Nhất định đến giảng đường
Dù hoàn cảnh khó khăn, nhiều bạn sinh viên các trường đại học, cao đẳng vẫn nỗ lực để giữ cơ hội ngồi ở giảng đường đại học.
Nghèo không phải rào cản
Hồ Quang Nhựt được bạn bè ở lớp 14HS35, khoa Luật Hình sự (trường ĐH Luật TP. HCM) nể phục vì tinh thần hiếu học. Nhựt quê ở ấp An Định, huyện Đức Hoài, tỉnh Long An. Ba Nhựt rời bỏ gia đình khi cậu còn trong bụng mẹ. Ở ấp An Định, gia đình Nhựt thuộc diện nghèo nhất. Cả ba thế hệ nhà Nhựt đều không mua nổi mảnh đất để cất nhà. Ngôi nhà tôn mà Nhựt, mẹ và dì đang cư ngụ được người hàng xóm thương tình cho mượn. Kế mưu sinh của gia đình Nhựt là làm nón lá. Làm việc cật lực, nhưng mỗi ngày cả gia đình thu nhập chưa tới 40.000 đồng. Nhà nghèo không có tiền đóng học phí nên đầu năm lớp 11, Nhựt đã có ý định bỏ học để đi kiếm tiền. Cô giáo chủ nhiệm đến tận nhà khuyên Nhựt tiếp tục học tập và xin nhà trường miễn học phí cho cậu hai năm cuối cấp THPT.
Cách đây hai năm, cầm giấy báo trúng tuyển vào trường ĐH Luật TP. HCM mà cả nhà Nhựt nặng trĩu. Cô Phạm Thị Rem, mẹ của Nhựt nói như mếu: “Gia đình nghèo quá! Bây giờ, con đậu đại học rồi, má biết lấy gì lo cho con trong bốn năm sắp tới?”. Không chỉ mẹ và dì của Nhựt băn khoăn mà hàng xóm của cậu cũng xì xào, lo cái ăn cho gia đình đã khó thì lấy tiền đâu đóng học phí, trang trải sinh hoạt bốn năm nơi thành phố đắt đỏ. Thế nhưng, chính cái nghèo đó lại thôi thúc Nhựt càng phải học để vươn lên. Để có tiền nhập học, Nhựt lại ra đồng cắt lúa mướn, hái ớt thuê. Tối về, cậu phụ mẹ và dì làm nón lá. Ngày nhập học, trừ tiền đóng phí, trong túi Nhựt chỉ còn đúng 500.000 đồng. Nhựt xin ở tạm nhà người quen rồi đạp xe đi đến các địa chỉ nhân đạo giáp ranh quận 4 xin ở nhờ. Chẳng có nơi nào nhận, Nhựt đi ở ghép với các bạn trong lớp.
Chiến thắng chính mình
Còn ở trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, Hồ Thanh Sơn (lớp 12TO1, ngành Sửa chữa ô tô) cũng được nhiều bạn bè yêu mến. Mẹ Sơn mất từ lúc cậu còn nằm nôi. Sơn học lớp 5, ba Sơn lâm bệnh rồi cũng qua đời. Tính tình cậu thay đổi hẳn. Từ học sinh giỏi của lớp, Sơn bỏ bê học hành và nghiện game. Đến năm lớp 9, Sơn thi rớt và muốn ở nhà luôn. Nhờ tình thương và sự cảm hóa của ông nội, Sơn đã nộp hồ sơ nhập học tại trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm. Sơn tâm sự: “Ngày ba qua đời, mình như người mất phương hướng. Đang sống trong sự bao bọc của ba, tình thương của ông bà nội thì nay mình trở thành trẻ mồ côi. Mình trượt dài trong thế giới ảo. Cũng may, mình biết dừng lại đúng lúc và làm lại cuộc đời”.
Bây giờ, mỗi khi tan học là Sơn lại về phụ bà nội bán tạp hóa. Rảnh rỗi, cậu đi phục vụ tiệc cưới ở nhà hàng Á Đông (đường Hải Thượng Lãn Ông, Q. 5), kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sơn cho biết, thu nhập chính của ông bà nội là lương hưu mà phải trang trải chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Số tiền mà Sơn kiếm được, cậu dùng để trả tiền cho các chi phí của chính mình tại trường.
Ngoài giờ học, Hồ Thanh Sơn còn giúp bà nội bán tạp hóa.
Quyết định tương lai
Dù nhận 2 – 3 đầu việc làm thêm nhưng thành tích học tập của Hồ Quang Nhựt luôn đứng nhất nhì ở lớp 14HS35, khoa Luật Hình sự. Hai năm qua, chưa năm nào điểm tổng kết của Nhựt dưới 7,5. Ngày nào cũng vậy, cứ 5h sáng là Nhựt lại thức dậy xem bài vở. Tối nào không đi làm thêm, dạy kèm thì Nhựt cũng lấy tìm tài liệu tự nghiên cứu. Nhựt cho biết, chương trình học ở trường Luật khá nặng. Vì vậy, cậu phải nỗ lực không ngừng. Nhựt cho rằng ở vị trí của mình, cậu phải cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của mẹ, dì và những mạnh thường quân đã cưu mang mình. Hơn nữa, ra trường với tấm bằng loại ưu sẽ giúp cậu dễ xin được việc làm, đỡ dần gia đình. Nhựt bước vào năm học thứ ba, cũng là lúc dì và mẹ thay phiên nhau nhập viện. Mỗi lần về, nhìn ngôi nhà tôn thủng lỗ chỗ, Nhựt lại muốn tốt nghiệp thật nhanh để đi làm, có tiền xây cho gia đình ngôi nhà tươm tất. Nhựt tâm sự: “Bây giờ, mình có bảo lưu kết quả học tập, đi làm vài năm cũng không giải quyết được vấn đề. Vì vậy, mình quyết tâm tiếp tục học để sau này có thể tự quyết định tương lai của mình”.
Video đang HOT
Ngoài việc học ở trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, Hồ Thanh Sơn cũng đang theo học lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 11. Sơn cho biết, Hè năm sau, bạn sẽ tốt nghiệp hệ trung cấp tại trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm và THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 11. Sau đó, bạn sẽ dự thi tuyển sinh vào ngành Cơ khí ô tô của trường đại học nào đó hoặc liên thông lên đại học. Dù theo học tại hai trường nhưng ở nơi nào điểm trung bình của Sơn cũng trên 7,5. Tại trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, học kỳ nào Sơn cũng nhận được học bổng. Sơn cho biết, mình luôn đề cao từ “tranh thủ” để học được nhiều. Nhờ biết sắp xếp thời gian hợp lý, Lâm đã học tốt cả hai trường.
Theo Quế Sơn
SVVN
Từ nhà tù bước thẳng vào giảng đường ĐH
Chàng trai không cha, mồ côi mẹ từng sa vào lầm lạc và trong lúc cùng quẫn, Hợi toan tìm đến cái chết. Mãn hạn tù, anh trở về quê, tự ôn thi, vượt qua nhiều sóng gió để theo học đại học.
Phan Hợi (mặc áo đen, ngồi giữa) và các bạn SV mồ côi "Mái ấm trường Vinh".
Mẹ mất, con ở trong tù
Hợi nói: "Mình mang họ của mẹ!". Mẹ anh, bà Phan Thị Điểm 3 lần đò, và Hợi là kết quả của cuộc tình duyên sau cuối. Tròn 3 tuổi, Hợi rời Quảng Bình, theo mẹ về xã Sơn Quang (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), cùng sống với hai anh chị cùng mẹ khác cha. Phan Hợi không có tên lót. Hợi không hỏi về cha mình, mẹ anh cũng không bao giờ nói.
Học xong cấp ba, Hợi không có tiền để thi vào đại học, bèn xin đi bộ đội. Năm 2006 xuất ngũ, về quê làm ruộng được vài năm lại khăn gói vào miền Nam học nghề. Tính nghịch ngợm, nghèo lại thích đua đòi bạn bè, anh vướng vào vòng lao lý, bị công an Đồng Nai bắt tạm giam.
Vào tù, tay chân Hợi bỗng bị liệt. Không đi lại được nên suốt ngày nằm một chỗ. "Lúc đó, mình chỉ nghĩ đến cái chết, đau đớn quá chỉ muốn tự tử. Nhưng nghĩ đến chết mình lại sợ!", Hợi nhớ lại. Gượng đứng dậy, Hợi tập đi. Nghị lực giúp anh giành giật lại sự sống.
Lúc Hợi trong trại giam, ở nhà mẹ hấp hối. Ung thư di căn, bà Điểm không thể chờ đợi ngày con mãn hạn tù trở về để gặp lần cuối.
Bà gượng dậy viết di chúc cho con: "Hợi, con trai của mẹ! Bây giờ mẹ đau lắm, không biết có còn được gặp con nữa hay không. Mẹ viết mấy dòng di chúc này để lại. Con ơi! Con là đứa con bất hiếu, chỉ biết làm khổ mẹ. Sau này mẹ chết đi rồi thì chẳng còn ai để làm khổ nữa! Ra ngoài xã hội thì không ai nể, không ai thương, nếu cứ lao vào con đường lầm lạc.
Sau này ra tù trở về, mẹ khuyên con nên cố gắng lao động. Mình muốn ăn no mặc ấm thì phải siêng năng cần cù, thức khuya dậy sớm để cày bừa cuốc móc. Mẹ và cậu đã mua cho con một mái nhà 4 triệu đồng. Con về thì nhờ người dỡ về, mua xi măng đổ táp-lô dựng lại, rồi dỡ cái chuồng hươu, có tiền thì mua hươu mà nuôi.
Mẹ ốm, bán hết bò, hươu, bây giờ mẹ phải chết. Con trở về, tuy là không còn gì nhưng vẫn có được ngôi nhà cho con ở tạm. Con làm hết chừng ấy đất, chăn nuôi thêm gà, bò, hươu thì cuộc sống cũng đầy đủ. Mẹ muốn sống thêm để lo vợ cho con nhưng không được nữa. Hãy tha thứ cho mẹ!".
Ngày ra tù, mẹ anh không còn nữa. Nấm mộ sơ sài cỏ vừa bén xanh, nằm lặng lẽ trong nghĩa trang gió Lào hun hút.
"Mình cảm thấy cô đơn tột cùng. Mình sợ phải về ở trong căn nhà trống trải!", nuốt nước mắt, Hợi kể. Mẹ anh trong cơn đau yếu phải bán hết mọi thứ đồ đạc, bán cả trâu bò lợn gà để mua thuốc chữa bệnh, gia cảnh đã nghèo lại càng nghèo thêm. Gạo không còn một hạt, bàn ghế xô lệch và bám đầy bụi bẩn, Hợi lần đi xếp những thứ còn sót lại và bắt đầu cuộc sống độc thân. Anh chị em ruột đã lập gia đình, đầu tắt mặt tối quanh năm nên cũng chẳng giúp gì được nhau.
Mang tiếng đi tù về, thân hình tiều tụy như kẻ nghiện, Hợi bị hàng xóm ghẻ lạnh, hắt hủi.
"Mình phải chứng minh cho mọi người thấy là mình không hề nhiễm HIV", Hợi nói. Góp được ít tiền, Hợi bắt xe vào thành phố Hà Tĩnh để xét nghiệm máu. Cầm tờ giấy ghi kết quả âm tính, Hợi đem về cho láng giềng xem, lúc đó người ta mới tin anh không bị nhiễm bệnh. Tiếng đồn về anh cũng từ đó mà tan biến.
Anh rời căn nhà gió lạnh vào rừng tre, dựng một cái chòi lá trên triền đồi mẹ anh để lại và bắt đầu tạo lập cuộc sống mới. Ngày ngày cuốc đất trồng đậu, gieo lạc, nuôi đàn gà. Lấy ngắn nuôi dài, mỗi sáng anh thức dậy thật sớm, giắt dao vào rừng đốn củi, buổi chiều cõng củi ra chợ bán kiếm tiền đong gạo. Một mình Hợi lầm lũi, đơn độc giữa khu rừng nghèo nàn, thanh vắng.
Mái ấm trường Vinh
Mỗi chiều cõng củi men theo con đường mòn xuống chợ, Hợi lại bắt gặp từng tốp học sinh đạp xe đi học. Hợi nung nấu quyết tâm thi vào đại học.
Nhớ đến cô bạn Nguyễn Thị Lành (xóm 10, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn) đang ôn thi tại nhà, Hợi lò dò đến gõ cửa nhà Lành mượn tài liệu. Cảm động trước tấm gương hiếu học của Hợi, cô cho cậu mượn 3 tập tài liệu Văn - Sử - Địa. Gần một năm tự ôn luyện, anh chờ ngày ra Vinh ứng thí.
Hôm "lều chõng" ra Nghệ An tại điểm thi Vinh, trong túi Hợi chỉ có vẻn vẹn 600.000 đồng. Đó là số tiền chị gái Phan Thị Minh bán đàn gà, hỗ trợ cho em.
Cả ba môn Văn - Sử - Địa, Hợi làm bài khá tốt, tự tin bước ra khỏi phòng thi trước khi tiếng trống báo hiệu hết giờ làm bài. "Sau khi làm xong môn cuối cùng, mình đứng trước cổng trường, bật khóc! Mình biết là mình sẽ đậu", Hợi kể.
Một cảnh sát bảo vệ tại điểm thi ĐH Vinh đi ngang qua nhìn thấy Hợi đứng khóc, bèn an ủi: "Học tài thi phận. Năm ni không đậu, năm sau thi tiếp, lo chi". Chẳng ai biết Hợi khóc vì cậu quá vui, vì làm được bài.
Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển ĐH Vinh, Hợi nửa mừng nửa lo. Mừng vì giấc mơ bước tới giảng đường đã thành hiện thực nhưng cậu lo lắng vì không biết lấy gì ăn học.
Người dân xã Sơn Quang (Hương Sơn) nghe tin chàng trai mồ côi thi đậu ĐH, kéo nhau đến chia vui. Người góp gạo, người cho quần áo, hàng xóm mở một cuộc vận động quyên góp tiền, ủng hộ tổng cộng 6 triệu đồng. Cầm đồng tiền ân nghĩa của người dân Sơn Quang, Hợi khăn gói rời quê ra Vinh, nhập trường.
Ban giám hiệu ĐH Vinh dành chỗ trọ miễn phí cho chàng sinh viên mồ côi hiếu học, tạo điều kiện cho anh làm thủ tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
"Vừa làm thêm, vừa sử dụng đồng vốn vay được, mình tằn tiện trong chi tiêu cũng đủ nuôi sống mình suốt 4 năm theo học anh ạ!", Hợi kể.
Trung tâm hỗ trợ sinh viên do thạc sĩ Lê Công Đức làm giám đốc, lập ra CLB "Mái ấm trường Vinh", tập hợp hơn 20 sinh viên nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ để những người chung cảnh ngộ cùng sinh hoạt, giúp đỡ lẫn nhau.
"Dưới mái ấm trường Vinh, em thực sự tìm thấy tổ ấm của mình. Các sinh viên mỗi người một xứ, nhưng cùng chung một nỗi đau mất cha, mất mẹ, sống quây quần như anh em ruột thịt!", Hợi nói. Sau khi tốt nghiệp, Hợi sẽ xin về làm thầy giáo, trở về rừng tre, trở về Hương Sơn cõng chữ lên ngàn...
Theo Tiền Phong
Trải nghiệm học tập và sinh hoạt trong môi trường đại học Mỹ Ngày 27-9, Đại sứ quán Hoa Kỳ thông báo tìm kiếm ứng viên cho chương trình học bổng Global Undergraduate Exchange Program (Global UGRAD), năm học 2013 - 2014. Sinh viên năm thứ nhất đến năm thứ ba các trường đại học Việt Nam có năng lực lãnh đạo thể hiện qua kết quả học tập, sự đóng góp cho cộng đồng cũng...