Nhân viên Vietcombank giảm lương, không thưởng Tết
Tuyển thêm hơn 1.000 nhân sự nhưng quỹ lương – phụ cấp của Vietcombank lại giảm, khiến thu nhập bình quân nhân viên ngân hàng năm 2012 giảm khoảng 22 triệu đồng so với năm ngoái.
Báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương – Vietcombank (Mã CK: VCB) cho biết, thu nhập nhân viên đạt bình quân 16,44 triệu đồng một tháng, giảm hơn 1,8 triệu đồng so với năm 2011, tương đương gần 22 triệu đồng cho cả năm.
Theo báo cáo riêng của công ty mẹ, Vietcombank chi gần 2.615 tỷ đồng cho lương, thưởng, phụ cấp cho hơn 12.251 nhân viên trong năm 2012. Như vậy, năm 2012 dù tuyển thêm hơn 1.000 người nhưng tổng số tiền Vietcombank chi cho nhân viên (bao gồm lương và phụ cấp) lại giảm hơn 56 tỷ đồng so với năm 2011.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của Vietcombank lý giải: “Năm nay không đạt kế hoạch lợi nhuận nên đương nhiên phải cắt giảm chi phí, trong đó có chi phí lương cho nhân viên, coi như anh em chia sẻ cùng ngân hàng”, vị này cho biết.
Ông cho biết thêm thu nhập của nhân viên được Vietcombank chia và chi trả thành nhiều lần trong năm. “Chi phí lương quyết toán vào cuối năm. Các tháng trong năm nhân viên chỉ nhận được khoảng 75%-80% số tiền này. Cuối năm nếu lợi nhuận còn lại và họ đạt chỉ tiêu thì mới được chi trả nốt”, đại diện ngân hàng cho biết.
Nói về chuyện thưởng Tết Quý Tỵ, vị lãnh đạo này cho hay, ở Vietcombank năm nay không có khái niệm thưởng Tết. “Khoản mà cuối năm nhân viên được nhận thêm chính là lương 25-30% còn lại của chính họ chưa được chi trả. Vietcombank không gọi là thưởng Tết nhưng đôi khi anh em tự an ủi coi đó là thưởng”, vị này chia sẻ.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tổng tài sản của Vietcombank tăng nhẹ trong năm, tín dụng tăng trưởng 15,7% nhưng tổng lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ lại giảm gần 400 tỷ đồng so với năm 2011. Tính đến 31/12/2012, tổng tài sản của Vietcombank đạt gần 6.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm đạt 234.600 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng tín dụng là 15,7%. Tiền gửi của khách hàng tăng trưởng 24%. Đến cuối năm, số dư tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank đạt hơn 285.000 tỷ.
Lợi nhuận riêng lẻ của Vietcombank giảm 400 tỷ so với năm 2011.
Video đang HOT
Mặc dù một số chỉ tiêu tăng trưởng so với năm 2011 nhưng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của Vietcombank trong năm 2012 vẫn giảm 15% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính do lãi từ hoạt động dịch vụ giảm khoảng 180 tỷ đồng so với 2011 khi chỉ đem về hơn 1.300 tỷ đồng lợi nhuận. Hoạt động ngoại hối và mua bán chứng khoán kinh doanh năm 2012 lại tăng trưởng lợi nhuận so với năm trước.
Khác với nhiều ngân hàng trong năm 2012, chi phí hoạt động cũng như dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank không thay đổi đáng kể. Riêng khoản dự phòng rủi ro, Vietcombank trích lập giảm so với năm 2011 với số dự phòng hơn 3.200 tỷ đồng. Nợ xấu tính đến ngày 31/12 theo báo cáo tài chính riêng lẻ là gần 5.400 tỷ đồng – chiếm 2,2% tổng dư nợ tín dụng.
Lợi nhuận trước thuế theo báo cáo tài chính riêng lẻ đạt gần 5.545 tỷ đồng, giảm gần 400 tỷ đồng so với năm 2011. Sau khi trừ đi thuế, lợi nhuận của Vietcombank còn khoảng 4.269 tỷ đồng.
Một trong những điểm khác biệt nữa là so với năm 2011, Vietcombank hạn chế cho vay các tổ chức tín dụng khác trong năm 2012. Tính đến 31/12/2012, khoản mục cho vay các ngân hàng khác chỉ còn hơn 6.000 tỷ đồng trong khi năm 2011 lên tới hơn 33.700 tỷ.
Theo VNE
Sau giảm lương, ngân hàng cắt tiếp gì?
Sau khi có kế hoạch cắt giảm lương, thưởng trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều nhà băng lại lên kế hoạch cắt giảm nhân sự.
Trong năm qua, nhân viên tín dụng và cả huy động vốn của nhiều ngân hàng khá nhàn rỗi
Nhấp nhổm kẻ đi
Nhân viên phòng marketing của một nhà băng có trụ sở tại Hà Nội cho biết, tuy chưa công bố chính thức, nhưng bộ phận marketing ở phía Nam của nhà băng này đã chuẩn bị tinh thần "giải thể". Lý do, Ngân hàng có chủ trương cắt giảm nhân sự, trong đó bộ phận marketing cũng không loại trừ.
PV đã trao đổi với một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng trên và được biết, do lợi nhuận năm ngoái sụt giảm mạnh và dự báo năm nay vẫn còn khó khăn, nên ngân hàng buộc phải tính đến việc cắt giảm nhân sự trong những tháng sắp tới.
Tại một nhà băng khác, nhân viên ngân hàng cho hay, lãnh đạo cấp cao có chủ trương: những ai có cả vợ và chồng cùng đang công tác, thì một trong hai phải nghỉ. Bởi lẽ, ngân hàng đang khó khăn.
Chính sách cắt giảm lương, thưởng và kể cả với việc tinh giảm bộ máy để giảm áp lực chi phí tuy không còn gây bất ngờ ở các ngân hàng thương mại, song theo lãnh đạo một nhà băng, năm 2013, làn sóng này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi hoạt động của ngành còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, nợ xấu tăng cao và chưa có hướng giải quyết cụ thể, tín dụng khó tăng thì nhà băng khó có thể giữ nguyên bộ máy hoạt động.
Thực tế, trong năm qua, nhân viên tín dụng và cả huy động vốn của nhiều ngân hàng khá nhàn rỗi, không ít thời điểm "ngồi chơi, xơi nước" khi không thể đẩy mạnh cho vay như trước.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP. HCM cho rằng, khi có khó khăn thì một trong những giải pháp mà các nhà băng thường lựa chọn đó chính là tinh giảm bộ máy. Bởi lẽ, chính sách cắt giảm lương, thưởng chỉ có thể duy trì được trong một thời gian ngắn.
Trong khi đó, thị trường tài chính - ngân hàng dự báo còn phải đối mặt với không ít thách thức, cho đến khi nào nợ xấu được giải quyết, khi đó dòng chảy tín dụng mới được khơi thông trở lại.
"Nếu giảm lương, thưởng, người lao động sẽ không còn nhiều hưng phấn để cống hiến cho ngân hàng. Còn cắt giảm nhân sự sẽ làm cho những người còn lại phấn đấu để tránh bị loại", vị phó tổng giám đốc trên nói.
Đối với OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này chia sẻ, OCB cũng khó có thể tránh khỏi khó khăn trước tình hình hiện nay, song Ngân hàng không có chủ trương cắt giảm nhân sự.
Tuy nhiên, đối với lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán 2013, ông Tuấn cho biết, khó có thể kỳ vọng ở mức cao. Bởi kết quả hoạt động của Ngân hàng năm qua không như mong đợi, lợi nhuận thu về không đạt chỉ tiêu, do chi phí trích lập dự phòng tín dụng tăng cao khi nợ xấu tăng theo tình hình chung của ngành.
Ảnh hưởng từ việc "siết" mạng lưới
Ngoài khó khăn của thị trường thì việc Ngân hàng Nhà nước "siết" lại mạng lưới hoạt động của các ngân hàng, cũng như chủ trương thực hiện, đẩy mạnh đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng đang khiến không ít nhân viên trong ngành "nhấp nhổm", đặc biệt là ở những ngân hàng yếu chuẩn bị sáp nhập.
Mới đây, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên thử việc.
Số nhân viên này, theo ông Toại là do ACB tuyển về, đào tạo từ một năm nay cho kế hoạch phát triển, mở rộng mạng lưới của Ngân hàng năm 2013. Tuy nhiên, chờ đợi một thời gian dài, nhưng NHNN đã không chấp thuận cấp phép cho các điểm giao dịch, chi nhánh mới.
Do đó, việc chấm dứt hợp đồng lao động với các nhân viên thử việc của ACB là điều không mong muốn, vì bản thân ACB cũng chịu thiệt hại khi bỏ không ít chi phí, tiền lương cho số nhân sự này.
Theo như kế hoạch ban đầu của ACB, đến cuối năm 2012, toàn hệ thống sẽ phát triển từ con số 334 lên 350 chi nhánh, phòng giao dịch. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế suy thoái, chưa thể phục hồi ngay, nên NHNN khuyến cáo Ngân hàng không mở thêm phòng giao dịch, chi nhánh.
Tại SeABank, ngân hàng này từng bị nhân viên viết đơn nặc danh "tố" bị cắt giảm nhân sự vào thời điểm gần cuối năm 2012. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà băng này đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên và cho biết, SeABank vẫn có kế hoạch tuyển dụng hơn 700 nhân viên.
Một số chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, năm 2013, các ngân hàng sẽ tinh giảm hơn nữa bộ máy, do khó mở chi nhánh, khó cho vay và nợ xấu tăng. Để có thể thành công khi sàng lọc nhân viên, các nhà băng cần phải thận trọng và khéo léo, tránh làm biến động trong nội bộ.
Theo xahoi
Những "chiêu" ép nhân viên nghỉ việc Thời gian qua, người lao động xôn xao khi thấy trên một số diễn đàn xuất hiện bức thư của nhóm người tự nhận là nhân viên của công ty N. Họ khẳng định mình đã bị ép viết đơn xin nghỉ việc. Theo bức thư này, để mời gọi nhân viên về làm, công ty N đã đưa ra những mức lương...