhân không bị sốt, ho hay khó thở, đau mỏi…, các chuyên gia đánh giá vì vậy nguy cơ lây nhiễm nCoV cộng đồng tăng cao.
Theo quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, 40% bệnh nhân Covid-19 vừa được ghi nhận liên quan Đà Nẵng hiện nay không xuất hiện triệu chứng, nhưng vẫn mang mầm bệnh và có thể lây lan. Do đó, quyền Bộ trưởng chỉ đạo “không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào nghi ngờ nhiễm nCoV”.
Do đó, Bộ Y tế chỉ đạo tất cả tỉnh, thành có người về từ vùng dịch gấp rút triển khai khai báo y tế toàn dân. Các trường hợp F1, người từng đến ba bệnh viện Đà Nẵng, cần đưa đi cách ly tập trung lấy mẫu và ưu tiên xét nghiệm trước. Những trường hợp khác tối thiểu cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khỏe. Mọi trường hợp đều được lấy mẫu xét nghiệm tối thiểu hai lần.
TP HCM đang điều trị 8 bệnh nhân Covid-19, đều liên quan vùng dịch Đà Nẵng. Trong đó, theo công bố của Bộ Y tế, ba bệnh nhân 567, 569, 589 không có triệu chứng lâm sàng thường gặp nào mà giới chức y tế từng cảnh báo. Họ vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, kể cả sau khi kết quả xét nghiệm dương tính.
“Bệnh nhân 589″, nam, 42 tuổi, ở quận Tân Phú, là ca ở TP HCM, được công bố hôm 2/8. Anh đi du lịch Đà Nẵng, Hội An, Huế một tuần, từ ngày 18 đến 25/7; sau đó dự tiệc cưới tại Trung tâm For You Palace – khác ngày có “bệnh nhân 416″ đến đây dự tiệc. Bệnh nhân xét nghiệm dương tính nCoV sau một tuần rời Đà Nẵng.
Hai bệnh nhân khác liên quan trực tiếp tới ổ dịch Bệnh viện Đà Nẵng. “Bệnh nhân 567″ chăm sóc người thân ở khoa Ngoại thận – Nội tiết từ ngày 24 đến 28/7. “Bệnh nhân 568″ trông mẹ ở khoa Ngoại – Thần kinh từ ngày 28 đến 22/7. Họ có mặt tại bệnh viện 5 ngày liên tục, sau đó về TP HCM, không có dấu hiệu nhiễm bệnh nào nên vẫn đi làm bình thường, tới khi có thông báo cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Đà Nẵng ghi nhận 120 ca trong 9 ngày qua. Trong số 13 bệnh nhân công bố chiều 1/8, có 5 bệnh nhân 569, 570, 577, 578, 586 được ghi nhận sốt, ho hoặc mệt mỏi. Những bệnh nhân khác, trước đó được ghi nhận là F1 – tiếp xúc gần ca nhiễm, không có triệu chứng nên hành trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người.
Video đang HOT
Khu cách ly 3 lớp tại Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nơi điều trị bệnh nhân Covid-19, cuối tháng 1. Ảnh: Nguyễn Đông.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, ngay từ những ca nhiễm đầu tiên. “Bệnh nhân 13″, nữ công nhân 29 tuổi, ở Vĩnh Phúc, Bộ Y tế công bố dương tính nCoV tối 7/2, song không xuất hiện triệu chứng.
Về từ Vũ Hán, sau 3 tuần kể từ ngày cuối cùng tiếp xúc với vùng dịch, cô gái không hề có những triệu chứng chung bệnh nhân Covid-19 thường gặp. Khuyến cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nhiễm nCoV thường xuất hiện triệu chứng trong 5 ngày đầu, thời gian ủ bệnh tối đa 14 ngày. Giới chức y tế chỉ phát hiện “bệnh nhân 13″ nhiễm nCoV thông qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, trong khi 5 đồng nghiệp cùng chuyến công tác Vũ Hán với cô đều có triệu chứng sốt, ho, khó thở.
Hồi đầu tháng 6, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cùng nhiều bệnh viện, đơn vị chuyên khoa miền Nam và nước ngoài, công bố nghiên cứu cho thấy người nhiễm nCoV không triệu chứng vẫn lây bệnh trong cộng đồng.
Theo nghiên cứu, trong nhóm 30 người nhiễm nCoV, có 13 người (43%) không bị sốt, ho, khó thở, tức ngực. So với bệnh nhân có triệu chứng, nhóm này khó phát hiện nCoV trong các mẫu dịch phết mũi họng, độ thanh thải virus cũng nhanh hơn. Hai trong số 13 người trên đã lây nhiễm cho 4 người khác tiếp xúc gần.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, cho biết nhiễm nCoV không triệu chứng là tình huống khá phổ biến, chiếm tỷ lệ cao, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Những người này có thể lây nCoV cho người tiếp xúc thông qua giọt bắn nước bọt lúc nói, ho.
Kết quả nghiên cứu trên được nhiều chuyên gia y tế trên khắp thế giới đồng thuận. Điều này khiến Tổ chức Y tế thế giới WHO ngày 10/6 phải rút lại phát ngôn “người mắc Covid-19 không triệu chứng rất hiếm khi lây bệnh cho người khác”.
Các chuyên gia chỉ ra rằng tải lượng virus thấp, hoặc mới ở giai đoạn ủ bệnh, cũng khiến các triệu chứng chưa bộc lộ ra ngoài. Cho nên, với nhóm bệnh nhân này, việc đo nhiệt độ, theo dõi sức khỏe không phát huy tác dụng. Việc đeo khẩu trang, cách ly và tăng cường xét nghiệm RT-PCR nhiều lần mới khẳng định được chính xác tình trạng bệnh.
Đến sáng 3/8, Việt Nam ghi nhận 621 ca nhiễm, trong đó 373 người đã khỏi bệnh, 242 bệnh nhân đang điều trị. Cục Quản lý Khám chữa bệnh xác định 13 bệnh nhân đang rất nguy kịch, 21 bệnh nhân tiên lượng nặng. Đến nay, 6 bệnh nhân tử vong hầu hết tuổi cao, có nhiều bệnh lý nền mạn tính nguy hiểm.
Bộ Y tế khẩn cấp điều thêm chuyên gia tới Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam
Trước diễn biến dịch COVID-19 tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn đề nghị 5 bệnh viện tuyến trên cử chuyên gia hỗ trợ các bệnh viện thuộc Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam.
Các thành viên của Tổ công tác Trường Đại học Y Hà Nội trao đổi chuyên môn về xét nghiệm với các cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. (Ảnh: PV/Vietnam )
Ngày 3/8, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn đề nghị 5 bệnh viện tuyến trên cử chuyên gia hỗ trợ 2 Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Trung ương Huế để phục vụ công tác điều trị các bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có công văn số 4114/BCĐQG gửi Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh về việc hỗ trợ đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Trước diễn biến tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam là cơ sở tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 cho tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh lân cận.
Để tăng cường năng lực cho bệnh viện này, bảo đảm thu dung, quản lý, điều trị COVID-19 theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế đề nghị giám đốc 3 bệnh viện trên cử các chuyên gia hỗ trợ đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị người bệnh tại cho Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Hiện tại tỉnh Quảng Nam có 3 bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19, đó là: Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh Quảng Nam (điều trị 10 ca), Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam (hiện điều trị 16 ca), Bệnh viện đa khoa Khu vực Miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam (1 ca).
Sáng 3/8, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã ký liên tiếp 2 công văn điều động khẩn các bệnh viện tuyến trên chi viện cho Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Theo đó, để hỗ trợ điều trị các ca COVID-19 diễn biến nặng tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế cơ sở 2, Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẩn trương cử một đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch COVID-19.
Với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị cử các chuyên gia về hồi sức tích cực đến hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Trước đó, ngày 2/8, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung phòng, chống dịch, giáo sư Tạ Thành Văn-Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đã lựa chọn một êkip về xét nghiệm, gồm đầy đủ các chuyên gia, từ lấy mẫu, mã hóa đến xử lý mẫu, làm và chạy kết quả để đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam hỗ trợ bệnh viện trong công tác phòng chống dịch...
Tổ công tác gồm 8 thành viên do Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Phạm Xuân Thắng làm Tổ trưởng.
Theo giáo sư Tạ Thành Văn, các thành viên tham gia Tổ công tác là những cán bộ chủ chốt, có sức khỏe, có kinh nghiệm, đã thực hiện thành công gần 10.000 mẫu COVID-19 tại lab của trường trong giai đoạn trước.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho biết nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa để Tổ công tác giúp địa phương xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19. Không chỉ trực tiếp làm việc, các chuyên gia còn quan tâm đến công tác đào tạo cho các cán bộ địa phương theo phương pháp cầm tay chỉ việc, để khi Tổ công tác rút, địa phương hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật với chất lượng cao.
Tổ công tác sẽ hỗ trợ không chỉ cho riêng Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam mà còn Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung không ấn định thời gian trở về. Nhà trường sẽ trích Quỹ phòng, chống COVID-19 của trường để chuẩn bị cho cán cán bộ đi công tác với điều kiện tốt nhất có thể, từ trang bị bảo hộ, lương thực, thực phẩm...
Các cán bộ của Đoàn tham gia trực tiếp lấy mẫu xét nghiêm các trường hợp nghi ngờ cần phải xét nghiệm COVID-19./.
Đà Nẵng điều chỉnh chiến lược chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 thế nào? Đà Nẵng quyết định chuyển toàn bộ các ca bệnh COVID-19 khỏi Bệnh viện Đà Nẵng để bệnh viện này cùng Bệnh viện C phục vụ khám chữa bệnh cho hơn 1 triệu dân thành phố. Tại buổi làm việc trực tuyến với Thủ tướng chiều 2/8, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, về công tác điều...