Nhiễm HIV ở nam giới đồng tính vẫn tăng cao
Tính đến cuối năm 2012, ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam tiêm chích ma túy ở Việt Nam là 11%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới cũng đang có xu hướng tiếp tục tăng lên.
Vào ngày Thế giới phòng, chống AIDS lần thứ 25 hôm nay (1/12), Liên Hợp Quốc chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì những thành tựu đã đạt được trong ứng phó với HIV, và kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tư hiệu quả hơn cho phòng, chống HIV để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực này.
“Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong phòng, chống HIV. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức lớn phải vượt qua. Điều quan trọng là Việt Nam cần tập trung các nguồn lực quí báu của quốc gia vào ba ưu tiên: đúng người, đúng chỗ, và mở rộng các chương trình can thiệp có hiệu quả nhất,” Ts. Kristan Schoultz, Giám đốc UNAIDS Việt Nam và Chủ tọa Nhóm phối hợp chương trình về HIV của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu.
Theo báo cáo, trong những năm gần đây, Việt Nam đã mở rộng đáng kể chương trình điều trị kháng HIV và giảm được nhiều ca nhiễm mới. Dịch HIV đã có dấu hiệu chững lại. Tuy vậy, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao tại nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục giữ ở mức báo động. Cụ thể, tính đến cuối năm 2012, ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam tiêm chích ma túy ở Việt Nam là 11%. Trong đó, tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trên toàn quốc trong nhóm phụ nữ bán dâm là 2,7%. Thống kê trên toàn quốc cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang có xu hướng tiếp tục tăng lên.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang tìm kiếm các cách tiếp cận mới để đưa các dịch vụ về HIV đến gần hơn với những người có nhu cầu lớn nhất, thông qua việc tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự. Đã có những sáng kiến mới tập trung vào việc chẩn đoán và khởi đầu điều trị kháng HIV sớm hơn. Liên Hợp Quốc khuyến khích tiếp tục mở rộng các sáng kiến này, để tối ưu hóa hiệu quả và tác động của các nguồn lực trong nước đầu tư cho phòng, chống AIDS khi các nguồn viện trợ nước ngoài đang giảm dần.
“Vào ngày Thế giới phòng chống AIDS hôm nay – khi cùng nhau tưởng nhớ những người thân và những người bạn đã qua đời vì AIDS – chúng ta cũng đồng thời ngập tràn một niềm hy vọng chưa từng có vào tương lai… Chẳng mấy người tin rằng chúng ta có thể đạt được bước tiến lớn như đang thấy ngày hôm nay. Bước tiến này có thể thấy rất rõ trong những đột phá trong nghiên cứu khoa học về HIV, trong việc phát huy vai trò lãnh đạo cũng như trong việc xây dựng chương trình hành động phòng, chống HIV một cách chính xác, đúng chỗ,” Giám đốc điều hành UNAIDS ông Michel Sidibe phát biểu.
Tại Hà Nội cũng đã diễn ra hàng loạt hoạt động hưởng ứng tháng hành động, phòng chống HIV năm 2013. Chiều 30/11, Hội chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Mạng lưới Thanh niên Việt Nam phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức lễ mít tinh cùng nhiều hoạt động ngoài trời nhằm hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2013 với chủ đề: “Hướng tới không còn người nhiễm HIV”.
Theo Ban tổ chức, có rất nhiều hoạt động được diễn ra trong ngày nhằm hưởng ứng tháng hành động, phòng chống HIV như: trưng bày hình ảnh về phòng chống HIV/AIDS, phát động điểm chỉ dấu tay in màu lên bức tranh cây cam kết đẩy lùi HIV/AIDS, vẽ tranh lớn bằng các mảng ghép về phòng chống HIV/AID. Một hoạt động quan trọng của sự kiện là việc triển khai dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện, miễn phí và đảm bảo bí mật thông tin ngay tại địa điểm tổ chức sự kiện. Ngoài ra, còn có rất nhiều hoạt động bên lề nhằm tăng cường sự cam kết và tham gia của các nhóm đồng đẳng , các bên liên quan và cộng đồng trong công cuộc tham gia phòng chống HIV/AIDS.
Video đang HOT
Hội chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng phòng chống HIV/AIDS như: triển khai dự án Hỗ trợ, chăm sóc và Phòng chống HIV/AIDS do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ tại 4 tỉnh, thành phố phía bắc là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và Sơn La…
Phạm Thanh – Nhữ Trang
Theo Dantri
"Đông si đa" - tình nguyện viên "người nhà" của HIV/AIDS
48 trong số hàng vạn người mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đã vĩnh viễn ra đi, nhưng chắc hẳn dù ở nơi chín suối, họ sẽ không thể quên người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi tận tụy bón từng thìa cơm, chén sữa, không đeo găng tay vẫn chẳng ngại tắm rửa trên những cơ thể đầy ung nhọc, lở loét. Và đến khi họ trút hơi thở cuối cùng, không ai khác lại chính người phụ nữ ấy khâm liệm để linh hồn họ ra đi thanh thản...
Bà chính là Bùi Thị Đông, người cũng mang nỗi đau quặn thắt vì có những đứa con ra đi vì căn bệnh thế kỷ.
Người phụ nữ bất hạnh
Hơn nửa thế kỷ sống trên đời, không biết bà Đông có được bao ngày vui vẻ, hạnh phúc, chỉ thấy bất hạnh nối tiếp bất hạnh. Vợ chồng bà sinh hạ được 3 quý tử thì người con trai cả sớm dính vào nghiện ngập rồi gieo trong mình virus HIV. Vì cú sốc tinh thần ấy, đang là công nhân xây dựng ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Đông quyết định "về một cục", đến nay không được hưởng chế độ nào.
Những năm cuối đời, người con trai ấy vẫn khát khao một hạnh phúc gia đình với cô gái ở cùng khu cũng mang căn bệnh thế kỷ. Làm mẹ, có ai làm ngơ được trước hạnh phúc của con, bà Đông đành ngậm ngùi chấp thuận.
Một năm sau, vào năm 2001, người con dâu phát bệnh, thân mình lở loét, hôi tanh, những người anh em ruột thịt nhất cũng "bịt mũi cách xa". Trước tình cảnh ấy, bà Đông không ngần ngại lau rửa chu đáo đến khi cô nhắm mắt xuôi tay.
Ba năm sau, người con trai cả cũng vào giai đoạn cuối. Những ngày tháng ấy, cũng chính tay bà Đông chăm sóc, lau rửa và khâm liệm cho con khi anh từ giã cõi đời. Bà bảo: "Đó chính là động lực để tôi chăm sóc cho các bạn cũng bị nhiễm H (HIV). Ban đầu, nếu nói không sợ là không phải nhưng trong cái sợ đó, tôi lại nghĩ rằng, con mình cũng từng bị như vậy nên không có gì ngần ngại chăm sóc để tạo niềm tin cho các bạn. Có sợ cũng cố gắng vượt qua".
Nỗi đau mất đi con trai cả và con dâu chưa nguôi ngoai, tai họa lại ập đến khi người con trai thứ hai của bà cũng đi vào vết xe đổ của anh trai và bị nhiễm virus tử thần. Hiện tại, anh đang ở trại cai nghiện số 05 Xuân Phương và cũng trong giai đoạn cuối của bệnh AIDS, khắp người đã bắt đầu lở loét.
Những tưởng cậu con trai út sẽ là niềm hi vọng và chỗ dựa cho bà khi tuổi cao sức yếu, nhưng anh này cũng bỏ học từ năm lớp 11, theo chúng bạn ăn chơi đua đòi, không thể trang trải cuộc sống và đỡ đần người mẹ bất hạnh.
Một mình bà lại bươn chải ở khu chợ Nhật Tân. Ngày ngày cứ 4h sáng ra bán hàng nước, trưa chiều làm vệ sinh rồi lấy nước thuê cho hàng cá. Bao năm tự mình kiếm sống, nuôi con nghiện hút lại mắc bệnh xã hội, khi nhắc đến người chồng bà Đông chỉ ngậm ngùi: "Chồng tôi theo người khác đã gần chục năm nay. Tôi không biết lý do vì sao nhưng đừng đổ là do các cháu mà phải tội".
Tình nguyện viên "độc nhất vô nhị"
Đến chợ Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội), cứ hỏi bà Đông hay "Đông ma túy", "Đông si đa", ai ai cũng biết bởi cái lao động đặc biệt, gần như là "độc nhất vô nhị" chỉ của riêng bà là tắm rửa, khâm liệm cho người nhiễm HIV/AIDS và cả những người già cả, bệnh tật, ốm đau rồi qua đời.
Chiếc xe đạp không chuông, không phanh cùng bà trên mỗi nẻo đường đến với người có HIV/AIDS.
Với chiếc xe đạp không chuông, không phanh, 1 đôi xô, 1 chiếc gáo, 1 cái xoong và bộ dụng cụ chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS được Bộ Y tế cấp, bà Đông đạp xe đến mọi ngõ xóm, phố phường, không chỉ ở quận Tây Hồ mà cả các xã bạn, hễ biết ai cần giúp đỡ là bà sẵn sàng gác lại công việc ở chợ và lên đường, có khi là đêm hôm, gà gáy.
Mối "duyên" với "nghề" đến với bà từ trước khi trở thành một tình nguyện viên Câu lạc bộ "Hãy đến bên nhau". Bà kể, trường hợp đầu tiên bị HIV được bà chăm sóc và khâm liệm vào năm 2000, sau đó mới tới vợ chồng người con cả của bà.
Năm 2005, Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS thực hiện chương trình phổ biến kiến thức ở phường. Với tình thương và tâm huyết dành cho những người nhiễm HIV, bà Đông được tham dự lớp tập huấn 15 ngày. Bằng kinh nghiệm của bản thân và tích lũy kiến thức qua lớp học, bà Đông là tình nguyện viên rất tích cực, hai năm liền được tặng thưởng giấy khen.
Công việc hàng ngày của bà là chăm sóc, chia sẻ với các bệnh nhân nhiễm H và đang sống chung với H, vận động các bạn tham gia Câu lạc bộ của phường. Ban đầu, CLB mới có 11 thành viên, đến nay đã phát triển lên con số 85 thành viên, trong đó có tới 21 người đang mang trong mình virus HIV.
Bà Đông chia sẻ: "Các bạn nhiễm H cũng là 1 con người, mình cũng là con người không nên kỳ thị, xa lánh các bạn mà phải là đòn bẩy để các bạn dựa vào. Các bạn nhiễm H đi vào con đường lầm lỡ, trở thành gánh nặng cho gia đình, mình phải có lời nói và động viên để các bạn hiểu rằng dù họ lầm lỡ nhưng bên cạnh vẫn có người sống chung với họ để giúp họ vượt qua mặc cảm".
Bà kể, những ngày đầu đến làm tình nguyện, có khi bị người trong gia đình và chính người bệnh chửi bới, nhưng càng chửi bà càng đến và khi người đó qua đời, gia đình lại đến nhờ bà tắm rửa và khâm liệm cho họ.
Người tình nguyện viên đặc biệt nhớ nhất kỷ niệm với một bệnh nhân sinh năm 1978. Bố mẹ ly hôn, người mẹ giờ vẫn ngồi tù vì buôn bán ma túy còn người bố đã đi bước nữa. Khi người đó ở vào giai đoạn cuối, người bố và mẹ kế không dám chăm sóc, chỉ bịt khẩu trang đứng nhìn.
Bà Đông lại ân cần đến với người bệnh như đang chăm sóc đứa con của mình. Người ấy tâm sự với bà rằng: "Cháu ân hận, cháu và con bác lâm vào ma túy hại gia đình. Cháu cám ơn bác chăm sóc, tắm rửa cho cháu. Cháu ra đi là số phận, cháu sẽ phù hộ cho bác khỏe mạnh". Và rồi 9h sáng hôm sau, người ấy lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng.
Có người bệnh tìm đến bà như một nơi để gửi gắm khi biết ngày lìa xa cuộc đời của mình sắp đến. Đó là trường hợp một người đàn ông có HIV ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Qua thông tin trên mạng, anh biết đến người tình nguyện viên với công việc độc nhất vô nhị giữa lòng thủ đô và nhờ gia đình đến tìm. Những ngày cuối, anh thỏa ước nguyện được bà chăm sóc và khâm liệm khi nhắm mắt xuôi tay.
Tận tâm tận lực với công việc là điều dễ nhận thấy ở người tình nguyện viên này. Chị Hà, một người hàng xóm gần gũi với bà Đông chia sẻ: "Mình là người may mắn trong gia đình không có người nhiễm HIV. Nhưng gia đình bà có 2 con nhiễm H nên bà rất hiểu và sẵn sàng giúp đỡ không tính toán, không vì tiền, mà chỉ làm vì tâm huyết của mình".
Với người phụ nữ bất hạnh nhưng giàu lòng bao dung và chất chứa tình thương ấy, niềm an ủi duy nhất của bà lúc này là có cô con dâu vợ người con trai thứ hai rất thảo hiền, đặc biệt là hai cháu nội chăm ngoan và học giỏi. Đó là nguồn động lực lớn lao, là chỗ dựa tinh thần để bà tiếp tục đến với những gia đình, những người đang sống chung với căn bệnh thế kỷ và trở thành chỗ dựa cho họ những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Theo Laodong
Người Việt đã quên nỗi sợ lây nhiễm HIV/AIDS? Chỉ ngồi ở nhà bán trà đá, một ngày bỗng phát hiện mình có HIV. Những câu chuyện khó ngờ ở các phòng khám chứng minh một thực tế kinh hoàng: HIV đang âm thầm lan từ người này sang người khác, kể cả những người có đời sống lành mạnh. Không dùng bao cao su vì ngại, vì chủ quan Trong quá...