Nhảy Zumba để phòng chống bạo lực gia đình
Quần áo ám mùi thịt cá, bàn tay còn vương nhựa rau, chân đi ủng, các nữ tiểu thương ở chợ Bãi Đá (Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội) vẫn nhiệt tình nhảy theo điệu Zumba sôi động. Đây là hoạt động giúp chị em giải phóng năng lượng, thoát khỏi buồn đau và tự tin hơn để phòng chống bạo lực gia đình.
Giải tỏa uất ức, căng thẳng
Nụ cười tỏa sáng trên gương mặt, chị Minh – một phụ nữ bán hoa quả tại chợ Bãi Đá cho biết, chị chưa từng nghĩ một ngày mình có thể nhảy một cách vui vẻ như vậy.
Chị em tiểu thương chợ Bãi Đá hăng say học nhảy. Ảnh: CSAGA.
Chị cho biết, cuộc sống của chị rất vất vả. Dậy sớm, thức khuya để chạy chợ, đảm đang làm vợ, làm mẹ, nhưng chị từng bị chồng giết hụt tới 3 lần. Chồng đánh chửi thường xuyên và diễn ra trong nhiều năm, nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng với suy nghĩ để gia đình được toàn vẹn, bảo vệ các con mình.
Chia sẻ về trường hợp của chị Minh, bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết, bà đã mất nhiều thời gian mới tiếp cận và nhận được sự tin cậy của chị Minh, nghe chị chia sẻ về nỗi đớn đau của mình.
“Chị ấy kể, lấy nhau sau 5 năm chồng bắt đầu đánh chửi vợ như cơm bữa với những lý do hết sức vớ vẩn như: Đi chợ về muộn; chưa có nước sôi… Người chị ấy hiếm hoi lắm mới có ngày không bầm dập. Nhưng, hai lần bị đánh gần đây khiến chị nhớ nhất. Đó là cách đây hai năm, chị bị chồng đánh đến rạn xương đầu, phải đi viện cấp cứu. Vết thương ấy đến giờ vẫn còn di chứng, hàng ngày chị ấy vẫn phải uống thuốc. Lần khác, chị bị chồng chèn gối lên đầu rồi (không biết là dùng dao hay kéo) định đâm, anh bộ đội chạy vào can thì bị đâm vào tay phải khâu 5 mũi. Khi anh ta có bồ, anh ta còn dẫn về nhà để bắt vợ phục vụ cơm nước và không được tỏ vẻ vô lễ với bồ của chồng” – bà Vân Anh nói.
Video đang HOT
Để trợ giúp chị Minh, bà Vân Anh đã đến gặp chủ tịch hội phụ nữ xã, công an xã, chính quyền… để tìm giải pháp. Xã đã phải họp bàn 3 cuộc để tìm cách giải cứu chị Minh khỏi bạo lực. Thậm chí, công an còn vẽ cả sơ đồ nhà chị Minh với các cửa thoát, lối vào khẩn cấp để khi chồng đánh, chị Minh biết đường tháo chạy, tìm hỗ trợ. Nhà chị Minh cũng được đặt trong tình trạng bảo vệ. Cảnh sát và một người bạn thân của chồng chị Minh đã gặp gỡ và cảnh báo anh ta. Anh ta cũng đã viết cam kết không đánh vợ.
“Tôi rất thích được học nhảy. Khi nhảy, tôi cảm thấy mình được giải tỏa uất ức, cuộc sống đỡ căng thẳng hơn” – chị Minh chia sẻ.
“Tiến quân” vào nội đô
Dạy nhảy cho phụ nữ bán hàng ở chợ Bãi Đá là chương trình do CSAGA thực hiện. Điều này gây ngạc nhiên vì nhiều người cho rằng, nhảy nhót phải dành cho phụ nữ thư dãn, ở môi trường đẹp đẽ. Đằng này ở chợ ồn ào, phụ nữ ăn mặc giản dị, bận rộn, ám mùi cá thịt mà nhảy Zumba không phù hợp.
Chia sẻ về điều này, bà Vân Anh cho biết, nhảy là cơ hội để giải phóng cơ thể, rất cần thiết cho chị em, nhất là những phụ nữ bị bạo hành, căng thẳng, mệt mỏi. “Việc vận động cơ thể đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình rất quan trọng. Bởi phải giải phóng được thân thể mới có thể giải phóng được cái đầu. Khi giải phóng được thân thể, các cơ mềm ra sẽ hỗ trợ rất lớn việc mở mang đầu óc…” – bà Vân Anh nói.
Theo bà Vân Anh, sau chợ Bãi Đá, CSAGA sẽ nhân rộng mô hình này tại các chợ vùng xứ Đoài (Sơn Tây) và “tiến quân” vào nội đô. Bà hy vọng sẽ tạo ra phong trào giải trí lành mạnh cho chị em tiểu thương vốn làm việc căng thẳng, không có thời gian tham gia giải trí, hoạt động nâng cao sức khỏe và xả stress. Và cùng với việc học nhảy, chị em sẽ được học về kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, sống tự tin, vui vẻ, tạo hạnh phúc cho mình và cho gia đình.
Là giáo viên dạy nhảy cho chị em tiểu thương, chị Vũ Thị Thùy Linh hy vọng, thông qua hoạt động nhảy múa, chị em sẽ khỏe mạnh hơn, tin yêu bản thân hơn, hướng tới những điều tích cực.
Chợ Bãi Đá từng có rất nhiều chị em bị bạo lực gia đình. Sau hơn 1 năm, với nhiều chương trình tác động, tình trạng bạo lực đã giảm bớt. Tuy nhiên, một số người bắt đầu chuyển từ bạo lực thể xác sang bạo lực tinh thần với những thủ đoạn tinh vi hơn. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình hỗ trợ nam giới tại khu vực chợ Bãi Đá để thay đổi nhận thức của họ về bạo lực gia đình, giúp họ thực sự biến chuyển về hành vi”. Bà Nguyễn Vân Anh
Theo Danviet
Phụ nữ bị bạo hành: Tự hào vì... nhẫn nhục chịu đòn
Bị chồng đánh tàn bạo, dai dẳng hàng chục năm nhưng không ít phụ nữ vẫn nhẫn nhục chịu đựng, thậm chí còn tự hào vì "không phải tôi thì gia đình này tan từ lâu rồi". Đây là nghịch lý mà bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ dân số (CCIHP) đã phải dày công nghiên cứu mới có thể lý giải được phần nào.
Bị đánh vẫn thương
"Em ở đây, chồng em ăn uống làm sao? Ai đi mua rượu cho anh ấy? Anh ấy giận hơn thì biết làm thế nào?" - chúng tôi đã nhiều lần đau đầu về những tình huống như vậy. Bị chồng đánh đến bầm dập, thậm chí nhập viện hoặc bị chém nhiều lần nhưng khi được can thiệp, đưa ra khỏi nhà, người phụ nữ lại băn khoăn, dằn vặt lo cho chồng. Họ kêu đau đầu, khó ngủ vì nhớ chồng, nhớ con. Ngay cả chúng tôi chỉ nghe họ kể về cực khổ, đau đớn mà họ trải qua đã căng thẳng, trầm cảm. Nhưng những phụ nữ bị chồng đánh ấy vẫn nhẫn nhục chịu đựng suốt 20-30 năm. Yếu tố gì khiến người bị bạo hành chịu đựng thống khổ, né tránh cơ hội thoát khỏi bạo lực như vậy?
Xem trưng bày vật chứng bạo lực gia đình do Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên tổ chức. Ảnh: Diệu Linh
Gần 20 năm làm việc về bạo lực gia đình (BLGĐ) đến giờ có lẽ tôi mới hiểu, xưa nay nghiên cứu về BLGĐ, tôi mới chỉ nhìn thấy đau đớn, khổ cực mà người bị BLGĐ phải gánh chịu, mà chưa nhìn thấy... "niềm tự hào" của họ. Vì trong những câu chuyện mà những phụ nữ đó tâm sự, họ nói về đau thương, hờn tủi nhưng lẩn khuất trong đó vẫn là sự tự hào về bản thân họ - tự hào về việc họ đã giỏi chịu đựng như thế nào để gia đình không tan vỡ, bố mẹ không buồn phiền, con cái còn có bố.
"Họ hàng, làng xóm đều nể chị vì không có chị gia đình đã tan vỡ lâu rồi. Gia đình chồng cũng nể chị vì dù anh ấy đối xử với chị tàn nhẫn, chị vẫn chu đáo với họ hàng nhà chồng" - một phụ nữ bị đánh lâu năm đã tâm sự như vậy.
Có chị lại bảo: "Anh ấy thế thôi (nghiện ngập, cờ bạc, bạo lực) nhưng được cái là... gia trưởng" (??!!). Chị ấy lý giải là vì anh ấy gia trưởng nên giữ được tôn ti, trật tự trong gia đình, con cái răm rắp nghe lời, gia đình nền nếp. Sự tự hào cũng giúp họ nuôi hy vọng, vì họ giỏi chịu đựng như vậy nên một ngày chồng mình sẽ hiểu ra vợ mình tốt, hy vọng con gái dễ lấy chồng, con trai được bố uốn nắn, gia đình sẽ "có nóc"...
Đừng tôn vinh hy sinh
Thời gian tới, tôi cho rằng, các can thiệp, chính sách phòng chống BLGĐ cần có phân tích sâu hơn về niềm tự hào, sự hy vọng của những người phụ nữ cố chấp nhận/chịu đựng để chồng đánh. Từ đó có những can thiệp chỉ cho họ các giá trị khác về sự tự hào và hy vọng. Có như vậy, họ mới dũng cảm để tìm cách vượt qua bạo lực, bảo vệ chính mình và con cái, không tự hào một cách đau thương và duy ý chí nữa".
Bà Hoàng Tú Anh
Tại sao không ít phụ nữ bị chồng đánh lại có niềm tự hào vô lý này? Nhìn sâu xa mới thấy, Việt Nam đã có hẳn một "công nghệ" xây dựng niềm tự hào, "ép buộc" phụ nữ phải hy sinh, phải nhẫn nhịn. Từ lịch sử đến hiện đại, từ chiến tranh đến thời bình, hy sinh vẫn được tôn vinh như đức tính cao quý của phụ nữ. Chị em nào không hy sinh, không chịu nhịn thì bị lên án, bị phê bình, bị cho là... không xứng làm mẹ, làm vợ, không phải là phụ nữ.
Sự vô lý này sẽ thúc đẩy nhiều hành xử vô lý trước BLGĐ. Tại sao không ít cặp bố mẹ không thích có con gái vì bị đánh mà quay về nhà bố mẹ. Họ hắt hủi, đuổi đi, khuyên răn con tiếp tục nín nhịn. Thật khó hiểu khi bố mẹ sinh con ra, khi con bị sứt chân, đau tay thì vô cùng xót xa, nhưng khi con bị chồng đánh tang thương lại không xót? Đó là vì họ cho rằng con gái lấy chồng đã là con người ta.
Đồng thời, cũng sợ sự tan vỡ của con gái ảnh hưởng đến sự tự hào về gia đình toàn vẹn (không có con gái bỏ chồng). Về xã hội, các phong trào như gia đình văn hoá, làng xóm văn hoá cũng có tiêu chí không có BLGĐ, không gây mất trật tự trị an. Thế là nhiều cán bộ chính quyền đã "nhìn mà không thấy" những vụ BLGĐ diễn ra ngay trước mắt mình.
Có chị xin ly hôn nhưng lại bị hoà giải tới 21 lần cho dù "tiêu chuẩn" của vụ ly hôn là tối đa 3 lần hoà giải. Còn các can thiệp của chính quyền địa phương đối với các vụ BLGĐ là vì trật tự trị an xóm làng, tự hào dòng tộc, yên ổn gia đình chứ không phải vì lợi ích của người bị bạo lực. Thậm chí khuyên răn người chồng đánh vợ rằng "im lặng cho làng xóm ngủ" (??!!).
Sự tự hào này tác động nguy hiểm vì những phụ nữ bị BLGĐ sẽ cảm thấy có động lực để chấp nhận bạo lực và mất hết sức phản kháng tích cực khi bị bạo lực. Và chính sự "tự hào ảo" này giúp họ xoa dịu hoặc che lấp đi thậm chí thay thế nỗi đau về thể xác và tinh thần. Khi bị đánh chấp nhận bị đánh và vẫn tự hào vì tôi vẫn được nể trọng. Và sự nể trọng đó xoa dịu tất cả các nỗi đau, tạo động lực cho phụ nữ kiên cường hơn để... chịu bị đánh. Sự tự hào này tạo quyền lực vô hình, tác động đến phụ nữ, nam giới, đến chính quyền, làng xã khiến họ có những lời nói, hành xử dung dưỡng với bạo lực.
Theo Danviet
Tăng cường truyền thông bình đẳng giới bằng phim Tới đây, nhiều vấn đề về bình đẳng giới, bạo lực gia đình sẽ được ghi lại trong Dự án "Cung cấp thông tin về bình đẳng giới và phát triển cộng đồng thông qua sản phẩm truyền thông trực quan". Nâng cao nhận thức Vừa qua, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển hội thảo khởi động Dự án "Cung cấp thông...