Nhật Bản khẳng định quan điểm nhất quán về duy trì chủ nghĩa hòa bình
Quan chức Văn phòng Nội các Nhật nhấn mạnh việc nới lỏng quy định chuyển giao thiết bị quốc phòng không đồng nghĩa từ bỏ chủ nghĩa hòa bình, mà góp phần thúc đẩy đóng góp cho hòa bình và ổn định.
Binh sỹ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia diễn tập. (Ảnh: Reuters)
Duy trì chủ nghĩa hòa bình là quan điểm nhất quán của Chính phủ Nhật Bản. Đây là lời khẳng định của các quan chức Văn phòng Nội các Nhật Bản sau khi quốc gia này nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài.
Trước đó, vào ngày 22/12/2023, Nhật Bản đã nới lỏng các quy định nghiêm ngặt về chuyển giao thiết bị quốc phòng, mở ra cơ hội để nước này có thể xuất khẩu vũ khí, trang bị sản xuất trong nước đến những quốc gia có hợp tác an ninh với Nhật Bản.
Một quan chức Văn phòng Nội các nhấn mạnh động thái này không đồng nghĩa với việc Nhật Bản từ bỏ chủ nghĩa hòa bình tích cực, mà ngược lại sẽ góp phần thúc đẩy những đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các quan chức trên cho biết Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với môi trường an ninh khắc nghiệt và phức tạp nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đòi hỏi quốc gia Đông Bắc Á này phải tăng cường hợp tác với đồng minh và các quốc gia cùng chí hướng trong khuôn khổ tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền.
Video đang HOT
“Ba nguyên tắc chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng” sau khi sửa đổi sẽ là nền tảng để Nhật Bản đóng góp tích cực hơn vào việc duy trì hòa bình trên thế giới và thúc đẩy hợp tác quốc tế, còn gọi là “hợp tác hòa bình,” bao gồm cứu trợ thiên tai khẩn cấp, hỗ trợ nhân đạo, giải quyết các vấn đề liên quan đến chống khủng bố và cướp biển, hỗ trợ các nước đối tác nâng cao năng lực đảm bảo an ninh trên biển.
Từ một góc độ khác, việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vũ khí, trang bị quốc phòng của Nhật Bản cũng tác động đáng kể đến tình hình an ninh, xã hội, kinh tế và nhân đạo của cộng đồng quốc tế.
Dựa trên quan điểm này, Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý với tư cách là quốc gia có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, vừa phát huy tính ưu việt về mặt công nghệ của Nhật Bản, đồng thời cũng tuân thủ triết lý cơ bản của một quốc gia yêu chuộng hòa bình, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc.
Việc chuyển giao sẽ không thể thực hiện nếu bị đánh giá là vi phạm nghĩa vụ dựa trên các các điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế mà Nhật Bản đã ký kết, vi phạm các nghĩa vụ theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hoặc chuyển giao đến một bên đang liên quan trực tiếp đến xung đột vũ trang.
Ngoài ra, chính phủ nước tiếp nhận phải có những cam kết tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận song phương với Nhật Bản nhằm đảm bảo sử dụng đúng mục đích mà hai bên đã thống nhất.
Trường hợp sử dụng ngoài mục đích đó hoặc chuyển giao đến bên thứ ba phải có sự đồng ý của Nhật Bản và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước cộng đồng quốc tế.
Chính phủ Nhật Bản khẳng định thực hiện những cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường hơn nữa đối với hệ thống quản lý xuất khẩu vũ khí quốc tế và thực hiện hiệu quả Hiệp ước Buôn bán Vũ khí, đặc biệt là đối với quản lý các công nghệ và thiết bị đa dụng cũng như thiết bị quốc phòng.
Nhật Bản tin tưởng điều này sẽ đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế dựa trên lập trường của chủ nghĩa hòa bình tích cực mà Nhật Bản vẫn đang kiên trì theo đuổi./.
Liên minh cầm quyền Nhật Bản nhất trí về xuất khẩu thiết bị quốc phòng
Đảng Dân chủ Tự do và Komeito đã "đạt đồng thuận" về việc Nhật Bản có thể xuất khẩu thiết bị quốc phòng được trang bị vũ khí sát thương sang những nước mà Tokyo có quan hệ hợp tác về an ninh.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vận chuyển thiết bị quốc phòng tại Căn cứ Không quân Yokota ở Tokyo. (Nguồn: Yomiuri Shimbun)
Ngày 5/7, liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Fumio Kishida và đối tác là đảng Komeito đã nhất trí về việc nước này có thể xuất khẩu xe ôtô và tàu thuyền không được sử dụng vì mục đích chiến đấu song được trang bị vũ khí sát thương.
Lâu nay Nhật Bản áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu vũ khí ra bên ngoài.
Các nghị sỹ trong liên minh cầm quyền đã soạn thảo một báo cáo về vấn đề nói trên.
Trong đó, báo cáo cho biết LDP và Komeito "đạt đồng thuận" về việc Nhật Bản có thể xuất khẩu thiết bị quốc phòng được trang bị vũ khí sát thương sang những nước mà Tokyo có quan hệ hợp tác về an ninh, với mục đích sử dụng là cứu hộ, vận chuyển, giám sát hoặc dò mìn.
Đối với việc xuất khẩu những thiết bị được sản xuất và phát triển từ các dự án phát triển chung giữa Nhật Bản với các nước khác, hai đảng có chung quan điểm rằng Nhật Bản có thể chuyển giao trực tiếp cho các nước thứ ba, song nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra giải thích phù hợp đối với công chúng.
Ngoài ra, báo cáo cho biết một số nghị sỹ thể hiện quan điểm về việc Nhật Bản được phép xuất khẩu các bộ phận của vũ khí, chẳng hạn như động cơ cũ của máy bay tiêm kích, miễn là những bộ phận này không được coi là mang tính sát thương.
Hồi năm 2014, sau khi xem xét lại Điều 9 Hiến pháp Hòa bình, Nhật Bản đã ban hành 3 nguyên tắc về chuyển giao và xuất khẩu trang thiết bị vũ khí.
Nhật Bản duy trì quan điểm rằng nước này không được phép xuất khẩu vũ khí sát thương, tuy nhiên có thể chuyển giao cho đối tác hoặt đồng minh cùng tham gia phát triển hoặc sản xuất các loại vũ khí như vậy.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh Đảng LDP của Thủ tướng Fumio Kishida đã sẵn sàng nới lỏng 3 nguyên tắc nói trên.
Tuy nhiên, đảng Komeito vẫn tỏ ra do dự do lo ngại hoạt động xuất khẩu vũ khí như vậy có thể khiến các cuộc xung đột vũ trang trở nên tồi tệ hơn đồng thời đi ngược lại chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản.
Tại một cuộc họp báo, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera - người đứng đầu nhóm công tác của hai đảng về vấn đề nói trên - cho biết liên minh cầm quyền sẽ nối lại các cuộc thảo luận vào mùa Thu để có thể đưa ra được một dự thảo các nguyên tắc được sửa đổi.
Tổng thống Biden muốn bán 45.000 quả đạn pháo xe tăng cho Israel Chính quyền của ông Biden muốn Quốc hội Mỹ phê duyệt thương vụ bán 45.000 quả đạn pháo cho xe tăng Merkava của Israel để phục vụ cuộc chiến chống lại Hamas ở Dải Gaza. Theo hãng tin Reuters, thương vụ trị giá hơn 500 triệu USD này không nằm trong khoản bổ sung ngân sách an ninh quốc gia 110,5 tỷ USD...