Nhật Bản sẽ kéo dài thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ kéo dài thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng tin Jiji Press dẫn các nguồn tin giấu tên từ chính phủ cho biết tình trạng khẩn cấp, vốn đang có hiệu lực ở 21 tỉnh, thành ở Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo, có thể sẽ được gia hạn, ngoại trừ ở một số khu vực có sự cải thiện về hệ thống y tế. Ban chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đưa ra quyết định chính thức về vấn đề này sau khi lắng nghe ý kiến từ các chính quyền địa phương và các chuyên gia y tế.
Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới ở Nhật Bản bắt đầu có xu hướng giảm. Ngày 4/9, Nhật Bản ghi nhận thêm 16.012 ca mới, giảm 6.724 ca so với một tuần trước đó. Đáng chú ý, số ca mới ở một số tỉnh, thành lớn như Tokyo, Osaka và Aichi đang có xu hướng giảm. Riêng ở thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố này phát hiện thêm 2.362 ca mới, giảm 1.219 ca so với một tuần trước đó. Đây là ngày thứ 13 liên tiếp số ca mới ở thành phố này giảm. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mới ở Nhật Bản giảm xuống dưới 20.000 ca/ngày. Tuy nhiên, số bệnh nhân nặng trên toàn quốc vẫn tăng lên mức cao kỷ lục 2.223 ca.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho thấy tỷ lệ tử vong trong số những người có bệnh lý nền cao hơn 5,6 lần so với những người không mắc bệnh. Cụ thể, tỷ lệ tử vong trong số những người có 1 trong số 9 bệnh lý nền (như huyết áp cao, ung thư, tiểu đường, béo phì, thận mãn tính, tắc nghẽn phổi mãn tính…) lên tới 2,28%, trong khi tỷ lệ này ở những người khác chỉ là 0,41%.
Trong số khoảng 322.000 bệnh nhân COVID-19 đăng ký trên hệ thống quản lý dữ liệu HER-SYS của MHLW trong quý II, có gần 103.000 người mắc 1 trong 9 bệnh lý nền.
Nhật Bản thừa nhận khó dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp như kế hoạch
Bộ trưởng Y tế Nhật Bản ngày 29/8 thừa nhận "rất khó" dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, được ban bố để ứng phó với dịch COVID-19, vào ngày 12/9 tới đúng như kế hoạch.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Nagano, Nhật Bản, ngày 21/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Hiện Nhật Bản đang chật vật ngăn chặn đà tăng số ca nhiễm mới trong khi hệ thống y tế chịu sức ép lớn.
Phát biểu trong một chương trình của đài NHK, Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura nói rằng "căn cứ vào tình hình hiện tại, có vẻ rất khó" để kết thúc đúng thời hạn tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại 21 trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản.
Trong các điều kiện để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, số ca mắc COVID-19 trong ngày tại thủ đô Tokyo phải dưới 500 ca. Tuy nhiên, trong ngày 29/8, thủ đô của Nhật Bản ghi nhận 3.081 ca nhiễm mới và không có dấu hiệu sẽ sớm hạ nhiệt.
Trong tháng 8, chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp từ cuối tháng 8 đến ngày 12/9, đồng thời mở rộng danh sách khu vực phải áp dụng lệnh này. Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh trên cả nước do biến thể siêu lây nhiễm Delta, các bệnh viện hiện đang trong tình trạng quá tải. Bộ trưởng Tamura nhấn mạnh việc quan trọng là phải tăng số giường dành cho bệnh nhân COVID-19.
Tuần trước, chính phủ Nhật Bản và chính quyền thủ đô Tokyo đã yêu cầu tất cả cơ sở y tế trong thủ đo phải đảm bảo đủ giường bệnh và tiếp nhận càng nhiều bệnh nhân COVID-19 càng tốt. Đây là lần đầu tiên có một yêu cầu cấp như vậy ở cấp nhà nước, căn cứ vào Luật sửa đổi về các bệnh truyền nhiễm. Theo quy định này, nhà chức trách được phép công khai tên những bệnh viện không tuân thủ các yêu cầu này mà không có lý do chính đáng.
Nhật Bản mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 25/8, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh nước này phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát đầu năm 2020. Đây là lần thứ 3 Chính phủ...