“Nhân văn” hay… “nhẫn tâm”, thưa bác Vượng EVN?
Nói trắng ra, EVN đã móc túi tiền của gần 90 triệu đồng bào cả nước để làm cái việc gọi là “ nhân văn” như lời bác Chủ tịch Vượng…
(Minh họa: Ngọc Diệp)
“Tôi cho rằng đây là một việc làm nhân văn…”. Đó là lời giải thích của ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN trên báo Công an Nhân dân điện tử ngày 8/10 vừa qua liên quan đến khoản tiền 595 tỉ đồng xây biệt thự, bể bơi, sân tennis…
Trước hết, xin chúc mừng ông Vượng, một con người nhân văn, một trái tim nhân hậu, hết lòng hết sức lo cho thuộc cấp của mình.
Ông quả không hổ danh với truyền thống thương yêu nhân viên của người tiền nhiệm là Tổng GĐ Tập đoàn điện lực EVN Phạm Lê Thanh. Năm 2011, ông Thanh đã “não nề” kêu lên: “Với mức lương này (7,3 triệu đồng/tháng – NV), nếu ở Hà Nội, chắc chắn cán bộ, nhân viên ngành điện sẽ không đủ sống”.
Cách đây 2 năm, tức là khi đó giá cả chưa đắt đỏ như bây giờ mà lương 7,3 triệu đồng không đủ sống thì cái mức sống của cán bộ, nhân viên EVN cao, cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung xã hội.
Thế mà hôm nay, không dừng ở đó, EVN còn xây biệt thự, bể bơi, sân tennis… cho cán bộ của mình thì bác quả là đại nhân văn chứ không chỉ là nhân văn nữa, thưa bác Vượng.
Tôi đồ rằng với mức sống như thế, với tấm lòng nhân hậu của lãnh đạo như thế, nếu EVN mở cửa, chắc 90% dân Việt sẽ tình nguyện đầu quân cho EVN.
Vâng. Nếu như chỉ dừng ở đây thì có lẽ bác Vượng xứng đáng được dựng tượng đồng, bia đá nếu như không có cái đoạn nói về kết luận của Thanh tra Chính phủ. Nó là như thế này, xin được trích nguyên văn trong bài báo trên:
“Theo kết luận thanh tra, tính đến hết năm 2011, EVN đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính khi đầu tư vốn ra ngoài lên đến 121.000 tỉ đồng, vượt 45.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ của công ty mẹ. Việc đầu tư này khiến EVN lỗ 2.195 tỉ đồng.
Video đang HOT
Cũng trong thời gian này, 7 đơn vị thành viên 100% vốn của EVN như các Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam; Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; Công ty Nhiệt điện Uông Bí, Cần Thơ đều lỗ với số tiền hơn 3.648 tỉ đồng.
Ngoài kinh doanh lỗ, việc triển khai các dự án chậm tiến độ của EVN cũng khiến tăng chi phí đầu tư lớn cho nhiều dự án. Cụ thể, từ năm 2005 đến tháng 7/2012, EVN triển khai 20/42 dự án chậm tiến độ.
Kết luận thanh tra cũng cho biết, EVN chi đến 595 tỷ đồng cho hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” trong 6 dự án gồm nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1; nhưng thực chất là 355.000m2 đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis…
Toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định”.
Té ra là như vậy.
Là EVN đang thua lỗ trầm trọng. Thua lỗ cả đầu tư trong ngành lẫn ngoài ngành. Là con số “khủng”, lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Té ra là tất cả chi phí xây biệt thự, bể bơi, sân tennis… được tính vào giá bán điện cho dân, khiến giá điện nay tăng, mai tăng và còn tiếp tục tăng. Nó là lời giải thích cụ thể nhất cho câu hỏi vì sao từ năm 2009 đến nay, EVN đã 7 lần tăng giá.
Té ra là nói trắng ra, EVN đã móc túi tiền của gần 90 triệu đồng bào cả nước để làm cái việc gọi là “nhân văn” theo như lời bác Chủ tịch Vượng.
Đến đây thì xin nói thẳng, nếu như EVN là công ty tư nhân, nếu EVN không độc quyền, nếu như EVN bằng tài năng của những nhà lãnh đạo mà làm ra tiền bạc để phục vụ cho cán bộ (nói cán bộ là vì tôi đồ rằng sẽ chẳng có một cô nhân viên hay cậu công nhân lao động trực tiếp, những người đang bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên những tuyến đường dây của Tổ quốc được hưởng sự nhân văn “biệt thự, bể bơi, sân tennis… cả) của mình thì quả là đáng kính phục.
Còn nếu cái “nhân văn” ấy lại có từ sự móc túi của đồng bào cả nước (như kết luận của Thanh tra Chính phủ) qua việc tăng giá điện để xây biệt thự, bể bơi, sân tennis… cho cán bộ của mình liệu có đáng được gọi là “nhân văn” hay… nhẫn tâm, thưa bác Vượng!???
Theo Dân trí
Chủ tịch EVN: Xây biệt thự, sân tennis là nhân văn
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Hoàng Quốc Vượng khẳng định, "xây biệt thự, tennis, vườn trẻ... để thu hút lực lượng cán bộ có tay nghề tốt làm việc vận hành dự án. Tôi cho là nhân văn, vì dễ thu hút cán bộ tới làm việc tại vùng sâu, vùng xa".
Trước kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong đầu tư, xây dựng của EVN, đặc biệt là việc đưa chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis... vào giá thành bán điện, trao đổi với PV Infonet chiều 8/10 Chủ tịch HĐQT EVN Hoàng Quốc Vượng khẳng định, không có chuyện tập đoàn này đưa chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis... như kết luận của Thanh tra Chính phủ vào tổng mức đầu tư dự án và quy ra giá thành điện.
EVN khẳng định không đưa chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis... vào giá bán điện
Theo Chủ tịch EVN, những hạng mục mà Thanh tra Chính phủ đề cập trong báo cáo đã đưa ra là "hạng mục nhà quản lý điều hành" tại một số dự án điện do EVN đầu tư và được sự cho phép của các bộ, ngành liên quan. "Trong báo cáo gọi là biệt thự, tennis, vườn trẻ... để thu hút lực lượng cán bộ có tay nghề tốt làm việc vận hành dự án. Tôi cho là nhân văn, vì dễ thu hút cán bộ tới làm việc tại vùng sâu, vùng xa"- ông Vượng nói.
Bổ sung thêm, theo báo cáo giải trình gửi tới báo chí liên quan tới kết luận Thanh tra Chính phủ tại EVN thì, do đặc thù các nhà máy điện có công suất lớn hầu hết được xây dựng ở cách xa khu dân cư, xa thành phố thị xã... nên các nhà máy điện đều phải có khu Quản lý vận hành sửa chữa, trong đó có hạ tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân.
"Những nhà ở này thực chất là nhà ở công vụ, khi cán bộ công nhân không làm việc ở nhà máy phải trả lại nhà và ra khỏi khu Quản lý vận hành/nhà công vụ này. Các nhà ở biệt thự đơn lập, song lập được xây dựng cho các chuyên gia sinh sống trong quá trình thi công nhà máy, sau khi nhà máy xây dựng xong các chuyên gia không ở nữa thì chuyển thành nhà khách cho khách đến làm việc hoặc nhà ở phục vụ quản lý vận hành"- báo cáo giải trình của EVN viết.
Về việc xây dựng một số công trình thể thao, trong báo cáo giải trình của EVN, Phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri cho rằng, do môi trường làm việc của cán bộ công nhân yêu cầu công việc đòi hỏi kỹ thuật có trình độ cao, ô nhiễm cao... do đó, để giảm độ căng thẳng nhanh chóng hồi phục sức khỏe để duy trì thực hiện làm ca trực tiếp theo, giảm được các ảnh hưởng tiêu cực của xã hội do vậy trong các khu quản lý vận hành qui hoạch có khu thể thao nhỏ.
Cũng theo ông Tri, trong các Nghị định về Quản lý đầu tư của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành không nêu cụ thể có danh mục Khu quản lý vận hành sửa chữa, nhà công vụ, nhưng do đặc thù của ngành điện nên việc xây dựng khu quản lý vận hành, sửa chữa, nhà công vụ cho cán bộ công nhân của các nhà máy điện là rất cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế".
Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011, số tiền 223,9 tỷ đồng, EVN cũng khẳng định không hề có việc này.
Theo "nhà đèn", do nhu cầu vốn đầu tư các công trình điện của EVN rất lớn, mỗi năm EVN đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng, năm 2013 kế hoạch đầu tư của EVN cho các công trình điện là 106.600 tỷ đồng, trong khi đó khả năng thu xếp vốn không đáp ứng được nhu cầu đầu tư nên lúc nào EVN cũng thiếu vốn đầu tư trầm trọng. Nguồn vốn khấu hao cơ bản không đủ để trả nợ gốc và lãi vay.
Trong quá trình phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các công trình, do các thủ tục để phát hành trái phiếu chậm nên không kịp với tiến độ giải ngân công trình điện, nhưng để đảm bảo tiến độ công trình phục vụ điện cho phát triển kinh tế của đất nước nên khi có khối lượng phải thanh toán EVN đã phải ứng trước vốn sản xuất để thanh toán cho các nhà thầu, sau khi việc phát hành trái phiếu hoàn thành lúc đó EVN thực hiện việc hoàn trả lại số vốn sản xuất trước đây đã ứng.
Vì thế, năm 2010 và năm 2011, EVN có hướng dẫn 8 đơn vị hạch toán chuyển nguồn vốn của 11 dự án đã hoàn thành (từ nguồn vốn sản xuất EVN đã tạm ứng sang nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp) với tổng số tiền là 1.619.340.753.604 đồng (tại 02 thời điểm là ngày 01/9/2010 và ngày 21/10/2010) là thực chất hoàn trả vốn sản xuất mà trước đây EVN đã ứng.
Do việc điều chuyển nguồn vốn các dự án đã hoàn thành nên phần lãi trái phiếu số tiền 223.909.749.578 đồng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện ngay trong năm tài chính thay vì hạch toán vào chi phí đầu tư xây dựng cơ bản của các công trình điện (tăng vốn đầu tư của dự án và cũng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện thông qua khấu hao TSCĐ), về tổng thể việc hạch toán nêu trên không làm tăng chi phí sản xuất điện.
Về nghi ngại có sự "móc nối, thông đồng" giữa EVN và các công ty con trong việc nâng giá mua điện vượt khung quy định của Bộ Công thương, Chủ tịch EVN chia sẻ với Infonet, đây là điều bất khả kháng do năm 2010, 2011 EVN gặp nhiều khó khăn do nhu cầu phụ tải tăng, hạn hán thiếu nước, ngành điện phải huy động lượng dầu lớn để phát điện 2 năm liên tiếp EVN lỗ tổng cộng 12.000 tỉ đồng.
Năm 2011 do khó khăn nên EVN đã giao chỉ tiêu lỗ cho các đơn vị để các đơn vị phấn đấu giảm lỗ so với lỗ kế hoạch.
"Không có chuyện móc nối, móc ngoặc gì ở đây. Nếu trong tất cả các đơn vị của tập đoàn lỗ và lỗ tập trung vào một chỗ thì làm sao được, khi kinh doanh là kinh doanh toàn ngành"- ông Vượng nói.
Ông Vượng cũng khẳng định, hạch toán giá thành của EVN cơ bản tuân thủ các quy định của nhà nước, năm nào cũng có kiểm toán, kiểm tra để đảm bảo hạch toán công khai.
Khi EVN chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mua bán điện thì mọi chi phí đầu tư cho các dự án điện đều hạch toán vào giá điện.
Trường Giang
Theo infonet
Hà Nội sẽ biến rác thành điện UBND TP Hà Nội vừa khởi công dự án hệ thống xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại để phát điện tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Tổng mức đầu tư dự án hơn 612 tỷ đồng. Dự án Xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn,...