Nhiệm vụ chông gai chờ đợi tân thủ tướng Anh hậu Brexit
Người kế nhiệm ông David Cameron sẽ phải đảm nhận những trọng trách như đàm phán với EU, bảo vệ nền kinh tế Anh và đoàn kết nội bộ đảng.
Thủ tướng David Cameron nghẹn lời khi tuyên bố từ chức hôm 24/6, sau khi có kết quả trưng cầu dân ý. Ảnh: RT
Sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 với đa số cử tri chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng David Cameron, người vận động mạnh mẽ cho lựa chọn ở lại, tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10, đẩy người Anh vào tình cảnh không biết ai sẽ là người dẫn dắt đất nước để vượt qua một trong những tiến trình chuyển tiếp chính trị khó khăn nhất trong nhiều năm qua, theo CNN.
Khác với hệ thống chính trị tại Mỹ, người Anh không trực tiếp đi bầu người lãnh đạo đất nước. Thay vào đó, họ chỉ bầu các nghị sĩ Quốc hội đại diện cho mình, sau đó đảng hoặc liên minh đảng phái nào chiếm đa số ghế tại Quốc hội sẽ thành lập chính phủ. Lãnh đạo của đảng hoặc liên minh đảng cầm quyền đó sẽ trở thành thủ tướng.
Do đó, khi một thủ tướng từ chức, quyết định chọn người thay thế sẽ do các nghị sĩ và thành viên của đảng cầm quyền đưa ra. Các thành viên trong đảng Bảo thủ của ông Cameron đang chạy đua cho vị trí này. Họ cần sự giới thiệu của ít nhất hai nghị sĩ trong đảng để được quyền tham gia ứng cử. Và khi có từ ba ứng viên trở lên, các nghị sĩ đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu cho đến khi nào chỉ còn lại hai ứng viên.
Vòng bỏ phiếu cuối cùng sẽ có sự tham gia của không chỉ các nghị sĩ đảng Bảo thủ mà toàn bộ thành viên của đảng này trên khắp nước Anh. Người chiến thắng sẽ trở thành chủ nhân dinh thự số 10 phố Downing.
Quy trình bầu thủ tướng mới của Anh. Đồ họa: CNN (Click vào hình để xem cỡ lớn)
Người kế nhiệm ông David Cameron sẽ phải đối mặt với một chương trình nghị sự đầy thách thức. Đó phải là người dẫn dắt nước Anh vượt qua một trong những “cơn bão” chính trị nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, mà ưu tiên hàng đầu sẽ là nhiệm vụ đầy thách thức: Đạt được thỏa thuận về các điều khoản rút khỏi EU, hay còn gọi là Brexit.
Đạt thỏa thuận với EU
Ông Cameron và các lãnh đạo EU đang tranh luận về việc khi nào Anh chính thức khởi động tiến trình chia tay EU. Thủ tướng Anh nói ông trước hết muốn biết thỏa thuận “ly hôn” đó sẽ có hình hài ra sao, còn các lãnh đạo EU thì quả quyết sẽ không khởi động đàm phán chừng nào họ chưa được xác nhận rằng chính phủ Anh muốn ra đi.
Nước Anh sẽ vẫn muốn được tiếp cận thị trường chung phi thuế quan của EU, nhưng để làm được việc này, họ có thể bị buộc phải chấp nhận điều khoản cho phép người lao động được tự do đi lại. Theo điều khoản này, mọi công dân EU có quyền tới Anh tìm kiếm việc làm dù chưa nhận được lời mời nào và ngược lại.
Đây có thể trở thành trở ngại lớn, bởi chính mong muốn ngăn dòng người từ các nước EU khác tràn vào Anh là lý lẽ then chốt được đưa ra cho cuộc vận động Brexit. Sẽ không hề dễ dàng nếu chính phủ mới tại Anh muốn có được một thỏa thuận thương mại có lợi, đồng thời đưa ra được chính sách nhập cư có thể làm hài lòng những người ủng hộ “ly hôn” EU.
Video đang HOT
Bảo vệ kinh tế
Ngoài việc phải đạt được thỏa thuận có lợi với EU, một ưu tiên hàng đầu khác của người kế nhiệm ông Cameron là giữ cho kinh tế Anh không tụt dốc hoặc rơi vào suy thoái. Các thị trường tại Anh cùng đồng bảng đã chịu tổn thất nặng nề sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, nhưng cũng có những dấu hiệu hồi phục.
Mối quan ngại lớn hơn ở thời điểm này là khoản nợ công của Anh, hiện đã vượt một nghìn tỷ bảng (1,3 nghìn tỷ USD), tương đương 90% GDP. Sau trưng cầu dân ý, các hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu như Standard & Poor’s và Fitch Group đều đánh tụt Anh khỏi mức xếp hạng cao nhất, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư đang mất dần sự tin tưởng rằng chính phủ Anh có thể quản lý các khoản nợ của mình.
Thủ tướng tương lai sẽ phải thảo ra một kế hoạch ngăn các công ty không tháo chạy khỏi Anh, đặc biệt là London – nơi nhiều công ty đặt tổng hành dinh toàn cầu hoặc trụ sở chính của khu vực châu Âu. “Gã khổng lồ” viễn thông Vodafone cùng hãng máy bay giá rẻ easyJet đều cho biết họ đang phải tính đến việc tìm nơi đặt trụ sở mới.
Tương tự, một số nhà sản xuất ôtô cho biết họ sẽ cân nhắc việc chuyển nhà máy ra khỏi nước Anh, đúng thời điểm nước này đang chứng kiến sự hồi sinh của ngành ôtô khi đóng góp 12 tỷ bảng (gần 16 tỷ USD) cho nền kinh tế, và tạo ra 142.000 việc làm. Nhiều thành phố tại EU nhanh chóng quảng bá rằng họ sẵn sàng mở cửa cho các doanh nghiệp để trở thành những trung tâm thay thế London. Niamh Bushnell, một quan chức thành phố Dublin ở Ireland, tin rằng Brexit là cơ hội để nước mình trở thành trung tâm công nghệ.
“Nhờ Brexit, chúng tôi có cơ hội mới thu hút các nhà đầu tư châu Âu và Nga hoặc các doanh nhân khởi nghiệp lần đầu tới mở văn phòng tại Dublin”, bà Bushnell nhận định trong một thông cáo.
Nguy cơ mất Scotland
Trong khi cuộc trưng cầu dân ý của người Anh tạo ra mối lo ngại về sự tan rã của EU, cũng có những mối lo ngại rằng Brexit sẽ khiến nước Anh gặp rắc rối khi Scotland muốn tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UK). Người dân Scotland nằm trong số những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc ở lại EU, với 62% cử tri bỏ phiếu “ở lại”.
Các nhà lãnh đạo tại Scotland đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ tính tới việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nữa về việc tách khỏi Vương quốc Anh, bởi họ cảm thấy người dân muốn được tiếp tục là công dân EU.
Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, 55% cử tri Scotland đã chọn không tuyên bố độc lập. Dù vậy, giờ đây, phe ủng hộ tuyên bố độc lập lại đang thắng thế, và tân thủ tướng Anh sắp tới có lẽ sẽ phải chấp nhận trao thêm quyền tự quyết cho Scotland, vốn đã được tự chủ trong rất nhiều vấn đề.
An ninh
Ngoài những nhiệm vụ nêu trên, châu Âu cũng đang phải đối diện với nguy cơ khủng bố lớn nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Dù an ninh về cơ bản vẫn là vấn đề thuộc thẩm quyền mỗi quốc gia, các thành viên EU có thể cân nhắc lại việc chia sẻ thông tin một khi Anh rút khỏi khối này.
Thủ tướng mới của Anh sẽ phải đảm bảo rằng việc này sẽ không khiến nước mình đối diện với nguy cơ lớn hơn về khả năng bị tấn công khủng bố. Mức đe dọa khủng bố tại nước này đang ở mức “nghiêm trọng”.
Đoàn kết nội bộ
Thách thức lớn nhất với tân thủ tướng Anh có lẽ là đoàn kết đảng Bảo thủ. Các cuộc đấu đá nội bộ chính là nguyên nhân dẫn tới việc ông Cameron phải tiến hành trưng cầu dân ý, một quyết định đã phản tác dụng một cách khó ngờ. Khi đảng Bảo thủ đã chia rẽ về vấn đề liệu có nên ở lại hay rời khỏi EU, nhiều khả năng họ cũng sẽ chia rẽ về các vấn đề then chốt khác, như thương mại hay người nhập cư.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
'Kẻ bên lề' có thể trở thành thủ tướng Anh hậu Brexit
Một nghị sĩ đảng Bảo thủ xuất thân từ tầng lớp lao động đang có cơ hội trở thành tân thủ tướng Anh thay thế cho ông David Cameron sau cuộc bỏ phiếu Brexit.
Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Stephen Crabb. Ảnh: Independent
Chỉ trong vài tháng, Stephen Crabb, nghị sĩ đại diện khu vực Preseli Pembrokeshire, từ ghế Bộ trưởng phụ trách xứ Wales đã nhanh chóng được đề bạt vào vị trí Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Anh. Hiện tại, ông có triển vọng lớn trở thành tân thủ tướng Anh nếu được bầu làm chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền, theo Independent.
Việc Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức sau khi cử tri nước này lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 đã tiếp thêm động lực cho cuộc chạy đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Thông điệp vận động tranh cử của Crabb rất rõ ràng: cuộc trưng cầu dân ý với kết quả ủng hộ Anh rời EU cho thấy người dân đang hoang mang lẫn giận dữ bởi họ cảm thấy bị nền chính trị và những lãnh đạo cấp cao bỏ rơi. Đảng Bảo thủ cần một người dẫn dắt hiểu cách xây dựng cuộc sống mới trong điều kiện không có nhiều thuận lợi nhằm đưa đất nước gắn kết trở lại.
Tự hào về nguồn gốc xuất thân
Bình luận viên Charlie Cooper từ Independent nhận định nội dung bài phát biểu Crabb đưa ra hôm 29/6 nhằm thông báo việc ông tranh cử ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ đã tận dụng một cách triệt để nguồn gốc xuất thân từ tầng lớp lao động của ông.
"Tôi thụ hưởng nền giáo dục tuyệt vời ở một ngôi trường tốt toàn diện phía bên kia con đường từ khu nhà xã hội nơi tôi sống. Tôi có một tấm gương mẫu mực là mẹ tôi, người đã vượt qua vô vàn khó khăn và làm việc cật lực vì anh em chúng tôi. Bà đưa chúng tôi đến thư viện công mỗi dịp cuối tuần, nơi tôi đắm chìm trong những cuốn sách để trau dồi kiến thức. Tôi lao động mỗi ngày từ năm 12 tuổi, bắt đầu với việc bán hàng ở một cửa hiệu địa phương rồi dần chuyển lên bán hàng cho một siêu thị của Tesco. Tôi đã làm việc tại các công trường trên khắp cả nước để trang trải chi phí học đại học", ông Crabb nói.
Hãy tưởng tượng nếu Thủ tướng David Cameron cũng kể một câu chuyện tương tự về nguồn gốc của ông. "Tôi nhận được sự giáo dục tuyệt vời ở một ngôi trường công có nhiều đặc quyền nhất nước, nơi mà từ đó, tôi thỉnh thoảng trở về nhà của người cha giàu có làm nghề môi giới chứng khoán. Trong năm nghỉ ngơi trước khi vào đại học, tôi đã làm việc tại một công ty lớn ở Hong Kong, sau đó trở về học tại Oxford và tham gia một câu lạc bộ xã hội mà các thành viên phải mang đồng phục có giá đến 3.500 bảng (104 triệu VNĐ). Đây cũng là nơi để các thành viên uống bia rượu vô độ và quậy phá", Cooper viết.
Chính vì xuất thân giàu có, ông Cameron đã không nhận được nhiều cảm tình từ các cử tri tầng lớp lao động, Cooper đánh giá.
Dù đảng Bảo thủ giành thắng lợi với đa số ghế tại Quốc hội trong hai cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất, ông Cameron chưa bao giờ giành chiến thắng một cách thuyết phục trong nội bộ đảng. Những lời kêu gọi Thủ tướng Anh đưa ra nhằm cải cách đảng Bảo thủ theo thuyết chủ nghĩa bảo thủ một quốc gia nhằm xây dựng dân chủ và công bằng giữa các tầng lớp trong xã hội luôn phản tác dụng bởi câu chuyện xuất thân của ông. Câu chuyện này đeo bám ông dai dẳng. Đối với một bộ phận lớn cử tri, đây là lý do chính khiến họ không ủng hộ những người phe Bảo thủ.
Xóa bỏ định kiến bảo vệ nhà giàu
Stephen Crabb xuất hiện, không mang theo những định kiến nặng nề đối với quá khứ của ông. Điều này sẽ góp phần nâng cao cơ hội ông giành chiến thắng trong cuộc đua tranh ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Cựu thủ tướng Anh John Major từng đưa đảng Bảo thủ giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1992 bằng một chiến dịch vận động chủ yếu khai thác nguồn gốc xuất thân của ông từ tầng lớp lao động ở Brixton, London.
Lúc bấy giờ, một áp phích ấn tượng của cuộc vận động đã chạy dòng chữ: "Điều gì mà đảng Bảo thủ mang lại cho một cậu bé tầng lớp lao động đến từ Brixton? Họ chắc chắc sẽ đưa cậu lên làm thủ tướng".
Crabb hoàn toàn có thể đưa ra thông điệp tương tự, chỉ thay đổi chữ West Wales, nơi ông sinh trưởng, cho chữ Brixon, Cooper nhận xét. Đây là thời điểm quan trọng để đảng Bảo thủ sử dụng chiến thuật này nhằm dập tắt tất cả những đòn công kích từ Công đảng đối lập khi nói rằng đảng Bảo thủ xem trọng đặc quyền và bảo vệ cho tầng lớp giàu có.
Lập trường của Crabb về việc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến Brexit cũng cho thấy cuộc vận động của ông sẽ nhắm vào tầng lớp lao động. Ông nhấn mạnh rằng kiểm soát nhập cư, mối lo lắng lớn nhất khiến nhiều người bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU, là "lằn ranh đỏ" đối với ông. Ông cam kết sẽ "không còn biên giới mở" nữa nhưng tiếp tục duy trì khả năng tiếp cận của Anh với thị trường chung EU. Ông cũng cam kết quan tâm đến những trăn trở chính đáng của người dân về vấn đề việc làm.
Cựu thị trưởng London Boris Johnson (phải) và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, hai ứng viên hàng đầu cho ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ. Ảnh: Open Europe
Hiện tại, Crabb được xem như kẻ đứng bên lề trên đường đua giành ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ vì ông đang đứng ở vị trí khá xa với so với hai ứng viên hàng đầu là cựu thị trưởng London Boris Johnson và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May.
Tuy nhiên, đảng Bảo thủ chưa thể hiện sự ủng hộ cho ứng cử viên cụ thể nào và sự hậu thuẫn dành cho các nhân vật nặng ký khác như Bộ trưởng Kinh doanh Sajid Javid hay Tổng chưởng lý Jeremy Wright cũng rất đáng chú ý. "Nếu thể hiện được các thế mạnh của mình, Crabb vẫn có cơ hội chiến thắng", Cooper nhận định.
Hồng Vân
Theo VNE
Tác động của Brexit tới EU và Việt Nam dưới góc nhìn chuyên gia Đức Thời điểm chính xác để Liên minh châu Âu sắp xếp lại những xáo trộn do cuộc trưng cầu Brexit gây ra chưa rõ, nhưng có ba nhân tố cần xem xét. Nhiều người dân Anh đang nỗ lực ngăn Brexit trở thành hiện thực. Ảnh minh họa:AFP "Việc nói chính xác rằng bao lâu để châu Âu và thế giới ổn định...