Nhân viên tư vấn thực phẩm chức năng “mắng xối xả” Cục trưởng vì bị nhắc “sẽ cho kiểm tra”
Một người tự xưng là nhân viên tư vấn của sản phẩm thực phẩm chức năng An cốt đan đã gọi điện tư vấn trực tiếp cho lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cách dùng sản phẩm này để không bị… di căn xương.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK).
Ông Nguyễn Thanh Phong từng nhiều lần được mời mua TPCN để chữa bệnh
“Cách đây ít ngày ngày, chúng tôi đã cảnh báo người tiêu dùng về 3 sản phẩm TPBVSK: Rockman, Gluwhite, Nori Kid đang được quảng cáo trên một số website. Các sản phẩm này do Công ty Cổ phần Nori Organic (quận Hà Đông, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm nhưng quá trình hậu kiểm, công ty này không thừa nhận các website nêu trên của họ và công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo 3 sản phẩm ở một số trang web này.
Vì thế trong thời gian đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm TPBVSK: Rockman, Gluwhite, Nori Kid quảng cáo trên các trang website đã được công bố”- ông Phong cảnh báo.
Ông Phong cảnh báo 99% sản phẩm TPCN quảng cáo trên mạng xã hội là sai sự thật
Cũng theo ông Phong, các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và thổi phồng như thuốc chữa bệnh thương xuât hiên nhiêu hiện nay như sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan, bệnh xương khớp, nam khoa….
“Nhiều sản phẩm quảng cáo rất bậy bạ, phản cảm về công dụng như “uống sản phẩm giúp “cái ấy” dài tới 20 cm” hay “U70 thoải mái chiến liên tục”… Một số TPCN quảng cáo nổ về công dụng “trĩ nặng mấy gặp tôi cũng hết” trong khi sản phẩm chỉ được cấp phép nhuận tràng, giảm nguy cơ táo bón; hay sản phẩm hỗ trợ xương khớp, gout… “nổ” công dụng như “thần dược” là “trị dứt điểm bệnh thoái hóa khớp”, “tạm biệt bệnh gout chỉ vài tuần” trong khi gout là bệnh mãn tính chưa thể chữa khỏi hoàn toàn” – ông Phong nói.
Nhan nhản quảng cáo “nổ”
Ông Phong cho biết nhiều DN dùng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo TPCN
“Mới đây, có một người tự xưng là nhân viên tư vấn TPCN An thống đan gọi điện cho tôi nói rằng có nhận được số điện thoại của tôi trên trang web muốn được tư vấn sản phẩm. Sau khi hỏi han về cân nặng, tuổi tác, tình trạng sức khoẻ… người này hỏi tiếp tình trạng xương khớp của tôi. Lúc đó tôi có trả lời “có hiện tượng đau”, nhân viên này vội vàng động viên tôi “may mà chưa di căn” rồi lập tức chuyển sang tư vấn tôi dùng “thuốc An thống đan” sẽ giúp trị dứt sự ám ảnh về những cơn đau khớp. Lắng nghe một lúc, tôi mới xưng danh là Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm và nói rằng sẽ cho kiểm tra sản phẩm. Nghe vậy, nhân viên tư vấn này liền chuyển giọng mắng xối xả và thách thức cơ quan chức năng…” – ông Phong kể.
Theo ông Phong, đây không phải là lần đầu tiên ông nhận được những cuộc gọi tư vấn kiểu này. “Có thể ai đó thấy doanh nghiệp quảng cáo quá lố nên họ đã để lại số điện thoại của tôi để tôi trực tiếp nghe những thông tin tư vấn về “thần dược” ấy”- ông Phong nói.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết các thông tin quảng cáo TPCN, TPBVSK trên mạng xã hội (facebook) hiện nay rất khó kiểm soát. Có tới 99% các sản phẩm TPCN quảng cáo trên mạng xã hội là sai sự thật và quá công dụng của sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, “mượn” danh bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín để cố tình lừa dối người tiêu dùng… Không chỉ công khai bán trên facebook, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lợi dụng tổ chức hội thảo, hội nghề nghiệp về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn tổ chức hội thảo, khám chữa bệnh miễn phí để giới thiệu và bán TPCN với giá cắt cổ.
“Tất cả các sản phẩm TPCB, TPBVSK quảng cáo trên mạng xã hội dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia; đẩy lùi bệnh nọ bệnh kia là hoàn toàn sai sự thật, tuyệt đối không mua. Vì TPCN chỉ hỗ trợ chứ không thể điều trị dứt bệnh”- ông Phong lưu ý.
Ông Phong khuyên người dân không nên tin thông tin DN dùng thư tín bệnh nhân để quảng cáo sản phẩm
Tới đây, Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các bệnh viện, cơ sở y tế có bác sĩ quảng cáo cho các sản phẩm này. Hiện Cục An toàn thực phẩm đã có trong tay danh sách, hình ảnh một số bác sĩ ở bệnh viện tuyến trung ương, cơ sở y học cổ truyền… đang công khai quảng cáo cho một số sản phẩm TPCN, TPBVSK.
Theo quy định nhân viên y tế hiện đang công tác tại các cơ sở y tế công lập không được phép quảng cáo các sản phẩm TPCN, TPBVSK…. Nếu phát hiện vi phạm, rất mong người dân cung cấp thông tin tới cơ quan quản lý, tới Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). “Người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái, không tin dùng các sản phẩm vi phạm, quảng cáo “nổ” vừa tiền mất, tật mang vì có thể bỏ qua giai đoạn vàng trong điều trị bệnh” – PGS-TS Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.
N.Dung
Theo nguoilaodong
Yêu cầu cụ thể sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường
Ngày 05/12/2019, Bộ Y tế đã ký ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường thay thế Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.
Trước đó, căn cứ vào Quyết định số 1340/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 43/2014/TT- BYT quy định: "Bổ sung vi chất vào Chương trình Sữa học đường cần đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết và phải căn cứ cơ sở khoa học, giao Viện Dinh dưỡng chịu trách nhiệm về cơ sở khoa học"; và trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng đã có văn bản đề nghị bổ sung 21 loại vi chất với hàm lượng cụ thể của từng loại vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và khẳng định cơ sở khoa học được nêu ra nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em. Ngày 24/11/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng, trong đó có xác định nhu cầu các vi chất, vitamin và có ngưỡng dung nạp tối đa.
Cụ thể, về yêu cầu đối với các vi chất dinh dưỡng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, Thông tư yêu cầu phải bảo đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng được quy định cụ thể theo bảng sau:
Thông tư số 31/2019/TT-BYT được ban hành nhằm thực hiện các Chỉ tiêu của Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, tăng chiều cao của trẻ em mẫu giáo, tiểu học. Thông tư số 31/2019/TT-BYT đã quy định đảm bảo đủ 21 vi chất với hàm lượng trung bình của từng loại vi chất trong 100 ml sữa và quy định về nguồn nguyên liệu đầu vào, việc công bố sản phẩm, ghi nhãn cũng như điều khoản chuyển tiếp. Theo ý kiến của Viện Dinh dưỡng thì việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường là rất cần thiết và cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu về vitamin và khoáng chất hàng ngày của trẻ. Đồng thời Thông tư 31/2019/TT-BYT cũng đã quy định rõ ràng, minh bạch và thống nhất cho tất cả các địa phương thực hiện.
Chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 gồm các chỉ tiêu cần phải đạt được: (1) Tăng tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40%; (2) Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitaminD của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30%; (3) Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm; (4) Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm; (5) Chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
Y Vân
Theo vnmedia
Sử dụng thực phẩm chức năng 'xách tay': Biết ai để bắt đền? Gần đây, một số chuyên gia cảnh báo tình trạng, nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được quảng cáo là hàng "xách tay". Giá mỗi nơi mỗi khác nhưng điểm chung của các sản phẩm TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ "xách tay" thường được giới thiệu là người quen làm trong ngành hàng...