Nhanh chóng xóa “rau hai luống, lợn hai chuồng”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần nhanh chóng nhân rộng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn tiến tới xoá bỏ tình trạng “ rau hai luống, lợn hai chuồng”.
Phó Thủ tướng thăm mô hình sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Yên Phú. Ảnh: VGP/Đình Nam
Chiều 19.10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm các ruộng rau tại các xã Yên Phú, Việt Cường (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và trò chuyện với nhiều hộ nông dân.
Chị Phạm Thị Mây ở thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú, cho biết thu nhập từ trồng rau cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Thu nhập từ mỗi sào rau đạt 15-30 triệu đồng tuỳ vụ.
Vợ chồng chị đã tham gia một số lớp tập huấn về trồng rau an toàn trực tiếp trên mô hình. Tuy nhiên để canh tác theo đúng quy trình rau an toàn thì người dân gặp khó khăn về vốn để xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiêu, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Vì vậy, nhiều hộ trồng rau như nhà chị Mây mới áp dụng một phần quy trình VietGAP. Ngay tại nhiều ruộng rau của xã Yên Phú vẫn còn không ít vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất.
Chủ tịch xã Yên Phú Hoàng Hữu Hùng cho hay thói quen canh tác của người dân bắt đầu thay đổi cách đây khoảng 10 năm sau khi xã triển khai tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn ở từng thôn theo chương trình IPM, VietGAP. Từ những nông dân đầu tiên, thói quen canh tác rau an toàn đã lan toả ra cả xã Yên Phú. Bản thân người dân nhận thức rất rõ về lợi ích của việc sản xuất rau an toàn đối với việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt với sự thay đổi thời tiết thất thường như hiện nay, nếu áp dụng mô hình rau an toàn sẽ giảm bớt thiệt hại cho nông dân.
Phó Thủ tướng trò chuyện với chị Phạm Thị Mây, thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú. Ảnh: VGP/Đình Nam
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên ngay tại xã Yên Phú, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại nhiều địa phương đã có chuyển biến. Tình trạng sử dụng phân bón, hoa chất, thuốc trừ sâu tuỳ tiện trong canh tác rau quả đã giảm. Hiện tượng rau để ăn, rau để bán đã bớt đi.
Video đang HOT
Đây là kết quả có được từ sự tập trung chỉ đạo của các cấp, sự quyết liệt từ chính quyền địa phương. Các quy định xử lý vi phạm VSATTP ngày càng nghiêm khắc. Công tác tuyên truyền, vận động, giám sát được tăng cường với sự vào cuộc tích cực của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội đã thay đổi nhận thức của nông dân.
“Nhận thức của người dân và xã hội đối với ATTP đã có. Đây là thời điểm rất tốt để triển khai chương trình vận động, hướng dẫn người dân sản xuất rau, thực phẩm an toàn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà cả trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm xã hội. Thực phẩm làm để ăn sạch như thế nào thì bán ra thị trường như vậy”, Phó Thủ tướng nói.
Là một tỉnh cung cấp lượng thực phẩm lớn cho TP. Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên Nguyễn Văn Doanh cho biết vấn đề VSATTP được địa phương đặc biệt quan tâm. Hiện Hưng Yên đã xây dựng được trên 10 mô hình sản xuất rau quả, thực phẩm an toàn.
“Hưng Yên có 145 xã nhưng mới có khoảng 10 xã xây dựng được mô hình, vùng rau an toàn. Làm sao đẩy nhanh hơn việc nhân rộng các mô hình này ra toàn tỉnh”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết trong thời gian tới địa phương sẽ đẩy nhanh hơn việc nhân rộng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch với 4 đầu việc chính. Đó là vận động các hộ nông dân ký cam kết để giám sát lẫn nhau. Thực hiện thu gom, tiêu huỷ vỏ, bao bì hoá chất, thuốc trừ sâu. Thành lập các tổ vay vốn hỗ trợ sản xuất thực phẩm an toàn. Tổ chức tập huấn cho nông dân trên cơ sở mô hình đang triển khai.
Hầu hết các hộ trồng rau ở Yên Phú đều nhận thức được việc trồng rau an toàn. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hưng Yên góp phần vào sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm VSATTP của cả nước.
Quản lý nhà nước về VSATTP đã siết chặt hơn, phân công trách nhiệm rõ ràng. Hoạt động kiểm tra, giám sát được tăng cường với sự tham gia của Mặt trận tổ quốc, mới đây Quốc hội cũng đã thực hiện giám sát về vấn đề này. Công tác tuyên truyền, vận động không chỉ trên phương tiện truyền thông đại chúng mà có sự tham gia của các đoàn thế, kể cả chức sắc tôn giáo.
Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng lưu ý: Chuyển biến tốt thì mừng nhưng không dừng ở đây được. Chúng ta đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất thực phẩm an toàn nhưng chưa được nhân rộng. Việc sản xuất thực phẩm từ quy mô DN đến hợp tác xã, hộ gia đình nhỏ lẻ vẫn còn tình trạng “rau bẩn, lợn bẩn, gà bẩn”. Phải đặt mục tiêu trong thời gian ngắn nhất có thể, bằng mọi biện pháp, từ kết hợp quản lý nhà nước đến vận động tuyên truyền, tập huấn để ở mọi quy mô không còn sản xuất thực phẩm bẩn.
Phó Thủ tướng phân tích 4 điểm thuận lợi để đẩy nhanh việc nhân rộng mô hình sản xuất thực phẩm sạch. Trước hết sự vào cuộc của toàn xã hội, của công luận, người dân có ý thức hơn về trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm liên quan đến cả sức khoe lẫn chất lượng nòi giống. Khuôn khổ pháp lý về VSATTP đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều mô hình khác nhau về sản xuất thực phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn đã được kiểm chứng. Quan trọng nhất là sự vào cuộc giám sát của Quốc hội, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…
“Kinh nghiệm đã có, mô hình đã rõ thì phải có biện pháp đẩy nhanh nhân rộng mô hình tốt trên cả nước. Tới đây Chính phủ sẽ có chương trình phối hợp với đoàn thể chính trị-xã hội để thực hiện mục tiêu này.
Tinh thần là phải sản xuất thực phẩm an toàn, không còn rau hai luống, lợn hai chuồng. Làm được như vậy không chỉ rau sạch, thịt sạch mà môi trường sống ở nông thôn cũng sẽ tốt hơn. Nếp nghĩ, cách làm của mỗi người cũng tốt đẹp hơn, đúng với đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Đình Nam (Chinhphu.vn)
Cán đích sớm, huyện Hoài Đức phấn đấu lên quận
Tính đến hết năm 2016, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 33,06 triệu đồng/người/năm. Huyện Hoài Đức đã lên kế hoạch để từng bước thực hiện các nhóm tiêu chí chuyển đổi thành quận từ nay tới năm 2020.
Là một trong những xã cán đích NTM sớm của huyện Hoài Đức, ông Trần Văn Long - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế cho hay: "Quá trình xây dựng NTM của UBND xã đã thực hiện khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản bảo đảm, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất; kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng NTM, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất tinh thần cho người dân".
Trồng rau an toàn đang mang lại thu nhập bền vững cho nông dân xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: H.Đ
Nhờ trồng cây phật thủ, nhiều nông dân ở xã Đắc Sở và Yên Sở (Hoài Đức) có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Ảnh: H.Đ
Nhờ tích cực áp dụng, đầu tư về khoa học kỹ thuật vào chăm sóc hoa cây cảnh, cây ăn quả..., đến nay huyện Hoài Đức đã hình thành được khá nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2013 đến nay, xã Cát Quế đã thực hiện xây dựng được 177 tuyến đường ngõ xóm với chiều dài 12.087,5m, tổng kinh phí đầu tư hơn 14,764 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 7,431 tỷ đồng. Đến nay, 100% đường ngõ xóm ở đây đã được bê tông hóa khang trang hơn, sạch đẹp hơn, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được cải thiện.
"Với Mục tiêu xây dựng NTM từng bước nâng cao đời sống của nhân dân địa phương, xã Cát Quế tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; xây dựng cơ sở hạ tầng theo xu hướng đô thị hóa, phù hợp với quy hoạch chung của huyện Hoài Đức và TP.Hà Nội" - ông Long khẳng định.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, một trong những nét nổi bật trong xây dựng NTM của huyện là sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển. Nhờ tích cực áp dụng, đầu tư về khoa học kỹ thuật vào chăm sóc hoa cây cảnh, cây ăn quả... mà đến nay huyện đã hình thành được khá nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao, nhiều mô hình có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha.
Đường giao thông liên thôn, xã ở Hoài Đức được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: H.Đ
Trung tâm thể thao huyện Hoài Đức được đầu tư khang trang hiện đại trị giá hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: H.Đ
Cũng theo ông Trung, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm nhanh, qua rà soát, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm 1,9%. 100% số hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, xã đang tiếp tục triển khai đầu tư mới, nâng cấp hoàn thiện các công trình văn hoá xã, thôn, các điểm vui chơi để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
"Huyện đã lên kế hoạch để từng bước thực hiện các nhóm tiêu chí chuyển đổi thành quận từ nay tới năm 2020. Cụ thể, huyện Hoài Đức đã đạt cơ cấu nông nghiệp dưới 10%, cơ cấu lao động phi nông nghiệp trên 80%. Trong thời gian tới, huyện Hoài Đức sẽ đáp ứng được các chỉ tiêu về dân số với tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng thương mại - dịch vụ, đầu tư đồng bộ..." - ông Trung nhấn mạnh.
Theo Danviet
Làm giàu nhờ trồng rau an toàn trái mùa Được học nghề, có nguồn tiêu thụ lâu dài, nhiều phụ nữ vùng Tây Bắc đã làm giàu nhờ trồng rau an toàn trái mùa. "Cầm tay chỉ việc" Bà Lã Thị Liễu, thành viên Hợp tác xã (HTX) Dì Thàng (xã Na Hối, Bắc Hà, Lào Cai) cho biết: Trước đây bà con ở đây trồng rau vất vả lắm, vì sản...