Nhanh chóng dập dịch, sẵn sàng chi viện cho TPHCM
Các tỉnh phía Nam sông Hậu cần tiếp tục tăng tốc làm sạch địa bàn, dập dứt điểm, sẵn sàng chi viện cho các địa phương khác theo điều phối của Bộ Y tế khi cần thiết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh phía Nam sông Hậu cần tiếp tục tăng tốc làm sạch địa bàn, dập dứt điểm, sẵn sàng chi viện cho các địa phương khác theo điều phối của Bộ Y tế khi cần thiết. Ảnh: VGP/Đình Nam
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đặt ra tại cuộc họp trực tuyến với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, 6 tỉnh khu vực phía Nam sông Hậu (An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng), chiều 22/7.
Kiểm soát tình hình, lập ‘ chiến khu xanh ‘
Lãnh đạo các địa phương cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Các ca nhiễm đa phần được xác định nguồn lây nhiễm từ TPHCM, địa phương có dịch về, ít có sự lây nhiễm trong cộng đồng. Đáng chú ý, một số địa phương thực hiện xét nghiệm nhanh tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch đã phát hiện một số lái xe tải đường dài dương tính với SARS-CoV-2.
Các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị, cấp uỷ, chính quyền cơ sở, người dân cùng thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Hoạt động kinh tế, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục được duy trì với phương án phòng, chống dịch cụ thể. Các địa phương triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ đời sống an sinh, xã hội cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, mưu sinh hàng ngày. Tình hình an ninh trật tự được bảo đảm an toàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, tình hình dịch ở các tỉnh phía Nam sông Hậu đang được kiểm soát tốt, số lượng các ca nhiễm chưa lớn, các hoạt động điều tra, truy vết, xét nghiệm đang được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ.
Thời gian tới cần tiếp tục tập trung dập dịch dứt điểm, đồng thời tăng cường xét nghiệm RT-PCR sàng lọc, tầm soát định kỳ tại những địa điểm nguy cơ cao để tạo vùng an toàn vững chắc tại khu vực phía Nam sông Hậu.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đề nghị các tỉnh cần tận dụng thời gian hiện nay xây dựng, củng cố lực lượng truy vết, có sự tham gia của công an để truy hết các trường hợp F1, không bỏ sót, lọt nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Bộ Y tế sẽ cân đối các nguồn lực hỗ trợ địa phương về vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm. “Các tỉnh cũng cần chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất điều trị cho bệnh nhân COVID-19 như thiết lập hệ thống oxy tập trung, trang bị máy thở oxy dòng cao (HFNC), đào tạo, tập huấn nhân viên y tế… để sẵn sàng cho tình huống có nhiều bệnh nhân, nhưng không để chuyển nặng, hạn chế tử vong”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trao đổi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định, bảo đảm nguồn cung, một số mặt hàng thực phẩm đang giảm giá, ùn tắc cục bộ và rất cần sự điều tiết. Các địa phương cần thành lập các tổ công tác kết nối với DN để tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Video đang HOT
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý các tỉnh trong khi thực hiện Chỉ thị 16 không có nghĩa cấm hoàn toàn các chợ truyền thống, mà những nơi nào bảo đảm an toàn dịch bệnh, giữ đúng khoảng cách thì vẫn cho phép hoạt động để hạn chế ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản, hàng hoá cho bà con nông dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ 3 mục tiêu khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là để ngăn dịch bệnh lây nhiễm từ TPHCM ra các tỉnh, thành phố khác và ngược lại; tạo luồng lưu thông hàng hoá thông suốt, an toàn trong vùng và mục tiêu lớn nhất là tạo “vùng hậu phương” an toàn vững chắc để hỗ trợ, chi viện cho TPHCM.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, 6 tỉnh khu vực phía Nam sông Hậu. Ảnh: VGP/Đình Nam
Không được chỉ ‘chăng dây gác hai đầu ‘
Phó Thủ tướng đánh giá, đến nay các tỉnh đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, tình hình cơ bản đang kiểm soát được. Tuy nhiên, các địa phương phải tiếp tục quán triệt phương châm “RÕ – NGHIÊM – CHẮC – HIỆU QUẢ” trong thực hiện Chỉ thị 16, đặt biệt phải làm rất nghiêm.
Phó Thủ tướng đề nghị phải phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn thể, tổ COVID-19 cộng đồng, nòng cốt là lực lượng công an để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Những ai không khai báo y tế hoặc không trung thực phải bị xử lý nghiêm, trong đó có trách nhiệm của người thân trong gia đình. Nếu không nắm được những người từ nơi khác về, chính quyền cơ sở, tổ chức, đoàn thể cũng phải chịu trách nhiệm.
Trong các khu phong toả phải thực hiện rất nghiêm, không chỉ bên ngoài mà cả bên trong, phải đúng là cách ly giữa gia đình với gia đình, “tuyệt đối tránh tình trạng chỉ chăng dây, gác hai đầu, còn người dân bên trong đi lại tự do”.
Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, các tỉnh phải triển khai đồng bộ, vận hành tối đa công suất của máy, năng lực đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR để quét sạch các vùng còn có nguy cơ, chú trọng mẫu gộp 5, gộp 10. Từ đó, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm thật bài bản, khoa học, nhuần nhuyễn từ lấy mẫu, quản lý thông tin, kết quả xét nghiệm… để sẵn sàng chi viện cho các tỉnh khác hay TPHCM theo điều động của Bộ Y tế.
Về điều trị, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh phải sẵn sàng các trung tâm thu dung F0 ban đầu căn cứ vào kết quả xét nghiệm, nồng độ virus, tình trạng sức khoẻ để bố trí nhân viên y tế theo dõi sát, thăm hỏi, kịp thời chuyển ngay tuyến trên những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng. Đối với những F0 chưa có triệu chứng thì tạo điều kiện cho bà con sinh hoạt, vận động, thư giãn, bớt bức bách về tinh thần; tổ chức việc cấp thuốc Đông y theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Những cơ sở điều trị bệnh nhân chuyển nặng phải có hệ thống oxy tập trung, máy thở oxy cao áp (HFNC), thuốc men… sẽ giảm đáng kể nguy cơ bệnh sẽ nặng hơn, hạn chế tử vong.
Hệ thống các bệnh viện phải bảo đảm an toàn tối đa, tăng cường tần suất xét nghiệm sàng lọc định kỳ, những người có triệu chứng nghi nhiễm phải được xét nghiệm ngay.
Bảo đảm lái xe di chuyển thuận lợi, an toàn
Đối với việc kiểm soát lái xe đường dài, Phó Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì chỉ cho lưu chuyển hàng hoá, người đang thực thi công vụ. Vì vậy, các địa phương phải tạo điều kiện tối đa để xét nghiệm COVID-19, bảo đảm lái xe di chuyển thuận lợi, an toàn. Tất cả các địa phương có DN vận tải hàng hoá đăng ký hoạt động phải có trách nhiệm quản lý và tổ chức xét nghiệm đội ngũ lái xe bằng xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR. Đối với những lái xe di chuyển liên tục, khi hết hạn giấy xét nghiệm thì đến đâu thì địa phương nơi đó có trách nhiệm tổ chức xét nghiệm bổ sung.
“Trong vùng 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 các xe vận tải vẫn phải có logo, mã QR nhận diện luồng xanh nội vùng, không buông lỏng”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Trong hoạt động sản xuất, các tỉnh phải giữ an toàn các khu công nghiệp, không được để bị “thủng”.
Cụ thể, các DN phải thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch, lập danh sách công nhân làm việc (có địa chỉ, số điện thoại), thực hiện khai báo y tế điện tử, quản lý di chuyển của công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc, hạn chế tiếp xúc…
Các DN có phương án bố trí lại ca, kíp gắn với khu vực lưu trú, ở trọ của công nhân. Các địa phương có thể sắp xếp lại theo hướng mỗi khu nhà trọ, sau khi đã làm sạch, là một ký túc xá cho một DN hay cụm DN gần nhau.
Ba ưu tiên khi giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phía Nam
Trong thời gian giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phía Nam, chính quyền phải ưu tiên bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Chiều 17/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp với một số bộ, ngành về chuẩn bị triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phía Nam.
Ngoài việc ưu tiên bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, Phó thủ tướng lưu ý ưu tiên thứ hai là đảm bảo hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, không quá tải, bởi không chỉ chữa người nhiễm Covid-19 mà còn điều trị bệnh nhân khác. Thứ ba , Việt Nam chưa có đủ vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng, nên phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể.
Theo Phó thủ tướng, trong các đợt dịch trước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu; dập được các ổ dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Nhưng tình hình hiện nay tại TP HCM và các tỉnh lân cận đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh, nguy cơ bùng phát diện rộng.
"Tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải có bước đi mới, giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp", Phó thủ tướng nói.
Vì thế Chính phủ phải đi đến quyết định khó khăn nhưng cần thiết là giãn cách xã hội với 19 tỉnh, thành phía Nam. "Chúng ta áp dụng giãn cách xã hội cho cả khu vực này, trước hết nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng ra cả khu vực và từ đó ra cả nước", ông Đam nhấn mạnh và lưu ý nơi còn an toàn phải quyết tâm giữ, nơi đã bị lây nhiễm phải đẩy lùi, khoanh lại, tiến tới dập dịch.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Đình Nam
Ông Đam cũng nêu rõ, nếu không kiểm soát tốt, dịch lây lan trên diện rộng, hệ thống y tế sẽ quá tải, nhiều người bị nặng, nhiều người tử vong và có thể đe dọa đến sự ổn định, phát triển của đất nước.
Vì vậy, Chính phủ mong muốn người dân thấu hiểu, chia sẻ và tham gia. Ông kêu gọi cả nước hướng về tuyến đầu, mọi người dân thể hiện lòng biết ơn với đội ngũ y, bác sỹ và lực lượng chống dịch bằng cách thực hiện nghiêm quy định.
"Nếu tất cả người dân Việt Nam cùng đồng lòng, quyết tâm, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh lần này, để đất nước sớm quay lại cuộc sống bình thường mới", Phó thủ tướng bày tỏ.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đã cử nhiều đội công tác đặc biệt vào hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đồng thời, Bộ phối hợp với các địa phương "chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra".
Bộ Y tế sẽ đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ truy vết, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị. Bộ cũng đảm bảo trang thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc men, sinh phẩm qua đấu thầu, mua sắm tập trung và huy động mọi nguồn lực, kể cả xã hội hóa cho việc này.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ đã tổ chức phân luồng, phân tuyến, áp dụng công nghệ thông tin, dùng mã QR thống nhất với các địa phương để đảm bảo xe vận tải hàng hóa lưu thông trong khu vực có dịch và bên ngoài. Giao thông trong 19 tỉnh, thành và giữa khu vực này với các địa phương khác sẽ thông suốt. Bộ cũng cử cán bộ phối hợp với ngành y tế xét nghiệm nhanh lái xe ngay tại chốt kiểm soát tại các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận.
Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế sẽ phối hợp xem xét điều chỉnh thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm với lái xe để phù hợp với tình hình, thay vì ba ngày như hiện nay. Việc thực hiện "luồng xanh" hàng hóa tại một số nơi còn bất cập, nên Tổng cục Đường bộ sẽ cấp mã QR để doanh nghiệp và lái xe được lưu thông nhanh hơn.
Ngày 17/7, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16, đối với: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện); bổ sung TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành bổ sung nêu trên do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7.
Phó thủ tướng: 'Chuẩn bị cho tình huống dịch bùng phát mạnh' Quán triệt 12 tỉnh, thành ở miền Tây trong công tác chống dịch, Phó thủ tướng yêu cầu tất cả người về từ vùng dịch phải khai báo y tế, điều tra dịch tễ, xét nghiệm, cách ly. Chiều 12/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, họp trực tuyến với 12 tỉnh,...