Nhật Bản thề chặn tên lửa Triều Tiên, bảo vệ Guam
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khẳng định sẽ đánh chặn nếu Triều Tiên tấn công tên lửa lãnh thổ Guam của Mỹ.
Nhật Bản tuyên bố sẽ bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu phóng đến Guam. Ảnh minh họa: KCNA.
Ông Itsunori Onodera, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ngày 10/8 nói trước Quốc hội nước này rằng nếu Triều Tiên quyết định phóng tên lửa đến Guam thì Nhật Bản sẽ bắn hạ, theo AP.
Bộ trưởng lý giải vụ tấn công vào lãnh thổ Mỹ sẽ vi phạm thỏa ước phòng vệ tập thể giữa Mỹ và Nhật, làm giảm khả năng bảo vệ Tokyo của Washington. Tên lửa của Triều Tiên phóng vào Guam sẽ là một tình huống khẩn cấp quốc gia của Nhật vì nó đe dọa sự tồn tại của Nhật.
Ông Onodera cho biết Nhật Bản có thể thực hiện quyền phòng vệ tập thể với Mỹ và kích hoạt hệ thống phòng thủ Aegis, có khả năng đánh chặn tên lửa.
Phát biểu của ông Onodera cho thấy vai trò quân sự của Nhật Bản gia tăng, thay đổi so với trước đây khi Tokyo chỉ bắn hạ tên lửa hướng tới Nhật Bản. Luật quốc phòng của Nhật có hiệu lực từ năm ngoái cho phép quân đội Nhật bảo vệ Mỹ và các đồng minh khác khi các nước này bị tấn công.
Nhật Bản cách Triều Tiên khoảng 1.000 km về phía đông. Hầu hết các tên lửa Triều Tiên phóng thử đều rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Đảo Guam cách Nhật Bản khoảng 2.500 km về phía nam.
Triều Tiên hôm 10/8 dọa sẽ tấn công đảo Guam, thành trì quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương, tuyên bố sẽ phóng 4 tên lửa bay qua ba tỉnh của Nhật Bản và rơi xuống vùng biển cách Guam khoảng 30 đến 40 km.
Trước những tuyên bố cứng rắn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, gây lo ngại rằng chiến tranh sắp nổ ra, giới quan sát cho rằng chưa có dấu hiệu Washington sẵn sàng tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng hoặc ngược lại.
Video đang HOT
Khánh Lynh
Theo VNE
Nhật, Hàn ráo riết tìm cách khắc chế mối đe dọa từ Triều Tiên
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên khiến chính trị gia Nhật và Hàn thúc đẩy kế hoạch triển khai nhiều loại vũ khí mạnh mẽ hơn.
Xe tăng Nhật Bản trong một cuộc tập trận vào năm 2016 ở thành phố Gotemba, phía tây nam Tokyo. Ảnh: AP.
Tokyo và Seoul, hai đồng minh thân cận nhất của Washington ở châu Á, đang xem xét một số đề xuất để đối trọng với vũ khí của Triều Tiên, theo New York Times.
Trong Sách trắng Quốc phòng công bố ngày 8/8, chính phủ Nhật Bản tập trung vào mối đe dọa Triều Tiên khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh bắn thử hơn 12 quả tên lửa trong năm nay. Một số tên lửa này rơi xuống vùng biển gần Nhật Bản.
Mối đe dọa nhiều khả năng thổi bùng tranh luận ở Nhật Bản về việc nước này có nên sở hữu thiết bị quân sự có thể tấn công phủ đầu nhằm phá hủy tên lửa Triều Tiên trên mặt đất, trước khi chúng phóng vào Nhật Bản hoặc các mục tiêu khác.
Các nhà lập pháp ở Tokyo đã ủng hộ ý tưởng này. Tuy nhiên, việc đó sẽ tạo ra thay đổi sâu sắc với Nhật Bản vì hiến pháp nước này đã từ bỏ quyền khai chiến.
Nhật Bản đã hạn chế năng lực quân sự ở mức phòng vệ. Dù các đời chính phủ Nhật Bản từng lập luận rằng về mặt lý thuyết, tấn công phủ đầu đối phương để ngăn chặn một cuộc tấn công sắp xảy ra là hành động tự vệ và hợp hiến, họ đều tránh sở hữu các vũ khí có thể dùng để tấn công phủ đầu như tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa không đối đất và máy bay tiếp liệu (để giúp chiến đấu cơ mở rộng phạm vi hoạt động).
Một số quan chức cấp cao Nhật Bản giờ đây lập luận rằng Nhật Bản nên sở hữu những vũ khí đó. "Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã làm leo thang căng thẳng. Tôi sẽ nghiên cứu xem liệu hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng ta đã đủ khả năng ngăn chặn chúng hay chưa", Itsunori Onodera, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nói hôm 4/8.
Tháng ba, một ủy ban bao gồm các nghị sĩ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền do ông Onodera đứng đầu đã đề nghị Nhật Bản cân nhắc sở hữu năng lực tấn công phủ đầu.
Nhật đã cam kết mua các chiến đấu cơ tân tiến F-35 và đang tìm mua thêm hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất, để tăng xác suất đánh chặn nếu Triều Tiên tấn công Nhật Bản.
Hàn Quốc muốn có vũ khí hạt nhân
Trong khi đó, Hàn Quốc đang xây dựng năng lực giám sát và tấn công, bao gồm các hệ thống radar và máy bay do thám điều khiển từ xa để lần theo dấu tích tên lửa của Triều Tiên và vô hiệu hóa chúng trong các cuộc tấn công phủ đầu.
Một số phe nhóm chính trị ở Hàn Quốc còn muốn đi xa hơn nữa. Hôm 7/8, đảng đối lập Hàn Quốc Tự do ra tuyên bố ủng hộ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ ở Hàn Quốc.
Sau các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên, tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đảo ngược quyết định ngưng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Ông đề nghị Mỹ chấp nhận để Hàn Quốc chế tạo tên lửa đạn đạo uy lực (Seoul cần sự chấp thuận của Washington theo các điều khoản của hiệp định phòng thủ song phương).
Binh sĩ Mỹ triển khai THAAD ở một sân golf tại huyện Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc. Ảnh: AP.
Một số cuộc khảo sát ý kiến công chúng cũng cho thấy phần lớn người Hàn ủng hộ phương án Seoul tự phát triển vũ khí hạt nhân để đối trọng với Bình Nhưỡng, dù ông Moon phản đối ý tưởng này.
Hideshi Takesada, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng ở Viện Nghiên cứu thế giới thuộc Đại học Takushoku ở Tokyo nói rằng nếu Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, Nhật cũng có thể cân nhắc về phương án đó, dù Nhật từng trải qua ký ức kinh hoàng vào cuối Thế chiến II, khi máy bay Mỹ ném bom hạt nhân phá hủy thành phố Hiroshima và Nagasaki.
"Nếu Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân, cuộc tranh luận về việc sở hữu vũ khí này cũng sẽ diễn ra ở Nhật Bản", Takesada nói.
Hôm 6/8, tại sự kiện kỷ niệm 72 năm ngày thành phố Hirsoshima bị ném bom, các phóng viên đã hỏi dồn Thủ tướng Shinzo Abe về tranh luận xung quanh việc phát triển năng lực tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên.
Bằng câu trả lời được cân nhắc cẩn thận, ông Abe nói: "Hiện tại, chúng tôi chưa lên kế hoạch cho bất cứ cuộc thảo luận chi tiết nào". Tuy nhiên, ông nói thêm Nhật Bản cần củng cố sức mạnh phòng thủ nói chung trong bối cảnh "tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng nghiêm trọng".
Giáo sư Takesada cho rằng ông Abe sẽ phải cân nhắc cẩn thận về vấn đề này. Ông Abe muốn dỡ bỏ các hạn chế của hiến pháp đối với quân đội nhưng việc đó đã vấp phải nhiều phản đối. Việc mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Nhật Bản có thể chọc giận không chỉ Triều Tiên mà còn Hàn Quốc, nơi thái độ nghi ngờ đối với Nhật Bản - nước từng chiếm giữ bán đảo Triều Tiên, vẫn còn sâu sắc.
Bất chấp những rủi ro như vậy, giáo sư Takesada vẫn cho rằng Nhật nên sở hữu năng lực tấn công phủ đầu, dù chỉ để tạo hiệu ứng răn đe. Ông cho rằng chính quyền Mỹ chưa có chính sách ổn định về vấn đề Triều Tiên, vì vậy, Nhật càng cần phải tối đa hóa năng lực quân sự.
Sở hữu vũ khí tấn công phủ đầu là "phương án tốt nhất để khiến Kim Jong-un phải e dè về việc tấn công Nhật Bản", ông nói.
Hồng Vân
Theo VNE
Thủ tướng Nhật thay một loạt bộ trưởng Thủ tướng Nhật quyết định tái bổ nhiệm nhiều cựu bộ trưởng, thay vì lựa chọn những gương mặt mới. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) cùng những thành viên nội các mới. Ảnh: Reuters. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lựa chọn nhiều gương mặt cũ trong lần thay đổi bộ trưởng hôm 3/8, giữa lúc ông đang phải đối...