“Nhếch nhác” nơi đô thị “kiểu mẫu”
Từng được ví là đô thị kiểu mẫu tại Thủ đô, nhưng giờ đây, quy hoạch tại bán đảo Linh Đàm đang bị “băm nát” cùng những tòa cao ốc. Khi dân cư tăng chóng mặt thì “màu xanh” cũng dần biến mất…
Ngày nay, tại các đô thị lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… các tòa nhà bê-tông, tháp kính mọc lên dày đặc, phố xá ngày càng ngột ngạt, sức nóng mùa hè theo đó tăng lên gấp nhiều lần. Một khảo sát gần đây cho thấy, dù tối đa hóa diện tích mật độ xanh thì các dự án nhà ở hiện nay chỉ chiếm khoảng 40%, chưa kể không ít dự án bị “ăn cắp” không gian xanh, thậm chí yếu tố này còn bị “bỏ quên”…
Hình ảnh nhếch nhác ngay cổng chính công viên Bắc Linh Đàm
Tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) , những tòa nhà “chọc trời” được xây dựng ngày càng nhiều, những khu giải trí chất lượng cao theo đó “mọc” lên như nấm sau mưa. Thế nhưng, phần “diện tích xanh” của phố lại đang dần bị thu hẹp, sân chơi cho thiếu nhi do đó bị thiếu hụt nặng nề. Những khu đất vốn dĩ được dùng để xây dựng khu vui chơi, tạo màu xanh cho phố lại bị sử dụng sai mục đích, trở thành nơi kinh doanh, buôn bán cho những kẻ cơ hội kiếm lời…
Công Viên Bắc Linh Đàm đang bị “xẻ thịt” bởi các cơ sở kinh doanh…
Còn nhớ, hơn 10 năm trước, khi vẽ nên khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), những người làm quy hoạch đã rất tự hào vì xây dựng được một bán đảo đẹp, đáng sống với những khu chung cư xinh xắn, trong một khu đô thị xanh hơn 200 ha, trong đó có 74 ha diện tích mặt nước, cùng những công viên có mật độ cây xanh lên tới 13 m2/người.
Nhưng trong vài năm gần đây, dư luận “bỗng” nóng tại khu vực này, nơi vốn được coi là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô, nhưng giờ đây chẳng mấy ai nhận ra được vóc dáng của đô thị “kiểu mẫu” một thời này . Thay vào đó, người dân Hà Nội lại thấy những tòa nhà cao ốc mọc lên một cách “vô tội vạ”, quy hoạch đô thị đang bị “băm nát”, dân cư tăng chóng mặt… Thậm chí sân chơi của trẻ nhỏ như công viên Bắc Linh Đàm cũng đang bị nhiều cá nhân, đơn vị khai thác để “trục lợi”.
Video đang HOT
Các sân tenis, bể bơi chiếm phần diện tích lớn công viên
Có thể thấy rõ ngay tại trung tâm khu vực này, 12 tòa chung cư HH cao từ 35-40 tầng, với mật độ dân cư khoảng hơn 60. 000 người, nhưng khoảng không duy nhất của 12 tòa nhà chụm vào nhau là khoảng không chỉ vẻn vẹn vài nghìn mét vuông. Chỉ cần đứng dưới đó vài phút ai cũng có thẻ cảm nhận được sự ngột ngạt, bức bách đến khó thở!
Trong khi đó chỉ cách vài bước chân là công viên, vườn hoa Linh Đàm, thế nhưng, khoảng không gian được ví như “vàng” này cũng đang bị “xẻ thịt”, tận dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán cho những kẻ cơ hội.
Khu nhà hàng ăn uống nằm giữa công viên
Theo đó, ngay phía cổng công viên Linh Đàm là quán cà phê mang tên Hồn Gỗ với diện tích khoảng không từng được trưng dụng làm bãi đỗ xe trong một thời gian dài. Và cũng cách cơ sở này chừng vài trăm mét là hàng loạt nhà hàng được mọc trên đất công viên như nhà hàng Phương Anh, Karaoke Lade Side, trung tâm chăm sóc sức khỏe, massage, sân tenis…
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, anh Ngô Tân, một người dân trên địa bàn bức xúc: Khoảng không gian vốn chật hẹp giữa các tòa nhà lại biến thành bãi trông giữ xe trái phép, thậm chí bị “xẻ thịt” cho tư nhân thuê kinh doanh, khiến bộ mặt đô thị “kiểu mẫu” này thật “nhếch nhác”.
“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng những cá nhân, tổ chức ngang nhiên chiếm dụng không gian xanh của người dân là do sự buông lỏng quản lý, thậm chí có sự tiếp tay của chính quyền địa phương…”, anh Tân nhấn mạnh.
Dịch vụ massage, karaoke cũng chiếm dụng diện tích không gian xanh tại nơi đây
Còn nhớ, chia sẻ về việc không gian công cộng nói chung hiện nay đang bị chiếm dụng một cách “thô bạo” giữa lòng Thủ đô, PGS.TS Phạm Quỳnh Phương-Viện Nghiên cứu Văn hóa cũng cho rằng: Nguyên nhân là vấn đề nhận thức của người quản lý…
“Họ vẫn chưa coi không gian công cộng là cấp bách, vẫn nói là cơm áo gạo tiền còn chưa đủ thì chơi cái gì. Nhưng thực ra họ không hiểu chất lượng thực sự cuộc sống của người dân đang đi xuống. Các nhà quản lý theo nhiệm kỳ, nhiều khi do không tham khảo các nhà Hà Nội học, kiến trúc sư và dân gốc Hà Nội nên họ dễ dàng phá bỏ những gì Hà Nội cần lưu giữ…”, PGS. TS Phạm Quỳnh Phương nói.
Khổ vì mua nhà ở xã hội
Nhiều dự án nhà ở xã hội ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chậm trễ tiến độ, thậm chí có dự án đã hoàn thành nhưng không bàn giao nhà.
Gần 5 năm qua, những người dân mua căn hộ tại khối A1 thuộc dự án nhà ở xã hội (NƠXH) HQC Nha Trang vẫn chưa được nhận nhà dù đã đóng tiền đầy đủ và dự án cũng đã hoàn thành. Lý do vì chủ đầu tư là Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (Công ty Hoàng Quân) không bàn giao căn hộ.
Chủ đầu tư lật lọng
Ông Triệu Trường Sơn, một cư dân, cho biết những người mua nhà hầu hết là công chức, lao động nghèo phải thuê nhà ở. Khi được duyệt mua căn hộ tại dự án NƠXH ai cũng mừng vì thoát kiếp ở trọ. Thế nhưng, đến nay là 5 năm rồi mà chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao nhà. "Chúng tôi là những người ký hợp đồng thuê - mua, theo quy định chỉ phải đóng 50% giá trị căn hộ (sau 5 năm được quyền mua lại căn hộ). Nhưng Công ty Hoàng Quân ép khách hàng đóng đến 95% giá trị hợp đồng, nếu không sẽ không bàn giao nhà. Tôi chưa thấy chủ đầu tư nào lật lọng với khách hàng như vậy. Họ chậm trễ tiến độ tới 3 năm là vi phạm hợp đồng rồi, khi làm xong lại không bàn giao, không trả tiền phạt 10% giá trị hợp đồng. Toàn dân nghèo cả, vậy mà họ cố ép chúng tôi" - ông Sơn bức xúc.
Dự án chung cư xã hội P.H trễ tiến độ gần 1 năm nay
Ông Trần Nam Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã nhiều lần yêu cầu Công ty Hoàng Quân thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận theo hợp đồng đặt cọc thuê căn hộ với giá bán sau 5 năm như đã thống nhất và không được thu tiền đặt cọc vượt quá 50% trị giá nhà ở cho thuê. "Chúng tôi sẽ tiếp tục mời chủ đầu tư lên làm việc để giải quyết quyền lợi cho người dân. Chủ đầu tư này đúng là quá đáng với người dân" - ông Bình lắc đầu.
Ngược lại, Công ty Hoàng Quân lại có thông cáo báo chí cho rằng công ty có "ý thức trách nhiệm cao", "nỗ lực không ngừng đẩy mạnh tiến độ hoàn thành dự án HQC Nha Trang" (!).
Nhiều dự án ì ạch
Một dự án nữa đang bị người dân phản ánh chậm tiến độ gần 1 năm nay là chung cư xã hội P.H. Dự án này xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 9.470 m2 (phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang) gồm 3 tòa tháp căn hộ với 26 tầng nổi và 1 tầng hầm với 1.272 căn hộ, trong đó có 1.094 căn NƠXH. Chủ đầu là Công ty CP Thương mại Đầu tư P.H Nha Trang (Công ty P.H Nha Trang).
Chị N.T.M.H, một người mua nhà, cho biết theo hợp đồng đã ký, chủ đầu tư phải bàn giao căn hộ vào quý III/2019 nhưng đến nay gần 1 năm, chưa ai nhận được thông báo nhận nhà. Chủ đầu tư cũng không tổ chức đối thoại, thông báo cụ thể kế hoạch, thời gian giao nhà cũng như bồi thường hợp đồng vì trễ tiến độ.
Còn theo chị B., một người đã vào ở tại dự án này, những người mua nhà đều có hoàn cảnh khó khăn, phải ở trọ, thuê nhà. Một số người vì quá bức thiết buộc phải điền vào mẫu đơn mà chủ đầu tư phát để nhận nhà. Trong mẫu đơn này, chủ đầu tư đã rất o ép người mua khi yêu cầu người mua phải tự nguyện đóng tiền đợt 7 (25% giá trị căn hộ, tương đương 95% giá trị hợp đồng) và 2% phí bảo trì. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở để ở chưa bảo đảm, chưa nghiệm thu để đưa vào sử dụng.
Đại diện chủ đầu tư dự án P.H giải thích lý do trễ tiến độ là do dịch Covid-19 và họ đã thông báo cho khách hàng. Còn việc yêu cầu khách hàng phải ký đơn mới được vào ở, đại diện Công ty P.H Nha Trang cho rằng dự án đang trong quá trình nghiệm thu, nếu khách hàng muốn nhận nhà thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính chứ "chủ đầu tư không ép ai nhận nhà".
Ông Trần Nam Bình cho biết dự án chung cư xã hội P.H chưa được nghiệm thu mà đưa người vào ở là sai quy định. Tuy nhiên, đến nay, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa chưa nhận được các phản ánh cụ thể bằng đơn thư của người dân. "Nhiều dự án NƠXH bị người dân phản ánh chậm trễ tiến độ do chủ đầu tư gặp khó khăn, không đủ năng lực về vốn. Bên cạnh đó, thời gian gần đây ảnh hưởng dịch Covid-19 cũng là một nguyên nhân" - ông Bình nhận định.
Bị "tuýt còi" vì huy động vốn trái phép
Dự án NƠXH HQS tại khu đô thị mới Lê Hồng Phong I (TP Nha Trang) do Công ty CP Bất động sản Hà Quang làm chủ đầu tư cũng bị Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa "tuýt còi" vì huy động vốn trái phép. Phía chủ đầu tư cho biết đến nay tỉnh vẫn chưa có quyết định miễn tiền sử dụng đất do bất cập về danh mục hồ sơ của Nghị định 123. Trong khi Cục Thuế tỉnh kiến nghị Hội đồng Thẩm định giá của tỉnh phải xác định giá trị được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án NƠXH. Tuy nhiên, việc này kéo dài quá lâu, trong khi doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào dự án mà chưa thể ký hợp đồng huy động vốn với các đối tượng được mua.
Về sự việc này, Sở Xây dựng đã giao Thanh tra sở xem xét để có ý kiến với doanh nghiệp.
Quỹ đầu tư Nhật Bản giảm sở hữu tại An Gia còn 7%, thu về gần 100 tỷ Trong khoảng thời gian quỹ đầu tư Nhật thoái vốn, thị giá AGG dao động quanh mức 26.500 đồng/cp, ước tính Creed Investments VN-1 đã thu về hơn 98 tỷ đồng. Creed Investments VN-1 Ltd - tổ chức có liên quan đến ông Masakazu Yamaguchi - Thành viên HĐQT Bất động sản An Gia (AGG) vừa thông báo đã bán ra thành công...