Nhật tính thuê thêm đất, cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi
Nhật Bản sẽ thuê thêm đất để mở rộng căn cứ quân sự ở Djibouti, Đông Phi, nhằm đối trọng với sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.
Phi cơ tuần tra trên biển P-3C và xe bọc thép hạng nhẹ của Nhật Bản tại căn cứ chống cướp biển ở Djibouti. Ảnh: Wartheer News.
“Trung Quốc đang đổ tiền vào những cơ sở hạ tầng mới và tăng cường hiện diện ở Djibouti. Nhật Bản cần phải giành thêm sự ảnh hưởng”,Reuters dẫn một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết.
“Ngoài diện tích đã thuê, Nhật Bản có ý định thuê thêm khu vực lân cận phía đông”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói. “Nhật Bản đang đàm phán với chính phủ Djibouti”.
Một đơn vị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), gồm 180 binh sĩ, sử dụng khu vực rộng 12 hecta gần Trại Lemonier, căn cứ quân sự Mỹ ở Djibouti, từ năm 2011. Tại đây, SDF điều hành phi cơ tuần tra trên biển, nằm trong lực lượng quốc tế, săn cướp biển ở vịnh Aden và ngoài khơi Somalia.
Video đang HOT
Nhật Bản đang cân nhắc điều thêm phi cơ vận tải C-130, xe bọc thép Bushmaster và binh sĩ cho căn cứ nhưng chưa quyết định số lượng cụ thể, theo các nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản. Diện tích thuê thêm sẽ nhỏ hơn căn cứ hiện tại và dự kiến tốn khoảng 1 triệu USD một năm.
Tokyo sẽ lý giải việc tăng quân và phi cơ đến Sừng châu Phi là nhằm đáp ứng yêu cầu có máy bay để sơ tán công dân Nhật Bản khỏi những điểm nóng hoặc khu vực lân cận chịu ảnh hưởng từ thảm họa thiên nhiên. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tới thăm Djibouti hồi tháng 8 và thông báo Tokyo tính mở rộng “chức năng” của căn cứ Nhật Bản, ám chỉ tăng diện tích.
Trung Quốc hồi tháng 2 bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự, đầu tiên của nước này ở nước ngoài, tại Djibouti, vùng Sừng châu Phi. Đây sẽ là cơ sở hậu cần ven biển tiếp tế cho tàu hải quân tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình hoặc cứu trợ nhân đạo.
Trung Quốc muốn thắt chặt quan hệ với các quốc gia châu Phi để tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây và có thêm thị trường. Bắc Kinh cuối năm ngoái thông báo sẽ bơm 60 tỷ USD cho các dự án phát triển châu Phi, xóa một số khoản nợ và giúp thúc đẩy nông nghiệp.
Nhật Bản đầu năm nay cũng cam kết tăng hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, giáo dục và sức khỏe tại châu Phi. Tokyo hứa hỗ trợ thêm 30 tỷ USD cho cả lĩnh vực tư nhân và quốc doanh
Djibouti, thuộc địa cũ của Pháp, có vị trí gần lối vào Biển Đỏ, dẫn đến kênh đào Suez. Hải quân nhiều nước trên thế giới từ lâu coi Djibouti là vị trí trung tâm trong cuộc chiến chống cướp biển từ quốc gia láng giềng Somalia. Mỹ và Pháp cũng có căn cứ tại nước này.
Vị trí Djibouti. Đồ họa: Britannica.
Như Tâm
Theo VNE
Trung Quốc bắt đầu xây căn cứ quân sự ở Djibouti
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25.2 cho biết bắt đầu xây dựng căn cứ hậu cần ở Djibouti và đây là cơ sở quân sự đầu tiên của nước này ở nước ngoài.
Một cảng ở Djibouti - Ảnh: Reuters
Trung Quốc và Djibouti đã đạt được thỏa thuận xây căn cứ hậu cần này với mục đích quân sự và tiếp tế, phục vụ sứ mạng gìn giữ hòa bình và nhân đạo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết trong buổi họp báo ngày 25.2, theo Reuters.
"Hiện tại công tác xây dựng đã bắt đầu và Trung Quốc cũng đã cử người đến Djibouti", ông Khiêm nói, nhưng không công bố thêm chi tiết.
Hồi năm 2015, chính quyền Trung Quốc cho hay đã đàm phán về cơ sở quân sự hỗ trợ hải quân tại Djibouti, theo Reuters.
Djibouti tọa lạc vị trí chiến lược là cửa vào phía nam đến biển Đỏ và kênh đào Suez. Với dân số dưới 1 triệu người, quốc gia châu Phi này cũng là nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ, Pháp. Tàu hải quân nhiều quốc gia khác cũng thường ghé cảng ở nước này.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Trung Quốc âm thầm bành trướng quân sự ở châu Phi Một quan chức quân đội cấp cao Trung Quốc đã thăm một tàu chiến Trung Quốc neo đậu tại Djibouti và Bắc Kinh được cho là có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại quốc gia Đông Phi này. Một tàu chiến Trung Quốc chuẩn bị ra khơi đến Vịnh Aden tham gia chiến dịch chống hải tặc - Ảnh: Reuters...