Nhật Bản nhất trí về lộ trình dỡ bỏ Fukushima 1
Tiểu ban chuyên môn thuộc Ủy ban điện hạt nhân nội các Nhật Bản ngày 9/11 đã nhất trí về dự thảo báo cáo đề xuất lộ trình thời gian cần thiết để dỡ bỏ các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 là trên 30 năm và thỏa thuận về việc thành lập một cơ quan độc lập giám sát quá trình này.
Lò phản ứng số 3 (trái) của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, tại thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tiểu ban sẽ trình báo cáo cuối cùng lên Ủy ban điện hạt nhân vào đầu tháng 12 tới.
Theo dự thảo báo cáo trên, Nhật Bản cần thành lập Ủy ban xúc tiến nghiên cứu và phát triển công nghệ mới cần thiết cho việc dỡ lò phản ứng hạt nhân, có thành phần gồm các quan chức chính phủ, Công ty điện lực Tokyo và các chuyên gia.
Ngoài ra, để đảm bảo giám sát khách quan quá trình dỡ lò phản ứng hạt nhân, dự thảo báo cáo cũng đề xuất thành lập một cơ quan độc lập.
Dự thảo báo cáo yêu cầu xây dựng gần hiện trường các cơ sở tiến hành thử nghiệm xử lý các thanh nhiên liệu đã nóng chảy và vật nhiễm xạ, xây dựng cơ sở mô phỏng nhà máy điện hạt nhân để kiểm chứng sự phù hợp của các đối sách./.
Theo TTXVN
IAEA tăng cường chương trình an ninh hạt nhân
Ngày 2/11, tại diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Yukiya Amano, khẳng định bài học nóng hổi từ thảm họa hạt nhân mới nhất tại Fukushima (Nhật Bản) là các nước luôn phải đặt an ninh hạt nhân là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với mỗi nước và thế giới.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Yukiya Amano. (Nguồn: Getty)
Mới đây, 151 nước thành viên IAEA đã thông qua Kế hoạch hành động về an toàn hạt nhân, theo đó yêu cầu các nước có chương trình năng lượng hạt nhân phải thực hiện "các thử thách căng thẳng" của các nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo phản ứng hiệu quả trước các tình trạng khẩn cấp quốc gia và quốc tế về hạt nhân. IAEA đã tăng cường mạnh mẽ chương trình an ninh hạt nhân để giúp các nước bảo vệ an toàn các tiện nghi hạt nhân và nguyên liệu phóng xạ trong mọi tình huống.
Ông Amano nhấn mạnh số lò phản ứng hạt nhân trên thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong các thập kỷ tới bất chấp thảm hoạ hạt nhân mới đây ở Nhật Bản. Nhiều nước đang nỗ lực phát triển năng lượng hạt nhân trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nguồn nhiên liệu hóa thạch dần cạn kiệt và an ninh năng lượng. Tuy nhiên, ông cảnh báo mặc dù các ứng dụng hạt nhân ngày càng được mở rộng trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế...thì tiến triển nhằm đưa Nghị định thư Bổ sung Công ước bảo vệ nguồn vật liệu hạt nhân vẫn rất chậm chạp mặc dù đã qua 6 năm kể từ khi được thông qua.
Nghị định Bổ sung này nhằm giảm mạnh các nguy cơ vật liệu hạt nhân rơi vào tay các phần tử khủng bố. Các nguồn tài chính mới trong chương trình hợp tác công nghệ đã tăng từ 112,2 triệu USD năm 2009 lên 127,7 triệu USD năm 2010. An toàn hạt nhân trở thành nhu cầu quan trọng nhất đối với các ứng dụng hạt nhân trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và lương thực...
Tổng Giám đốc IAEA lưu ý rằng 112 nước trong tổng số 151 thành viên IAEA đã đưa các nghị định thư bổ sung vào các hiệp định bảo vệ đã có hiệu lực được ký với IAEA. 113 nước cũng đã tham gia Chương trình dữ kiện buôn bán bất hợp pháp các vật liệu hạt nhân và phóng xạ. 172 sự kiện liên quan đến buôn bán bất hợp pháp nguyên liệu hạt nhân đã được phát hiện và đưa vào chương trình dữ kiện này.
IAEA cũng góp phần thúc đẩy tích cực quá trình thiết lập các khu vực không có vũ khí hạt nhân ở châu Phi, Nam Thái Bình Dương, Trung Á, Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ Latinh và Caribe./.
Theo TTXVN
Nhật Bản "mất trắng" 74 tỉ USD vì Fukushima Ủy ban An toàn Hạt nhân Nhật Bản hôm 13-10 thông báo thiệt hại do thảm họa hạt nhân Fukushima gây ra ước tính lên đến 74 tỉ USD. Cũng theo cơ quan này, việc phá dỡ 4 lò phản ứng hạt nhân sẽ tiêu tốn 14,9 tỉ USD; còn 52 tỉ USD sẽ được dành cho bồi thường, làm sạch đất nhiễm...