Nhiếp ảnh gia Mỹ và cuộc trở về đầy cảm xúc ở Điện Biên Phủ
Catherine Karnow, phóng viên ảnh duy nhất được đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới Điện Biên Phủ năm 1994, kể về chuyến trở lại chiến trường lịch sử 20 năm sau.
Catherine Karnow trân trọng nâng bức ảnh bà chụp Tướng Giáp năm 1990. Bức ảnh này được nhiều người dân Hà Nội và Quảng Bình in và cầm theo khi đi viếng ông hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Trọng Giáp
- Nhân duyên nào giúp bà được lên Điện Biên Phủ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1994?
- Năm đó, đến Việt Nam rồi tôi mới biết các bạn đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Những nhà báo nước ngoài bàn tán xôn xao về việc liệu Đại tướng có lên Điện Biên vào đúng ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng hay không, và họ sẽ lên bằng cách nào. “Có thể mình cũng nên đi”, tôi tự hỏi và cùng chung thắc mắc với họ.
Một lần tôi đến thăm nhà Đại tướng, ông nói nhỏ vào tai tôi: “Cô có muốn cùng tôi lên Điện Biên Phủ không? Mấy ngày nữa chúng tôi sẽ lên đường”.
Tôi không được chia sẻ với bất cứ nhà báo nào về chuyện này, trong khi vẫn nghe họ tiếp tục bàn tán. Nhưng ngay khi trở lại Hà Nội, tôi có gặp một người làm việc cho hãng thông tấn AP ở Việt Nam. “Anh biết chuyện gì không? Tôi vừa trở về từ Điện Biên Phủ, tôi đi cùng Đại tướng”, tôi nói với anh ấy.
Anh trợn tròn mắt: “Cô có đùa không đấy?”
“Thật đấy. Tôi đang có trong tay một câu chuyện tuyệt vời”, tôi đáp.
- Điều gì khiến chuyến đi này trở thành cuộc đồng hành đáng nhớ nhất của bà với Tướng Giáp?
- Đó là một cơ hội độc quyền mà bất cứ nhà báo, nhiếp ảnh gia nào cũng thèm muốn, dù tôi không phải một nhiếp ảnh gia thích cạnh tranh. Được cùng Đại tướng lên Điện Biên Phủ trong một chuyến đi riêng là điều không thể tưởng tượng được.
Khó khăn của nhiếp ảnh là bạn phải ở đúng chỗ vào đúng thời điểm. Bạn không thể đứng đằng sau những chiếc dây thừng, sau đám đông. Với vai trò nhiếp ảnh gia, tôi được đứng chỉ cách Đại tướng khoảng nửa mét, trong ba ngày. Có được sự tự do trong suốt chuyến đi để chớp được những bức ảnh gần gũi của nhân vật là một điều đầy hứng khởi.
- Tháng 4 vừa qua, bà được trở lại Điện Biên Phủ sau 20 năm, lần này cùng gia đình Đại tướng. Chuyến đi có mục đích gì?
- Chương trình Talk Vietnam muốn làm chương trình về tôi và tình bạn với Tướng Giáp cũng như gia đình ông. Bên cạnh đó, gia đình Đại tướng từ lâu cũng muốn đưa các cháu, chắt trong nhà lên Điện Biên Phủ để giáo dục các em về lịch sử đất nước, về cội rễ, về nơi Tướng Giáp từng chinh chiến. Vì vậy, khi tôi nói với họ về ý định của chương trình, họ đồng ý vì đây là điều họ muốn làm từ lâu.
Video đang HOT
- Ấn tượng ngày trở lại Điện Biên Phủ của bà ra sao?
- Tôi thấy việc di chuyển đến nhiều địa điểm trở nên dễ dàng hơn. Tôi đã ghi chép cẩn thận hồi năm 1994, rằng chiếc xe Jeep chở tôi đi mất vài giờ mới tới Mường Phăng. Lần này chỉ mất 45 phút. Lần trước đường đi rất kinh khủng, đầy những ổ gà, nhưng lần này chúng tôi đi như lướt vậy.
Điên Biên Phủ giờ đã phát triển hơn. Năm 1994, có một chiếc xe tăng trên đồi A1 nằm giữa trời. Giờ thì nó đã có thêm mái che. Tôi nghĩ hầm De Castries cũng vậy. Hồi xưa mọi thứ không được bảo tồn nhiều, giờ thì đã có cả tiệm đồ lưu niệm.
Video: Catherine Karnow trở lại Điện Biên Phủ sau 20 năm
- Cách đây 20 năm, người dân Điện Biên chào đón Tướng Giáp với một sự háo hức xen lẫn tôn kính, còn bây giờ khi con cháu của ông tới, họ có thái độ ra sao?
- Một điều rất hấp dẫn đối với tôi là khi chúng tôi đi thăm bảo tàng, tượng đài hay Mường Phăng, gia đình Đại tướng nổi bật vì họ mặc những chiếc áo đồng phục rất đẹp, có hình chân dung của ông. Nhưng tôi luôn bất ngờ vì dường như tất cả mọi người, từ khách du lịch, người dân, hay người bán đồ lưu niệm đều không hề nhận ra họ.
Chỉ có đúng một lần, tại hầm De Castries, một số cựu chiến binh đến tham quan nhận ra anh Võ Điện Biên, con cả của Tướng Giáp, và mọi người muốn chụp ảnh cùng anh. Tôi có hỏi các biên tập viên ở đài truyền hình vì sao không ai nhận ra họ, thì được biết họ sống khá kín tiếng.
- Bà có thể chia sẻ một khoảnh khắc đặc biệt trong chuyến đi vừa qua?
- Tôi được chứng kiến anh Điện Biên dạy những đứa trẻ về chiến dịch, những chuyện đã xảy ra. Và khi mọi người rời lán của Đại tướng, xuống dưới nghỉ, tôi có một lúc để chụp ảnh anh ngồi một mình, với những bông hồng họ đem theo trên bàn.
Khung cảnh rất yên tĩnh, và tôi chụp anh khi anh đang nghĩ ngợi. Chúng tôi không nói gì, nhưng sau đó, tôi có hỏi: “Lúc đó anh cảm thấy thế nào?”. Và anh trả lời: “Tôi cảm thấy sự hiện diện của cha tôi”. Nói cách khác, anh ấy thực sự đã cảm thấy linh hồn cha mình đang hiện hữu.
Người dân ở Mường Phăng vui mừng đón chào Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1994. Ảnh: Catherine Karnow
- Nhắc đến Tướng Giáp, là người chụp được những bức ảnh đẹp của ông trong nhiều năm, bà thấy điểm khó và dễ khi chụp ông là gì?
- Tôi chuyên về chụp ảnh con người và đã chụp hàng nghìn người trong sự nghiệp của mình. Điều thú vị là chúng ta không thể biết việc chụp một người dễ hay khó cho tới khi bắt đầu chụp ảnh họ. Một người sôi nổi nhất có khi lại rất khó chụp, trong khi một người rất thụ động lại có thể rất ăn ảnh.
Đối với một số người như Tướng Giáp, sẽ dễ chụp hơn khi họ đang hành động thay vì đứng trước máy ảnh. Ở Điện Biên Phủ, ông đi rừng, nhìn xung quanh, bình luận, trò chuyện, hân hoan khi gặp mọi người, khi đó ông là một chủ thể tốt vì ông rất sôi nổi.
Nhưng chụp chân dung ông không dễ dàng chút nào, bởi cảm xúc của ông không dễ bộc lộ ra ngoài. Người ta khó thâm nhập sâu để biết ông nghĩ gì. Với vai trò một nhiếp ảnh gia, công việc của bạn là phải làm sao đưa cảm xúc đó ra, cho nhân vật không gian để thể hiện bản thân.
- Lúc sinh thời, cha bà, nhà báo, nhà sử học Stanley Karnow trao đổi với bà điều gì về Điện Biên Phủ?
- Cha tôi và tôi có nói chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng thường không trao đổi sâu về sự phức tạp của nó. Vài năm gần đây, có một quyển sách bìa cứng, dày khoảng 600 trang, được xuất bản, nói riêng về chiến dịch Điện Biên Phủ, chứ không phải về Thế chiến II. Điều đó đủ cho thấy sự phức tạp của chiến dịch.
Nhưng cha tôi thường kể những giai thoại hấp dẫn về con người, như chuyện một sĩ quan pháo binh tự sát trong hầm khi biết họ thua trận. Những câu chuyện này khiến mọi thứ trở nên cuốn hút. Đó là một trong những lý do cha tôi là một nhà báo giỏi. Vì ông ấy luôn có những câu chuyện về con người mà ai cũng hiểu. Những bài viết của ông không bao giờ khô khan và nhàm chán.
- Có những quan điểm trái chiều về việc nhìn nhận lịch sử. Một số người nói ta phải tự hào về nó, luôn ghi nhớ sự hy sinh của các thế hệ đi trước để biết trân trọng và tích cực xây dựng đất nước thời nay. Một số khác cho rằng nên khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, đừng đắm chìm trong chiến thắng để rồi kiêu ngạo. Bà nghĩ thế nào về điều này?
- Tôi nhớ hai câu nói của cha tôi, nhà sử học Stanley Karnow, trong sách của ông, đại ý là “Lịch sử sinh ra để lặp lại chính nó”, và “Chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình và không lặp lại chúng”. Cả hai điều này đều đúng.
Điều quan trọng là phải biết lịch sử của nước mình, đặc biệt là giới trẻ. Chúng ta không được quên, chúng ta phải tự hào hoặc phải hiểu liệu điều gì là sai lầm. Sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là một sai lầm, và chúng tôi nên nhớ điều đó. Nhưng thật không may, chúng tôi không nhớ, và chúng tôi lặp đi lặp lại nó. Đó không phải là điều đúng.
Theo VNE
Khoảnh khắc anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai
Trong lúc "mưa bom bão đạn", y tá Phạm Công Thành là người trực tiếp băng bó vết thương cho anh hùng Phan Đình Giót và chứng kiến giây phúc người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai và hy sinh trước lô cốt địch.
Đã 60 năm sau chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", hầu hết những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã già yếu, có những người đã đi xa. Nhưng những câu chuyện về một thời khói lửa, hào hùng vẫn được tái hiện lại qua lời kể của các nhân chứng lịch sử.
60 năm trước, ông Phạm Công Thành, hiện đang ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) là một chiến sĩ công an nhân dân. Khi thực dân Pháp đổ bộ xuống Điện Biên Phủ, người thanh niên này được đơn vị huy động ra chiến trường. Tiếp đó, ông được cử đi học 6 tháng về quân y và trở về công tác tại Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Tiểu đoàn quân y của ông Thành có nhiệm vụ cấp cứu và chuyển thương binh về tuyến sau.
Ông Phạm Công Thành, nguyên y tá chiến trường chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954.
Đối với ông Thành, kỷ niệm khó phai nhất trong thời gian làm công tác cứu chữa cho thương binh là trực tiếp băng bó vết thương cho anh hùng Phan Đình Giót. Dù đã 90 tuổi, nhưng khoảnh khắc chiến sĩ Phan Đình Giót ôm bộc phá, lấy thân mình lấp lỗ châu mai vẫn còn được ông nhớ như in.
Ông Thành hồi tưởng lại: "Đó là buổi chiều 13 tháng 3 năm 1954, bộ đội Đại đội 58 của ta mở màn trận đánh chiến dịch Điện Biên Phủ tại cứ điểm Him Lam. Cuộc chiến không cân sức giữa bộ đội ta và quân địch diễn ra vô cùng ác liệt.
Những trận "bão lửa" liên tiếp của địch trút xuống, bộ đội ta bị thương vong khá nhiều. Các chiến sĩ của ta phải giành giật đánh chiếm lấy từng cứ điểm, từng mỏm đồi trên Điện Biên Phủ.
Súng đạn của quân Pháp từ lỗ châu mai bắn ra xối xả, liên tiếp khiến nhiều chiến sĩ của ta liên tục hi sinh. Để đánh chiếm lấy những cứ điểm quan trọng, bộ đội ta đã chuyển sang dùng bộc phá để đánh lô cốt địch.
Trên chiến trường, chiến sĩ Phan Đình Giót cũng hừng hực khí thế đánh giặc như bao chiến sĩ khác. Cuộc giằng co kéo dài đến hơn 22 giờ đêm, khi anh Phan Đình Giót ôm quả bộc phá thứ 10 để nổ tung lô cốt địch thì bị thương vào đùi.
Lúc đó, bộ đội ta bị thương nhiều vô kể. Anh Giót được chuyển về phía sau, tôi là người trực tiếp băng bó vết thương. Do trên trận địa các dụng cụ y tế có hạn nên tôi tranh thủ băng bó nhanh cho anh Giót. Từng loạt đạn vẫn rít và bay qua trên đầu, nhưng khi vừa băng bó xong, máu chưa ngừng chảy thì Giót đã ôm hai quả bộc phá liên tiếp lao lên. Anh cầm theo tiểu liên xung phong mở đường cho đồng đội lên đánh lô cốt đầu cầu và lô cốt số 2".
Mộ phần anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót được quy tập tại Nghĩa trang A1, TP Điện Biên Phủ hiện nay.
Theo ông Thành thì sau lần đó, anh Phan Đình Giót đã bị thương lần hai. Vết thương ở vai bị mất máu khá nhiều, đồng đội đã đưa anh lùi về sau. Lần này ông Thành lại tiếp tục là người cấp cứu cho anh hùng Phan Đình Giót, nhưng tình trạng sức khỏe của chiến sĩ Giót đã yếu đi trông thấy.
"Sau đó, hỏa lực của quân Pháp từ lô cốt số 3 bắn ra liên tiếp khiến cho đơn vị của ta bị dồn ứ lại. Nhiều chiến sĩ xung phong lao lên đều hi sinh trước họng súng của kẻ thù. Bất ngờ, tôi chỉ kịp nhìn thấy Phan Đình Giót vùng dậy, ôm bộc phá lao lên rồi bịt kín lỗ châu mai của quân địch, cách nơi anh đang băng bó khoảng 200m. Tiếng súng đạn bỗng im bắt, nhưng chiến sĩ Phan Đình Giót đã hi sinh, toàn thân anh bị bom đạn kẻ thù bắn nát" - y tá Thành rưng rưng xúc động kể.
Nam y tá lặng người đi trước giây phút người anh hùng Phan Đình Giót ôm bộc phá lao lên chiến đấu và hi sinh. Khi Giót lao mình vào "mưa đạn", nhiều người đã cố cản nhưng không ngăn được khí thế hừng hực, căm thù cháy bỏng trong người thanh niên này.
Khi lỗ châu mai bị che lấp, hỏa điểm của quân Pháp bị dập tắt, bộ đội ta đã nhanh chóng xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam trong ngày 13 tháng 3. Đây là trận đánh mở màn thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Điện Biên được giải phóng, từ chiến trường, ông Thành được tiếp tục cử đi học bác sỹ và chuyển về sang công tác tại Cục Quân Y. Những năm sau giải phóng miền Nam Việt Nam, ông chuyển về Bộ Nông nghiệp công tác rồi nghỉ hưu.
"Công việc "hậu phương trên chiến trường" của tôi thường xuyên chứng kiến nhiều chiến sĩ hi sinh chỉ trong "nháy mắt". Gia cảnh anh hùng Phan Đình Giót nghèo nên anh đã phải đi ở từ năm 13 tuổi. Giây phút chứng kiến anh hi sinh, đến giờ nhắc lại tôi vẫn không thể nén nổi xúc động. Đã 60 năm sau chiến dịch lịch sử khốc liệt ấy..." - ông Thành chia sẻ.
Quốc Cường - Xuân Thái
Theo Dantri
Cựu binh chiến trường Điện Biên Phủ xúc động ôn lại kỷ niệm xưa Hướng về lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 6/5, TP Đà Nẵng đã có buổi gặp mặt thân mật các cựu binh tham gia kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là những cựu binh đã từ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm về trước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên quê...