Nhật Bản điều chỉnh chính sách quốc phòng, Trung Quốc bất an nhất
Giới phân tích cho rằng, động thái của Nhật Bản là để đối phó với việc Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động đơn phương gây bất ổn.
Ngày 1/7, các chính đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản đã nhất trí về việc thực hiện một sửa đổi lớn trong chính sách an ninh thời hậu chiến của nước này, qua đó cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể bằng cách giải thích lại bản Hiến pháp hòa bình.
Đảng Dân chủ Tự do và đối tác trong liên minh là Đảng Công minh Mới đã đạt được thỏa thuận tại một cuộc họp hôm 1/7, chỉ một tháng sau khi đàm phán về cách thức loại bỏ những rào cản pháp lý mà bản Hiến pháp hòa bình áp đặt đối với Lực lượng Phòng vệ, trong bối cảnh Thủ tướng Abe đang nỗ lực tăng cường vị thế của Nhật Bản thành “quốc gia đóng góp chủ động” cho hòa bình và an ninh toàn cầu.
Thủ tướng Shinzo Abe thông báo Nội các Nhật Bản chính thức quyết định nới lỏng chính sách quân sự hôm 1/7 (Ảnh:Reuters)
Hai đảng này đã nhất trí với đề xuất của chính phủ nhằm chấm dứt lệnh cấm quân đội Nhật Bản không được tham chiến ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Theo bản dự thảo do chính phủ chuẩn bị để nội các thông qua, Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu “sự tồn tại của nước này bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đe dọa tới quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân.” Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một nước đồng minh trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công, trong đó có Mỹ.
Lập lại cân bằng cán cân quyền lực ở châu Á
Giới phân tích cho rằng, động thái này của Nhật Bản là một phần trong kế hoạch lập lại sự cân bằng trong cán cân quyền lực ở châu Á – nơi Trung Quốc đang không ngừng củng cố sức mạnh quân sự để thực hiện giấc mộng bá quyền.
Động thái trên của Nhật Bản chắc chắn sẽ chọc giận một nước láng giềng ngày càng hung hăng như Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang lạnh nhạt vì tranh chấp trên biển, mất niềm tin lẫn nhau và vấn đề lịch sử liên quan tới cuộc xâm lược quân sự trước đây của Nhật Bản.
Kazuhisa Kawakami, một chuyên gia chính trị tại Đại học Meiji Gakuin ở Tokyo nhận định, áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc mang đến một thách thức thật sự đối với vai trò của Mỹ và các đồng minh trong khu vực, trong đó có Nhật Bản. Vì vậy, việc Tokyo phải có sự thay đổi để đáp ứng với thách thức nói trên là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Binh sỹ Nhật và Mỹ trong một cuộc tập trận chung (Ảnh: AP)
Những sửa đổi để thực hiện quyền phòng vệ tập thể còn cần phải được nghị viện thông qua và chắc chắn sẽ có phần giới hạn trong quá trình thực hiện. Mặc dù vậy, việc Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng đưa ra quyết định là thuận lợi ban đầu cho Thủ tướng Shinzo Abe trong việctăng cường sức mạnh quân sự hướng tới việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp nước này – điều từ trước đến nay tưởng chừng như không thể.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo thông báo quyết định nới lỏng chính sách quân sự: “Bất kể đó là trường hợp nào, tôi sẽ bảo vệ cuộc sống người dân và nền hòa bình của Nhật Bản. Với tư cách Thủ tướng, tôi có trách nhiệm nặng nề này. Với quyết định trên, Nội các đã thông qua chính sách cơ bản về an ninh quốc gia”.
Thủ tướng Abe loại trừ khả năng những thay đổi này có thể khiến Nhật Bản bị lôi kéo vào các cuộc xung đột quân sự ở nước ngoài, như Afghanistan hoặc Iraq.
“Có sự hiểu sai về việc Nhật Bản sẽ tham chiến để bảo vệ một quốc gia bên ngoài. Đó sẽ là một biện pháp phòng vệ nghiêm ngặt để bảo vệ người dân. Chúng tôi sẽ không sử dụng quân lực để bảo vệ các lực lượng bên ngoài. Sẽ không có thay đổi nào trong các nguyên tắc cấm điều quân ra nước ngoài của Nhật Bản”, ông Abe nói.
Video đang HOT
Quyết định khó khăn
Thay đổi mang tính lịch sử của Nhật Bản không phải là một quyết định dễ dàng khi mà những ký ức về thất bại trong Thế chiến II vẫn là một nỗi đau khôn nguôi. Trên thực tế, nhiều người dân Nhật Bản vẫn cho rằng, việc Tokyo đứng ngoài trong những xung đột là cách tốt nhất để mang lại hòa bình. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, chính suy nghĩ ấy sẽ làm cho Nhật Bản dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa mới.
Hôm 22/6, khảo sát củaKyodo Newscho thấy 55,4% người dân phản đối Nhật Bản tham gia vào phòng vệ tập thể,57,7% phản đối việc Thủ tướng Abe muốn sửa đổi Hiến pháp trong khi chỉ 29,6% người dân thể hiện sự ủng hộ.
Một bộ phận dân chúng Nhật Bản chưa đồng tình với việc giải thích lại Hiến pháp (Ảnh: Reuters)
Rất đông người biểu tình gồm nhiều tầng lớp, từ sinh viên tới hưu trí, đã tuần hành trước văn phòng của Thủ tướng Abe hôm 30/6. Họ la hét và mang theo biểu ngữ “Tôi không muốn nhìn thấy trẻ em và các binh sĩ của chúng ta phải chết” hay “Bảo vệ Hiến pháp”. Trước đó, hôm 29/6, một người đàn ông tự thiêu ở gần ngã tư đông đúc tại thủ đô Tokyo nhằm phản đối đề xuất thay đổi Hiến pháp của ông Abe.
Tờ New York Times nhận định, tâm lý này của người dân Nhật Bản là do họ quen với việc bản Hiến pháp hòa bình đã ngăn quân đội không tham chiến trong suốt 60 năm qua. Tuy nhiên, với một Trung Quốc đang ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong các tranh chấp chủ quyền, Tokyo không thể không hành động.
Richard Samuels, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Viện công nghệ Massachusetss nhận định: “Việc Nhật Bản thay đổi để mạnh mẽ hơn không có nghĩa là nước này sẽ hiếu chiến”.
Nhận định này của ông Samuels không phải không có cơ sở khi đi kèm với việc Nhật Bản có thể triển khai lực lượng ở mức tối thiểu cần thiết trong trường hợp đồng minh của Tokyo bị tấn công là các điều kiện như: có sự đe dọa đến tồn vong của nước Nhật, có mối nguy cơ rõ ràng phá hoại quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân và khi không có lựa chọn khác phù hợp.
Mỹ lên tiếng hoan nghênh
Ngay sau khi nội các Nhật Bản nhất trí dỡ bỏ rào cản pháp lý ngăn cản quân đội nước này tham chiến ở bên ngoài kể từ sau Thế chiến II, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự hoan nghênh.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Marie Harf cho biết Mỹ đã thảo luận sâu rộng với Nhật Bản về quyền phòng vệ tập thể của Tokyo theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và đánh giá cao nỗ lực của nước này trong việc tăng cường hợp tác an ninh song phương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng ra tuyên bố nhấn mạnh chính sách phòng vệ tập thể mới cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia nhiều chiến dịch hơn và góp phần nâng cao hiệu quả của quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật. Ông Hagel nêu rõ quyết định trên là một bước tiến quan trọng, giúp Nhật Bản đóng góp nhiều hơn vào hoà bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Ông Hagel cho rằng việc Nhật Bản điều chỉnh Hiến pháp sẽ làm liên minh Mỹ – Nhật trở nên hiệu quả hơn (Ảnh: Getty)
Trong khi đó, Phó Cố vấn Ben Rhodes cho biết, Mỹ rất hoan nghênh các bước đi của Nhật Bản trong vấn đề này. Theo ông Rhodes, chính sách phòng vệ tập thể sẽ tạo cơ hội để Nhật Bản đóng góp nhiều hơn trong vai trò một đối tác an ninh của Mỹ cũng như một quốc gia gìn giữ trật tự quốc tế.
Ông Rhodes nói: “Tôi cho rằng chính sách phòng vệ tập thể sẽ tạo điều kiện tốt hơn để Nhật Bản đầu tư vào các hình thức hợp tác quốc tế có lợi cho ổn định. Đó là lý do vì sao tôi cho rằng đây là một bước tiến tích cực”.
Hoan nghênh là vậy, nhưng động thái này của Nhật Bản cũng đặt ra những thách thức cho chính quyền Tổng thống Obama bởi Mỹ lâu nay vẫn đang phải nỗ lực giải quyết, thu hẹp khác biệt giữa hai đồng minh quan trọng ở châu Á – Thái Bình Dương là Nhật Bản và Hàn Quốc trong khi Trung Quốc lại đang tìm cách đào sâu bất đồng giữa hai đồng minh này của Mỹ.
Theo New York Times, ông Abe trong quá khứ đã từng có ý định diễn giải lại bản Hiến pháp hòa bình khi coi đây là một phần trong chiến dịch đưa Nhật Bản trở lại thành một quốc gia “bình thường”, không còn phải cảm thấy tủi hổ vì tội lỗi chiến tranh. Tuy nhiên, điều này đã không thể thực hiện khi ông lần đầu giữ cương vị Thủ tướng.
Kể từ đó đến nay, khu vực này đã có những thay đổi sâu sắc, không chỉ là sự trỗi dậy của Trung Quốc mà còn là sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ – đây là nguyên nhân đã dẫn đến việc một số quốc gia khác tranh thủ tăng cường khả năng quân sự của mình.
Theo giáo sư Samuels, mặc dù các nước châu Á chưa thực sự nhảy vào một cuộc chạy đua vũ trang nhưng động thái của Nhật Bản cho thấy, hơn bao giờ hết Tokyo cũng như các nước khác đã phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về an ninh của chính họ.
Nhật thay đổi chính sách quốc phòng, Trung Quốc bất an nhất
Tuần trước, trong khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino lên tiếng ủng hộ Nhật Bản điều chỉnh Hiến pháp để có thể can thiệp mạnh mẽ hơn vào các vấn đề khu vực khi mà Trung Quốc đang ngày càng có nhiều hành động đơn phương gây bất ổn thì Trung Quốc cáo buộc rằng, ông Abe đang khơi gợi lại những “ký ức cay đắng” của chiến tranh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi (Ảnh: Reuters)
Phát biểu sau khi Nhật Bản thông báo việc nội các nước này thông qua việc điều chỉnh Hiến pháp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng thời gian qua Đảng cầm quyền ở Nhật Bản liên tục có những động thái gây tranh cãi về vấn đề lịch sử, theo đuổi những chính sách an ninh quân sự trước đây chưa từng có, nhằm tạo ra những thay đổi quan trọng trong chính sách an ninh quốc phòng.
Ông Hồng Lỗi cảnh báo Nhật Bản không được lấy lý do về “mối đe doạ từ Trung Quốc ” để thúc đẩy việc mở rộng vai trò của quân đội, đồng thời cảnh báo việc Nhật Bản thay đổi trong chính sách không được làm tổn hại đến an ninh và chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.
Không chỉ có những phát ngôn chính thức, truyền thông Trung Quốc cũng đã đồng loạt lên tiếng phản đối động thái của Nhật Bản và gọi đây là một mối đe dọa an ninh châu Á.
Bài xã luận đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo có đoạn viết: “Chính phủ Nhật Bản có tham vọng phá vỡ hệ thống thời hậu chiến”, đồng thời xem động thái trên của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe là “một tín hiệu nguy hiểm”.
Trong một bài bình luận tối 1/7, Tân Hoa xã còn thách thức Tokyo với câu hỏi “Trung Quốc có phải là chương trình nghị sự quân sự của các bạn?”. Theo bài bình luận này, “Nhật Bản có lịch sử thực hiện các cuộc tấn công lén lút như đã làm trong việc phát động các cuộc chiến tranh với Trung Quốc, Nga… Nay Nhật Bản, với quyền tự do sử dụng sức mạnh quân sự lớn hơn, sẽ khiến cả thế giới lo ngại hơn”.
Tờ Trung Quốc Nhật báo thì viết rằng “nỗ lực ngoan cố của các chính trị gia Nhật Bản, trong đó có Thủ tướng Shizo Abe, nhằm viết lại lịch sử và hồ sơ đáng sợ của nước này trong Thế chiến II là minh chứng cho thấy Nhật Bản không xứng đáng được đối xử như một quốc gia bình thường”.
Trong khi ông Abe thường nói đến mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ khi quyền phòng vệ tập thể được thông qua, giới phân tích cho rằng, chính sách quân sự mới của Nhật Bản cũng có thể giúp cho Tokyo dễ dàng tìm kiếm các liên minh quân sự mới với Philippines và các quốc gia khác có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, chính điều này khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an và phản đối kịch liệt.
Theo Dân Trí
Nhật Bản chuẩn bị cho tình huống bắt giữ các tù nhân chiến tranh
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đang chuẩn bị cho tình huống bắt giữ các tù nhân chiến tranh, giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc đang gia tăng vì một cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông.
Một máy bay trinh sát Nhật Bản bay qua quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Bộ quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu hải quân, không quân và lục quân chuẩn bị cho việc giam giữ các tù nhân chiến tranh, nhật báo hàng đầu NhậtYomiuri Shimbun ngày 20/6 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết.
Bài báo cho biết các công tác chuẩn bị đã được thực hiện nhằm đề phòng một cuộc đối đầu tiềm tàng tại "khu vực tây nam Nhật Bản, nơi các đảo nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn". Khu vực tây nam Nhật Bản có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Những tù nhân như vậy sẽ là những tù nhân chiến tranh đầu tiên tại Nhật Bản kể từ Thế chiến II.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh cuộc tranh cãi về chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng xấu đi.
Trong cuộc đối đầu gần đây nhất, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã bác bỏ một khẳng định của Trung Quốc hồi tuần trước rằng máy bay chiến đấu Nhật đã lại gần một cách nguy hiểm máy bay Trung Quốc gần Senkaku/Điếu Ngư.
Nhật Bản đã cảnh báo trong sách trắng quốc phòng thường niên hồi năm ngoái rằng các vụ việc như trên có thể dẫn tới một tình huống bất ngờ.
Yomiuri Shimbun cũng cho biết thêm rằng các lực lượng vũ trang Nhật Bản đang thực hiện các bước đi khác nhằm chuẩn bị cho một tình huống như vậy.
"Có thể tưởng tượng ra rằng lực lượng phòng vệ có thể bắt giữ các tay súng đối phương trên một đảo xa hoặc trên biển", tờ báo viết. "3 nhánh của SDF có thể cần phối hợp một chiến dịch chung để đưa những tù nhân chiến tranh này tới một địa điểm an toàn".
Theo nguồn tin trên, các công tác chuẩn bị đã bắt đầu vào mùa xuân, và sẽ kết thúc bằng việc giả định bắt giữ, vận chuyển và giam giữ các tù nhân chiến tranh trong một cuộc tập trận trong tài khóa này, vốn kết thúc vào tháng 3/2015.
Bà Ryoko Nakano, một chuyên gia về quan hệ Nhật-Trung tại Đại học quốc gia Singapore, cho hay các công tác chuẩn bị trên không nên được hiểu là Nhật Bản đang trở nên hiếu chiến hơn.
"Đó là một cuộc diễn tập để vận chuyển các tù nhân chiến tranh một cách nhanh gọn, đối xử với họ phù hợp theo luật pháp quốc tế. Các lực lượng vũ trang thường thực hiện tất cả các cuộc tập trận như thế này, nhưng điều đó không có nghĩa là Nhật Bản muốn bắt đầu một cuộc chiến".
Bộ quốc phòng Nhật Bản và Bộ quốc phòng Trung Quốc hiện chưa có bình luận gì về các thông tin trên.
Hồi tháng trước, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã công khai kêu gọi xem xét lại hiến pháp hòa bình của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vốn cấm các lực lượng vũ trang tham gia vào các xung đột ở nước ngoài.
Theo Dantri
Khi Nhật Bản thể hiện vai trò quân sự mạnh mẽ Nhật Bản đã thể hiện rõ quan điểm và cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với chủ quyền, an ninh quốc gia, quan hệ đồng minh. Sáng ngày 1/7, Dự thảo Nghị quyết cho phép Nhật Bản sử dụng quyền "tự vệ tập thể" (collective self defence) mở rộng vai trò quân đội đã được thông qua. Điều này đồng nghĩa với...