Nhật Bản thúc đẩy ‘năng lực phản công’, bảo vệ người dân trước ‘bước ngoặt lịch sử’
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định việc nước này sở hữu năng lực phản công là “cần thiết” để ngăn chặn các vụ tấn công tên lửa từ những quốc gia khác.
Ông Kishida cũng tuyên bố Chính phủ sẽ bảo vệ tổ quốc và người dân trước “bước ngoặt lịch sử”.
Máy bay tuần tra Kawasaki P-1 của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản bắn pháo sáng nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Lực lượng tại Vịnh Sagami vào ngày 6/11/2022. Ảnh: Getty Images
Theo CNN, ngày 16/12, Chính phủ Nhật Bản đã công bố bản kế hoạch an ninh quốc gia mới báo hiệu sự tăng cường quân sự lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến II.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình ở Tokyo, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt ba tài liệu an ninh, gồm bản cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS), Chiến lược Quốc phòng và Chương trình Quốc phòng Trung hạn, nhằm tăng cường phòng thủ mạng của Nhật Bản, tăng cường an ninh kinh tế và thúc đẩy hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG)…
Thủ tướng Kishida cho biết thêm các biện pháp mới bao gồm những điều khoản cho phép Nhật Bản sở hữu “năng lực phản công” để ngăn chặn các vụ tấn công tên lửa từ những quốc gia khác.
Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh việc tăng cường sức mạnh quốc phòng là cần thiết để gia tăng sức mạnh ngoại giao của nước này.
Bên cạnh đó, ông Kishida cũng tuyên bố Chính phủ Nhật Bản sẽ bảo vệ tổ quốc và người dân trước “bước ngoặt lịch sử”, đồng thời cam kết tiếp tục giải thích cho các nước láng giềng về chính sách quốc phòng của Nhật Bản.
Video đang HOT
Hồi đầu tháng 12/2022, ông Kishida đã chỉ thị cho các bộ trưởng quốc phòng và tài chính đảm bảo ngân sách để tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản lên 2% GDP hiện tại vào năm 2027.
Theo CNN, với các sáng kiến quốc phòng mới, Nhật Bản đang thể hiện cách giải thích khác với bản hiến pháp thời hậu Thế chiến thứ hai, vốn đặt ra những hạn chế đối với Lực lượng Phòng vệ, theo đó các lực lượng này chỉ được sử dụng đúng với tên gọi là bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/12/2022. Ảnh: Reuters
Mặc dù Nhật Bản được coi là có một trong những quân đội hiện đại và hùng mạnh nhất thế giới, nhưng vũ khí của nước này chỉ được thiết kế để tấn công kẻ thù ở gần các đảo của mình. Nhưng chiến lược phòng thủ mới, mà đài truyền hình nhà nước NHK cho biết hồi đầu tuần này, sẽ cung cấp cho Tokyo vũ khí tầm xa như tên lửa Tomahawk do Mỹ sản xuất, có thể tấn công các căn cứ mà từ đó những đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc, Triều Tiên hoặc Nga có thể tấn công lãnh thổ Nhật Bản.
Theo các quan chức của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Nhật Bản chỉ có thể tấn công một mục tiêu đang bay tới khi mục tiêu đó ở trong phạm vi khoảng 50 km. Trong khi Trung Quốc có tên lửa có thể phóng từ nhiều loại máy bay chiến đấu từ khoảng cách xa tới 300 km.
Tokyo cho biết bất kỳ vũ khí tầm xa mới nào mà họ có thể mua sẽ không phải là vũ khí “tấn công trước”, mà sẽ chỉ được sử dụng nếu kẻ thù tấn công Nhật Bản trước.
Chiến lược phòng thủ mới của Tokyo đã nhận được sự hoan nghênh từ đồng minh số 1 của họ là Mỹ, quốc gia có hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản và cam kết bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản trước các cuộc tấn công. Mỹ cũng vận hành một số cơ sở quân sự lớn ở Nhật Bản, bao gồm Căn cứ Hải quân Yokosuka, nơi đóng quân của Hạm đội 7.
“Chúng tôi hoan nghênh việc Nhật Bản công bố các tài liệu chiến lược cập nhật… phản ánh cam kết kiên quyết của Nhật Bản trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong một tuyên bố.
Ông Austin nói: “Chúng tôi ủng hộ quyết định của Nhật Bản về việc được sở hữu các năng lực nhằm tăng cường khả năng răn đe trong khu vực, bao gồm cả khả năng phản công”.
Các thành viên Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản rời máy bay V-22 Osprey trong cuộc tập trận bắn đạn thật tại Khu vực Cơ động Đông Fuji vào ngày 28/5/2022. Ảnh: Getty Images
Trung Quốc, quốc gia mà Nhật Bản đánh giá là một đối thủ tiềm tàng, đã và đang phát triển lực lượng hải quân và không quân ở các khu vực gần Nhật Bản trong khi tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku với Tokyo.
Ở phía Tây, Nhật Bản theo dõi chặt quá trình xây dựng kho tên lửa của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã thử tên lửa 34 lần trong năm nay, trong đó có lần đầu tiên sau 5 năm họ bắn một quả bay qua lãnh thổ Nhật Bản vào tháng 10, một hành động mà Thủ tướng Kishida gọi là “thái quá”.
Ở phía Bắc, việc Nga xây dựng trên các hòn đảo ở đó kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine đã làm tăng thêm sự lo ngại ở Tokyo rằng họ có thể cần phải bảo vệ lãnh thổ của mình trước nhiều mối đe dọa cùng một lúc.
Tuy nhiên, trước phạm vi của những thay đổi đối với chính sách quốc phòng của Nhật Bản, đảng đối lập chính của nước này cùng ngày 16/12 cho rằng Thủ tướng Kishida đã không trao đổi rõ về những thay đổi đó với họ.
“Không có thông tin cung cấp, không có lời giải thích và không có cuộc thảo luận nào với công chúng hoặc Quốc hội, mặc dù chúng ta đang quyết định những điều sẽ thay đổi đáng kể chính sách an ninh thời hậu chiến của Nhật Bản”, ông Kenta Izumi, người đứng đầu Đảng Dân chủ Lập hiến, lên tiếng tại một cuộc họp báo.
Trong khi đó, khi các báo cáo về việc tăng cường sức mạnh quốc phòng của Nhật Bản xuất hiện trong vài tháng qua, Trung Quốc đã cảnh báo Tokyo về những hậu quả có thể xảy ra nếu họ gia tăng sức mạnh quân sự.
Một bệ phóng tên lửa đất đối hạm Type 12 được trưng bày tại Trại Kisarazu của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản vào ngày 16/6/2022. Ảnh: AFP/Getty Images
Trong một cuộc họp báo thường kỳ vào đầu tháng 12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Nhật Bản “thổi phồng căng thẳng trong khu vực để tìm kiếm những bước đột phá quân sự” và nói rằng Nhật Bản cần “nghiêm túc nhìn lại lịch sử xâm lược của mình, tôn trọng những lo ngại về an ninh của các nước láng giềng châu Á, hành động thận trọng trong lĩnh vực an ninh quân sự, và làm nhiều việc hơn nữa có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.”
Một bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc hôm 14/12 đã chỉ trích chính sách an ninh mới của Nhật Bản ngay cả trước khi nó được công bố. “Tín hiệu mà nó phát ra chắc chắn là rất nguy hiểm”, bài báo viết, “Chúng tôi khuyên Nhật Bản nên bình tĩnh”.
Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản kêu gọi các tàu Trung Quốc rời lãnh hải
Ngày 25/11, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho biết đã phát hiện 4 tàu tuần duyên Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải tiếp giáp quần đảo đang tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ảnh: Japan Times/TTXVN
Theo lực lượng trên, 4 tàu tuần duyên của Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng biển nêu trên. Trong đó, 2 tàu xuất hiện vào khoảng 2h35 sáng 25/11 và 2 tàu khác được phát hiện lúc 10h sáng cùng ngày, trong đó 1 tàu trang bị súng đại bác nòng 76mm. Các tàu Trung Quốc lập tức rời vùng lãnh hải tiếp giáp quần đảo tranh chấp sau khi các tàu tuần tra của Nhật Bản phát lời kêu gọi.
Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau hội nghị trực tuyến cơ chế tham vấn cấp cao Trung - Nhật về các vấn đề trên biển lần thứ 14, trong đó hai nước đã nhất trí duy trì liên lạc và phối hợp xử lý các vấn đề trên biển.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 23/11 cho biết tại hội nghị, hai bên đã nhất trí tăng cường liên lạc trong lĩnh vực an ninh trên biển theo tinh thần hội đàm cấp cao Nhật - Trung ngày 17/11 vừa qua giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishsida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hướng tới xây dựng mối quan hệ song phương ổn định và mang tính xây dựng.
Nga tấn công cơ sở năng lượng của Ukraine, phương Tây sẽ cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev? Trong thời gian qua, Ukraine đã tăng cường kêu gọi phương Tây cung cấp các khẩu đội tên lửa Patriot và hệ thống phòng không hiện đại khác cho Kiev để đối phó với các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Hệ thống tên lửa MIM-104 Patriot của Mỹ. Ảnh: Tytus mijewski/EPA Hôm 12/12,...