Nhật triệu đại sứ TQ phản đối tàu xâm phạm lãnh hải
Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 16/3 cho biết thứ trưởng ngoại giao Kenichiro Sasae đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa tới Bộ Ngoại giao để phản đối tàu Hải Giám của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông.
Quần đảo Senkaku. (Nguồn: Internet)
Ông Sasae đã gọi hành động này là “cực kỳ nghiêm trọng” và “không thể chấp nhận được.”
Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, hai tàu Hải Giám 50 và Hải Giám 66 đã đến vùng biển gần quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư, sáng sớm ngày 16/3.
Tàu Hải Giám 50 đã đi vào lãnh hải Nhật Bản lúc 9 giờ 38 và rời đi lúc 10 giờ 03 sau khi tàu tuần tra của Nhật Bản đưa ra cảnh cáo.
Trụ sở lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực 11 ở Naha, Okinawa cho biết tàu Hải Giám của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản tại một địa điểm ở phía Nam-Đông Nam quần đảo Senkaku.
Video đang HOT
Hai tàu Hải Giám của Trung Quốc đã rời khỏi khu vực tiếp giáp đường giới tuyến trên biển vào khoảng 14 giờ 40 cùng ngày.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết đã phát hiện hai tàu của Trung Quốc lúc 6 giờ sáng 16/3 ở vùng biển tiếp giáp cách đảo Kuba thuộc quần đảo Senkaku khoảng 40km về phía Đông Bắc. Lực lượng phòng vệ đã phát cảnh cáo qua sóng radio và yêu cầu tàu Trung Quốc không được xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.
Tàu Trung Quốc đáp lại rằng quần đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc và họ đang tuần tra ở vùng biển xung quanh, đồng thời phát thông điệp tương tự trên bảng điện tử bằng tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Nhật.
Trong khi đó, tại Bắc Kinh, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc đã ra tuyên bố nói rằng hai tàu Hải Giám của họ đã đến khu vực vào sáng sớm ngày 16/3 để tiến hành các hoạt động tuần tra thông thường.
Cục này nói rằng việc cử hai tàu tới vùng biển gần đảo Điếu Ngư để bảo vệ các quyền lợi biển của Trung Quốc và thể hiện quan điểm kiên định của chính phủ Trung Quốc rằng nước này có chủ quyền đối với quần đảo.
Hai tàu Hải Giám này mới được đóng và triển khai hồi năm ngoái. Tàu Hải Giám 50 có sân đỗ cho máy bay trực thăng.
Quần đảo Senkaku là một nhóm đảo không người ở do Nhật Bản kiểm soát như một phần của tỉnh Okinawa.
Đài Loan cũng đòi chủ quyền với quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư Đài này.
Năm 2010, Lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản đã bắt thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau vụ va chạm với hai tàu tuần tra Nhật Bản gần quần đảo Senkaku.
Quan hệ Nhật-Trung đã xấu đi sau vụ va chạm này./.
Theo TTXVN
Trung Quốc đưa tàu hải giám đến quần đảo Điếu Ngư
Tân hoa xã đưa tin vào khoảng 5h sáng theo giờ địa phương ngày 16/3, biên đội tàu hải giám tuần tra định kỳ của Trung Quốc đã đến tuần tra tại khu vực đảo Điếu Ngư và vùng biển phụ cận. Đây là vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Tàu "Hải giám 50" của Trung Quốc tuần tra quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) sáng sớm 16/3/2012.
Biên đội tàu tuần tra gồm 2 chiếc, mang số hiệu 50 và 66. Theo Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, cả hai tàu hải giám này đều thuộc phiên chế lực lượng chấp pháp tổng hợp trên biển, có trách nhiệm bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc theo pháp luật.
Chuyến tuần tra định kỳ của tàu hải giám Trung Quốc tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong việc khẳng định chủ quyền ở đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.
Tokyo gọi đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận là quần đảo Senkaku. Hiện Tokyo chưa đưa ra phản ứng ngoại giao chính thức về hành động của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cũng xác nhận đã phát hiện hai tàu tuần tra Trung Quốc đi ngang qua vùng biển nằm trong khu vực tiếp giáp với quần đảo Senkaku.
Thông tin từ Đội quản lý bờ biển số 11 thuộc JCG xác nhận, vào hồi 6 giờ ngày 16/3, tàu tuần tra của JCG đã phát hiện hai tàu "Hải giám 50" và "Hải giám 66" đi ngang qua khu vực cách đảo Kubashima thuộc quần đảo Senkaku 40 km về phía Đông Bắc. Đội quản lý bờ biển số 11 đóng tại thành phố Naha thuộc tỉnh Okinawa.
Sau khi phát hiện hai tàu Trung Quốc, tàu tuần tra Nhật Bản đã đánh tín hiệu cảnh báo tàu Trung Quốc không được xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. Đáp lại, tàu "Hải giám 50" của Trung Quốc cho biết họ "đang tiến hành nhiệm vụ tuần tra trên biển", đồng thời khẳng định "tất cả các đảo, bao gồm cả đảo Điếu Ngư đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc".
Tiếp đó, Cục Hải dương Trung Quốc cũng khẳng định đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận từ xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc và Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở những hòn đảo này.
Ngay sau sự kiện trên, chính phủ Nhật Bản đã thành lập văn phòng liên lạc thông tin tại Trung tâm quản lý sự cố để nắm bắt và điều hành các biện pháp đối phó. Trung tâm quản lý sự cố là cơ quan trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản.
Từ ngày 20/7/2006, lực lượng hải giám Trung Quốc đã triển khai hoạt động tuần tra bảo vệ chủ quyền theo định kỳ tại những vùng biển do nước này quản lý. Chuyến tuần tra gần đây nhất ở vùng biển tranh chấp với Nhật Bản diễn ra ngày 8/12/2008.
Theo Dân Trí
Hàn Quốc lên kế hoạch đối phó tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Chính phủ Hàn Quốc đang xúc tiến phương án tịch thu hải sản đánh bắt được và các dụng cụ hành nghề, đồng thời nâng mức trần tiền phạt lên gấp đôi để đối phó với tình trạng ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển của Hàn Quốc. Một tàu tuần tra biển Hàn Quốc kiểm tra...