Nhật Bản: Ban hành luật kiểm soát nhập cư sửa đổi
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 14/6, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành Luật kiểm soát nhập cư sửa đổi nhằm mục đích thay thế hệ thống đào tạo kỹ thuật cho người lao động nước ngoài hiện tại bằng hệ thống đào tạo và việc làm mới.
Đây là một nỗ lực của Nhật Bản trong bối cảnh chính phủ đang tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.
Công nhân làm việc tại công trường xây dựng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 8/3/2019. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN
Luật sửa đổi ban hành hệ thống “Chế độ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực” dành cho lao động nước ngoài nhằm khuyến khích người lao động nước ngoài làm việc lâu hơn tại Nhật Bản, đã được Hạ viện tán thành vào tháng trước. Theo kế hoạch, luật sẽ có hiệu lực đến năm 2027.
Cơ chế đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lao động nước ngoài mới được triển khai theo luật sửa đổi có 4 nội đung chính. Đầu tiên là đặt mục tiêu đảm bảo lực lượng lao động và tạo điều kiện để lao động nước ngoài trong vòng 3 năm đạt trình độ tay nghề cao. Cơ chế cho phép người lao động chuyển việc mới nếu đủ các điều kiện gồm đã làm việc ở Nhật Bản trên 1 năm, đáp ứng được yêu cầu về tiếng Nhật và năng lực chuyên môn.
Cơ chế cũng loại bỏ các công ty tư nhân khỏi hoạt động môi giới chuyển việc. Nội dung chính cuối cùng là tổ chức giám sát sẽ chỉ định kiểm toán viên độc lập.
Video đang HOT
Cơ chế lao động nước ngoài mới được thiết kế để thúc đẩy và thu hút nhân tài nước ngoài, đồng thời giúp những người lao động thiếu kinh nghiệm có được các kỹ năng cần thiết để trong vòng 3 năm có thể chuyển sang chương trình kỹ năng đặc định dành cho lao động có tay nghề. Cơ chế này nhằm thay thế Chương trình Đào tạo thực tập sinh kỹ thuật (TITP) được thực hiện từ năm 1993 với danh nghĩa phát triển các kỹ năng kỹ thuật của người lao động nước ngoài từ các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, TITP bị chỉ trích thực chất là một cách thức để Nhật Bản tuyển dụng lao động giá rẻ.
TITP với nhiều vấn đề nổi cộm như các vụ bê bối lạm dụng, bạo hành người lao động, quỵt lương, thời gian làm việc kéo dài và không cho phép thực tập sinh được chuyển việc đã khiến nhiều thực tập sinh phải bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Chỉ riêng năm 2022, có hơn 9.000 thực tập sinh đã “biến mất” khỏi nơi làm việc.
Với cơ chế mới, người lao động nước ngoài giờ đây có thể thay đổi công ty sử dụng lao động trong cùng ngành với một số điều kiện nhất định, miễn là họ đã làm việc ở một nơi trong hơn 1 năm và khả năng tiếng Nhật cũng như chuyên môn của họ đáp ứng các yêu cầu nhất định. Các công ty tư nhân sẽ bị loại khỏi hoạt động hỗ trợ chuyển việc nhằm ngăn chặn những kẻ môi giới lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người lao động để chèn ép và trục lợi. Các tổ chức giám sát tiếp nhận lao động nước ngoài sẽ phải chỉ định kiểm toán viên độc lập từ bên ngoài để nâng cao trách nhiệm giải trình.
Đối với chương trình lao động có tay nghề đặc định được đưa ra vào năm 2019 để thu hút lao động nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản trong những năm gần đây đã mở rộng phạm vi các ngành được cấp thị thực Lao động đặc định số 1 dành cho lao động có tay nghề và Lao động đặc định số 2 dành cho lao động có tay nghề cao.
Người nước ngoài có thị thực Lao động đặc định 1 được phép làm việc tối đa 5 năm tại Nhật Bản trong những ngành nghề được quy định. Những người đã sở hữu tư cách Lao động đặc định 1 có thể được nâng lên tư cách Lao động đặc định số 2 nếu đáp ứng những điều kiện nhất định. Tư cách Lao động đặc định số 2 có quyền lợi gần như tương đương với thường trú nhân, được phép đưa thành viên gia đình đến Nhật Bản cùng sinh sống.
Theo Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản, tính đến cuối năm 2023, số lượng thực tập sinh theo chương trình TITP, đã tăng 24,5% so với một năm trước lên khoảng 404.000 người.
Dữ liệu của cơ quan này cho thấy số lượng lao động nước ngoài được nâng lên mức lao động có tay nghề đã tăng 59,2% lên khoảng 208.000 người, trong đó chỉ có 37 người đủ tư cách Lao động đặc định số 2.
Song song với việc luật sửa đổi dự kiến sẽ tăng số lượng người nước ngoài được cấp tư cách thường trú nhân tại Nhật Bản, luật này cũng đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn để cho phép chính phủ thu hồi tư cách thường trú nhân. Luật quy định những cá nhân như những người cố tình không nộp thuế và đóng góp an sinh xã hội có thể bị thu hồi hoặc hạ cấp tư cách lưu trú. Các điều khoản liên quan đến việc thu hồi tư cách thường trú đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhà lập pháp đối lập, trong đó một số người cho rằng những các trường hợp đơn lẻ nên được xem xét trước khi đưa ra quyết định có tác động đáng kể đến cuộc sống của thường trú nhân tại Nhật Bản.
Bộ trưởng Tư pháp Ryuji Koizumi đã tìm cách xoa dịu những lo ngại tại phiên họp Quốc hội ngày 13/6, khẳng định các biện pháp này sẽ chỉ áp dụng cho “các trường hợp nguy hiểm” và đại đa số những người được hưởng tư cách thường trú nhân sẽ không bị ảnh hưởng.
Dân số người nước ngoài của Nhật Bản đạt mức cao mới hơn 3,4 triệu người vào năm 2023, trong khi số lượng công dân Nhật Bản giảm 595.000 người so với 1 năm trước đó xuống còn 124.352.000 người tính đến ngày 1/10/2023, giảm năm thứ 13 liên tiếp.
Dự luật cải cách chương trình thực tập sinh nước ngoài 'vượt ải' Hạ viện
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 21/5, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật cải cách chương trình thực tập sinh nước ngoài, thay thế bằng một hệ thống mới nhằm khuyến khích lao động nước ngoài ở lại quốc gia này lâu hơn trong bối cảnh Nhật Bản đang thiếu lao động nghiêm trọng do tình trạng già hóa dân số.
Toàn cảnh phiên họp Hạ viện Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. Ảnh (tư liệu): Kyodo/TTXVN
Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật hiện nay được triển khai vào năm 1993, nhằm chuyển giao kỹ năng, đào tạo nghề cho lao động đến từ các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, chương trình này đã gây nhiều tranh cãi. Các chuyên gia đã chỉ ra thực trạng thực tập sinh nước ngoài bị lạm dụng hoặc không được trả lương và bị quấy rối khiến cho nhiều lao động được tuyển dụng theo chương trình này bỏ trốn.
Hệ thống mới được Hạ viện Nhật Bản thông qua nhằm mục đích đào tạo nâng cao tay nghề cho các thực tập sinh nước ngoài trong vòng 3 năm để họ có thể chuyển lên cấp độ công nhân lành nghề số 1 với thời gian ở lại Nhật Bản làm việc lên đến 5 năm và sau đó tiến lên cấp độ công nhân lành nghề số 2 với khả năng có được thường trú. Mục tiêu của hệ thống mới là đào tạo và giữ chân tài năng nước ngoài, cho phép lao động nước ngoài có thể chuyển sang doanh nghiệp khác trong cùng một nhóm ngành nghề với những điều kiện nhất định, sau khi họ đã làm việc ở một nơi trong hơn một năm. Để ngăn chặn các nhà môi giới trục lợi, hệ thống cấm các công ty tư nhân tham gia vào quá trình chuyển nhượng. Các tổ chức giám sát tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài sẽ được yêu cầu bổ nhiệm kiểm toán viên bên ngoài để nâng cao tính trung lập.
Hệ thống do chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida bảo trợ dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua trong phiên họp đang diễn ra cho đến ngày 23/6. Nếu được ban hành, luật mới sẽ có hiệu lực trong vòng 3 năm.
Cục quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản cho biết tính đến cuối năm 2023, số lượng lao động nước ngoài có tay nghề đã tăng 59,2% so với một năm trước đó lên khoảng 208.000 người, trong khi số thực tập sinh theo chương trình thực tập kỹ thuật của Nhật Bản tăng 24,5% lên khoảng 404.000 người.
Số lượng người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục hơn 3,4 triệu người vào năm ngoái, nhưng dân số Nhật Bản đã giảm 595.000 người so với năm trước xuống còn 124.352.000 người tính đến ngày 1/10/2023, đánh dấu năm giảm thứ 13 liên tiếp.
Ủy ban Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật sửa đổi về hệ thống lao động nước ngoài Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, truyền thông Nhật Bản đưa tin Ủy ban Tư pháp Hạ viện Nhật Bản ngày 17/5 đã thông qua dự luật tạo ra một hệ thống mới để thu hút lao động nước ngoài đến Nhật Bản, trong đó có điều khoản cho phép thu hồi giấy phép thường trú nếu cư dân nước ngoài cố tình...