Nhập nhằng SGK Tiếng Anh lớp 1 viết theo chương trình mới
Trong khi thời hạn lựa chọn SGK cho chương trình phổ thông mới ngày càng cận kề, chuyện công bố sách Tiếng Anh vẫn bỏ ngỏ. Dư luận băn khoăn liệu có sự nhập nhằng trong việc làm sách.
Ảnh minh họa
Cuối tháng 11/2019, Bộ GD-ĐT đã công bố 32 bản mẫu SGK lớp 1 được phê duyệt để sử dụng cho chương trình phổ thông mới. Tuy nhiên, thời điểm đó SGK tiếng Anh chưa được công bố.
Hiện, trong số 6 bản mẫu SGK Tiếng Anh lớp 1 được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt trong đợt thẩm định đầu tiên, chỉ duy nhất sách của bộ “Cùng học để phát triển năng lực” có tổng chủ biên, chủ biên là người Việt Nam. Các bộ còn lại của các tác giả là người nước ngoài và đều đang được Bộ GD-ĐT đề nghị phải bổ sung tổng chủ biên, chủ biên là người Việt.
Tuy nhiên có luồng ý kiến rộ lên cho rằng mẫu SGK này lại chính là sản phầm của Đề án Ngoại ngữ quốc gia.
Điều này nếu thực, khiến dư luận khó hiểu, khi sách của Đề án ngoại ngữ tức được sử dụng “tiền ngân sách” để biên soạn, thẩm định và thử nghiệm nhưng giờ lại được chuyển giao về doanh nghiệp và đăng ký thẩm định như SGK theo dạng xã hội hóa.
Những ngờ vực lại thêm có “cơ sở” với những chia sẻ về việc biên soạn SGK Tiếng Anh GS Hoàng Văn Vân, Tổng chủ biên SGK Tiếng Anh lớp 1 bộ “Cùng học để phát triển năng lực” đồng thời cũng là Tổng chủ biên SGK Tiếng Anh biên soạn làm tài liệu dạy học cho đề án Ngoại ngữ quốc gia tại hội nghị giới thiệu các bản mẫu SGK được thẩm định của NXB Giáo dục Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 11.
Theo như lời ông Vân tại hội nghị này, trong số các SGK mới thì có duy nhất bộ SGK Tiếng Anh là của Bộ GD-ĐT vì “Bộ giao Đề án ngoại ngữ quốc gia, NXB Giáo dục Việt Nam và đội ngũ tác giả 3 cấp học phổ thông tổ chức thiết kế và biên soạn”.
Theo Thông tư hướng dẫn, quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025 do Bộ Tài chính ban hành thì việc tổ chức biên soạn tài liệu dạy học, thẩm định và thực hiện thí điểm tài liệu này nằm trong kinh phí của đề án, tức đều do ngân sách nhà nước chi trả.
Tuy nhiên, Bộ GD- ĐT khẳng định không biên soạn hay chủ trì bất cứ bộ/cuốn SGK nào mà thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội về xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong việc biên soạn SGK nên toàn bộ kinh phí xuất bản SGK mới sẽ hoàn toàn không dùng ngân sách nhà nước.
Dư luận đặt ra băn khoăn vậy liệu có phải bộ sách tiếng Anh dùng ngân sách của Đề án bỗng trở thành xã hội hóa của một doanh nghiệp?
Trao đổi về “bộ SGK duy nhất của Bộ GD-ĐT” như lời của GS Hoàng Văn Vân, ông Vũ Bá Khánh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và phát triển Giáo dục Hà Nội, công ty con của NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, đúng là công ty của ông từng được NXB Giáo dục Việt Nam giao tổ chức biên soạn sách Tiếng Anh từ lớp 3 đến 12 cho Đề án ngoại ngữ quốc gia – bộ sách cũng do GS Hoàng Văn Vân là tổng chủ biên. Tuy nhiên, bộ SGK của Đề án Ngoại ngữ để dạy thí điểm chỉ từ lớp 3 đến lớp 12. Tức không liên quan đến sách Tiếng Anh 1 và 2 của bộ SGK “Cùng học để phát triển”
“Sách của Đề án chi tiền trong giai đoạn thí điểm và thẩm định. Sau khi thí điểm một năm thì nhân rộng. Kết thúc một năm thí điểm, NXB Giáo dục Việt Nam tự bỏ kinh phí để in phục vụ mục đích kinh doanh giống như tất cả SGK các môn học khác hiện hành. Còn sách tiếng Anh lớp 1 chương trình mới của NXB Giáo dục Việt Nam vừa được thẩm định không liên quan đến Đề án”, ông Khánh nói.
Video đang HOT
“Chúng tôi tổ chức biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1, 2 theo quy trình biên soạn chung của bộ “Cùng học để phát triển năng lực”, ông Khánh khẳng định không có việc lấy sách của Đề án làm sách của doanh nghiệp.
Theo ông Khánh, với SGK tiếng Anh lớp 1 vừa hoàn thành, tất cả từ việc triển khai nghiên cứu, biên soạn đến quy trình thử nghiệm, thẩm định đều do đơn vị ông trực tiếp tổ chức, sử dụng kinh phí của công ty.
Liên quan đến các SGK tiếng Anh, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới cho rằng, yêu cầu bổ sung người Việt Nam là tổng chủ biên, chủ biên, tác giả của các SGK Tiếng Anh do nhóm tác giả nước ngoài biên soạn là không cần thiết.
Trong các quy định về việc tổ chức biên soạn SGK của Bộ GD-ĐT cũng không có nội dung nào bắt buộc phải có thành viên là người Việt Nam trong nhóm biên soạn SGK.
“Tôi từng biết có những cuốn SGK thuộc nhóm xã hội nhân văn của Úc, nhưng lại do một nhóm tác giả của trường ĐH ở Anh biên soạn. Nhưng ở Úc họ sử dụng những SGK này bình thường”.
Theo GS Thuyết, trong thời đại hội nhập, có thể sử dụng SGK của nhóm tác giả ở các nước khác nhau nếu nội dung sách tốt, phù hợp với yêu cầu giáo dục. “Nhất là sách Tiếng Anh, dùng SGK của tác giả nước ngoài có nhiều ưu điểm”- GS Thuyết chia sẻ.
Ông Thuyết cũng cho biết đã viết thư gửi tới Bộ GD-ĐT về vấn đề này.
Quý Hải
Theo vietnamnet
Chậm công bố SGK tiếng Anh: Tác giả Việt Nam đồng đứng tên có được không?
"Nếu việc sửa sang nội dung sách khá nhiều, có thể bổ sung tác giả người Việt Nam đồng đứng tên. Tuy nhiên, sự chỉnh sửa không nhiều, tôi nghĩ việc bổ sung tên tác giả là người Việt Nam vào sách giáo khoa tiếng Anh mới - nhất là Tổng chủ biên, thì không hợp lý".
Trên đây là ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, về việc Bộ GD&ĐT chậm công bố sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh do thiếu tên tác giả người Việt.
Chậm vì tác giả là người nước ngoài
Ngày 21/11/2019, Bộ GD&ĐT công bố 32 SGK của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt. Riêng 5 bản mẫu SGK tiếng Anh được Hội đồng thẩm định đánh giá đạt ở vòng 2 nhưng chưa được phê duyệt "do còn những vấn đề pháp lý phải điều chỉnh".
Theo Bộ GD&ĐT, nguyên nhân chưa phê duyệt SGK tiếng Anh do đây là môn tự chọn ở lớp 1.
Tuy nhiên, giải thích về việc chưa công bố SGK tiếng Anh lớp 1 trên đây của Bộ GD&ĐT chưa hợp lý, bởi nguyên nhân của việc chưa công bố SGK tiếng Anh một phần do "vướng mắc về pháp lý".
Theo một số đơn vị làm SGK, sau khi Hội đồng thẩm định đánh giá "đạt" thì xảy ra vướng mắc về tính pháp lý bởi phần lớn bản thảo SGK tiếng Anh lớp 1 do các tác giả người nước ngoài biên soạn.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các NXB bổ sung chủ biên sách là người Việt Nam, dự kiến hoàn thành trong đầu tháng 12 này.
Bản mẫu SGK tiếng Anh của NXB Giáo Dục Việt Nam là bản sách duy nhất đến thời điểm này có tổng chủ biên người Việt Nam. (Ảnh: Mỹ Hà).
Cũng theo một số đơn vị làm SGK, lý do Bộ GD&ĐT yêu cầu chủ biên SGK là người Việt Nam vì Thông tư 33/ 2017/tt-bgdđt về quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK quy định, người biên soạn SGK phải "có đầy đủ quyền công dân, phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt".
Được biết, trong số các bản mẫu SGK tiếng Anh gửi đến Hội đồng thẩm định quốc gia vừa qua, chỉ bản mẫu SGK của bộ "Cùng học để phát triển năng lực" - 1 trong 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam - là có tổng chủ biên người Việt Nam.
Tại hội nghị giới thiệu các bản mẫu SGK đã qua thẩm định của NXB Giáo dục Việt Nam, GS.TS Hoàng Văn Vân - người đứng tên Tổng chủ biên cuốn sách tiếng Anh của NXB Giáo dục Việt Nam đã khẳng định, đội ngũ soạn thảo SGK môn tiếng Anh của đơn vị này bao gồm các tác giả là người Việt Nam và nước ngoài.
Tuy nhiên, bản SGK tiếng Anh này cũng bị dừng công bố giống các bản mẫu SGK của đơn vị khác.
Còn lại, bản mẫu SGK tiếng Anh trong bộ SGK "Chân trời sáng tạo" cũng của NXB Giáo dục Việt Nam lại chính là cuốn "Family and Friends (National Edition), "Student book" của tác giả Naomi Simmons, NXB ĐH Oxford, Anh. Nhóm này đã mua bản quyền sách nước ngoài.
Tương tự, SGK tiếng Anh khác của các bộ SGK đăng ký thẩm định đợt vừa qua cũng vướng việc "không có tổng chủ biên là người Việt Nam" nên chưa được công bố.
Có nên cho tác giả Việt Nam đồng đứng tên?
Được biết, quy định tại Thông tư 33, nếu sử dụng SGK của nước ngoài làm SGK của Việt Nam thì cần có quy định, tiêu chuẩn riêng.
Việc nhập khẩu SGK tiếng Anh không chỉ khác biệt với quy trình biên soạn, thực nghiệm với SGK môn học khác mà còn vướng ở các thủ tục pháp lý khác. Sách nhập khẩu cũng phải cụ thể hóa được nội dung, yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới chứ không thể nhập nguyên bản.
Về yêu cầu các NXB bổ sung chủ biên SGK là người Việt Nam vào các cuốn sách nước ngoài sẽ không đơn giản bởi có nhiều vướng mắc về bản quyền, nội dung...
Bản SGK tiếng Anh có tác giả Việt Nam duy nhất hiện vẫn đang bị "ách" lại cùng các bản sách khác để chờ công bố (Ảnh: Mỹ Hà).
Trao đổi trên diễn đàn VOV2 về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho hay, thực chất các cuốn sách tiếng Anh này trước khi ra mắt đã được xuất bản tại một NXB ở Việt Nam.
Trước khi công bố, đã có tác giả biên tập, chỉnh sửa trước khi xuất bản sao cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam.
Do đó, nếu việc sửa sang nội dung sách khá nhiều, có thể bổ sung tác giả người Việt Nam đồng đứng tên.
"Tuy nhiên, nếu sự chỉnh sửa và bổ sung ấy không nhiều, tôi nghĩ việc bổ sung tên tác giả là người Việt Nam vào SGK tiếng Anh mới - nhất là Tổng chủ biên, thì không hợp lý bởi chủ biên rất quan trọng. Người đó phải lập đề cương cuốn sách, viết nhiều nhất và chữa cho các tác giả khác. Nhưng nếu chỉ chỉnh chỗ này, sửa chỗ kia, hoàn toàn chưa phải là chủ biên", GS Thuyết nói.
Cũng theo GS Thuyết, hiện trong thế giới hội nhập, không đặt ra rào cản về SGK. Một số tác giả tốt, có thể viết SGK cho nước khác.
Tuy nhiên, các tác giả cần chú ý khi biên tập để phù hợp với phông văn hóa người Việt và không trái với đường lối chủ trương của Nhà nước, không được thể hiện quan điểm kì thị chủng tộc.
Cũng tại diễn đàn này, ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho rằng, chủ trương yêu cầu bổ sung tác giả SGK tiếng Anh phải có người Việt của Bộ GD&ĐT là hoàn toàn đúng bởi trước hết, ta phải tuân thủ yêu cầu một chương trình và nhiều bộ SGK.
Như vậy, không ai ngoài người Việt chúng ta hiểu rõ nhất về điều đó. Thứ hai, về thuần phong mỹ tục Việt Nam, phải phù hợp.
Thứ 3, chỉ có người Việt Nam mới nắm được thực sự trình độ của học sinh chúng ta bởi khi tôi tiếp cận với SGK nước ngoài thấy khá khó, gây áp lực học tập cho học sinh. "Vì thế, tôi ủng hộ chủ trương đó của Bộ GD&ĐT", ông Hùng nói.
Mỹ Hà
Theo dantri
Trong thực tế, học sách giáo khoa nào cứ cấp trên muốn là được Chỉ cần trong Hội đồng chọn sách vị lãnh đạo có vài ba câu gợi ý, hướng đến bộ sách nào thì gần như chắc chắn bộ sách ấy sẽ được chọn để làm vừa lòng cấp trên. Câu chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không chi thù lao hàng tháng cho những người biên soạn sách giáo khoa mà lại...