Nhật Bản “xoay xở” thích ứng khi ngày càng nhiều người thọ 100 tuổi
Chỉ trong vòng nửa thế kỉ, số lượng người thọ vượt ngưỡng 100 tuổi của Nhật Bản đã tăng tới gần 450 lần, đặt ra thách thức buộc chính phủ Nhật Bản phải thay đổi để thích ứng với tình trạng già hóa dân số.
Nhóm nhạc nữ U-100 đến từ Nhật Bản gồm toàn các bà cụ mang tên KBG84 trình diễn trên sân khấu ở Tokyo. (Ảnh minh họa: AFP)
Theo thống kê của Pew Research Center, hiện tại Nhật Bản đã trở thành quốc gia có tỉ lệ người trên 100 tuổi so với tổng dân số cao nhất thế giới. Dữ liệu từ Bộ Y tế nước này cho thấy hiện thời có 67.824 người Nhật Bản bằng hoặc vượt ngưỡng 100 tuổi. Vào năm 1965, khi Nhật Bản bắt đầu thống kê dân số trên 100 tuổi, con số này mới chỉ là 153 người.
Chỉ trong 50 năm, Nhật Bản đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của những cụ ông, cụ bà sống cả thế kỷ. Điều này buộc các nhà làm luật của quốc gia Đông Á phải bắt đầu thay đổi để thích ứng với tình hình trên.
Trong 1 năm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tổ chức hàng loạt cuộc họp tại hội đồng chuyên có nhiệm vụ “thiết kế” cuộc sống cho nhóm những người 100 tuổi ở nước này. Đây là cơ quan gồm toàn các chuyên gia được thành lập để chuẩn bị cho sự tăng trưởng nhanh chóng hơn nữa của những người trên 100 tuổi ở Nhật Bản trong tương lai.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, 27% dân số Nhật Bản đang ở tuổi 65 trở lên. Năm 1990, tỷ lệ này chỉ khoảng 11%. Tuy rằng, tuổi thọ trung bình cao là một dấu hiệu tích cực thể hiện sự văn minh của xã hội, tuy nhiên nó cũng tạo ra những thách thức, ví dụ như gánh nặng cho xã hội về lương hưu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cho người già. Tại Nhật Bản, tỉ lệ sinh ngày càng giảm, đồng nghĩa với việc sẽ có ngày càng ít người trong độ tuổi lao động đóng góp để hỗ trợ người lớn tuổi thông qua các khoản thuế.
Tỉ lệ sinh ở Nhật Bản đã giảm trong 37 năm liên tiếp và Bộ Y tế nước này dự đoán dân số Nhật Bản tới năm 2060 sẽ giảm xuống còn 86,74 triệu người, so với con số 126,26 triệu người hiện tại.
Các cụ già Nhật Bản tập thể dục (Ảnh minh họa: Reuters)
Một trong những chuyên gia tham gia vào hội đồng vạch ra chính sách cho người trên 100 tuổi Nhật Bản, bà Lynda Gratton, giáo sư trường Kinh doanh London (Anh), cho rằng điều quan trọng là chính phủ và cách doanh nghiệp phải vạch ra được một lộ trình để thay đổi cách suy nghĩ của người Nhật Bản. Đơn cử như việc Nhật Bản đề xuất tăng tuổi về hưu từ 60 lên 65 nhằm giúp người cao tuổi nước này có thêm thời gian để cống hiến cho xã hội, tránh những suy nghĩ tiêu cực khi ở tuổi “xế chiều”. Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích mô hình “đào tạo lại”, nghĩa là người lao động có thể được học tập, nâng cao kiến thức, chuyển sang làm một lĩnh vực khác phù hợp với độ tuổi hưu trí.
Tuy nhiên, theo giáo sư Hiroko Akiyama của trường đại học Tokyo thì những chính sách trên là tốt, nhưng Nhật Bản cần nhanh và quyết liệt hơn nữa. “Lực lượng lao động của chúng ta đang thu hẹp dần”, bà nhận định.
Thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Và già hóa dân số ở Nhật Bản cũng mang lại những cơ hội cho các doanh nghiệp nước này.
Video đang HOT
Các công ty bắt đầu mở ra những câu lạc bộ tập thể hình cho người cao tuổi. Các robot chăm sóc ngày càng phổ biến ở các viện dưỡng lão. Bà Gratton cho rằng Nhật bản đang đi đầu thế giới trong việc phát triển robot và máy móc tự động để hỗ trợ và cải thiện cuộc sống của nhóm người lớn tuổi.
Chuyên gia này cũng cho rằng không chỉ riêng Nhật Bản mà các quốc gia trên thế giới cũng nên bắt đầu chuẩn bị cho một tương lai mà 3 giai đoạn: học tập, làm việc, nghỉ hưu sẽ dần biến mất. “Mọi người sẽ có xu hướng trở nên chủ động hơn. Thay vì lên kế hoạch, tiết kiệm và nghỉ ngơi những năm cuối đời thì họ nên sống tích cực hơn và không ngừng tiến về phía trước.
Bà cho rằng thay vì nghĩ rằng mình đang già hơn, hãy nghĩ tới cách khiến mình có thể gìn giữ tuổi trẻ lâu hơn.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Theo Dantri
Những cô gái Hàn Quốc không muốn lấy chồng, sinh con
Muốn theo đuổi sự nghiệp, sợ bị bạo hành gia đình, bị gây khó dễ trong công việc khiến nhiều phụ nữ Hàn Quốc không muốn kết hôn.
Jan Yun-hwa tại bến sông Hán ở Seoul. Ảnh: BBC.
Ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc lựa chọn không lấy chồng, không sinh con, thậm chí không yêu đương. Nhiều chuyên gia cho rằng với tình trạng tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất thế giới như hiện nay, dân số quốc gia Đông Á này sẽ bắt đầu sụt giảm nếu tình hình không thay đổi.
"Tôi không có dự định sinh con, không bao giờ", Jan Yun-hwa, 24 tuổi, khẳng định với phóng viên BBC trong một tối tháng 8 tại quán cà phê ở trung tâm Seoul. "Tôi không muốn chịu đựng nỗi đau khi sinh nở. Tôi cũng không muốn con cái ảnh hưởng tới sự nghiệp".
Giống như nhiều thanh niên trong thị trường việc làm siêu cạnh tranh ở Hàn Quốc, Yun-hwa, nghệ sĩ vẽ truyện trên Internet, phải làm việc chăm chỉ để trả tiền mua nhà và không muốn những cố gắng này bị lãng phí.
"Thay vì lập gia đình, tôi muốn sống độc lập và đạt được ước mơ", cô gái trẻ nói.
Yun-hwa không phải người duy nhất thuộc thế hệ phụ nữ trẻ ngày nay ở Hàn Quốc coi sự nghiệp và gia đình là hai thứ không thể đạt được cùng lúc. Dù chính quyền đã ban hành nhiều đạo luật chống phân biệt đối xử với lao động nữ mang thai, thực tế không giống luật.
Choi Moon-jeong sống ở ngoại ô phía tây Seoul là một ví dụ mạnh mẽ về vấn đề này. Khi cô thông báo với ông chủ rằng mình sắp có con, phản ứng của ông này khiến Choi bị sốc.
"Ông chủ hỏi 'Nếu có con, nó sẽ lập tức trở thành ưu tiên của cô và công ty sẽ bị xếp sau, cô vẫn có thể làm việc được ư?'", Choi nhớ lại. "Ông ấy cứ tiếp tục lặp đi lặp lại câu hỏi này".
Thời điểm đó, Choi đang là kế toán thuế cho công ty. Lúc đó là cuối năm, thời điểm bận rộn nhất, ông chủ giao cho cô nhiều việc hơn và khi Choi phàn nàn, ông quy kết cô thiếu cống hiến. Cuối cùng, căng thẳng lên đến đỉnh điểm.
"Ông ấy hét vào mặt tôi. Tôi đang ngồi trên ghế, cực kỳ căng thẳng, người bắt đầu co giật và tôi không thể mở mắt ra được. Đồng nghiệp phải gọi cấp cứu và đưa tôi đến viện", Choi nhớ lại.
Choi Moon-jeong. Ảnh: BBC.
Tại bệnh viện, bác sĩ bảo cô quá căng thẳng nên có dấu hiệu sảy thai. Choi ra viện một tuần sau, cái thai vẫn giữ được, nhưng cô cảm thấy sếp bắt đầu làm mọi thứ để ép cô nghỉ việc. Ít người trải qua sự việc như Choi, bởi "phụ nữ thường lo lắng khi mang thai và phải nghĩ rất kỹ trước khi thông báo mang thai. Nhiều người quanh tôi không có con, và cũng không có dự định sinh con".
Nền văn hóa làm việc cật lực trong nhiều giờ và cống hiến cả đời cho một công việc đã tạo ra sự biến đổi phi thường của Hàn Quốc trong 50 năm qua, biến nó thành một quốc gia đang phát triển thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng Yun-hwa cho rằng vai trò của phụ nữ trong quá trình biến đổi này thường bị bỏ qua.
"Kinh tế Hàn Quốc thành công phụ thuộc nhiều vào những công nhân nhà máy bị trả lương thấp, chủ yếu là nữ", cô nhận xét. "Nó cũng phụ thuộc vào việc phụ nữ ở nhà chăm lo cho gia đình, trong khi đàn ông ra ngoài và chỉ tập trung làm việc".
Hiện nay có ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc làm những công việc trước đây chỉ dành cho đàn ông, như trong ngành quản lý và đào tạo. Nhưng bất chấp những thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội, thái độ của xã hội Hàn Quốc về giới tính vẫn thay đổi rất chậm chạp.
"Ở đất nước này, phụ nữ được kỳ vọng là những người đứng sau cổ vũ cho đàn ông", Yun-hwa nói. Ngoài ra, cô cũng nhận thấy xu hướng phụ nữ thường phải đảm nhận vai trò chăm sóc gia đình sau khi kết hôn, dù vẫn phải đi làm.
"Có rất nhiều trường hợp ngay cả phụ nữ đang đi làm, một khi kết hôn và có con, họ phải gánh hoàn toàn trách nhiệm nuôi dạy con cái. Ngoài ra, họ cũng phải chăm sóc bố mẹ chồng khi ốm đau", Yun-hwa bày tỏ.
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trung bình mỗi ngày đàn ông Hàn Quốc chỉ dành 45 phút làm việc nhà, trong khi phụ nữ dành thời gian gấp 5 lần.
"Tính tôi không hợp với vai trò chăm sóc gia đình. Chỉ sống cuộc đời của riêng tôi đã quá bận rộn rồi", Yun-hwa kết luận. Cô không chỉ thờ ơ với hôn nhân, thậm chí còn không muốn yêu đương, bởi nguy cơ bị người yêu tung cảnh nóng để trả thù đang là "vấn nạn lớn" tại Hàn Quốc. Yun-hwa cũng lo ngại về bạo hành gia đình.
Năm ngoái, Viện Tội phạm Hàn Quốc công bố kết quả khảo sát cho thấy 80% nam giới được hỏi thừa nhận từng có hành vi bạo hành với người yêu/bạn đời. Khi được hỏi về cách nhìn của đàn ông với phụ nữ ở Hàn Quốc, Yun-hwa mô tả bằng hai từ "nô lệ".
Điều này được chứng minh qua tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc. Tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, khi chỉ có 5,5/1.000 người kết hôn, so với 9,2/1.000 người năm 1970. Ngoài ra, số trẻ ngoài giá thú sinh ra cũng rất thấp.
Chỉ Singapore, Hong Kong và Moldova có tỷ lệ sinh thấp như Hàn Quốc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Những quốc gia và vùng lãnh thổ này có tỷ lệ sinh là 1,2, trong khi tỷ lệ cần thiết để duy trì dân số là 2,1.
Bảng so sánh tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc với một số nước khác. Đồ họa: BBC.
Một yếu tố khác ảnh hưởng tới chuyện lập gia đình là sinh hoạt phí. Tuy Hàn Quốc thực hiện chính sách giáo dục miễn phí, sự cạnh tranh ở trường học rất cao, đòi hỏi bố mẹ phải làm việc nhiều hơn cho con cái có tiền đi học thêm để theo kịp các bạn.
Tất cả những yếu tố này tạo ra một hiện tượng xã hội mới ở Hàn Quốc: Thế hệ Sampo. "Sampo" nghĩa là từ bỏ ba điều: yêu đương, hôn nhân và con cái. Nhưng Yun-hwa cho rằng mình không từ bỏ ba điều này, bởi cô không lựa chọn theo đuổi chúng. Cô cũng không nói có dự định sống độc thân, hay theo đuổi mối quan hệ yêu đương với phụ nữ.
Đối với thế hệ cũ ở Hàn Quốc, những người như Yun-hwa quá ích kỷ và yêu bản thân. Một người phụ nữ 60 tuổi đang đi dạo ở công viên giữa lòng Seoul cho biết bà có ba con gái ở độ tuổi 40, nhưng không ai sinh con.
"Tôi cố dạy các con về tinh thần yêu nước và nghĩa vụ với tổ quốc. Tôi cũng vui nếu các con kế tục những điều này, nhưng chúng lại quyết định không làm thế", bà nói. "Đó là nghĩa vụ với đất nước. Chúng tôi rất lo lắng vì tỷ lệ sinh bây giờ rất thấp", một người bạn của bà nói chen vào.
Yun-hwa và những người cùng thế hệ lớn lên trong thời đại toàn cầu hóa không bị những lập luận này thuyết phục. Khi được hỏi liệu cô và những phụ nữ cùng thế hệ có lo lắng chuyện nền văn hóa của đất nước sẽ chết dần nếu không sinh con, Yun-hwa cho rằng đó là thời gian cần thiết để xóa bỏ nền văn hóa nam giới thống trị.
"Nó phải chết đi, phải chết hoàn toàn", cô bất ngờ nói to bằng tiếng Anh với giọng quả quyết.
Hồng Hạnh
Theo Vnexpress
Nhà tôi náo loạn sau khi vợ đưa ra ý tưởng đưa mẹ vào viện dưỡng lão Mấy ngày nay, nhà tôi không khác gì một phường chèo với đủ các vở chính, bi, hài kịch chỉ vì ý tưởng của vợ. Ảnh minh họa Tôi với vợ cưới nhau đến nay cũng được 16 năm. Con trai, con gái chúng tôi đều đã lớn, 1 đứa học lớp 10, 1 đứa học lớp 7. Bố tôi mất sớm, tôi...