Nhan nhản ‘dưới nhỏ trên to, dưới thụt trên thò’
Một người nước ngoài sống nhiều năm ở HN nhận xét: “Thủ đô của cậu có những ngôi nhà xây kiểu dưới nhỏ trên to, dưới thụt vào trên thò ra nhan nhản”.
Có một thực tế lạ lùng ở Việt Nam là số công trình xây dựng sai phép, sai thiết kế ban đầu nhan nhản. Rất nhiều trường hợp đã bị “tuýt còi” song có một thực tế lạ lùng khác là Bộ chỉ xử phạt mà không cưỡng chế tháo dỡ. Phải chăng cũng là phương kế để gia tăng nguồn thu cho ngân sách, chống lãng phí.
Luật pháp đã có quy định thì phải nghiêm chỉnh chấp hành, dù đó là ai đi chăng nữa… Thực tiễn có không ít dẫn chứng, để chứng minh cho cách quản lý kiểu này.
Vừa rồi, người viết có đến chứng kiến, ghi nhận về việc cưỡng chế, tháo dỡ một “bến xe dù” khá gần bến xe Miền Đông, phường 26, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Không những vi phạm hoạt động giao thông mà chủ bến xe này còn dám tự tiện lấn chiếm kênh rạch để mở rộng bến bãi. Bãi xe này có diện tích khoảng 3.100m2 trong khi diện tích theo bản đồ địa chính chỉ là 1.800m2 (chỉ mới cấp chủ quyền một phần).
Diện tích lấn sông Sài Gòn được xác định là 1.300m2 (khu vực rạch làm cửa xả gần cầu Bình Triệu). Theo quan sát của người viết, khối lượng đất đá phục vụ cho việc gia cố kè lấn sông là khá lớn. Sau ba năm tồn tại, bến xe dù này mới bị cưỡng chế…
Không ít ngôi nhà trên tuyến phố này có mặt tiền dưới 2m. Ảnh: Zing
Những người dân gần đó thắc mắc: “Bãi xe này lấn sông cả nghìn mét vuông, xe chở đất đá, xe lu ra vào rất nhiều nhưng không thấy thanh tra xây dựng đến xử lý. Trong khi người dân chỉ cần chở một xe cát hay gạch là họ đến hỏi ngay xây gì, làm gì, có phép chưa”. Người viết cũng chẳng biết trả lời thế nào nên đồ rằng họ bận. Bận như cái cách thanh tra xây dựng từng cho mình cái quyền “tung hoành” ngoài lĩnh vực như giao thông, trật tự đô thị, môi trường. Đến khi dân thấy khổ quá, phiền quá phải la làng trên báo chí thì Bộ mới cơ cấu lại lực lượng này.
Trở lại với câu chuyện “hợp thức hóa” công trình sai phép, trong tháng 2 vừa qua, Bộ Xây dựng đã ra Thông tư 02 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Đọc xong Thông tư 02 càng cảm thấy những người soạn thảo văn bản hình như rất giỏi… “chơi chữ”.
Cụ thể, tại khoản 3, điều 11 của thông tư 02 ghi rõ: Hành vi xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt mà đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP nhưng chưa thực hiện, nếu xét thấy việc xây dựng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định:
a) Hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ;
b) Ban hành quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình.
Video đang HOT
Đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng sau khi chủ đầu tư chấp hành đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả. Quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả lập theo Mẫu quyết định số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
Một văn bản dưới luật như Thông tư 02 lại có quyền hạn quá lớn để những người vi phạm pháp luật về xây dựng yên tâm hợp thức hóa công trình của mình. Ngân sách sẽ thu về không ít từ việc phạt các hành vi vi phạm như thế này, sẽ chảy vào “túi ai”, là câu hỏi đã đành, nhưng điều lớn hơn luật pháp về quản lý xây dựng vì thế có vẻ đang bớt dần đi tính nghiêm minh.
Khi trao đổi điều này với một người bạn nước ngoài sống nhiều năm ở Hà Nội, anh ta cười lớn: “Thủ đô của cậu có những ngôi nhà xây kiểu dưới nhỏ trên to, dưới thụt vào trên thò ra nhan nhản. Ở nước tớ, xây kiểu ấy có khi đi tù chứ không đùa!”
Cái hợp lý sẽ tồn tại nhưng những thứ tồn tại lại chưa chắc đã hợp lý. Và những công trình sai phép, sai thiết kế là một thứ tồn tại có thể trả giá trong tương lai bằng uy tín của chính quyền và các hệ lụy khác.
Nhìn vào cái cách hành xử với pháp luật kiểu này, họ sẽ sống và làm việc theo pháp luật kiểu… nào đây?
Nhất Ngôn
Các bài cùng tác giả: Dân không cần công bộc? Các đại biểu Hội đồng Nhân dân đã giám sát như thế nào đối với những địa phương mà dân- “người chủ” phải tự tổ chức sửa chữa, điều hành các dịch vụ công cộng, còn các “công bộc” thì làm gì? Thưa bà Bộ trưởng Y tế: Điều gì “làm bẩn áo blouse”? Nơi “nói không với phong bì” vẫn nhan nhản cảnh… nhận phong bì! Mà 5 bệnh viện “nói không với phong bì” là con số quá nhỏ so với tổng số 1.500 bệnh viện khắp cả nước. Làm dân khó lắm! Con người, nếu không được ăn học mà ngu dốt, kém cỏi là một vấn đề. Nhưng biết mà không nói hoặc nói khác đi bản chất câu chuyện, lại là một vấn đề khác….
Theo_VietNamNet
Chuyện gì cũng "chạy" được?
Quy định có tính thỏa hiệp như vậy trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, tạo cho người dân tâm lý không tôn trọng pháp luật và chuyện gì cũng có thể "chạy" được.
Vừa qua Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BXD, trong đó có quy định về công trình xây dựng sai phép, không phép được phạt tiền cho tồn tại. Thông tư này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Thực thi pháp luật chưa nghiêm
Có người cho rằng Thông tư được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ vì phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, tạo điều kiều kiện vừa đảm bảo thu được ngân sách vừa giữ nghiêm pháp luật. Đây là cách tháo gỡ khó khăn phát sinh.
Nhà siêu mỏng, siêu méo ở Thủ đô. Ảnh: dothi.net
Đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng xét về hiệu quả xã hội, nếu tháo dỡ phần diện tích vi phạm thì thiệt nhiều hơn lợi vì tốn tiền của chủ đầu tư cũng là tiêu tốn của cải xã hội. Nhưng để cho phần diện tích trái phép của các công trình tồn tại mà chủ đầu tư không phải nộp đồng nào trong số lợi nhuận họ thu được từ phần công trình bất hợp pháp trên, thì người đi sau sẽ nhìn người đi trước mà tiếp tục vi phạm.
Thông tư số 02 thực chất là để cụ thể hóa Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó khẳng định các vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch đều phải phát hiện kịp thời, phạt tiền, cưỡng chế phá dỡ.
Tuy nhiên có bổ sung một quy định đó là: Đối với các công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được duyệt, đã đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, công trình đó không vi phạm chỉ giới xây dựng, có chủ quyền về đất xây dựng hợp pháp, không tranh chấp, không có khiếu kiện. Thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng, hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình...
Mặc dù Nghị định đã qui định rất chặt chẽ như quy định cơ sở để cấp phép xây dựng là phải có quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được công khai trước dân... nhưng trên thực tế, hầu hết không thực hiện dẫn đến việc tùy tiện trong việc thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng.
Chính vì lý do đó mà nhiều công trình xây dựng vượt tầng, sai phép, nhưng không phá dỡ được vẫn tồn tại. Chẳng hạn ở Hà Nội đã ra quân "cắt ngọn" nhiều lần, nhưng mỗi lần cũng chỉ cắt được một số không đáng kể. Chứng tỏ các quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống hoặc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Điều đó đặt ra cần phải nghiên cứu bổ sung để pháp luật được thực thi.
Một thực tế đặt ra, nhiều công trình để tồn tại cũng không ảnh hưởng gì đến đô thị và môi trường xung quanh và nhiều chủ công trình cũng đã xin được cắt ngọn xin được nộp tiền do sai phạm gây ra để được miễn cắt...
Thật ra, đây là việc giải bài toán thực tế hay nói đúng hơn, là sửa sai, do đó vấn đề tranh luận là đương nhiên. Song đã là luật pháp thì phải nghiêm minh, phải sửa trên cơ sở của luật pháp.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cho biết, ông không đồng tình với quan điểm cho phép được nộp phạt để các công trình xây dựng trái phép được tồn tại. "Nếu phạt cho cái sai tồn tại thì luật để làm gì?" - ông Liêm đặt câu hỏi.
Còn theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, pháp luật phải nghiêm chứ không nên thỏa hiệp. "Tôi hơi lo khi biết cơ quan chức năng có quy định có tính thỏa hiệp như vậy trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Nó tạo cho người dân tâm lý không tôn trọng pháp luật và chuyện gì cũng có thể "chạy" được".
Sẽ dẫn đến nhờn luật
Có người cho rằng quy định này được đưa ra trong hoàn cảnh quản lý đô thị tỏ ra bất lực khi thi hành pháp luật. Và không thể để tất cả các trường hợp xây dựng trái phép đều được nộp phạt. Vì nếu như thế sẽ dễ dẫn đến "nhờn luật".
Phải xét trong từng trường hợp cụ thể, trường hợp nào cho phép nộp phạt để tồn tại, trường hợp nào có thể tịch thu xung công ích hoặc nếu không đáng thì nên phá. Chứ như hiện nay, sai phạm phổ biến nhất trong xây dựng thường là đội tầng, lên tầng trái phép. Còn nếu cứ hễ vi phạm là lại được nộp phạt để tồn tại thì luật chẳng có giá trị gì, cũng chẳng răn đe được ai cả.
Lâu nay, việc sai phạm trong xây dựng các công trình, dự án đã trở thành "cơm bữa". Ở đâu cũng thấy sai phạm. Chính cơ chế xin - cho đã và đang tạo nên những tiền lệ xấu cho việc xây dựng trái phép các dự án một cách tràn lan. Và xử lý sai phạm như qui định của pháp luật tuy có nhưng không cụ thể, dẫn đến thực tế số tiền thu được rất lớn nhưng không vào ngân sách nhà nước. Chính từ chỗ đó tạo kẽ hở cho một số cá nhân phụ trách lĩnh vực này đã lợi dụng theo kiểu "đục nước béo cò", thực chất là tham nhũng.
Việc Bộ Xây dựng đưa ra thông tư đó cũng là một sự điều chỉnh thực tế nhưng lại nặng về "thỏa hiệp", vừa muốn giải quyết sai phạm đã diễn ra, vừa muốn chống thất thoát bằng những con số qui định.
Tuy nhiên cũng cần đặt câu hỏi về những bất cập trong việc cấp phép xây dựng của bộ máy chính quyền. Tại sao những chỗ có thể cấp phép cho xây dựng nhà, cấp phép được xây cao tầng không ảnh hưởng như Nghị định đã nêu, lại không được cấp phép một cách công khai minh bạch.
Chính Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng phải thừa nhận trước diễn đàn Quốc hội, những rối rắm trong thủ tục cấp phép xây dựng hiện nay và ông cũng đã nói, sẽ cố gắng giảm tối đa thủ tục cấp phép xây dựng. Vì thế, việc Bộ Xây dựng ra Thông tư 02 với một quy định khá hy hữu nói trên, có lẽ vì chưa sửa gốc được, nên nhà quản lý đành sửa phần ngọn, như vậy vừa đỡ gây lãng phí mà cũng khiến cho DN bớt nặng gánh.
Nhưng đã là quy định, đã là luật thì dứt khoát không thể có chuyện nhượng bộ. Quy định là qui định, nhượng bộ là thỏa hiệp là nhờn luật. Nếu như vậy chúng ta sẽ không bao giờ mơ chuyện pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh là "sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật". Và trong lĩnh vực xây dựng "sai một ly đi một dặm" đó là sự lộn xộn của một thành phố, là sự xô bồ của kiến trúc đô thị.
Nói về những bất cập liên quan đến việc cấp phép xây dựng, ông Trần Ngọc Hùng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho bộ mặt Thủ đô trở nên nhộm nhoạm như hiện nay, chính là bởi việc cấp phép xây dựng một cách tùy tiện. Đơn cử như việc, tại phố Đặng Dung, nhà quản lý vừa "cắt" đi một tòa nhà cao tầng thì cách đó không xa, lại cho phép xây dựng hai tòa nhà cao chót vót, hơn cả tòa nhà vừa... bị cắt.
Sống và làm việc theo pháp luật đó không chỉ là nếp sống văn minh mà còn là phương pháp, cách thức để phòng chống tham nhũng hiệu quả. Bởi suy cho cùng tham nhũng chỉ mọc ra ở những nơi còn tranh tối tranh sáng, những qui định không rõ ràng, pháp luật chưa chưa đủ sức bao quát và bị lợi dụng.
Đặng Nguyễn
Theo_VietNamNet
Nộp phạt trực tiếp cho CSGT: nảy sinh tình trạng "làm luật" ? Cảnh sát giao thông được trực tiếp thu tiền từ người vi phạm với mức tiền được thu cao hơn trước. Nhiều người lo ngại quy định này làm nảy sinh nhiều tiêu cực. Bộ Công an đang dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực...