Nhật Bản sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu cần
Đồng yen vẫn chịu áp lực và đang ở rất gần ngưỡng 160 yen/USD trong phiên sáng 24/6, dù quan chức hàng đầu của Nhật Bản về tiền tệ đã cảnh báo rằng giới chức nước này sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu cần thiết.
Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen tại thành phố Yokosuka, quận Kanagawa (Nhật Bản). Ảnh: AFP/TTXVN
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda nhận định những biến động tỷ giá quá mức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia. Quan chức này cho biết trong trường hợp có những biến động quá mức do hoạt động đầu cơ, Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng có hành động thích hợp.
Ông Kanda đưa ra tuyên bố nói trên trong bối cảnh đồng yen đang dao động gần mức tâm lý 160 yen đổi 1 USD, cũng như mức thấp 160,17 yen đổi 1 USD được ghi nhận vào ngày 29/4, thời điểm mà Nhật Bản được cho là đã can thiệp vào thị trường. Tính đến 7 giờ 59 phút sáng ngày 24/6 theo giờ Việt Nam, đồng yen gần như đi ngang ở mức 159,81 yen đổi 1 USD, gần với mức yếu nhất trong khoảng 34 năm qua.
Video đang HOT
Nhật Bản thừa nhận đã chi 9.800 tỷ yen (tương đương 61,3 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường tiền tệ trong khoảng thời gian một tháng từ ngày 26/4-29/5. Giới chức Nhật Bản không nói rõ thời điểm can thiệp của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), nhưng các mẫu hình giao dịch cho thấy có hai đợt can thiệp lớn vào ngày 29/4 và ngày 1/5. Dữ liệu dự trữ ngoại hối cho thấy Nhật Bản có khả năng đã bán trái phiếu chính phủ để có nguồn tài chính cho hoạt động can thiệp này.
Ông Tony Sycamore, chuyên gia phân tích thị trường tại IG Australia, cho rằng đợt can thiệp tiếp theo của BoJ có thể xảy ra nếu đồng yen suy yếu hơn mức khoảng 160,20 yen đổi 1 USD được ghi nhận vào cuối tháng Tư. Ông cho biết sự suy giảm của đồng yen so với đồng USD trong tuần trước là do số liệu Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ mạnh hơn dự đoán và việc BoJ không đưa ra kế hoạch chi tiết về việc giảm mua trái phiếu.
Theo bản tóm tắt cuộc họp tháng này của BoJ được công bố ngày 24/6, một thành viên trong ban hoạch định chính sách của BoJ cho rằng ngân hàng này có thể cắt giảm mua trái phiếu với quy mô lớn hơn sau khi tham khảo ý kiến của những người tham gia thị trường. Một thành viên khác cho rằng BoJ cần xem xét điều chỉnh thêm mức độ nới lỏng tiền tệ vì có những nguy cơ có thể khiến lạm phát gia tăng.
Ông Kanda cho biết các nhà chức trách toàn cầu đang trao đổi với nhau hàng ngày về nhiều vấn đề, trong đó có cả tiền tệ. Quan chức này cho hay thị trường đang chú ý đến tỷ giá hối đoái và có sự thận trọng cao về việc can thiệp ngoại hối.
Ông Kanda cho biết giới chức Mỹ không có vấn đề gì với việc can thiệp của Nhật Bản, mà điều quan trọng nhất đối với họ là tính minh bạch. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, quyết định của Mỹ trong việc đưa Nhật Bản vào danh sách theo dõi tiền tệ không ảnh hưởng đến chiến lược tiền tệ của Nhật Bản.
Nhân tố mới khiến đồng yen của Nhật Bản trượt giá
Các nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản đã nổi lên như một nhân tố mới khiến đồng yen trượt giá liên tục, làm phức tạp thêm các nỗ lực hỗ trợ đồng tiền này của chính phủ.
Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen tại thành phố Yokosuka, quận Kanagawa (Nhật Bản). Ảnh: AFP/TTXVN
Sự sụt giảm giá trị của đồng yen kể từ năm 2022 chủ yếu xuất phát từ chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước, cùng với thâm hụt thương mại ngày càng tăng.
Tuy nhiên, hiện tại, chênh lệch tỷ giá đã ngừng gia tăng và thâm hụt thương mại đang giảm dần. Một lý do đáng chú ý khiến đồng yen tiếp tục giảm bất chấp những thay đổi này là do chương trình Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon (NISA), đã được cải tiến trong năm nay.
Dữ liệu do Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, đầu tư chứng khoán nước ngoài ròng của các cá nhân thông qua quỹ tín thác đầu tư đạt 4.000 tỷ yen (25,7 tỷ USD) trong bốn tháng đầu năm nay, số tiền lớn nhất trong cùng kỳ tính từ năm 2005. Các quỹ chứng khoán nước ngoài là kênh chính cho các dòng vốn này. Quỹ đầu tư eMAXIS Slim World của Mitsubishi UFJ Asset Management đã ghi nhận dòng vốn ròng 943,7 tỷ yen trong bốn tháng đầu năm nay, mức cao nhất đối với bất kỳ quỹ tín thác đầu tư chào bán công khai nào tại Nhật Bản, ngoại trừ các quỹ giao dịch trao đổi. Chỉ riêng quỹ này đã chiếm 18% dòng vốn ròng đổ vào các quỹ tín thác đầu tư trong kỳ và đã vượt qua 3.000 tỷ yen tài sản ròng vào tháng Tư vừa qua.
Sự suy yếu dần của đồng yen có thể liên quan đến bản chất của chương trình NISA. Các nhà đầu tư thường bỏ khoảng 10.000-50.000 yen vào cùng một quỹ mỗi tháng, bất kể thị trường đang diễn biến như thế nào. Ông Daisaku Ueno, chiến lược gia ngoại hối trưởng tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cho biết: "Đầu tư vào các quỹ đầu tư toàn cầu có nghĩa là bán đồng yen để mua đồng nội tệ. Nó có thể có tác động đến các cặp tiền tệ được giao dịch, ngay cả khi mỗi giao dịch chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thể".
Sự hồi sinh của hoạt động giao dịch mua bán đồng yen - vay đồng yen với lãi suất thấp để mua các loại tiền tệ có lãi suất cao hơn - cũng có thể đóng một vai trò trong sự sụt giảm của đồng tiền này.
Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) được cho là đã tiến hành hai biện pháp can thiệp để hỗ trợ đồng yen, vào ngày 29/4 và ngày 2/5, với tổng trị giá khoảng 8.000 tỷ yen. Bộ Tài chính và BoJ từ chối bình luận về việc này.
Nhật Bản từng chi khoảng 19 tỷ USD để 'neo' giá đồng yen Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 8/11, Bộ Tài chính Nhật Bản tiết lộ hành động can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng nghiệp vụ bán USD - mua yen hôm 22/9 đã tiêu tốn tới 2.830 tỷ yen (khoảng 19 tỷ USD). Đây là số tiền cao kỷ lục mà Bộ Tài chính Nhật Bản đã chi trong một ngày...