Nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với xã hội đen: Không cần thiết
Chuyên gia tài chính cho rằng, việc nhân viên đòi nợ thuê mặc đồng phục thể hiện sự trang trọng, nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp của nhân viên thu hồi nợ, tuy nhiên, việc đó không làm tăng hiệu quả đòi nợ của công ty thu, đòi nợ.
Tại Đồng Nai, một nhóm đòi nợ thuê đã “khủng bố” con nợ bằng tờ rơi xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Ảnh: Ngô Nguyên
Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định 104/2007 về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhằm hạn chế tối đa những bất cập của hoạt động kinh doanh này thời gian qua.
Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung về điều kiện kinh doanh, bổ sung quy định về trang phục đối với nhân viên đòi nợ.
Theo đó, người lao động của doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Do vậy, Bộ Công an sẽ là đầu mối chỉ đạo công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Một số công ty tài chính hiện nay thuê công ty đòi nợ thu hồi các khoản nợ.
Video đang HOT
Liên quan việc nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với xã hội đen, chia sẻ với Lao Động, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội) cho rằng, việc quy định mặc đồng phục đối với dịch vụ đòi nợ là hợp lý.
“Đến bảo vệ còn có đồng phục riêng, huống chi là nhân viên đòi nợ thuê – một ngành nghề kinh doanh rất nhạy cảm. Việc có đồng phục giúp phân biệt đâu là dịch vụ hợp pháp, đâu là đòi nợ kiểu “xã hội đen”, ăn theo”, chuyên gia kinh tế nói.
Đặt câu hỏi: “Trường hợp nhân viên công ty đòi nợ không mặc đồng phục thì đơn vị nào xử lý”, ông Phong cho biết, khi đã có Nghị định sẽ quy định các hành vi bị cấm, đồng thời có các chế tài cho hành vi đó như phạt tiền, thu hồi thẻ của nhân viên đòi nợ thuê.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập cho rằng, về chủ trương, ông đồng tình với Bộ Tài chính là các tổ chức, cá nhân có thể thuê công ty đòi, thu hồi nợ, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Hiếu dẫn chứng, ở Mỹ, có nhiều ngân hàng thuê công ty đòi, thu hồi nợ đối với khách nợ. Những công ty này làm việc rất chuyên nghiệp. Họ hiểu tâm lý khách nợ, biết thu hồi nợ nhanh chóng, hợp pháp.
Còn việc nhân viên đòi nợ phải mặc đồng phục, ông Hiếu cho rằng không cần thiết. “Mặc đồng phục thể hiện sự trang trọng, nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp của nhân viên thu hồi nợ, giúp phân biệt với thành phần thu, đòi nợ kiểu “xã hội đen”. Tuy nhiên, việc đó không làm tăng hiệu quả đòi nợ của công ty thu, đòi nợ”, ông Hiếu nói.
Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nhân viên thu, đòi nợ nên mặc đồ nghiêm chỉnh như comple, caravat, nhưng để quy định chặt chẽ “phải mặc đồng phục” thì không cần. Thay vào đó, Bộ Tài chính yêu cầu các công ty thu, đòi nợ đăng ký kinh doanh, có vốn điều lệ, trụ sở, nội quy, hội đồng quản trị (nếu là công ty cổ phần).
Còn Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm, việc quản lý dịch vụ đòi nợ thuê không phải là việc của ngành công an, nhiệm vụ chính của công an là giữ gìn an ninh trật tự, đem lại sự bình yên xã hội.
“Đòi nợ thuê là một lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, cần có những quy định cụ thể để đảm bảo cho họ quyền tự do kinh doanh, tuy nhiên, vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật”, ông Nhưỡng nói.
Đại biểu Quốc hội lo ngại tính khả thi việc nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, vì nhân viên đòi nợ mặc bộ đồng phục giống quân phục của công an, quân đội, đứng trước trụ sở DN hay gia đình cá nhân, sẽ ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh, cuộc sống của khách nợ.
Thay vì nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với “xã hội đen”, ông Nhưỡng kiến nghị, Bộ Tài chính nên ban hành quy định tiêu chuẩn nhân viên thu nợ như viên tài chính ngân hàng và cần thiết áp dụng luật doanh nghiệp với hình thức kinh doanh này.
CƯỜNG NGÔ
Theo Laodong
Nhân viên đòi nợ thuê sẽ có đồng phục để không nhầm với xã hội đen?
Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhằm hạn chế tối đa những bất cập của hoạt động kinh doanh này thời gian qua.
Nhân viên đi đòi nợ thuê phải mặc đồng phục là một trong những điểm mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 104/2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến.
Dự thảo yêu cầu các đơn vị phải cấp trang phục tự thiết kế cho người lao động và trên trang phục phải có tên doanh nghiệp (DN). Mẫu trang phục công khai tại trụ sở chính và các chi nhánh.
Nhân viên phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ; cung cấp hợp đồng ủy quyền đòi nợ thuê cho khách nợ và các tổ chức, cá nhân liên quan đến khoản nợ khi thực hiện đòi nợ. Công ty phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp khi người lao động chấm dứt hợp đồng...
Bộ Tài chính cho rằng kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề khá nhạy cảm, nên việc quy định về trang phục cho người lao động là rất cần thiết để tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này thông qua việc nhận diện nhân viên đòi nợ.
Việc đòi nợ thuê diễn biến phức tạp thời gian qua. Ảnh: Báo Gia Lai
Việc này cũng hạn chế được tình trạng tụ tập, gây rối diễn ra gần đây. Đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội về ngành nghề dịch vụ đòi nợ là ngành nghề hợp pháp, giúp khách nợ khi tiếp xúc làm việc với nhân viên đòi nợ thuê có mang trang phục cảm giác yên tâm.
Ngoài ra, việc quy định về trang phục còn tạo ra ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động trong hoạt động kinh doanh này và hạn chế các vi phạm khi đi đòi nợ.
Đề xuất này đưa ra trong bối cảnh theo báo cáo của các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An... thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục kiểu "xã hội đen, đầu gấu" để đi thu nợ, gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất của khách nợ. Điều này gây tâm lý hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của các khác nợ.
Luật sư Bùi Quang Tín, Đoàn luật sư TP.HCM trao đổi với Thanh Niên rằng việc quy định mặc đồng phục đối với dịch vụ đòi nợ là hợp lý, nhằm phân biệt được đâu là dịch vụ hợp pháp, đâu là xã hội đen. Theo ông Tín, quy định là vậy nhưng thực tế việc giám sát thực hiện này như thế nào là không đơn giản. Trong trường hợp nhân viên công ty đòi nợ không mặc đồng phục thì đơn vị nào xử lý, ông Tín nêu ví dụ.
Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN
Vụ giáo viên quỳ gối xin lỗi: Phụ huynh đừng nghĩ trả tiền cho con đi học là có quyền Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trước việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi để "trả thù" hình phạt mà trước đó cô giáo dành cho con của mình. Phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi tại trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) Câu chuyện giáo viên trường tiểu học Bình...