Nhật hoàng sẽ qua đêm với nữ thần mặt trời trong nghi lễ 25 triệu USD
Nhật hoàng Naruhito sẽ mặc áo choàng trắng và được đưa vào một căn phòng gỗ tối để thực hiện nghi lễ cuối cùng của quá trình lên ngôi: qua đêm với một ‘nữ thần’.
Daijosai là một trong các nghi lễ kế vị của hoàng đế sau khi cha ông, người giờ đây là Thái thượng hoàng Akihito, thoái vị. Nghi lễ xoay quanh Amaterasu Omikami – nữ thần mặt trời mà những người bảo thủ tin rằng đã sinh ra hoàng tộc Nhật Bản.
Mặc dù ông nội của Nhật hoàng Naruhito, cố Nhật hoàng Hirohito sau này không còn được xem là thần thánh, nghi lễ vẫn được lưu giữ.
Các học giả và chính phủ nói rằng nghi lễ bao gồm một bữa tiệc, thay vì quan hệ như vợ chồng với “nữ thần”, như lời đồn lưu truyền hàng thế kỷ qua, theo Reuters.
Điều đó đã gây ra sự tức giận – cũng như các vụ kiện – từ phe chỉ trích cho rằng nghi lễ gợi nhớ quá khứ quân phiệt và vi phạm sự tách bạch giữa tôn giáo và nhà nước được quy định trong hiến pháp, vì chính phủ phải trả chi phí 2,7 tỷ yen (24,7 triệu USD) cho nghi lễ này.
Hình tượng nữ thần mặt trời Amaterasu Omikami trong thần thoại Nhật Bản. Ảnh: Wikimedia Commons.
Điều gì sẽ diễn ra?
Vào khoảng 19h, Nhật hoàng Naruhito bước vào một khu đền thờ rồi biến mất sau tấm màn trắng.
Trong căn phòng ánh sáng lờ mờ, ông quỳ xuống bên cạnh những tấm chiếu được phủ màu trắng, được cho là nơi nghỉ ngơi của nữ thần. Hai người hầu trong đền thờ mang đồ ăn, từ cơm đến bào ngư, để Nhật hoàng Naruhito cho vào 32 chiếc đĩa làm từ lá sồi.
Sau đó, ông khấu đầu và cầu xin hòa bình cho người dân Nhật trước khi ăn cơm, kê và rượu gạo “với” nữ thần.
Toàn bộ nghi thức được lặp lại ở một phòng khác, kết thúc vào khoảng 3h sáng hôm sau.
Từ lâu là một bí mật, nghi lễ đã được đài truyền hình công NHK tái hiện trong năm nay, một động thái chưa từng có mà các học giả nói rằng có thể là sáng kiến của chính phủ để xua tan những tin đồn.
“Có một cái giường, một cái khăn phủ và hoàng đế giữ khoảng cách với nó”, chuyên gia John Breen, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Nhật Bản học ở Kyoto, cho biết. Ông nói rằng việc hé lộ bí mật về buổi lễ có thể là cách để chính phủ bảo vệ mình.
“Việc đưa ai đó lên làm vua là một công việc thiêng liêng, nó biến một người đàn ông hay một người phụ nữ thành một thứ gì đó hơn cả đàn ông hay phụ nữ”, ông nói, chỉ ra các yếu tố huyền bí trong các nghi lễ đăng cơ ở Anh.
“Vì vậy, việc chính phủ Nhật phủ nhận bất cứ điều gì huyền bí trong chuyện đó là kỳ cục, nhưng mục đích khá rõ ràng – đó là để chống lại những cáo buộc rằng có điều gì đó vi hiến”.
Nhật hoàng Naruhito trong một nghi lễ lên ngôi hôm 22/10. Ảnh: Reuters.
Nghi lễ được cho là ra đời từ những năm 700 và được duy trì trong khoảng 700 năm, nghi lễ sau đó bị gián đoạn trong gần ba thế kỷ, một khoảng trống mà ông Breen nói đã dẫn đến việc nó mất đi phần lớn ý nghĩa ban đầu.
Dù ban đầu được xem là ít quan trọng hơn những nghi lễ khác, Daijosai đã đạt được vị thế và hình thức như hiện tại từ năm 1868, khi Nhật Bản bắt đầu biến mình thành một quốc gia hiện đại, thống nhất dưới thời các thiên hoàng.
Tranh cãi tài chính
Trong một cuộc họp báo, em trai của Nhật hoàng, Thái tử Akishino, đã tự hỏi liệu việc sử dụng tiền công có “phù hợp” hay không, gợi ý rằng nên sử dụng các quỹ của riêng hoàng gia, tức là quy mô buổi lễ sẽ nhỏ hơn nhiều.
Song Koichi Shin, người đứng đầu một nhóm 300 người đệ đơn kiện yêu cầu chính phủ phải dừng nghi lễ và bồi thường 10.000 yen cho mỗi người vì “sự đau đớn và thống khổ”, nói rằng điều đó vẫn không thỏa đáng, vì các quỹ hoàng gia vẫn là tiền thuế của người dân.
Nhật hoàng Naruhito lên ngôi sau sự thoái vị của vua cha, Thái thượng hoàng Akihito. Ảnh: Reuters.
Với một vụ kiện bị Tòa án Tối cao bác bỏ một phần và một vụ kiện khác dự kiến được đưa ra xét xử sau nghi lễ ngày 14/11, trận chiến tòa án chủ yếu mang tính biểu tượng, vì mối quan tâm về chủ nghĩa dân tộc và hoàng đế đang mất dần.
Năm 1990, khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi, các cuộc biểu tình lớn hơn bây giờ, bao gồm các vụ tấn công bằng rocket trước một số nghi lễ, 1.700 người đâm đơn kiện và truyền thông đưa tin một cách hà khắc.
“Nhật hoàng Hirohito chịu trách nhiệm về cuộc chiến, nhưng Nhật hoàng Akihito đã nỗ lực rất nhiều để làm dịu hình ảnh của gia đình”, Shin, một nhân viên văn phòng 60 tuổi, nói.
“Nhưng tôi nghĩ việc thể hiện những nghi lễ này trên truyền hình củng cố ý tưởng rằng hoàng đế là tôn giáo”.
Nghi lễ Nhật hoàng Naruhito phải trải qua trước lễ đăng cơ
Nhật hoàng Naruhito chính thức lên ngôi trước khoảng 2.000 quan khách, bao gồm đại diện của 190 quốc gia và tổ chức quốc tế.
Đông Phong
Theo Zing.vn
Máy bay chở hơn 300 khách hạ cánh khẩn cấp tại Nhật Bản
Máy bay Boeing 777 thuộc hãng hàng không Air France gặp sự cố ở lốp, song vẫn hạ cánh an toàn xuống sân bay Haneda chiều 21/10 và không có ai trên máy bay này bị thương.
Máy bay của Air France đã phải hạ cánh khẩn cấp. (Nguồn: Getty Images)
Ngày 21/10, một máy bay Boeing 777 thuộc hãng hàng không Air France của Pháp đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết máy bay Boeing 777 này khởi hành từ thủ đô Paris của Pháp với 323 hành khách, trong đó có ít nhất một quan chức cấp cao nước ngoài được mời tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito.
Máy bay gặp sự cố ở lốp, song vẫn hạ cánh an toàn xuống sân bay Haneda chiều 21/10 và không có ai trên máy bay này bị thương.
Nhật hoàng Naruhito lên ngôi Hoàng đế ở Nhật Bản với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa), có nghĩa là "sự hòa hợp tốt đẹp," sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30/4 vì tuổi cao và sức khỏe giảm sút.
Dự kiến, lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito sẽ diễn ra tại Hoàng cung vào ngày 22/10, với sự tham dự của gần 2.000 quan khách từ trong nước và hơn 170 quốc gia trên thế giới.
Sân bay Haneda và sân bay Narita ở gần đó đã đón tiếp một lượng lớn nguyên thủ và đại diện các quốc gia tới tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito.
Nhiều người sử dụng máy bay tư nhân để tới Nhật Bản, nhưng cũng có nhiều người đi trên các chuyến bay thương mại./.
Theo Đào Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam )
Nghi lễ truyền thống của Nhà vua Nhật Bản Vào khoảng 19 giờ ngày 14-11, Nhà vua Nhật Bản Naruhito sẽ mặc áo choàng trắng tinh khiết và được dẫn vào khu đền thờ Thần đạo có tên Daijokyu, được xây dựng đặc biệt cho lễ Daijosai, để làm nghi thức lên ngôi cuối cùng: Qua đêm với một nữ thần, tên chính thức là Daijosai. Nơi diễn ra lễ Daijosai của...