Nhật Bản: Rơi máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển, 2 người bị thương
Truyền thông địa phương ngày 18/4 đưa tin một máy bay hạng nhẹ thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã bị rơi tại tỉnh Oita phía Tây Nam nước này, làm bị thương các thành viên phi hành đoàn.
Lực lượng chức năng điều tra tại hiện trường máy bay hạng nhẹ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản bị rơi tại thành phố Usa, tỉnh Oita, ngày 18/4/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Truyền thông dẫn lời các quan chức Lực lượng Bảo vệ bờ biển cho biết chiếc máy bay cánh quạt một động cơ cất cánh từ sân bay Kitakyushu lúc 09h15′ sáng (giờ địa phương), rơi xuống một cánh đồng vào lúc 10h sáng cùng ngày tại thành phố Usa, cũng ở tỉnh Oita, trong một buổi huấn luyện.
Hai thành viên, bao gồm phi công và một thực tập sinh, bị thương không nguy hiểm tính mạng và đã được đưa tới bệnh viện chữa trị.
Xác máy bay được tìm thấy trong tình trạng lật ngược, hai cánh, đuôi và bộ phận tiếp đất không bị hư hại.
Một cuộc điều tra đã được tiến hành nhằm xác định nguyên nhân vụ tai nạn nói trên.
COVID-19 trên thế giới tuần qua: Số ca mắc mới và tử vong giảm mạnh; Trung Quốc vẫn phong tỏa, kiên trì 'Zero COVID'
Trong vòng một tuần qua, tính từ ngày 4-11/6, thế giới cùng ghi nhận số ca tử vong và mắc mới COVID-19 giảm.
Hầu hết các quốc gia tiếp tục tiến trình mở cửa đất nước, song vẫn còn một số nước như Trung Quốc đang chật vật đối phó với đại dịch.
Du khách chụp ảnh tại một điểm du lịch ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 8 giờ sáng 11/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 539.682.341 ca, trong đó có tổng cộng 6.329.597 người tử vong.
Trong vòng 1 tuần qua, thế giới ghi nhận 3.774.473 ca mắc mới (giảm 247.822, tương đương 6% so với tuần trước nữa). Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần là 9.083 ca (giảm 662 ca, tương đương 7% so với 1 tuần trước).
Tuần qua, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất (757.046 ca), đồng thời cũng là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới (1.798 ca, giảm 3% so với tuần trước nữa).
Thế giới cũng ghi nhận 3.830.604 trường hợp COVID-19 phục hồi trong quãng thời gian này. Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn "nóng" nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Du khách tham quan Cảng Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 512 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 21 triệu ca và trên 36.700 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược "Không COVID" áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành "Không COVID linh hoạt". Song Trung Quốc cũng đang khống chế hiệu quả đợt bùng phát này, với việc Thượng Hải từng bước mở cửa trở lại một số dịch vụ công thiết yếu sau thời gian phong tỏa.
Video đang HOT
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm, song có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia vẫn khá căng thẳng hơn so với các nước khác. Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng.
Trước những tiến bộ đạt được của vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong, ngày càng nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường trước khi đại dịch bùng phát.
Học sinh tại một trường học ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 29/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Campuchia tuyên bố đã loại bỏ COVID-19
Ngày 7/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo quốc gia Đông Nam Á này đã loại bỏ COVID-19 sau khi bệnh nhân cuối cùng mắc căn bệnh này đã bình phục.
Theo tuyên bố của bộ trên, Campuchia đã không còn ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào trong 31 ngày liên tiếp. Kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 1/2020 đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 136.262 ca mắc, trong đó có 133.206 bệnh nhân đã bình phục và 3.056 ca tử vong.
Trao đổi với báo giới, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine đánh giá sở dĩ có được thành công trong việc kiểm soát đại dịch lần này là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của chính phủ và hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19. Bà nhấn mạnh Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời khi cung cấp vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân Campuchia và người nước ngoài đủ điều kiện tiêm chủng. Bà nêu rõ: "Vaccine là công cụ mạnh mẽ nhất để bảo vệ cuộc sống (của mọi người) trước COVID-19, giảm mắc bệnh và tử vong".
Theo Bộ Y tế, đến nay Campuchia đã triển khai tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 15 triệu người, tương đương 94% trong tổng số 16 triệu dân của nước này. Trong số này, 14,3 triệu người, tương đương 89,4% dân số, đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản. Ngoài ra, khoảng 9,25 triệu người, tương đương 58%, đã tiêm mũi thứ ba và 2,58 triệu, tương đương 16%, đã tiêm mũi thứ 4. Campuchia sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 5 cho các nhóm ưu tiên từ ngày 9/6 tới.
Với tỷ lệ tiêm chủng cao, kể từ tháng 11 năm ngoái, Campuchia đã khôi phục tất cả các hoạt động kinh tế xã hội và mở cửa trở lại biên giới cho những du khách được tiêm phòng đủ liều cơ bản mà không cần cách ly.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Lào. Ảnh: THX
Lào triển khai hộ chiếu vaccine COVID-19
Tại Viêng Chăn, mới đây Chính phủ Lào đã cho phép triển khai hộ chiếu vaccine (Vaccine ID/Vaccine Passpost) và hệ thống tự điều trị tại nhà (Home Isolation) nhằm hỗ trợ người dân tự đăng ký điều trị COVID-19.
Theo đó, Trung tâm quản lý chính phủ số sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các doanh nghiệp công nghệ phát triển hệ thống Vaccine ID/Vaccine Passpost và Home Isolation miễn phí trên toàn quốc nhằm góp phần phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, phục vụ mở cửa toàn diện đất nước.
Giai đoạn đầu, dịch vụ Vaccine ID/Vaccine Passpost và Home Isolation sẽ áp dụng thí điểm tại các quận huyện thuộc thủ đô Viêng Chăn, sau đó sẽ triển khai ra toàn quốc. Hệ thống sử dụng công nghệ hiện đại vào việc chứng nhận đã tiêm chủng vaccine, tạo thuận lợi cho đội ngũ y tế theo dõi trong quá trình di chuyển và hoạt động của người bệnh cũng như người trong nhóm nguy cơ lây nhiễm.
Hệ thống Home Isolation hỗ trợ người dân tự đăng ký điều trị COVID-19, người bệnh có thể tự cách ly và điều trị tại nhà. Thông qua Home Isolation, đội ngũ y tế lựa chọn những bệnh nhân triệu chứng nặng để kịp thời đưa đi điều trị tại bệnh viện đồng thời hướng dẫn các bệnh nhân tự điều trị tại nhà.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/5/2022. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) lại tiến hành xét nghiệm đại trà COVID-19
Ngày 9/6, thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã phát cảnh báo mới về dịch COVID-19.
Quận Triều Dương đông dân nhất ở thủ đô Bắc Kinh (với 3 triệu dân) đã thông báo đóng cửa các đại điểm vui chơi giải trí từ ngày 9/6. Chủ của 4 quán bar ở quận này đã được thông báo phải tự cách ly. Trước đó, cơ quan chức năng cho biết thủ đô Bắc Kinh đã ghi nhận 3 ca mắc mới tại 3 quận. Tất cả các ca này đều được phát hiện trong quá trình kiểm tra liên quan đến quán bar ở quận Triều Dương.
Trong khi đó, nhiều nơi ở Thượng Hải áp đặt phong tỏa mới và thông báo đợt xét nghiệm hàng loạt mới cho 25 triệu dân. Quận Mẫn Hàng đã phải đóng cửa các sàn giao dịch chứng khoán. Nhà chức trách đang truy vết 3 ca nhiễm mới ở cơ sở thẩm mỹ nổi tiếng Red Rose ở trung tâm thành phố. Truyền thông địa phương cho biết cơ sở làm đẹp này đã phục vụ 502 khách từ 15 trong số 16 quận ở thành phố trong 8 ngày qua. Giới chức địa phương cho biết điều tra sơ bộ cho thấy một số nhân viên của cơ sở này đã không tiến hành xét nghiệm hằng ngày theo quy định và 90.000 người liên quan đến nhân viên hoặc khách hàng tại Red Rose đã được xét nghiệm.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/5/2022. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Gần đây, Bắc Kinh và Thượng Hải đã nới lỏng các quy định phòng dịch, song Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách "Không COVID năng động" nhằm cắt đứt các chuỗi lây truyền càng sớm càng tốt.
Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc sẽ phong tỏa hàng triệu người để xét nghiệm COVID-19 cuối tuần này, chỉ 10 ngày sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng.
Trong nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát dịch rộng hơn sau khi phát hiện một số ca lây nhiễm cộng đồng, trong đó có một ổ dịch có nguồn lây từ một cơ sở làm đẹp nổi tiếng, chính quyền Thượng Hải yêu cầu xét nghiệm PCR đối với tất cả người dân tại 14 trong 16 quận của thành phố vào cuối tuần này.
Trong đó, 5 quận thông báo người dân không được ra khỏi nhà trong khi tiến hành xét nghiệm. Đợt xét nghiệm rộng mới nhất này diễn ra ngay sau khi Thượng Hải yêu cầu xét nghiệm 25 triệu dân của thành phố sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa trước đó.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ gỡ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 với người nhập cảnh
Phóng viên TTXVN tại Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden vừa quyết định gỡ bỏ quy định khách tới Mỹ bằng đường hàng không phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 24 giờ trước khi bay. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12/6 tới.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa ra đánh giá chính thức rằng việc yêu cầu xét nghiệm COVID-19 là không còn cần thiết nữa, bởi vaccine đã được tiêm chủng trên diện rộng và việc điều trị căn bệnh này cũng đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, 30 ngày sau khi áp dụng quy định mới, CDC Mỹ sẽ đánh giá lại tình hình để xem có nên tiếp tục áp dung hay không.
Mặc dù bỏ quy định bắt buộc hành khách đi đường hàng không phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 nhưng CDC Mỹ vẫn khuyến cáo họ nên làm xét nghiệm trước khi lên đường.
Những tháng vừa qua, nhiều hãng hàng không của Mỹ đã gửi kiến nghị lên chính phủ về việc bị mất nhiều khách quốc tế do quy định phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 một ngày trước khi bay. Quy định này được áp dụng từ năm 2021 và đã có nhiều hành khách bị lỡ chuyến bay hay phải đổi chuyến hoặc chi trả nhiều chi phí đắt đỏ phát sinh liên quan đến việc tiến hành xét nghiệm.
Tổng Giám đốc hãng hàng không American Airlines, Robert Isom, mới đây cho rằng quy định này giờ đây không còn phù hợp và làm ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu của ngành hàng không, do khách tới Mỹ bằng đường bộ không phải tuân thủ quy định này. Ngoài quy định mới nêu trên, Mỹ cũng gỡ bỏ một số quy định hạn chế khác liên quan tới việc kiểm soát đại dịch COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi tại Santiago, Chile. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyên gia Mỹ khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Novavax
Một ủy ban gồm các chuyên gia y tế Mỹ ngày 7/6 đã khuyến nghị sử dụng vaccine của hãng Novavax phòng ngừa bệnh COVID-19. Tại cuộc họp do Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) triệu tập, tất cả các chuyên gia đã bỏ phiếu ủng hộ sử dụng vaccine của hãng Novavax mặc dù có một số ý kiến lo ngại vaccine này có thể liên quan tới các ca viêm cơ tim hiếm gặp.
FDA dự định sẽ sớm cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này trong khi Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ sẽ cân nhắc cách thức sử dụng vaccine này một cách tốt nhất trong hướng dẫn ban hành.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Novavax từng là một trong những ứng cử viên tiềm năng trong cuộc đua vaccine toàn cầu. Tuy nhiên, vaccine này "chậm chân" hơn các vaccine khác do nhiều tháng chậm trễ liên quan vấn đề phát triển và sản xuất vaccine.
Mỹ vẫn chưa cấp phép sử dụng vaccine của Novavax trong khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và Australia và nhiều nước khác đã "bật đèn xanh" cho sử dụng vaccine này. Giới chức Mỹ hy vọng vaccine này được bào chế theo công nghệ truyền thống, không giống vaccine của các hãng hãng Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA, có thể là sự lựa chọn đối với những người vẫn do dự tiêm vaccine công nghệ mRNA. Ngoài ra, loại vaccine này có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C, nghĩa là chỉ cần làm lạnh bình thường và vận chuyển đến bệnh nhân dễ dàng hơn.
Hiện có 3 loại vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng tại Mỹ, gồm các vaccine của hãng Pfizer, Moderna được bào chế dựa trên công nghệ RNA và vaccine của hãng Johnson&Johnson, mới đây được khuyến nghị không sử dụng rộng rãi bởi có liên quan tới một dạng cục đông máu nghiêm trọng.
Vaccine của Novavax được chứng minh có hiệu quả tới 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19 trong các thử nghiệm được tiến hành trước khi xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, trong số những người được tiêm vaccine này đã có 6 trường hợp gặp biến chứng viêm cơ tim, trong đó có 5 người xuất hiện triệu chứng này hai tuần sau khi được tiêm. Ở nhóm được tiêm giả dược chỉ phát hiện một trường hợp viêm cơ tim. Novavax cho rằng chưa đủ bằng chứng để khẳng định vaccine của hãng là nguyên nhân gây ra các ca viêm cơ tim này.
Ngày 8/6, hãng dược phẩm AstraZeneca thông báo thuốc dự phòng và điều trị COVID-19 có tên Evusheld dành cho những người có nguy cơ tử vong khi mắc căn bệnh này đã cho kết quả tích cực trong cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối.
Theo AstraZeneca, thuốc Evusheld "cung cấp sự bảo vệ có ý nghĩa thống kê và lâm sàng" trong việc ngăn bệnh COVID-19 diễn biến nghiêm trọng hoặc gây tử vong. Thử nghiệm giai đoạn 3 được thực hiện chủ yếu ở những tình nguyện viên có nguy cơ cao bệnh chuyển nặng khi mắc COVID-19. Tổng cộng 903 bệnh nhân trên toàn thế giới đã tham gia cuộc thử nghiệm này.
Hình ảnh mô phỏng vaccine phòng COVID-19 và logo của Hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Thuốc dự phòng điều trị COVID-19 của AstraZeneca cho kết quả tốt thử nghiệm giai đoạn cuối
Trao đổi với báo giới, Giáo sư Hugh Montgomery tại Đại học London, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết mặc dù vaccine ngừa COVID-19 đã đạt thành công, song nhiều đối tượng như người cao tuổi, những người có bệnh lý nền và những người bị suy giảm miễn dịch, vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng. Do đó, cần có các lựa chọn bổ sung để ngăn bệnh tiến triển nặng và giảm gánh nặng cho các hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt là với sự xuất hiện liên tục của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Evusheld được phát triển từ hỗn hợp của 2 kháng thể đơn dòng tixagevimab và cilgavimab nhằm phòng ngừa COVID-19 và ngăn bệnh chuyển biến nặng ở nhóm người nguy cơ cao như người suy giảm miễn dịch, không có khả năng sinh kháng thể dù được tiêm đủ liều vaccine, hoặc những người không thể tiêm vaccine. Hỗn hợp kháng thể này được đánh giá là niềm hy vọng mới chống dịch COVID-19 vì cho hiệu quả tức thì, cung cấp trực tiếp kháng thể mang lại hiệu quả bảo vệ ngay vài giờ sau tiêm.
Kết quả thử nghiệm trước đó cho thấy Evusheld có tác dụng ngăn ngừa xuất hiện triệu chứng lên tới 77%, với hiệu quả bảo vệ trong vòng 6 tháng chỉ sau 1 liều tiêm, được đánh giá là ưu việt đối với những đối tượng dễ bị tổn thương bởi virus SARS-CoV-2. Hồi tháng 12 năm ngoái, AstraZeneca cho biết Evusheld có hiệu quả vô hiệu hóa biến thể Omicron.
Nhật Bản mở cửa du lịch lần đầu tiên sau hơn 2 năm Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 10/6, Nhật Bản bắt đầu mở cửa có điều kiện cho khách du lịch nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lắng dịu ở nước này. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản mở cửa cho du lịch sau hơn 2 năm. Người dân ngắm hoa anh đào tại Osaka, Nhật Bản, ngày 13/4/2022. Ảnh:...