Nhật, Hàn đồng loạt cảnh báo Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết nước này sẽ tăng cường các nỗ lực thu thập thông tin liên quan đến các báo cáo cho rằng Triều Tiên có dấu hiệu chuẩn bị phóng tên lửa. Hàn Quốc trước đó cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura.
Nhật, Hàn cùng lên tiếng
“Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng tất cả các biện pháp có thể nhằm mục đích đảm bảo hòa bình và an ninh của Nhật Bản”, ông Fujimura phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo ngày hôm qua.
Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản trước đó cho biết Triều Tiên từ đầu tháng này đã có nhiều dấu hiệu đẩy mạnh hoạt động chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa ở bãi phóng Tongchang-ri thuộc tỉnh North Pyongan.
Trước đó, hôm 22/11, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Kim Kwan Jin cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ có các hành động thử tên lửa trước và sau cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc, dự kiến diễn ra ngày 19/12.
“Triều Tiên sẽ sử dụng những hành động khiêu khích để đưa những người Hàn Quốc vào trạng thái chiến tranh hoặc hòa bình trước bầu cử, đồng thời sẽ khiêu khích hậu bầu cử để nắn gân chính phủ mới cũng như tìm cách chế ngự chính phủ này”, ông Kim Kwan Jin nói.
Ông kêu gọi quân đội Hàn Quốc đáp trả cứng rắn trong trường hợp Triều Tiên đưa ra bất kỳ hành động gây hấn nào.
Triều Tiên xác nhận sẽ phóng vệ tinh mới
Video đang HOT
Không bác bỏ cáo buộc của Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA xác nhận Bình Nhưỡng đang dự định phát triển chương trình không gian và phóng vệ tinh mới.
KCNA cũng cho biết Triều Tiên sẽ tiếp tục sử dụng quyền khai thác không gian vũ trụ đã được luật pháp quốc tế công nhận.
Trước đó, ngày 13/4, Triều Tiên đã phóng tên lửa tầm xa Unha-3 mang theo vệ tinh địa tĩnh vào không gian. Tuy nhiên, tên lửa này chỉ bay được trong khung khoảng 2 phút trước khi nổ tung và vỡ thành 20 mảnh cách bờ biển phía Tây Hàn Quốc khoảng 200 km.
Tên lửa tầm xa của Triều Tiên được phóng lên hô 13/4/2012 trong sự quan ngại của cộng đồng quốc tế.
Vụ phóng của Triều Tiên khi ấy đã kích hoạt toàn bộ hệ thống cảnh báo an ninh ở khu vực Đông Bắc Á và vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số nước, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nước này cho rằng hành động của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ cấm Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa có sử dụng công nghệ đạn đạo.
Nhật Bản thu giữ vật liệu tên lửa của Triều Tiên
Cách đây 3 tháng, chính phủ Nhật Bản đã tịch thu một số vật liệu tên lửa của Triều Tiên xuất sang Myanmar.
“Nhật Bản đã tịch thu các ống hợp kim nhôm rắn của Triều Tiên được dùng để chế tạo tên lửa trên một con tàu hướng về phía Myanmar”, báo Asahi của Nhật Bản số ra ngày 24/11 cho biết.
Theo báo trên, các ống hợp kim có ghi dòng chữ “DPRK” (tức CHDCND Triều Tiên) được vận chuyển trên tàu chở hàng của Singapore, do một công ty hàng hải của Đài Loan điều hành và đã bị thu giữ tại cảng Tokyo vào cuối tháng 8.
Số hàng hóa bị tịch thu bao gồm 50 ống kim loại dài 5cm, đường kính 9 cm và 15 ống hợp kim nhôm. Báo Asahi cho biết một phần các linh kiện này là chất liệu nhôm rắn, thường được dùng để chế tạo tên lửa hoặc máy ly tâm làm giàu urani.
Tổng công ty quốc tế Đại Liên của Trung Quốc, công ty xuất khẩu lô hàng, thừa nhận đã xuất lô hợp kim nhôm này sang Myanmar theo hợp đồng ủy thác từ một công ty khác.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm mọi hình thức mua bán các sản phẩm liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có hợp kim nhôm rắn, với Triều Tiên. Được biết, chính nước Mỹ đã đề nghị kiểm tra và tịch thu số vật liệu tên lửa trên trong khi theo dõi hành trình của con tàu.
THeo Dantri
Lãnh đạo thế giới đồng loạt chúc mừng Obama
Các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chúc mừng Tổng thống Obama tái đắc cử và kêu gọi ông đóng vai trò lãnh đạo trong nhiều vấn đề từ kích thích kinh tế tới biến đổi khí hậu và cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo.
Tổng thống Obama và Phó tổng thống Biden trong đêm thắng cử.
"Tôi đã thực sự hài lòng khi hợp tác với ông Obama trong vài năm qua và mong muốn được tiếp tục hợp tác với ông trong 4 năm tới", Thủ tướng Anh David Cameron cho biết với kênh BBC khi đang thăm một trại tị nạn của người Syria ở Jordan vào ngày hôm nay. "Có rất nhiều điều chúng ta cần phải làm. Chúng ta cần phải khởi động nền kinh tế thế giới".
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Obama đã chuyển hướng trọng tâm kinh tế và an ninh sang châu Á -Thái Bình Dương, trong khi nỗ lực ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và kết thúc cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan. Chính quyền của ông đã đối mặt với một nền kinh tế toàn cầu vật lộn để vực dậy từ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.
Obama là "một tổng thống lớn" và Pháp "hân hoan đón chào" ông Obama tái đắc cử, Ngoại trưởng Pháp Pierre Moscovici cho biết trên đài phát thanh RTL. "Chúng tôi đã hợp tác tốt với chính quyền của ông", ông Moscovici cho hay.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng gửi lời chúc mừng tới Obama, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày hôm nay. Trung Quốc cũng thực hiện một cuộc chuyển giao lãnh đạo 10 năm mới diễn ra một lần trong tuần này.
"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để chuyển những lợi ích lớn hơn cho người dân hai nước và cho nhân dân toàn thế giới", ông Hồng Lỗi cho biết thêm.
Thủ tướng Noda của Nhật, nước đồng minh lớn nhất của Mỹ tại châu Á và là nơi đồn trú của gần 40.000 binh sỹ Mỹ, cho biết "chúng tôi mong chờ hợp tác tiếp" với chính quyền Obama.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak chúc mừng ông Obama tái đắc cử và kêu gọi duy trì hợp tác nhằm đối phó với đe dọa hạt nhân Triều Tiên. Còn lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cũng cho biết ông dự kiến xây dựng mối quan hệ với Mỹ mạnh mẽ nhất trong vòng 30 năm, tuyên bố trên trang web của văn phòng lãnh đạo Đài Loan cho hay.
Thủ tướng Australia Julia Gillard kêu gọi Mỹ đóng vai trò lãnh đạo trong các vấn đề ổn định tài chính, biến đổi khí hậu khi ra tuyên bố chúc mừng ông Obama tái đắc cử. Mỹ hiện đang triển khai 2500 lính thủy đánh bộ tại miền bắc Australia và sẽ đưa khoảng 60% tài sản hải quân của Lầu Năm Góc sang khu vực châu Á Thái Bình Dương cho đến năm 2020, tăng so với mức khoảng 50% hiện nay.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng chúc mừng Obama và nhấn mạnh tăng cường mối quan hệ với Mỹ. 2 tháng trước, biểu tình đã nổ ra ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Pakistan vì một đoạn phim chống người Hồi giáo được sản xuất tại Mỹ.
"Tôi hi vọng rằng Tổng thống Obama sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố hiểu biết và tôn trọng giữa Mỹ và người Hồi giáo khắp thế giới", ông Najib ra tuyên bố cho biết. "Là một quốc gia Hồi giáo ôn hòa, Malaysia sẵn sàng đứng ra giúp đỡ Mỹ khi khi Mỹ tìm kiếm hòa hợp hơn nữa với người Hồi giáo."
Obama đã dành một phần thời thơ ấu của mình ở Indonesia và dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á vào cuối tháng này ở Campuchia. Năm 2009 ông cho biết Mỹ sẽ gia nhập Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), khối với sự tham gia 9 nước châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ 15 vào tháng tới.
"Nếu Obama đến và tập trung vào kinh tế, tập trung vào tăng cường quan hệ khắp khu vực châu Á Thái Bình Dương, ông có thể thực hiện được điều đó bởi ông đã xây dựng được một mạng lưới", Kishore Mahbubani, một trưởng khoa Đại học quốc gia Singapore Lee Kuan Yew, cho biết trên truyền hình Bloomberg. "Ở châu Á ông có thể làm được rất nhiều cho kinh tế Mỹ".
Theo Dantri
Trung, Nhật chia buồn với Campuchia Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ đau buồn trước sự ra đi của cựu quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk, trong khi Nhật Bản cũng gửi lời chia buồn tới nhân dân Campuchia. Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm hỏi hoàng thái hậu Norodom Monineath Sihanouk tại Bắc Kinh hôm nay. Ảnh: Xinhua "Tôi choáng váng...