Nhiễm xoắn khuẩn khó phát hiện, bệnh nhân suýt chết
Nam bệnh nhân bị đau bụng, sốt, lạnh run, vàng da, vàng mắt được bác sĩ chuyển viện với chẩn đoán “ nhiễm trùng đường mật”. Tại bệnh viện tuyến trên sau rất nhiều xét nghiệm kiểm tra các bác sĩ mới tìm ra một loại xoắn khuẩn rất nguy hiểm bệnh nhân bị nhiễm.
Ngày 28/3, thông tin từ Bệnh viện Nhân Dân 115, TPHCM cho hay, tại đây vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 53 tuổi, ngụ tại Củ Chi bị đau bụng cấp được bệnh viện tuyến cơ sở chuyển đến với chẩn đoán “theo dõi nhiễm trùng đường mật”.
Xoắn khuẩn là loại bệnh từ động vật lây cho con người (ảnh minh họa)
Khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhân làm bảo vệ cho một công ty nông nghiệp, thường xuyên lội nước ngoài đồng. Cách nhập viện 2 ngày, bệnh nhân bị đau bụng vùng hạ sườn bên phải, đau âm ỉ liên tục tăng dần, lan ra sau lưng, kèm đau nhức vai bên phải. Một ngày sau, bệnh nhân bị sốt kèm lạnh run và xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, đi tiêu phân lỏng nhiều lần.
Trước những biểu hiện bất thường ở người bệnh, các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra hình ảnh qua siêu âm bụng, siêu âm tim, điện tâm đồ, X-quang phổi đồng thời thực hiện xét nghiệm huyết học – sinh hóa, xét nghiệm vi sinh. Tổng hợp những kết quả thăm khám, xét nghiệm bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm xoắn khuẩn (Leptospira) mức độ nặng gây tổn thương thận cấp, suy chức năng gan, giảm tiều cầu.
Video đang HOT
Bệnh nhân nhiễm xoắn khuẩn thường hay bị chẩn đoán nhầm với các bệnh thông thường khác
Sau khi xác định được nguyên nhân, bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực bằng kháng sinh, dịch truyền, giảm đau, oxy liệu pháp… Hơn 1 tuần nằm viện, tình trạng bệnh cải thiện tốt, người bệnh hết sốt các chỉ số sinh hiệu dần trở lại bình thường.
Theo TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, xoắn khuẩn là bệnh từ động vật chủ yếu là loài gặm nhấm và gia súc lây cho con người. Chẩn đoán Leptospira đang là thách thức lớn do bệnh dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khác như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm gan và nhiễm trùng huyết… Bệnh nhân trên có những triệu chứng thể nặng nhất của nhiễm xoắn khuẩn nguy cơ xuất huyết phế nang mức độ nặng, tỷ lệ tử vong cao nhưng may mắn được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Suýt chết vì nhồi máu cơ tim cấp do một vết ong đốt
Sau khi bị một vết ong đốt trên bàn tay, nữ bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở đau ngực. Các kết quả thăm khám của bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp do ong đốt, đây là biến chứng ít gặp nhưng rất nguy hiểm.
Ngày 27/3, thông tin từ Bệnh viện Nhân Dân 115 cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời hỗ trợ điều trị cho một trường hợp bị nhồi máu cơ tim hiếm gặp. Bệnh nhân là bà N.T.T.B. (61 tuổi, ngụ tại Bình Thuận nhập viện trong tình trạng khó thở, đau ngực dữ dội, nhịp tim nhanh (triệu chứng của suy tim cấp).
Người bệnh cần lưu ý những biểu hiện sau khi bị ong đốt để kịp thời thăm khám, điều trị (ảnh minh họa)
Khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng của bác sĩ không ghi nhận tiền căn bệnh lý tim mạch và yếu tố nguy cơ ở bà T.B. Tuy nhiên, bàn tay phải của bệnh nhân có biểu hiện sưng nhẹ. Người bệnh cho biết, một ngày trước bà bị một con ong (không rõ loại ong gì) đốt vào ngón tay, khoảng 5 giờ sau, cảm giác đau lan tỏa từ bàn tay đến cánh tay và lồng ngực. Người bệnh mua thuốc (không rõ loại) về tự điều trị nhưng tình trạng ngày càng nặng với các biểu hiện khó thở, đau tức ngực phải đến bệnh viện địa phương cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhân Dân 115.
Kết quả siêu âm tim ghi nhận, bệnh nhân bị giãn thất trái, chức năng tâm thu giảm, hở van 2 lá. Với chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp sau ong đốt, bác sĩ đã chỉ định điều trị tích cực cho người bệnh theo phác đồ và theo dõi sát diễn tiến của bệnh. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, hết khó thở, hết đau tức ngực, sinh hiệu ổn định.
Theo BS Châu Minh Thông, khoa Tim mạch Tổng quát, người trực tiếp điều trị bệnh nhân: Ong đốt là tai nạn thường gặp ở những người sinh sống tại vùng nông thôn, biến chứng phổ biến nhất là sưng, đau và phù nề nơi vết đốt, các biến chứng nặng hơn như: suy thận cấp, tán huyết, tiểu Myoglobin do tiêu cơ vân, suy đa cơ quan.
Y văn thế giới đã ghi nhận những ca bệnh nhồi máu cơ tim do bị ong đốt ở bệnh nhân trẻ, nguy cơ tim mạch rất thấp. Đây là biến chứng hiếm gặp nhưng là bệnh cảnh cấp tính, tỷ lệ tử vong cao, diễn tiến bệnh phức tạp.
Để tránh nguy hiểm xảy ra, các trường hợp không may bị ong đốt nếu xuất hiện triệu chứng đau tức ngực phải nhanh chóng đến bệnh viện. Các bước thăm khám chuyên môn của bác sĩ cần xem xét cẩn thận, thực hiện những phương pháp cận lâm sàng để loại trừ nhồi máu cơ tim hoặc phát hiện tình trạng bệnh, điều trị kịp thời.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư là bao lâu? Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, theo thống kê của thế giới, đối với căn bệnh ung thư thì thời gian sống được tính theo giai đoạn 5 năm, nghĩa là tất cả các bệnh ung thư sau khi áp dụng các phương pháp điều trị như:...