Nhiệm vụ của đội hỗ trợ kỹ thuật trong các giải đua xe
Ẩn sau hào quang chiến thắng tại các series đua trên toàn thế giới là sự đóng góp thầm lặng của những pit crew (đội hỗ trợ kỹ thuật) luôn sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Nhiều người cho rằng tỷ lệ đóng góp của pit crew trong việc giúp đỡ và hướng dẫn tay đua đi đến chiến thắng chung cuộc thường khác nhau tùy theo từng series. Hiển nhiên, trong các giải đua bền như 24 Hours of Le Mans, pit crew luôn phải thay lốp xe hay tiếp liệu nhiều lần vì thời gian không ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả cuối cùng.
Thời gian thay lốp và tiếp nhiên liệu trong các series kéo dài từ 10-20 giây mặc dù các báo cáo thời gian vẫn đưa ra nhiều con số khác biệt phụ thuộc vào những nhân viên hỗ trợ kỹ thuật. Do vậy, cần đề cập riêng rẽ từng giải đua quan trọng với những qui định khác nhau.
Là cái tên hàng đầu trong làng đua xe thể thao, Công thức 1 được nhắc đến như một trong những giải vô địch với số lượng nhân viên hỗ trợ kỹ thuật không qui định trong bất kỳ tài liệu nào của Liên đoàn Xe Quốc tế (FIA). Về cơ bản, nếu xe vào pit cần được hỗ trợ nhiều hơn dự tính ban đầu thì số lượng nhân viên kỹ thuật có mặt trong quá trình pit stop càng lớn.
Giải đua Công thức 1 là nơi có số lượng thành viên của pit crew được phép tham gia vào pit stop đông nhất thế giới.
Số lượng nhân viên hỗ trợ kỹ thuật luôn sẵn sàng “trực chiến” tại các pit stop mỗi khi xe vào pit là 19. Đây là con số nhân viên hỗ trợ tại pit stop cao nhất so với các series đua khác trên toàn thế giới. Nhiệm vụ của pit crew trong giải đua F1:
3 nhân viên hỗ trợ kỹ thuật được giao nhiệm vụ xử lý một chiếc bánh xe. Một người dùng cờ lê khí nén để tháo đai ốc bánh xe; một người tháo lốp cũ trước khi người thứ ba lắp chiếc mới. Sau đó, người đầu tiên tiếp tục tham gia và cố định lốp bằng từng chiếc đai ốc.
Hai nhân viên kỹ thuật dùng con đội để nâng xe lên trong quá trình pit stop nhằm giúp những đồng nghiệp của họ tiến hành công việc thay lốp như thường lệ. Mỗi con đội được đặt phía trước và sau xe.
Video đang HOT
Một nhân viên khởi động ngồi đằng sau xe có nhiệm vụ sử dụng công cụ khởi động trong trường hợp chiếc xế bị chết máy trong quá trình pit stop. Tình huống này sẽ được giải quyết trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, nhân viên khởi động thường “ngồi chơi xơi nước” trong mỗi lần pit stop.
Công việc của nhân viên tiếp liệu là lắp và tháo ống nhiên liệu trong quá trình pit stop với sự hỗ trợ của hai phụ tá. Tuy nhiên, trong mùa giải Công thức 1 sắp tới, cả ba nhân viên kỹ thuật kể trên sẽ thất nghiệp vì mới đây FIA đã đưa ra lệnh cấm tiếp liệu trong suốt các vòng đua.
Có lẽ nhiệm vụ khó khăn nhất trên thế giới thuộc về nhân viên cầm biển trong suốt quá trình pit stop. Đầu tiên, anh ta phải báo hiệu cho tay đua biết địa điểm có mặt chính xác của pit crew bằng bảng “Pit Stop”. Sau đó, giơ bảng “Brake” để nhắc tay đua nhấn phanh trong lúc các nhân viên kỹ thuật đang làm việc. Tiếp đến là bảng “1st Gear” nhắc tay đua vào số 1 khi công việc thay lốp đã hoàn thành. Tuy nhiên, nhiệm vụ khó nhất là báo cho tay đua về thời điểm rời gara vì cần có sự hợp tác hoàn hảo giữa cả 18 nhân viên kỹ thuật có mặt trong quá trình pit stop. Vào một thời điểm chính xác khi tất cả mọi người đều làm xong công việc của mình, nhân viên cầm bảng sẽ báo cho tay lái rời pit.
Ngoài những nhân viên hỗ trợ kỹ thuật bắt buộc (quyết định theo chức năng của họ trong suốt quá trình pit stop thay vì theo qui định của FIA), có một số thành viên khác tham gia giúp đỡ tay đua. Nếu tay đua làm hỏng thanh cản va trước trong một vụ va chạm trên đường đua, hai hoặc ba nhân viên kỹ thuật sẽ được bổ sung để tháo thanh cản va cũ và thay mới. Thêm vào đó, một số nhân viên kỹ thuật còn có nhiệm vụ dọn các mảnh vỡ trong ống nạp khí tản nhiệt, lau kính xe, chỉnh góc thanh cản va trước hoặc giải quyết mọi vấn đề có thể xảy đến trước thời điểm pit stop.
2. Giải Indy Racing League (Indy Car)
Trong giải đua Indy Car có những qui định rất rõ ràng về số lượng nhân viên hỗ trợ kỹ thuật trong pit stop (6 người).
Không giống giải Công thức 1, series đua Bắc Mỹ có những qui định rõ ràng về số lượng nhân viên hỗ trợ kỹ thuật được phép tham gia vào pit stop trong suốt các vòng đua. Ngoài giải vô địch Indy Car, những qui định tương tự cũng được áp dụng tại series NASCAR.
Trong series Indy Car, chỉ có 6 nhân viên kỹ thuật phụ trách thay lốp và tiếp liệu. Khác với giải Công thức 1, một số qui định về quá trình pit stop cũng được ghi rõ ràng trong sách luật của giải vô địch ngay từ những năm đầu.
Trong suốt thời gian pit stop, mỗi bánh xe sẽ nhận sự chăm sóc của một nhân viên kỹ thuật, nghĩa là tổng cộng chỉ có 4 người. Tuy nhiên, 3 trong số 4 nhân viên được giao vị trí tại pit stall trước trong khi người thứ 4 sẽ nhận chỗ của mình lúc xe đã dừng lại. Nhân viên kỹ thuật thứ 4 là người ngồi phía sau xe, bên trái hoặc phải tùy thuộc vào pit lane của từng đường đua. Theo luật của Indy Car, xe không được chạy qua ống mà nhân viên kỹ thuật phía sau dùng để điều khiển cờ lê tháo và lắp lốp.
Ngoài 4 nhân viên kỹ thuật trên còn có sự góp mặt của thành viên thứ 5 với nhiệm vụ lắp ống thông hơi vào hốc vỏ động cơ nhằm dẫn khí ra khỏi thùng nhiên liệu đồng thời kích hoạt con đội khí nén tích hợp trong xe. Công việc này được thực hiện trước khi thành viên thứ 4 thay lốp.
Sau khi ống đầu tiên được nối vào xe, nhân viên kỹ thuật thứ 6 sẽ tiếp tục lắp ống thứ hai chứa nhiên liệu.
Tại thời điểm cả 6 người đều đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhân viên thay lốp trước bên phải sẽ ra hiệu cho tay đua ra khỏi pit stall. Tuy nhiên, so với giải Công thức 1, pit crew tại Indy Car không có nhân viên khởi động ngồi phía sau xe. Nếu xe chết máy trong pit, 6 thành viên của pit crew sẽ đẩy và giúp nó trở lại đường đua.
Tuy nhiên,tương tự giải Công thức 1, số lượng nhân viên kỹ thuật hỗ trợ trong pit stop không dừng lại ở 6 người. Mặc dù không được phép chạy ngang qua pit wall, nhân viên thứ 7 vẫn có thể sử dụng ống tăng áp nén và cân bằng lượng ethanol quá chỉ tiêu còn dư lại sau quá trình tiếp liệu.
3. Giải NASCAR
Hình ảnh pit crew đang thay lốp tại giải đua NASCAR.
Trong giải NASCAR, số lượng nhân viên hỗ trợ kỹ thuật có mặt trong thời gian pit stop cũng bị giới hạn như Indy Car. Các đội đua NASCAR thường giao nhiệm vụ thay lốp và tiếp liệu cho 7-8 nhân viên kỹ thuật với tổng thời gian pit stop tùy thuộc vào số lốp cần thay. Một vài đội chỉ thay 2 lốp trong khi số khác chọn thay toàn bộ sao cho phù hợp với thời gian nghỉ, chiến lược cũng như mức độ mòn lốp.
Khác hẳn với Công thức 1, mỗi lốp xe không đi kèm quá 5 đai ốc. Do đó, chỉ có 2 nhân viên kỹ thuật chuyên thay lốp, chia nhau phía trước và sau. Thêm vào đó, còn có 2 nhân viên cầm lốp với vai trò khác nhau trong pit stop. Đầu tiên, họ mang lốp mới đến và đưa cho nhân viên thay lốp. Thứ hai, họ xử lý đống lốp cũ và đảm bảo chúng không lăn ra ngoài pit stall của đội đua.
Bên cạnh đó, còn có một thành viên chuyên nhiệm vụ nâng xe lên bằng loại con đội thông thường để đồng nghiệp của mình thay lốp. Thành viên này và hai nhân viên thay lốp có thể hoán đổi công việc cho nhau trong suốt quá trình pit stop. Nghĩa là anh ta cũng có thể tháo lốp cũ sau khi đã văn đai ốc.
Hai nhân viên kỹ thuật cuối cùng có nhiệm vụ tiếp liệu. Có thể nói, đây là một công việc thực sự thú vị tại NASCAR. Trong khi chỉ cần một người tiếp liệu trong thời gian pit stop với hai can xăng thì người còn lại dùng thùng tràn để ngăn nhiên liệu tràn ra. Nhân viên này gắn thùng tràn vào ống tràn của xe và báo hiệu thời điểm kết thúc pit stop khi can đã được rót đầy.
Tất nhiên, vẫn còn có người thứ 8 đồng thời là thành viên cuối cùng của pit crew. Nhân viên này chỉ ra mặt trong phần thứ hai của vòng đua với những công việc không tên như lau kính chắn gió.
Giải đua NASCAR đưa ra một số qui định khá thú vị về pit crew như đẩy xe nếu chết máy trong quá trình tiếp liệu và thay lốp. Khi nhân viên nâng xe tháo con đội lần thứ hai cũng là lúc việc tay đua có thể tiếp tục đi. Tuy nhiên, nếu xe dừng lại, 7/8 thành viên của đội kỹ thuật được phép đẩy nó trên quãng đường dài 3 pit stall trong pit lane.
4. Giải DTM
Là đối thủ của NASCAR trong các giải đấu châu Âu, DTM đưa ra những qui định còn đơn giản hơn. Chỉ có 10 người được phép tham gia trong thời gian pit stop với vai trò khá logic. Hai nhân viên kỹ thuật thay lốp cho 4 bánh xe cùng một lúc trong khi hai thành viên khác tiếp liệu và cầm biển báo hiệu.
5. Các giải đua khác
Dịch vụ pit crew tại giải đua 24 Hours of Le Mans.
Trong khi giải 24 Hours of Le Mans cho phép tối đa 5 nhân viên kỹ thuật tham gia vào thời gian pit stop thì đối thủ đến từ Bắc Mỹ có tên European Le Mans Series (ALMS) lại chỉ sử dụng vỏn vẹn 4 người. Về cơ bản, có hai người thay lốp làm việc hai bên xe, hai người cầm lốp (nhiệm vụ tương tự như trong giải Indy Car) và một người tiếp liệu.
Cần lưu ý rằng quá trình tiếp liệu luôn diễn ra đầu tiên. Chỉ sau khi nhiên liệu đã được bơm vào xe, các thành viên khác của pit crew mới được phép thực hiện công việc của mình. Thêm vào đó, khi xe tiến vào, động cơ sẽ tự động tắt trước lúc tiến hành mọi quá trình.
Trong giải American Le Mans Series, ngoài một người tiếp liệu, 3 người thay lốp (thay thế và cầm lốp) thì thành viên thứ 5 cũng như 6 có thể tham gia phòng trường hợp thay đổi tay đua (giúp tay đua mới vào xe, thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm…) hoặc làm nhiệm vụ cứu hỏa. Tuy nhiên, không ai trong số 2 người này được phép thực hiện bất kỳ công việc nào liên quan đến xe.
An Huy