Nhật ký 7 ngày thử làm “phở” của chồng
Nghe theo lời các chị em, tôi bắt đầu công cuộc thay đổi bản thân để phòng trừ chồng chán “cơm” ra ngoài ăn “phở”.
Lấy nhau đã 10 năm nay, có với nhau 2 mặt con và cả 2 vợ chồng tôi cũng gần tuổi ngoại tứ tuần. Cho đến thời điểm này, tôi khẳng định chồng tôi chưa bao giờ có bồ nhí, anh luôn chăm lo cho cuộc sống của ba mẹ con tôi. Và tôi, cũng rất mực tin tưởng chồng.
Ấy vậy nhưng, xung quanh tôi, than ôi là những chuyện bồ bịch, “chán cơm thèm phở”. Nói đâu xa, tưởng chỉ là chuyện của người ngoài, vậy mà bà chị đồng nghiệp thân thiết bỗng một ngày thấy có cô bồ nhí tới tận nhà đòi chị phải… bỏ chồng mới chịu. Rồi cô kế toán xinh đẹp, trẻ trung mới lập gia đình được vài tháng nằng nặc đòi ly hôn, do anh chồng đào hoa suốt ngày thấy cặp kè gái lạ. Chưa hết, tại công sở chẳng thiếu chuyện anh A cặp với cô B, cô C…
Giờ nghỉ trưa nào ở cơ quan cũng là lúc các chị em thi nhau bàn tán chuyện ngoại tình. Trong môi trường ấy, tôi dù tin tưởng chồng tới mấy, cũng có ngày bị lung lay.
Đang thủ thỉ nói chuyện, trong cơn tức giận của một người vợ bị cắm sừng, chị đồng nghiệp của tôi khẳng định: “Ngoan như lão chồng tao còn có ngày nuôi gái, mày cũng nên về xem lại chồng đi, biết đâu lại có mấy đứa con đến đòi nhận bố!”.
Nghe xong mà tôi điếng cả người. Đúng thật thời gian này, chồng tôi thường đi công tác, về nhà nồng nặc rượu bia, cuối tuần cũng bận bịu việc cơ quan. Tôi đâm nghi ngờ: “Công tác gì mà lắm thế?”.
Chị đồng nghiệp lại tiếp: “Vậy là tới 60% lão có bồ, những thằng có bồ lúc nào cũng bận việc cả. Muốn ngăn chặn sớm thì mày phải là “phở” của lão, cánh đàn ông thằng nào chẳng chán “cơm”".
Vậy là công cuộc làm “phở” của tôi bắt đầu. Lịch trình “làm phở” cũng được tôi bí mật ghi trong một cuốn nhật ký, kèm theo đó là nhiều những tâm sự của một bà vợ đã gần 40 luôn cảm thấy bất an trong việc giữ chồng.
Ngày thứ 1: Tôi mạnh tay rút hầu bao chi cho việc mua sắm. Váy ngắn cũn cỡn, màu sắc trẻ trung, lại đúng hợp thời theo mốt khoe ngực. Dù không thật sự thấy hợp với thân hình sồ sề của mình, nhưng tôi tự an ủi: “Đàn ông thích thế!”.
Khi đã “máu me” tôi cũng mạnh dạn cắt phăng mái tóc dài, làm tóc xoăn và nhuộm một màu đỏ rực. Bộ dạng mới của tôi khiến nhiều người “chết ngất”, lão chồng thì liên tục cằn nhằn vì tội ăn mặc hở hang. Lúc đấy, tôi nghĩ thầm: “Vậy mà thấy cô nào ngoài đường hở ra cái gì, là liền dán mắt vào cái đó. Thích mà còn bày đặt”. Ấy vậy nhưng công nhận, lão chẳng thèm nhìn tôi thêm một lần nào nữa. Của đáng tội, cả mấy triệu chứ có ít gì đâu!
Ngày thứ 2: Cả đêm, lão chồng tôi ngáy o o, chẳng thèm động tới người vợ. Tôi suy luận, có thể lão đã chơi chán chê với phở, nên có thèm ngó ngàng gì tới vợ đâu. Vậy là chiến dịch làm mới chuyện chăn gối của tôi bắt đầu.
Video đang HOT
Bỏ đi mấy bộ quần áo ngủ dài lượt thượt, tôi sắm những chiếc váy thật hở hang, thậm chí là nhìn xuyên thấu. Nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy. Tôi cố tình lượn qua trước mặt chồng, ưỡn ẹo khêu gợi. Nhưng chồng tôi chỉ đáp lại với giọng càu nhàu: “Tránh ra cho anh xem ti vi, em chắn hết cả cái ti vi rồi, làm gì mà cả tối cứ đi đi lại lại, không thấy chóng mặt à?”. Tôi tức nghẹn cổ, đành leo lên giường đi ngủ. Tôi lại nghĩ: “Ấy vậy mà chẳng cần con bồ ưỡn ẹo, cũng khiến các lão phát cuồng”.
Ngày thứ 3: Tôi thậm thụt mở mấy bộ “ phim đen”, lén lút đọc các “tư thế” trên mạng hòng làm mới đời sống vợ chồng. Chẳng là nghe nói, sex rất quan trọng, và các cô bồ nhí thì luôn chiều được đấng mày râu mọi lúc, mọi nơi. Vậy mà tới tối, khi chồng đang say ngủ, tôi lao vào chồng với tốc độ chóng mặt, hùng hục đòi “cởi”. Chồng tôi giật bắn mình, nhảy bổ lên cáu: “Để cho người ta còn ngủ”. Tôi ỉu xìu: “Vậy mà bồ hành, có bao giờ lão kêu ca?”.
Ngày thứ 4: Tôi cố gắng bôi bôi trát trát lên gương mặt nhăn nheo. Vậy mà khi thấy tôi đứng trước gương diện chiếc váy ngắn lộ cặp đùi to, chồng tôi thốt: “Trông như vẹt!”.
Tôi nhủ thầm: “Hẳn con bồ nào chẳng bôi trát, không mặt hoa da phấn thì thằng nào thèm ngó?”.
Ngày thứ 5: Mặc hai đứa con nhì nhèo mẹ phải tết tóc, lấy giày màu hồng, hay thích ăn sáng với mì tôm tôi mặc kệ vì còn phải nhét cái thân hình đẫy đà vừa cái váy bó sát. Lão chồng tỏ ra khó chịu tôi cũng mặc kệ. “Bồ lão đẹp vì chẳng vướng bận chăm ai, chỉ lo cho thân mình sao chẳng đẹp?”.
Ngày thứ 6: Cuối tuần, tôi nghỉ ở nhà nhưng chẳng thèm cơm nước gì cho ba bố con cả. Trước đây, lúc nào cũng đầu bù tóc rối nấu nấu nướng nướng, ba bố con ăn xong leo lên giường đi ngủ, tôi lại hì hụi dọn dẹp. Tôi thấy các cô bồ thường chỉ thích nũng nịu cánh đàn ông ra ăn hàng. Tôi cũng thỏ thẻ với chồng bằng gương mặt dễ thương nhất có thể.
Thấy tôi xúng xính áo quần, nhưng căn bếp nguội lạnh, chồng tôi lắc đầu ngao ngán. Cả bữa ăn lão cứ trầm ngâm, tôi nhìn phát bực.
Ngày thứ 7: Lão chồng đi vắng cả ngày chủ nhật. Tôi gọi hàng chục lần không được, vậy chắc đi theo bồ nhí. Chiến dịch làm phở của tôi cũng chẳng ăn thua. Tôi động viên mình: “Thôi cũng đành. Không làm phở được, thì tôi phải gặp mặt tay đôi, dằn mặt cái con đang là phở của chồng mới được”.
Tối, ông chồng về. Tôi xị mặt chẳng nói chẳng rằng.
Bỗng nhiên, có khách lạ bấm chuông cửa. Tôi ra mở, là một món quà được gửi tới. Lạ thật, dễ cả gần chục năm nay, từ hồi lấy chồng, tôi chẳng được ai gửi một món quà nào tới nhà cả. Tôi vênh mặt, khe khẽ hát đi qua mặt lão chồng, mang quà lên phòng đóng chặt cửa mở. Tôi nghĩ, phải để lão ghen tức thì thôi, ông ăn chả, bà đây cũng phải ăn nem.
Phải nói tôi cũng thật sự hồi hộp, tôi khẽ mở món quà được gói nhiều lớp. Đến lớp cuối cùng, một bức ảnh thời còn trẻ của hai vợ chồng tôi được đóng khung rất đẹp. Hồi đó, chúng tôi đi du lịch cùng nhau, lúc đó, tôi vẫn trẻ, đẹp chứ không già nua, sập xệ như bây giờ.
Một tấm thiệp đính kèm, tôi mở ra, là nét chữ của chồng. Anh viết: “Em yêu! Không phải anh không biết em đang nỗ lực hâm nóng lại đời sống vợ chồng. Anh thấy mình quá vô tâm khi dành quá nhiều thời gian cho công việc, anh chỉ muốn ba mẹ con em có cuộc sống đầy đủ hơn. Chỉ thế thôi. Anh luôn yêu em và các con của chúng mình, dù em không còn đẹp như những ngày chúng ta còn trẻ. Thân hình em đã có phần đẫy đà hơn trước, làn da không còn mịn màng và mái tóc đâu còn đen dài khiến anh từng say đắm. Nhưng hơn hết, anh vẫn yêu em. Em phải thật sự tin tưởng vào chồng mình thì mới đắp xây nên được hạnh phúc!
Tái bút: Em hãy cứ là em, đừng son phấn, váy ngắn áo dài, anh không quen!”.
Tấm thiệp khiến tôi xúc động. Hẳn là chồng tôi đã biết được kế hoạch “làm phở” của vợ. Anh không nói gì nhưng cũng đã buồn không ít khi tôi không tin tưởng anh. Tôi, một người đã gần 10 năm chung sống, còn chẳng tin anh, thì trách gì những cô “phở” khéo mồi chài chồng người khác. Ngày cuối cùng trong một tuần làm phở đã giúp tôi hiểu ra nhiều điều, và cũng để tôi biết được chồng tôi đã yêu gia đình của chúng tôi nhiều đến thế nào.
Theo Eva
"Mẹ anh thì anh đi mà chăm sóc!"
Chị bảo chơi vài ngày thì được, ở mấy tháng thì không, chị phải đi làm, chị không hợp mẹ, không thể ở với mẹ được, hơn nữa "Mẹ anh thì anh đi mà chăm sóc!".
Anh lấy chị năm anh 26 tuổi, chị 27. Ngày chị chuyển đến xóm trọ, nhìn chị xinh duyên, con gái miền trung nhưng nước da trắng hồng, đôi mắt sáng và sắc sảo, anh thích chị từ cái nhìn đầu tiên. Mấy đứa trong xóm thách anh: "Mày đẹp trai nhất xóm, đố mày cưa đổ con Hà". Một phần vì hiếu thắng, một phần anh thật lòng thích chị, anh "cưa".
Mưa dầm thấm đất, ngày chị nhận lời yêu, anh sướng run người. Yêu nhau thời gian, chị thu dọn đồ đạc sang ở cùng anh, chị bảo để chăm sóc anh cho tiện. Anh giật mình vì sự bạo dạn của chị. Ở xóm mọi người nói ra nói vào, nhưng rồi quen. Anh chị yêu nhau được năm thì cưới.
Ngày anh xin phép mẹ cho chị về làm dâu, mẹ nhất định không đồng ý. Mẹ bảo quê chị xa xôi, chị lại tuổi Dần không hợp tuổi anh, đôi mắt và khuôn mặt chị sắc, mẹ sợ sau này anh khổ vì vợ. Bố anh mất sớm, mẹ vất vả nuôi mấy anh chị em lớn khôn. Anh là con út, cũng là con trai duy nhất trong nhà nên mẹ dành nhiều tình thương cho anh hơn cả, thương mẹ anh ít khi làm mẹ buồn lòng. Nhưng cái thai trong bụng chị thì ngày một lớn. Con anh không có lỗi để phải từ bỏ mạng sống khi mới đang tựa hình. Anh khóc, cúi đầu xin mẹ nhận cháu, nhận con dâu.
Nhà chị nghèo, nhà anh cũng không khá giả nên đám cưới chỉ là vài mâm cơm đơn giản. Anh thương chị đến xót lòng. Chị bước chân về làm dâu, với chiếc bụng to lùm lùm. Mẹ anh khó chịu ra mặt, ở quê còn nặng những định kiến, bà không chịu được tiếng chì tiếng bấc của hàng xóm láng giềng.
Sau ngày cưới, anh khuyên chị ở nhà với mẹ chờ đến ngày vượt cạn: "Mẹ thương con, quý cháu. Em chịu khó gần gũi, mẹ sẽ thay đổi tình cảm với em, mẹ già rồi, hay ốm đau nên cần có người ở bên sớm tối". Nhưng chị nhất quyết không nghe, đòi theo anh xuống ở Hà Nội, chị bảo chưa quen làm dâu, mẹ anh già khó tính, chị không chiều được. Thương chị đang bầu bí, anh đưa chị theo, thuê một phòng trọ rộng rãi hơn vợ chồng sống, chờ ngày chị sinh. Hàng tuần anh một mình về thăm mẹ.
Con gái nhỏ ra đời, niềm vui tăng lên, thì nỗi vất vả của anh cũng theo lên gấp bội. Đồng lương nhân viên không đủ chi trả cho hàng trăm khoản chi tiêu đắt đỏ nơi thành phố, thêm tiền gửi cho mẹ anh ở quê thuốc thang. Có những lúc anh cảm thấy mình kiệt sức với gánh nặng về tiền. Ngoài thời gian làm chính, anh tranh thủ những khi rảnh chạy đổ cafe cho các nhà hàng kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Sau sinh, chị thay đổi tính nết, hay cáu gắt bực bội. Nhiều hôm đi làm về mệt, anh muốn nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, chị lại cằn nhằn nói mãi chuyện tiền nong, chị bảo: "Lấy anh tôi khổ cả đời". Anh vừa giận, vừa thương chị. Anh nghĩ cũng do anh là đàn ông không lo được cho vợ con cuộc sống sung túc, anh nhịn cho êm ấm cửa nhà.
Con được 6 tháng tuổi, chị nhất định đòi gửi con để xin việc làm. Thương con còn non, anh bảo chị cố gắng đợi thêm thời gian nữa cho con cứng cáp hơn, anh sẽ cố gắng làm thêm nhiều nữa để kiếm tiền. Chị đứng chống nạnh: "Trông chờ vào anh mẹ con tôi chết đói, lấy anh chẳng ngày nào tôi được sống sung sướng cho ra con người, mẹ chồng thì quá quắt, nay ốm mai đau tốn cả núi tiền của, chết hết đi cho rảnh nợ". Anh điếng người, vung tay tát chị một cái. Lần đầu tiên anh đánh chị. Những cuộc cãi vã của anh chị ngày một nhiều, xoay quanh chủ đề chính là tiền.
Tình yêu và tình thương anh dành cho chị vì thế cứ vơi dần theo ngày tháng (Ảnh minh họa).
Đi làm, chị ăn diện hơn cả thời còn con gái. Anh nhắc khéo chị mua sắm vừa đủ thôi, vợ chồng còn khó khăn, cái nhà để ở cho tử tế còn chưa có, quần áo nhiều quá mặc không hết phí đi. Chị chửi anh là "đồ keo kiệt bủn xỉn, đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành. Loại đàn ông như anh thì suốt đời chẳng làm được việc gì lớn. Bất tài không làm được thì để tôi tự lo". Anh thấy nghẹn đắng trong lòng. Lâu lắm rồi, chị chẳng hề biết những chiếc áo sơ mi anh mặc đã cũ, ngả màu lắm.
Hai năm chị bước chân về nhà anh làm dâu, chị luôn tìm mọi lý do để thoái thác việc ở nhà chăm sóc mẹ anh. Chưa một lần chị mua quà gì dù nhỏ biếu mẹ, các cháu anh cũng chẳng được đồng quà tấm bánh nào của chị. Mỗi lần về thăm mẹ, anh toàn phải khéo giấu mua biếu mẹ, nói dối "Hà nhà con gửi biếu mẹ". Tình yêu và tình thương anh dành cho chị vì thế cứ vơi dần theo ngày tháng.
Anh động viên chị nên đi học thêm để nâng cao kiến thức, làm nhân viên phục vụ mãi sao được. Chị không nghe, tối nào cũng quanh quẩn chơi với con, xem phim, kêu cuộc sống nhàm chán, vì nghèo hèn mà chẳng được đi chơi như người ta... Những khó khăn, áp lực trong công việc của anh, chị không thể nào hiểu và chia sẻ được. Anh thấy chán chị, đi tối ngày. Những bữa cơm chung của anh chị thưa thớt. Nhiều hôm anh trở về nhà là lúc chị và con đã đi ngủ. Đặt tấm lưng mệt mỏi xuống giường, anh thở dài. Anh chợt nghĩ đến cô. Anh ước giá mà anh gặp cô sớm hơn biết đâu cô sẽ trở thành vợ anh, không phải chị.
Cô và anh quý mến nhau xuất phát từ tình cảm anh em đồng hương, xa quê lập nghiệp vất vả nơi thủ đô này. Cô là người sống trọng tình cảm, lễ nghĩa, nói chuyện hiểu biết, nhẹ nhàng. Cô khuyên anh về nhà nhiều hơn, bếp lửa có đỏ thì gia đình mới hạnh phúc, bảo anh dùng tình và nghĩa để thay đổi dần chị.
Cô là người dễ bị tổn thương, và anh cũng có gia đình, nên anh luôn giữ một khoảng cách vừa đủ với cô để tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Nhưng không biết chị nghe từ ai, một ngày chị lao thẳng lên nơi anh làm việc. Gặp cô, chị thẳng tay tát vào mặt cô một cái như trời giáng, cùng với những lời chửi khiếm nhã giữa bao nhiêu người. Cô bất ngờ không hiểu, đứng im lặng. Anh vội lao xuống kéo chị về. Lửa giận sôi lên trong người, anh đánh chị lần thứ hai từ sau ngày cưới. Chị không xin lỗi anh, mà còn gào lên nói: "Loại bất tài rồi còn trăng hoa, tôi mắt mù nên mới lấy nhầm chồng".
Đêm đó anh không ngủ, tàn thuốc đỏ vương đầy nhà, anh lấy giấy ra viết đơn xin ly hôn. Trong đêm yên tĩnh, chợt anh nghe tiếng con gái trong cơn mơ ú ớ gọi bố. Anh nhìn khuôn mặt ngây thơ của con, lặng lẽ xé tờ đơn làm đôi. Anh bỏ qua hết tất cả cho chị.
Mẹ anh ốm nặng, chị anh gọi điện bảo anh đưa vợ con về với mẹ ít hôm cho mẹ chơi với cháu. Anh bàn với chị thu xếp công việc, chị miễn cưỡng buông một tiếng "Ừ". Sức khỏe của mẹ ngày một xấu đi. Anh bảo chị xin nghỉ việc mấy tháng ở nhà chăm sóc mẹ: "Mẹ ốm, không ở bên mẹ, nhỡ mẹ có mệnh hệ nào anh hối hận cả đời".
Chị không đồng ý. Chị bảo chơi vài ngày thì được, ở mấy tháng thì không, chị phải đi làm, chị không hợp mẹ, không thể ở với mẹ được, hơn nữa "Mẹ anh thì anh đi mà chăm sóc!". Rồi chị đưa con xuống Hà Nội. Anh thấy mình có vợ mà cũng như không. Anh xin nghỉ làm ở nhà chăm sóc mẹ 2 tháng trời. May mắn thay, sức khỏe mẹ anh dần bình phục trở lại.
Ngày anh xuống Hà Nội đi làm, trở về nơi không còn là tổ ấm gia đình nữa. Anh đặt tờ đơn xin ly hôn ngay ngắn trên bàn để lại cho chị rồi lặng lẽ bước ra khỏi nhà.
Theo VNE
Vừa dạm ngõ xong anh vay cả đống tiền Vừa dạm ngõ xong, tôi bị sốc khi anh đề nghị tôi phải cho vay cả đống tiền để lo chuyện gia đình. Hiện tại tôi đang gặp một chuyện rất khó nghĩ, tôi không biết có phải do mình cả nghĩ hay không nhưng tôi thực sự thấy bất an. Tôi xin chia sẻ câu chuyện của mình, mong mọi người cho...