Nhật ngăn hải cảnh Trung Quốc áp sát tàu cá
Cảnh sát biển Nhật ngăn cản hai tàu hải cảnh Trung Quốc tìm cách tiếp cận tàu cá hoạt động gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Cảnh sát biển Nhật Bản phát hiện đội tàu hải cảnh Trung Quốc sáng sớm 29/3 tiến vào vùng biển gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, nơi có các tàu cá Nhật Bản đang hoạt động.
Nhận thấy tàu hải cảnh Trung Quốc định áp sát tàu cá Nhật, cảnh sát biển Nhật Bản điều tàu tuần tra tới bảo vệ ngư dân và yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực, Bộ Chỉ huy Cảnh sát biển Vùng 11 của Nhật Bản cho biết trong thông cáo cùng ngày. Tàu hải cảnh Trung Quốc rời đi sau 15 phút.
Đây là lần thứ 11 từ đầu năm nay tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông, vốn do Nhật Bản kiểm soát.
Trong cuộc họp báo sau đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói động thái của tàu hải cảnh Trung Quốc “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và chính phủ Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối.
Tàu cảnh sát biển Nhật Bản (bên phải, sơn sọc xanh) di chuyển song song với tàu hải cảnh Trung Quốc (bên trái, sơn sọc đỏ) gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: JCG .
Video đang HOT
Hải cảnh Trung Quốc nhiều lần “rình rập” tàu cá Nhật Bản quanh khu vực nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong năm nay. Chính phủ Nhật Bản phải thành lập tổ công tác đặc biệt tại Văn phòng Thủ tướng để phân tích tình hình quanh nhóm đảo tranh chấp, các quan chức nước này cho biết.
Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/2 cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài mà Bắc Kinh cho là “hoạt động trái phép” trong vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền.
Động thái này khiến các nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản bất an, đề nghị chính phủ Nhật Bản diễn giải luật cảnh sát biển hiện hành như một động thái đáp trả luật hải cảnh Trung Quốc.
Trong phiên họp ngày 25/2, chính phủ Nhật Bản xác nhận cách diễn giải luật cảnh sát biển khẳng định lực lượng này được quyền nổ súng vào các tàu công vụ nước ngoài gần nhóm đảo tranh chấp “nếu họ tin rằng chúng sắp sửa thực hiện hành vi bạo lực”.
Vị trí nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đồ họa: AFP .
Một quan chức Nhật Bản cho biết lực lượng phòng vệ nước này và quân đội Mỹ đang chuẩn bị kịch bản diễn tập tình huống khẩn cấp tại nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trước áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc. Theo kịch bản, phòng vệ Nhật Bản sẽ bảo vệ nhóm đảo và quân đội Mỹ đảm bảo sự hỗ trợ phù hợp.
Tàu hải cảnh Trung Quốc 'rình rập' tàu cá Nhật
Hai tàu tuần tra Trung Quốc tìm cách áp sát tàu cá Nhật Bản gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, lần đầu sau khi Luật Hải cảnh có hiệu lực.
Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết hai tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trong vùng biển gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông vào sáng sớm 6/2. Nhóm tàu hải cảnh Trung Quốc hướng mũi về phía hai tàu cá Nhật Bản trong khu vực, dường như tìm cách tiếp cận chúng, Bộ Chỉ huy Cảnh sát biển Vùng 11 của Nhật Bản cho biết trong thông cáo.
Cảnh sát biển Nhật Bản đã lập tức điều tàu tuần tra tới bảo vệ hai tàu cá của nước này trước khi tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp cận. Bộ Chỉ huy Cảnh sát biển vùng 11 của Nhật Bản cho biết hai tàu hải cảnh khác của Trung Quốc, trong đó một chiếc được trang bị pháo, hoạt động tại khu vực giáp vùng biển Nhật Bản tuyên bố chủ quyền quanh nhóm đảo tranh chấp.
Tàu hải cảnh Trung Quốc trong một lần tiếp cận nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: JCG .
Đây là ngày thứ 8 liên tiếp các tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư và khu vực lân cận, nhưng là lần đầu tiên sau khi Luật Hải cảnh được Trung Quốc thông qua có hiệu lực từ ngày 1/2.
Luật này cho phép hải cảnh Trung Quốc được nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài mà Bắc Kinh cho là "hoạt động trái phép" trong vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc từ đầu năm 4 lần áp sát nhóm đảo tranh chấp, khiến chính phủ Nhật Bản phải thành lập tổ công tác đặc biệt tại văn phòng thủ tướng để phân tích tình hình, các quan chức nước này cho biết.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hoạt động xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu đưa nước này trở thành "cường quốc hàng hải".
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hồi cuối tháng 1 tái khẳng định "cam kết kiên định" của nước này trong việc bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư theo hiệp ước an ninh lâu dài giữa hai nước.
Vị trí nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đồ họa: Reuters .
Trong cuộc họp trực tuyến về các vấn đề hàng hải ngày 3/2, Nhật Bản bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước việc Trung Quốc ban hành luật hải cảnh cho phép bắt hoặc nổ súng vào tàu nước ngoài đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/2 cho biết Luật Hải cảnh của nước này "phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế", bất chấp nhiều quốc gia và chuyên gia cảnh báo nguy cơ leo thang căng thẳng.
Khi bình luận về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 29/1 đề nghị các nước "tuân thủ luật pháp và các điều ước quốc tế" trong việc "ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển".
Nhật phản đối hải cảnh Trung Quốc Nhật Bản yêu cầu lực lượng hải cảnh Trung Quốc ngừng áp sát tàu cá và rời khỏi vùng biển gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. "Chúng tôi đã phản đối mạnh mẽ qua các kênh ngoại giao cả ở Tokyo và Bắc Kinh, yêu cầu họ ngừng tìm cách áp sát tàu cá Nhật Bản và nhanh chóng rời vùng biển chủ quyền...