Nhiễm độc sữa mẹ được hút ra từ máy hút sữa, bé sơ sinh mắc bệnh viêm màng não hiếm gặp
Sau khi tìm hiểu và loại trừ các nguyên nhân, các chuyên gia đã rút ra kết luận sữa mẹ được hút ra từ máy hút sữa bị nhiễm khuẩn chính là nguyên nhân khiến em bé bị mắc căn bệnh nguy hiểm.
Đối với một em bé sơ sinh, sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng mà hoạt động bú mẹ còn mang lại sự gắn kết mẹ – con, cảm giác thoải mái, dễ chịu cho bé… Ai cũng biết sữa mẹ có vô vàn tác dụng bảo vệ bé khỏi nhiều loại vi trùng khác nhau thông qua những kháng thể trong sữa. Nhưng nếu việc vệ sinh máy hút sữa không được đảm bảo, nguồn dinh dưỡng quý giá này sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Kết quả, bé có thể bị bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.
Cô bé bị nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây chết người
Năm 2017, một cô bé ở bang Pennsylvania (Mỹ) chào đời khi người mẹ mới được 29 tuần thai. Khoảng 3 tuần sau sinh, bé có những dấu hiệu mắc bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.
Xét nghiệm được tiến hành cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn Cronobacter Sakazakii trong dịch tủy của bé. Bệnh nhiễm trùng tiến triển nặng thêm và rốt cuộc cô bé được chẩn đoán mắc viêm màng não.
Mô não của bệnh nhi trên đã bị bệnh nhiễm trùng hủy hoại và vì thế, cô bé phải đối mặt với “sự trì hoãn nặng nề trong quá trình phát triển” (Ảnh minh họa).
Tiến sĩ Anna Bowen là chuyên gia dịch tễ học y khoa của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ cơ sở tại Atlanta. Tiến sĩ Bowen cho biết, mô não của bệnh nhi trên đã bị bệnh nhiễm trùng hủy hoại và vì thế, cô bé phải đối mặt với “sự trì hoãn nặng nề trong quá trình phát triển”.
Các nhà điều tra đã tiến hành tìm hiểu nguyên nhân khiến bệnh nhi mắc phải căn bệnh nhiễm trùng hiếm gặp trên. Được biết, mỗi năm ở Mỹ, chỉ có khoảng 4-6 ca viêm màng não do vi khuẩn Cronobacter Sakazakii.
Sữa mẹ được hút bằng máy hút sữa bị nhiễm khuẩn
Thông thường, dạng bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn này ở trẻ sơ sinh có liên quan tới sữa công thức. Vậy nên, đây là điểm khởi đầu cuộc điều tra một cách tự nhiên. Nhưng em bé chưa hề dùng sữa công thức. Rốt cuộc, các điều tra viên đã phát hiện thấy dấu vết của sữa mẹ được hút bằng máy hút sữa. Cô bé dùng loại sữa đã bị nhiễm khuẩn này và mắc bệnh.
Tiến sĩ Bowen giải thích: “ Chúng tôi đã truy tìm mọi con đường tiếp xúc với thực phẩm của bệnh nhi nói trên cũng như các tiếp xúc với môi trường, với thuốc. Cuối cùng, chúng tôi tìm thấy vi khuẩn Cronobacter trong máy hút sữa dùng tại nhà và các mẫu sữa được hút ra từ chiếc máy đó“. Không những thế, vi khuẩn Cronobacter còn được phát hiện thấy trong bồn rửa phòng bếp.
Thay vì đổ lỗi cho người mẹ, Tiến sĩ Bowen kêu gọi các bà mẹ khác hãy nâng cao nhận thức về quy tắc an toàn khi sử dụng máy hút sữa. “ Cho con bú sữa mẹ thực sự là một trong những điều tuyệt vời nhất mà một người mẹ có thể làm cho sức khỏe cũng như sự phát triển của con mình. Chúng tôi hoan nghênh những bà mẹ hút sữa ra cho con bú khi bé không thể trực tiếp bú mẹ. Nhưng trường hợp này đã tác động sâu sắc tới chúng tôi, khiến chúng tôi phải đặt ra câu hỏi: Liệu các bà mẹ có nhận được chỉ dẫn cần thiết khi dùng máy hút sữa một cách an toàn cho sức khỏe con họ không“, Tiến sĩ Bowen bày tỏ.
Liệu các bà mẹ có nhận được chỉ dẫn cần thiết khi dùng máy hút sữa một cách an toàn cho sức khỏe con họ không (Ảnh minh họa).
Video đang HOT
Tiến sĩ Sharon Unger, bác sĩ nhi kiêm giám đốc y khoa ngân hàng sữa mẹ Toronto (Canada), lý giải, việc sữa mẹ được hút ra bị nhiễm khuẩn là hiện tượng khá phổ biến. Nhưng đây là lần đầu tiên, cô gặp trường hợp nhiễm trùng vi khuẩn Cronobacter có liên quan tới sữa mẹ.
Trên thực tế, sữa mẹ về tự nhiên chứa nhiều loại vi khuẩn không gây nhiễm trùng ở những em bé sinh đủ ngày đủ tháng và khỏe mạnh. Tuy nhiên, một bé sinh non khác biệt ở chỗ, hệ miễn dịch của bé chưa thực sự phát triển hoàn thiện và vì thế, tăng nguy cơ bé mắc bệnh nhiễm trùng. Đó cũng có thể là trường hợp bệnh nhi kể trên.
Tiến sĩ Unger cho biết thêm: “ Đây cũng là lý do luôn phải tiệt trùng sữa mẹ được hiến tặng để đảm bảo an toàn. Chúng ta không tiệt trùng sữa của người mẹ dành cho chính con cô ấy bú bởi chúng ta muốn em bé sẽ được làm quen với cùng loại vi khuẩn của người mẹ khi cô ấy cho con bú và thông qua da tiếp da giữa mẹ và bé“.
Làm thế nào để ngăn ngừa nguy cơ sữa mẹ nhiễm khuẩn khi được hút từ máy hút sữa?
Nếu bạn sử dụng sữa mẹ hiến tặng từ một ngân hàng sữa mẹ do chính phủ quản lý, bạn có thể an tâm rằng chúng đã được kiểm tra cẩn thận.
Bạn nên cẩn trọng hơn nếu quyết định nhận sữa mẹ từ những mối quen biết cá nhân hoặc từ các nguồn khác không phải do chính phủ quản lý (ví dụ từ hội nhóm trên mạng). Ngoài ra, các bà mẹ cho con bú nên tuân thủ quy tắc đảm bảo vệ sinh khi hút sữa ra bằng máy hút sữa.
Các bà mẹ cho con bú nên tuân thủ quy tắc đảm bảo vệ sinh khi hút sữa ra bằng máy hút sữa (Ảnh minh họa).
Sau đây là một số gợi ý vệ sinh máy hút sữa:
- Rửa tay thật sạch trước khi sử dụng máy hút sữa, lau phía ngoài máy hút sữa bằng các loại khăn đã được khử trùng.
- Tháo rời các bộ phận của máy hút sữa sau mỗi lần sử dụng và rửa chúng thật sạch dưới vòi nước chảy. Không đặt chúng trực tiếp vào bồn rửa.
- Ngay sau khi vắt sữa, lau chùi máy hút sữa bằng nước nóng pha xà bông. Sử dụng bàn chải dành riêng cho việc vệ sinh máy hút sữa.
- Lau chùi, kỳ cọ các bộ phận máy hút sữa thật kỹ.
- Phơi khô các bộ phận của máy. Không sử dụng khăn tắm để lau bởi bản thân khăn tắm chứa vi khuẩn.
- Làm sạch và phơi khô bàn chải dùng để vệ sinh máy hút sữa.
- Để các bộ phận của máy hút sữa ở nơi khô ráo, sạch sẽ sau khi chúng đã khô hoàn toàn.
- Bảo quản lạnh sữa ngay sau khi hút ra.
- Lau sạch bồn rửa bạn dùng để vệ sinh máy hút sữa.
- Nếu bạn đang dùng máy rửa chén bát để vệ sinh máy hút sữa, chọn chế độ rửa bằng nước nóng, hong khô bằng nhiệt hoặc chế độ tiệt trùng.
Ngoài những gợi ý trên, hãy thường xuyên kiểm tra máy hút sữa để xem nó có bị bám bụi bẩn, bị mốc ở những vị trí khó nhìn thấy không. Ví dụ: trong ống hút và gioăng ở van. Nếu phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu mốc hay bụi bẩn nào, hãy xem xét việc thay thế những bộ phận đó.
Trường hợp một người khác, không phải bạn, ví dụ chồng bạn hoặc người giúp việc, hỗ trợ bạn làm vệ sinh máy hút sữa, hãy hướng dẫn họ cụ thể các quy tắc vệ sinh trên.
Nguồn: CDC, CBA News
10 dấu hiệu cho thấy mẹ đã cho bé sơ sinh ăn nhiều hơn cần thiết
Các bà mẹ luôn lo lắng bé sơ sinh ăn ít sẽ ảnh hưởng tới phát triển. Điều này dẫn tới việc các mẹ sẽ cho con ăn nhiều hơn cần thiết.
Chăm sóc trẻ sơ sinh luôn là cả vấn đề với những bà mẹ giàu kinh nghiệm và đặc biệt là những phụ nữ lần đầu làm mẹ. Giấc ngủ và cữ ăn của bé luôn khiến các bà mẹ bối rối. Việc cho bé ăn quá nhiều là khá phổ biến, vì các bà mẹ luôn lo sợ con bị thiếu bữa và không đảm bảo phát triển. Song thực tế, việc cho bé sơ sinh ăn quá nhiều đôi khi lại phản tác dụng, nhất là với những bé nuôi bằng sữa ngoài. Bé sẽ có những biểu hiện sau cho thấy tình trạng ăn quá nhiều so với nhu cầu cần thiết.
Tăng cân: Nhiều bậc cha mẹ thường rất tự hào khi con mình trông mũm mĩm hơn những đứa trẻ cùng tuổi khác. Tuy nhiên, liệu các bậc phụ huynh có bao giờ tự hỏi con mình có đang bị béo phì? Trẻ sơ sinh không ngừng phát triển và cần sự tăng trưởng trung bình nhất định để đạt được các mức phát triển hàng tháng. Tuy nhiên, với những bé sơ sinh được nuôi cả bằng sữa mẹ và sữa ngoài, khi được cho ăn quá nhiều cơ thể bé sẽ không tiếp nhận được cùng lúc quá nhiều lượng calo và điều này có thể khiến bé bị giảm cân sau đó.
Chất thải nặng mùi: Điều này là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy bé của bạn đang ăn quá nhiều và thừa chất.
Bụng chướng gây quấy khóc: Ruột của bé sơ sinh bị quá tải vì sữa sẽ sản sinh khí dư thừa. Khi đó, bé sơ sinh không thể tiêu hóa hết lượng sữa mẹ cộng với sữa công thức. Khí dư thừa sẽ khiến bé bị đau bụng và quấy khóc liên tục.
Trớ hay trào ngược: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trào ngược hay trớ ở trẻ sơ sinh sau ăn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu bạn đã có trẻ ăn quá nhiều. Việc bị trớ có thể là do bé đang bị "quá tải" sau mỗi bữa ăn.
Bé từ chối bình sữa ưa thích: Bé sẽ bỏ bình sữa khi đã cảm thấy no. Đây là điều các bậc phụ huynh nên lưu ý và "tôn trọng" quyết định của bé.
Tã của bé luôn ướt: Có một quy tắc để kiểm tra bé của bạn có được cho ăn đúng cách hay không, đó là kiểm tra tã của bé. Với bé sơ sinh hơn 6 tuần tuổi, tã hay bỉm thường được thay 4-5 lần/ngày. Tuy nhiên, quy tắc này sẽ thay đổi cùng với thời gian bé lớn lên. Nếu bạn thấy tã hay bỉm của bé luôn ướt và phải thay liên tục thì bạn nên tham vấn các bác sĩ liệu bé có đang ăn quá nhiều hay không.
Bé ợ hơi quá nhiều: Chúng ta luôn biết rằng bé sơ sinh cần "một cái ợ hơi lớn" sau khi ăn. Nếu bạn thấy rằng bé của mình ợ nhiều hơn bình thường, cùng với các dấu hiệu nêu trên thì rất có thể bé của bạn thực sự bị "quá tải". Nếu bé của bạn ợ hơi ngay cả trước khi bạn vỗ lưng, thì có khả năng bé đang được cho ăn nhiều hơn mức cần thiết.
Ngủ không ngon giấc: Bé sơ sinh sẽ có một giấc ngủ không thoải mái và bị gián đoạn nếu luôn phải đi tiểu tiện. Ăn một lượng sữa quá nhiều sẽ khiến bé liên tục tiểu tiện. Điều này khiến bé khó ngủ và nó thậm chí hình thành thói quen gắt ngủ. Và nguyên nhân chính là do bé được cho ăn quá mức.
Cơ thể nặng nề thiếu linh hoạt: Đây là điều hoàn toàn tự nhiên, với người lớn, chúng ta luôn cảm thấy cồng kềnh quá tải khi ăn quá nhiều. Với trẻ sơ sinh cũng vậy, dạ dày no căng cũng sẽ gây khó chịu và thậm chí là đau nếu ăn quá mức. Khi bé bị trớ vì ăn no thì cảm giác của bé còn khó chịu hơn nhiều.
Dạ dày kích ứng: Đây là triệu chứng phổ biến khi bé được cho ăn no quá mức. Bé cũng sẽ gặp những triệu chứng như co thắt dạ dày, tiêu chảy, đầy hơi... Những cơn đau dữ dội sẽ khiến bé quấy khóc không ngừng./.
Hoàng Lê/VOV.VN
Theo Boldsky
Lại là "nụ hôn thần chết" khiến bé 8 tuần tuổi đối mặt tử thần chỉ vì cảm lạnh thông thường Ngưng thở trong 1 phút, 4 lần hồi sức tim phổi, 5 ngày rơi vào tình trạng hôn mê nhân tạo... cô bé mới chỉ 8 tuần tuổi đã phải chiến đấu chống lại căn bệnh cảm lạnh thông thường vì lây từ một người lớn nào đó qua "nụ hôn thần chết". " Nụ hôn thần chết" thêm lần nữa lại gây...