Nhật ký 1 năm nuôi con sinh non nặng 1.3kg, đi “nghỉ dưỡng” ở viện nhiều hơn ở nhà của mẹ Nghệ An
Đến giờ, khi ôm trong tay em bé bụ bẫm, đáng yêu, chị Huyền vẫn nghĩ rằng để cùng con trai sinh non vượt qua biết bao sóng gió, đó quả là “ kỳ tích”.
Chăm nuôi 1 em bé sơ sinh khỏe mạnh bình thường đã vất vả nhưng những cơ cực đó sẽ chẳng thể nào sánh bằng chăm nuôi 1 em bé sinh non đến 2,5 tháng, chào đời vừa bằng 1 cái chai nhỏ, chỉ nặng vỏn vẹn 1,35kg. Nhìn lại hành trình sinh và nuôi “chú lính chì dũng cảm” Ủn Ỉn, chị Nguyễn Thanh Huyền (33 tuổi, hiện đang sinh sống tại TP Vinh, Nghệ An) vẫn “không biết bằng cách nào mẹ có thể vượt qua được những ngày tháng đó”.
Những dòng nhật ký ghi lại hành trình từ lúc Ủn Ỉn sinh ra, trải qua suốt 1 năm đầu đời “ăn cơm viện nhiều hơn cơm nhà” của bà mẹ Nghệ An khiến ai đọc xong cũng trào nước mắt.
Con sinh non 2,5 tháng, nặng 1,35kg
Con nhỏ tí bằng cái chai thôi, tay chỉ bằng ngón chân cái của người lớn.
Dự kiến sinh con là ngày 22/11/2018, nghĩa là phải đến 2 tháng rưỡi nữa mới là ngày con chào đời, nhưng chiều ngày 6/9, mẹ đã thấy đau lâm râm, cơn đau ngày càng dày. Một mình xuống khoa Sản (Nghệ An) làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận: Thai 28 tuần, nặng 1,3kg, dọa sinh non. Bác sĩ yêu cầu nhập viện khẩn cấp.
Hoảng loạn, hoang mang, bụng vẫn đau, mẹ khóc trong sợ hãi, làm sao để giữ con lại, làm sao bụng đừng đau, mỗi lần đau máu vẫn ra, đồ mẹ ướt sũng, không có gì để thay, y tá lại nhắc mẹ không được khóc, phải bình tĩnh nếu khóc càng làm tăng cơn đau nguy hại đến em bé. 3 giờ sáng ngày 7/9, lúc này mẹ đã mở 4 phân, tiêm truyền liên tục, mẹ sốt 39,5 độ, người run bần bật vì lạnh.
Đến 9h sáng ngày 7/9 bụng mẹ đau quặn biết không thể giữ con trong bụng lâu hơn, bác sĩ tháo truyền để mẹ sinh. 12h kém trưa 7/9, con ra đời nặng 1,35kg. Các bạn khác sinh xong được đặt lên bụng mẹ, được mẹ xoa dịu vỗ về nhưng con mẹ sinh xong bác sĩ còn chẳng cho nhìn mặt, vội đưa con vào trong. Chờ mãi không thấy con ra, cũng không thấy con khóc mẹ hỏi thì được biết do con sinh non, phổi chưa trưởng thành, chưa tự thở được nên phải chuyển ngay con lên khoa Cấp cứu sơ sinh đặc biệt để nằm lồng kính và thở oxy. Từ đó con tự thân tự lập không có mẹ bên cạnh.
Ủn Ỉn khi được 1 tháng tuổi.
1 tháng 2 ngày nằm viện sau sinh và những lần mẹ “ngừng thở” theo con
Ngày đầu tiên trong bảng theo dõi sức khỏe của con mẹ thấy con nhịn, mấy ngày sau đó con chưa ăn được phải truyền dịch qua tĩnh mạch. Sữa chỉ ăn được 2-3ml, rồi 5-7ml, 10-15ml, có ngày ăn xong con bị nôn hết… Con nhỏ tí bằng cái chai thôi, tay chỉ bằng ngón chân cái của người lớn, đầu con nằm gọn trong lòng bàn tay mẹ. Mỗi ngày chỉ được 30 phút gặp con, lần nào mẹ cũng khóc.
Ngày 23/9 con được ra ngoài không phải nằm lồng kính, cai máy không phải thở oxy nữa, từ lúc sinh chưa bao giờ mẹ được gần con như lúc này.
Ngày 29/9, tròn 22 ngày, mẹ được vào ở ghép để “học cách” chăm con, chỉ lúc này con mới cảm nhận được hơi ấm của mẹ, được mẹ ôm trong lòng. Trong phòng có khoảng 15 cái giường nhỏ xíu chỉ đủ để các con nằm, không có giường lớn, các bố mẹ chỉ ngồi “trực chiến” cùng các con, theo dõi mỗi cữ ăn con ăn bao nhiêu ml, có nôn không, con ị, đái vào mấy giờ, 1 ngày đi bao nhiêu lần, cặp nhiệt độ có thân nhiệt cao thì nới lỏng, thân nhiệt thấp thì ủ ấm cho con. Quan trọng hơn nếu con tím tái ngừng thở thì phải học cách cấp cứu khẩn cấp là búng tay vào lòng bàn chân, làm sao để con khóc, khóc càng to càng tốt, để con thở và tỉnh trở lại. Mỗi lần con như thế mẹ cũng đứng tim, ngừng thở theo luôn.
Video đang HOT
Ngày 9/10 con chính thức ra viện.
1 tháng 2 ngày nằm viện con lên được 2,5 lạng, tổng cân nặng của con lúc này là 1,6kg.
Hành trình ròng rã 1 năm 2 mẹ con đi viện không biết bao nhiêu lần
Ngày 27/10, con bị thiếu máu nặng phải nhập viện để truyền máu tại Khoa Máu – Tiêu hóa Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ngày 31/10 con được ra viện.
Tháng thứ 2 con lên đc 6 lạng. Tổng cân nặng của con từ khi sinh được 2,2kg.
Ngày 16/11 con bị nghẹt mũi. Xuống viện khám bác sĩ báo con bị viêm phổi nặng, suy hô hấp, con lại phải nhập viện. Con nằm tại khoa Cấp cứu chống độc – khu vực cấp cứu đặc biệt. Con không thở được, phải thở oxy, cơ thể bé nhỏ nằm lọt thỏm trên chân mẹ.
Ngày 29/11 con được ra viện nhưng mẹ thấy không đỡ.
Ngày 7/12, tròn 3 tháng con mẹ chào đời, đc 3,6kg. 2 mẹ con khăn gói đi ra Bệnh viện Nhi Trung ương khám tổng thể lần thứ 1. Tại đây, con được các bác sĩ kết luận đủ thứ bệnh: Tim hở van ba lá ( nhẹ), tim có 1 ống động mạch đóng chưa hết, u máu gan (6mm), tràn dich màng tinh hoàn, mắt chưa trưởng thành, trong máu thiếu sắt.
3 tháng tuổi, Ủn Ỉn được mẹ đưa ra viện Nhi Trung ương khám tổng quát.
Khi nghe bác sĩ kết luận con bị u máu gan lại 1 lần nữa mẹ hoang mang. Mẹ không biết nó có nguy hiểm không, có ảnh hưởng về sau không, mẹ sợ lắm hỏi đi hỏi lại. Bác sĩ hướng dẫn 1 tháng sau đi kiểm tra lại, nếu mọi thứ bình thường hoặc có xu hướng giảm thì tốt, còn nếu phát triển thì lúc đó mới có chỉ định của bác sĩ vì con giờ còn quá nhỏ và yếu để can thiệp.
Ngày 5/1/2019 con lại có hiện tượng khò khè khó thở, đưa con đi khám bác sĩ bảo phải cho con nhập viện, thế rồi quyết định không nhập viện mẹ con lại khăn gói ra Bệnh viện Nhi trung ương lần 2. Kết luận con bị viêm tiểu phế quản phổi. Lần này bác sĩ nói vì con có tiền sử bị u máu gan nên bác sẽ cho đi xét nghiệm 1 định lượng gì đó trong máu nếu định lượng đó thấp thì con ổn, còn nếu định lượng đó cao khả năng con sẽ bị ung thư. Nghe đến thế thôi (dù kết quả phải sau 1 ngày mới có) là nước mắt mẹ đã chảy dài rồi.
Con phải chụp CT phổi để chi tiết hơn về bệnh và có hướng điều trị khác.
Đi ăn cơm mà mẹ không nuốt nổi đứng giữa đường gọi điện cho bà ngoại mà khóc tu tu không xấu hổ, không để ý đến người đi đường đang hướng ánh mắt về mình, cả đêm đó mẹ không ngủ mong trời sáng để biết kết quả của con. Nhờ ơn Tổ tiên may mắn đã đến với mẹ con mình, con của mẹ không sao nhưng vẫn cần phải theo dõi liên tục. Nằm viện Nhi trung ương 3 ngày, con được chuyển về bệnh viện tỉnh điều trị tiếp vì quá tải.
Con lại tiếp tục dùng kháng sinh từ 9/1 đến 14 tháng 1 tại Bệnh viện Quốc tế, thời gian này anh Mon cũng phải nhập viện vì bị ngộ độc thức ăn và nhiễm khuẩn đường ruột, vậy là 1 lúc 2 anh em thi nhau làm tội mẹ.
Ngày 21/1, con tiếp tục nhập viện vì viêm phổi nặng, bác sĩ bảo bệnh này lớn dần lên sẽ đỡ, chứ giờ thì cứ xác định sống chung với lũ đi. Con phải chụp CT phổi để chi tiết hơn về bệnh và có hướng điều trị khác.
Ngày 24/3, con lại nhập viện vì không thở được. Con nằm tại phòng Cấp cứu khoa Hô Hấp – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Không thở được do đờm nhiều nên con phải liên tục hút đờm, mỗi lần kéo máy này ra là con khóc ré lên.
Sáng 27/3, mẹ thấy con mệt dần, khó thở được, đi ngoài ra máu, bác sĩ khám và quyết định cho con chuyển viện ra Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. 6h30 tối con nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, không tự thở…
Y tá bế con trên đường chuyển ra viện Nhi Trung ương.
Ngày nào cũng 3 lần tiêm và 3 lần thở khí dung sáng, trưa, tối.
Ngày 19/4, con nhập viện Thở khí dung tại Khoa Hô Hấp – Bệnh viện Sản Nhi.
Ngày 6/6, con nhập viện tại phòng cấp cứu khoa Nhi – Bệnh viện phổi Nghệ An.
Điều trị hết ở bệnh viện tỉnh đến bệnh viện tuyến trên.
Nổi ban khắp người trong một lần sốt.
Ngày 10/7 con nhập viện tại khoa Truyền Nhiễm – Bệnh viện Sản Nhi.
Một năm của con từ khi con chào đời đến bây giờ là vậy đấy, con cho mẹ đi “nghỉ dưỡng” suốt, nhưng chẳng có kỳ nghỉ dưỡng nào mà tốn kém, mất sức như kỳ nghỉ dưỡng này.
“Thanh niên” chững chạc Ủn Ỉn 1 tuổi.
Những lời đầy nước mắt của chị Huyền được viết ra nhân dịp Ủn Ỉn tròn 1 năm tuổi. Cậu bé sinh non ngày nào nay đã được gần 10kg, vô cùng hiếu động, đáng yêu, có thể cùng mẹ thổi nến chúc mừng trong ngày sinh nhật, sức khỏe trộm vía đã ổn định hơn. Trong ánh mắt lấp lánh hạnh phúc của người mẹ xứ Nghệ, con trai thực sự là “kỳ tích”.
Chị muốn gửi lời cảm ơn bà ngoại đã luôn ở bên cạnh 2 mẹ con chị bất kể thời gian nào, dù nắng mưa, đêm ngày, dù thân bà có mệt mỏi hay đau nhức, hay cùng lúc phải trông cả 3 đứa cháu cũng không một lời kêu ca. Đồng thời qua câu chuyện của mình, chị cũng muốn tiếp thêm sức mạnh cho các mẹ có con sinh non hãy luôn mạnh mẽ cùng con vượt qua những cơn sóng gió.
H.Thanh
Theo toquoc
Nguy cơ mắc bệnh tim ở trẻ sinh nhẹ cân
Nghiên cứu được công bố trên chuyên san Journal of Developmental Origins of Health & Disease cho thấy những trẻ chào đời bị nhẹ cân dễ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch về sau.
Một trẻ sinh non nhẹ cân - Ảnh minh họa: Nguyên Mi
Đánh giá dữ liệu của 20.000 học sinh lớp 5, các nhà khoa học thuộc Đại học Tây Virginia (Mỹ) nhận thấy những trẻ có cân nặng thấp lúc chào đời, khi lên lớp 5 có thể biểu hiện các yếu tố nguy cơ tim mạch.
"Cân nặng thấp khi sinh có liên quan đến mức cholesterol "xấu" cao hơn và mức cholesterol "tốt" thấp hơn", trưởng nhóm nghiên cứu Amna Umer cho hay. Ngoài ra, trẻ có cân nặng ở mức thấp khi chào đời có hàm lượng chất béo triglyceride cao hơn. Những yếu tố trên làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên, xơ vữa động mạch và các rối loạn khác.
"Cân nặng thấp lúc chào đời không chỉ xảy ra tự phát. Đó là dấu hiệu của sự phát triển chậm ngay trong bụng mẹ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng có cơ hội can thiệp trong thai kỳ để giảm các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi", chuyên gia Christa Lilly thuộc Đại học Tây Virginia nhận định.
Theo thanhnien
Nuôi sống trẻ sinh non 31 tuần tuổi bị bệnh tim bẩm sinh Khi mang thai, sản phụ đã được phát hiện thai nhi bị bệnh tim bẩm sinh nhưng vẫn giữ con. Khi thai 31 tuần, sản phụ đã mổ sinh. Sau sinh, bé khóc yếu, suy hô hấp nặng, tím toàn thân, phản xả yếu nhưng bác sĩ đã nuôi sống thành công. Ngày 3/10, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết,...