Nhiệt điện Duyên Hải 1: Cảnh giác ‘Formosa’ miền Tây
Vận hành gần 2 năm, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 (thị xã Duyên Hải, Trà Vinh) đã nảy sinh tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống người dân.
Chủ tịch UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh hôm nay tổ chức giám sát và làm việc với nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 về một số nội dung liên quan tới các kiến nghị của cử tri về môi trường có dấu hiệu ô nhiễm.
Chưa báo cáo đã vận hành
Theo Bộ TN&MT, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 đi vào vận hành thương mại hồi tháng 1/2016, nhưng từ đó đến nay không hề nộp báo cáo đánh giá các công trình bảo vệ môi trường cho Bộ.
Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khảo sát thực tế tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1
Giải trình sai phạm này, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Ban quản lý dự án Nhiệt điện 3 cho hay: Do đặc thù của hoạt động nhà máy nhiệt điện chỉ đánh giá tác động được khi đưa vào vận hành nên mới nảy sinh vấn đề nêu trên. Hồi tháng 3, nhà máy đã có báo cáo gửi lên Bộ TN&MT nhưng do trùng hợp với sự cố môi trường Formosa ở Hà Tĩnh nên tạm gác lại và tiếp tục hoàn thiện báo cáo để gửi lên thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay, thông tư 27/2015/TT-BTNMT của Bộ đã quy định trước khi vận hành chạy thử, chủ đầu tư phải gửi công văn cho các cơ quan quản lý về kế hoạch chạy thử tối đa 6 tháng, nếu có trục trặc phải thông báo ngay với cơ quan chức năng.
“Đối với dự án nhiệt điện Duyên Hải, nếu có đặc thù thì cần báo cáo cụ thể theo từng giai đoạn” – ông Đồng nói.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1
Đặc biệt, điều khiến nhiều người dân bức xúc, đó là những tác động tiêu cực đến môi trường không khí, môi trường nước khi phải sống trong khói bụi độc hại, những con đường ngập ngụa bụi bặm, nguồn nước bị nhiễm dầu loang, canh tác nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản phẩm nông nghiệp mất giá vì bị nhiễm khói bụi…
Đại diện Ban quản lý nhà máy cho hay: Nhà máy đã thay thế phương thức đốt dầu FO tại lò hơi phụ bằng đốt dầu DO để giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, nhà máy đã chủ động xây dựng hệ thống xử lý môi trường theo đúng quy chuẩn và báo cáo kết quả quan trắc online về cho Sở TN&MT, Sở Công thương.
Video đang HOT
Trước những động thái cụ thể từ phía nhà máy, ông Đồng đề nghị Ban quản lý dự án bổ sung, cung cấp thêm hồ sơ, tài liệu để chứng minh việc hoàn thành thay đổi quy trình công nghệ chuyển đổi dầu FO sang DO.
Ngoài ra, việc vận hành nhà máy nhiệt điện phát sinh việc xả thải ngầm ra biển, việc này khiến nhiều người hoang mang và lo lắng liệu nước biển có bị ô nhiễm hay không. Lo lắng của nhân dân và lãnh đạo chính quyền là việc kiểm tra giám sát xả thải gặp khó khăn vì không thể quan sát bằng mắt thường.
Bế tắc 1,6 triệu tấn tro xỉ
Trong thiết kế tổng thể về dự án, nhà máy sẽ sử dụng công nghệ xỉ ướt, nhưng khi vận hành chính thức thì lại dung công nghệ xử lí xỉ khô. Điều này đã nảy sinh rất nhiều vấn đề tác động xấu đến môi trường nước và không khí trên địa bàn. Bộ TN&MT đã có văn bản không đồng ý.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Ban quản lý dự án nhiệt điện 3 trình bày về dự án tại cuộc họp sáng nay
Ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định: “Công nghệ thải xỉ khô không gây ô nhiễm không khí do được chuyển bằng đường ống khép kín từ nhà máy ra bãi xỉ, bãi xỉ cũng làm ẩm, lu lèn và phun nước chống buị định kỳ. Công nghệ này cũng không tác động tới môi trường nước mặt, nước biển và nước ngầm”.
Tuy nhiên trong thực tế, việc xử lí xỉ khô đã dẫn đến việc xử lí tro, xỉ trong quá trình vận hành còn gặp nhiều vướng mắc. Theo Sở TN&MT Trà Vinh, mỗi năm lượng tro xỉ ra môi trường lên đến 1,6 triệu tấn. Còn theo quy định, thời hạn bãi chứa tro, xỉ trong 2,5 năm phải tiến hành xử lí. Nếu vận hành 4 nhà máy nhiệt điện thì lượng tro, xỉ mỗi năm sẽ lên tới 2,8 triệu tấn.
Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho hay: “Lượng tro xỉ hiện cần xử lý là khoảng 2 triệu tấn, trong quy hoạch mặt bằng dùng cho bãi chứa tro xỉ tổng cộng 4 nhà máy là 100ha, thế nhưng hiện tại mới vận hành một nhà máy đã sắp đầy diện tích 40/100 ha chứa tro, xỉ. Nếu vận hành 4 nhà máy cùng hoạt động theo đà này, chắc chắn sẽ không có đủ mặt bằng để chứa tro xỉ”.
Trước phương án xử lý tro, xỉ làm nguyên vật liệu tái chế thành gạch không nung, ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng cần phải làm rõ thành phần xỉ thải đảm bảo không có chất nguy hại.
“4 doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lí tro xỉ đã khẳng định xỉ thải của Nhiệt điện Duyên Hải không thể làm vật liệu xây dựng được” – ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Xung quanh việc xử lý bãi xỉ than, đề nghị nhà máy cần lưu tâm, đặc biệt mùa khô phải có biện pháp xử lý không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Về việc xả nước ngầm ra biển như thế nào, đây là vấn đề mà nhà máy và Bộ TN&MT giám sát đảm bảo làm sao không ảnh hưởng đến môi trường. Phía công ty và tỉnh cần chứng minh được chất lượng nước có tuân thủ môi trường hay không. Phải có phương tiện, thống nhất các tiêu chí, gắn với giám sát từ xa.
Theo Đoàn Bổng
Vietnamnet
"Đại gia" Đặng Văn Thành "cứu" bầu Đức?
Bỏ ra 100 triệu USD, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) sẽ "mua đứt" mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai trong tháng 10 này...
Cụ thể, tài sản mà TTC Group dự kiến có được sau thương vụ này gồm có vùng nguyên liệu mía khoảng 6.000 ha, nhà máy đường có công suất ép 7.500 tấn mía/ngày (lớn nhất ở Lào hiện nay), cho sản lượng đường hằng năm khoảng 50.000 tấn và nhà máy nhiệt điện từ nguồn nguyên liệu bã mía.
"Đứt ruột" bán đi mảng... mía đường
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 cho thấy mảng mía đường vẫn chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Cụ thể, doanh thu ngành mía đường năm 2015 của HAGL đạt 871 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 14%), chỉ sau ngành nuôi bò (chiếm 41%) và xây dựng (chiếm 17%) trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành mía đường lại là lớn nhất với 42%.
Sở dĩ, ngành mía đường mang lại tỷ suất lợi nhuận khá cao là vì HAG đã hoàn tất đầu tư khu công nghiệp mía đường tại huyện Samakhixay và Phouvong (tỉnh Attapeu, Lào) và đã đưa vào vận hành từ tháng 2.2013.
"Đứt ruột" bán đi mảng... mía đường
Cùng với lợi thế thổ nhưỡng phù hợp, trồng trọt tập trung theo hướng công nghệ cao, năng suất trồng mía của HAGL ở Lào ước đạt 120 tấn/ha, gấp đôi năng suất trồng mía trung bình của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Đặc biệt, HAGL cũng nhận được rất nhiều ưu đãi từ Chính phủ Lào và Việt Nam... Với những lợi thế đó, không gì là ngạc nhiên khi tỷ suất lợi nhuận gộp từ mía đường của HAGL luôn cao gấp 2,3 lần so với các DN đường trong nước (DN đường trong nước bình quân chỉ 11-13%).
Vì thế, việc HAGL thỏa thuận bán đứt mảng đường cho TTC Group để trả nợ khiến không ít nhà đầu tư cổ phiếu của tập đoàn này cảm thấy thất vọng.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế thì việc HAGL bán đi mảng đường cũng là bước đi "đau nhưng cần thiết" để tập đoàn này tái cơ cấu các khoản nợ, đồng thời tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính của mình.
"Có thể nói việc thâu tóm mảng mía đường của TTC Group là đang cứu bầu Đức", một chuyên gia bình luận.
Theo ghi nhận, tính đến 30.6.2016, Hoàng Anh Gia Lai có khoản nợ phải trả lên tới 32.995 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 26.683 tỷ đồng, giảm được 416 tỷ đồng so với cuối 2015.
Trong số các "chủ nợ" của HAGL, phải kể đến những cái tên quen thuộc của hệ thống các nhà băng Việt Nam như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với số tiền 10.655 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), với tổng số tiền 3.928 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) với 3.000 tỷ đồng cho vay dưới hình thức trái phiếu; Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank) với số tiền cho vay và sở hữu trái phiếu tại HAGL là 2.007 tỷ đồng, bao gồm 1.157 tỷ đồng cho vay tín dụng và 850 tỷ đồng sở hữu trái phiếu...
Một số ngân hàng nhỏ hơn cũng đang cho HAGL vay số tiền không nhỏ dưới hình thức cho vay tín dụng hoặc sở hữu trái phiếu như: Sacombank (925 tỷ đồng), Bắc Á Bank (520 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (300 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Bản Việt (240 tỷ đồng)...
Cơ hội cho nguyên chủ tịch Sacombank?
Đánh giá về thương vụ TTC Group "thâu tóm" mảng mía đường của HAGL, đại diện Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng đây là cơ hội lớn để "mở rộng" lĩnh vực mía đường của Tập đoàn Thành Thành Công.
Cụ thể, theo phân tích của chuyên gia này, TTC Group đang sở hữu một loạt các công ty mía đường lớn khu vực phía Nam gồm: Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), Đường Biên Hòa (BHS), Đường Ninh Hòa (NHS) và Mía đường Phan Rang. Chưa kể, tập đoàn này cũng đang nắm cổ phần ở một số công ty đường khác như Đường Nước Trong, Bourbon An Hòa, Đường La Ngà,...
Việc mua mảng mía đường của HAGL tại Lào không chỉ giúp cho TTC Group tăng sản lượng đường nhờ lợi thế có sẵn mà còn "tận dụng" được những ưu đãi của cả 2 nước Lào và Campuchia như: nhập về Việt Nam theo hạn ngạch cấp phép của Bộ Công Thương (năm 2015: 50.000 tấn, 2016: 30.000 tấn, dự kiến 2017: 30.000 tấn) và chủ động nguồn nguyên liệu cho Đường Biên Hòa (BHS) để đơn vị này tinh luyện đường xuất khẩu.
Đặc biệt, sắp tới TTC Group có thể tiêu thụ đường ở Việt Nam với thuế suất 0%, theo Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào.
Được biết, TTC Group đang đứng đầu ngành đường cả nước với thị phần 17,4%. Riêng ở khu vực miền Nam, thị phần đường của TTC Group hiện giữ thị phần gần 30%. Với thương vụ HAGL, có thể thị phần của TTC Group sẽ càng mở rộng hơn nữa trong cuộc cạnh tranh với mặt hàng đường của Thái Lan - quốc gia nhập đường mạnh nhất vào Việt Nam.
Theo Quốc Hải
Dân Việt
Công bố kết quả quan trắc môi trường quanh nhà máy clinker Chiều ngày 29/9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Bình Sơn tổ chức công bố kết quả quan trắc môi trường tại khu vực xung quanh Nhà máy nghiền clinker Đại Việt - Dung Quất. Trước đó, vào ngày 30 và 31/7, Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT)...