Nhận lời yêu rồi bị bán sang Trung Quốc
Lềnh chở chị S. đi chơi, vừa đi, anh ta vừa nói chuyện yêu đương, tán tỉnh chị S. Do tin tưởng những lời Lềnh nói, chị S. đã nhận lời yêu.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2017, Vừ A Lềnh (30 tuổi, ở Bảo Lạc, Cao Bằng) sang Trung Quốc làm thuê. Tại đây, Lềnh tình cờ gặp và quen biết với Lầu Thị Say (36 tuổi, quê Mèo Vạc, Hà Giang).
Mối quan hệ trên trở nên thân thiết hơn khi hai người tình cờ gặp lại nhau tại Việt Nam. Cả hai cho nhau số điện thoại, đồng thời Say mời Lềnh về nhà mình chơi.
Khi đến nhà, Say bảo Lềnh tìm và lừa đưa phụ nữ đến giao cho Say và chồng là Sùng Sính Phó để họ đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán. Đổi lại, Say sẽ cho Lềnh tiền. Nghe Say nói vậy, Lềnh đã đồng ý.
Đến khoảng tháng 8/2019, Lềnh xin được số điện thoại của chị H.T.S (35 tuổi, quê Tuyên Quang). Từ đó, Lềnh gọi điện, tán tỉnh chị S. Mục đích để chị S. tin tưởng rồi lừa đưa đến cho vợ chồng Say, mang sang Trung Quốc bán.
Theo tài liệu điều tra, để tránh bị phát hiện, khi làm quen với chị S., Lềnh giới thiệu bản thân tên Đại, nhà ở Mèo Vạc, Hà Giang. Và sau nhiều ngày gọi điện nói chuyện, tán tỉnh, Lềnh nói với chị S. rằng Lềnh yêu và muốn lấy chị S. làm vợ.
Video đang HOT
Vừ A Lềnh
Theo kế hoạch đã vạch ra, Lềnh đến gặp chị S. Gặp nhau, chị S. tiếp tục yêu cầu Lềnh phải về nhà mình thưa chuyện với cha mẹ. Nghe vậy, Lềnh nại ra lý do ở quê Lềnh trai gái lấy nhau không phải xin ý kiến cha mẹ, cưới xong mới nói, nếu chị S. nhất quyết bắt Lềnh phải về nhà gặp gia đình chị S. nói chuyện thì Lềnh không đi nữa.
Quá trình dừng xe “đôi co”, chị S. lấy điện thoại của mình chụp ảnh Lềnh và xe máy. Lo sợ chị S. gửi ảnh của mình cho người nhà, Lềnh lấy tay che mặt lại, tiếp tục thuyết phục chị S. theo mình về Mèo Vạc làm dâu.
Khi chị S. đồng ý, Lềnh đã chở “vợ” tới giao cho vợ chồng Say. Quá trình Lềnh và Say gọi điện trao đổi, mặc cả giá bán chị S., Sùng Sính Pó ngồi cạnh vợ nên nghe được toàn bộ nội dung.
Đến rạng sáng 15/9/2019, Lềnh đưa chị S. đến điểm hẹn với Say. Nhận được điện thoại của Lềnh, Sùng Sính Pó chở Lầu Thị Say đến. Nhìn thấy vợ chồng Say, Lềnh liền nói “đây là con dâu của bố mẹ” và bảo với chị S. đây là bố mẹ Lềnh. Nghe vậy, chị S. hỏi vợ chồng Say: “Có phải bố mẹ của Đại thật không”. Say đáp: “Phải, đây là bố mẹ của Đại”.
Sau đó, Lềnh nói với chị S. đoạn đường mòn phía trước có đám ma, Lềnh không thể đi qua được, nếu đi qua sẽ chết sớm và bảo chị S. đi cùng vợ chồng Say qua đonạ đường trước đó, Lềnh sẽ đi đường khác đuổi theo. Do tin tưởng nên chị S. đồng ý, đi theo vợ chồng Say mà không biết bị dẫn sang Trung Quốc lúc nào chẳng hay.
Tối 15/9/2019, Say gọi điện thoại về báo chị S xấu quá chưa có người mua song Lềnh liên tục giục phải xúc tiến nhanh. Hai ngày sau, Say trở về và nói đã bán chị S. được 13.000 nhân dân tệ cho một gia đình người Mông bên Trung Quốc. Say đưa cho Lềnh 10.000 nhân dân tệ. Số còn lại Say sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Lềnh sau đó xuống trung tâm huyện Mèo Vạc đổi 10.000 nhân dân tệ được gần 32 triệu đồng để tiêu xài cá nhân.
Về phía gia đình chị S., khi thấy con gái “mất tích” với người đàn ông tên Đại đã làm đơn trình báo công an. Nhờ những tấm ảnh chị S. chụp Lềnh khi hai người dừng xe nói chuyện gửi qua messenger cho người thân, cơ quan chức năng đã bắt giữ được Lềnh và Pó. Cũng trong thời gian trên, sau hơn 1 tháng bị giam lỏng ở Trung Quốc, chị S. đã trốn được về Việt Nam.
Với hành vi nêu trên, Vừ A Lềnh và Sùng Sính Pó bị kết án lần lượt là 8 năm 6 tháng và 8 năm tù về tội “ Mua bán người”.
Hương vị độc đáo từ mác cai rừng
Mác cai rừng (theo tiếng địa phương) mang đậm phong vị chua của núi rừng, thanh mát và có mùi thơm. Vị chua đặc biệt của loại quả này đã góp phần làm phong phú và tạo nên nét đặc trưng rất riêng cho các món ăn khi chế biến cùng.
Mác cai rừng được bày bán tại chợ phiên thị trấn Bảo Lạc.
Đến các chợ phiên ở các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm... rất dễ gặp những chùm mác cai rừng như quả xoài xanh khi còn nhỏ được bày bán thu hút nhiều người mua. Quả mác cai rừng chỉ to như quả trứng gà, vỏ quả màu xanh đậm, tròn phần eo và nhỏ dần về đuôi quả. Nếu quả non vị chua không đậm và có màu xanh nhạt. Trái chín nhiều vào khoảng tháng 5, 6 trong năm và được người dân mua về dự trữ trong tủ đá làm gia vị chính để chế biến nhiều món ăn quanh năm.
Món ăn nổi tiếng nhất chỉ có tại các huyện miền Tây là canh cá chua mác cai. Nguyên liệu cá được đánh bắt từ sông Gâm vốn nổi tiếng với các loại cá quý, thơm ngon như: Cá anh vũ (cá mõm lợn), cá lăng, cá bống, cá dầm xanh; đặc biệt là cá chiên - loài cá nằm trong Sách đỏ. Sau khi làm sạch cá cắt khúc để ráo, ướp gia vị. Mác cai rừng rửa sạch để nguyên vỏ, bổ múi cau. Cho mác cai vào nồi với một lượng nước vừa đủ đun sôi để mác cai chín chuyển từ màu xanh sang màu vàng thì cho cá, cà chua vào. Tiếp tục đun trên bếp khoảng 10 - 15 phút, trước khi bắc xuống cho chút rau răm thái nhỏ vào. Bát canh hòa quyện với nhiều màu sắc hấp dẫn, đặc biệt, mùi thơm từ mác cai làm mất đi mùi tanh của cá, nước canh có vị chua nhưng rất thanh. Khi ăn hương vị thơm ngon khó nơi nào có được.
Món canh cá chua từ mác cai rừng thơm ngon, độc đáo.
Mác cai rừng còn được dùng để làm gia vị chính khi làm món cá kho. Cá làm sạch, ướp tiêu, đường, mắm, bột ngọt, rồi cho mác cai đã dằm nát vào nồi hoặc rửa mác cai rồi cho vào kho ngay. Cách kho này tạo cho nồi cá kho có vị và mùi thơm đặc trưng. Trong tiết trời se se lạnh, một bát cơm trắng với miếng cá kho cùng vị chua mác cai sẽ khiến mọi người ăn mãi không ngán.
Món ăn chế biến từ mác cai rừng phổ biến nhất, dễ nấu, dễ ăn nhưng lại tạo sự ngon miệng chính là nước canh chua từ rau luộc. Bất kể nước luộc rau muống, cải, bí xanh... sau khi vớt ra chỉ cần thêm 2 - 3 quả mác cai là có ngay món canh chua vừa ngon và mát. Ngoài ra, món canh từ nước luộc thịt cũng rất hấp dẫn, khi để tăng thêm hương vị người ta lấy mác cai vào, thêm chút hành, ngổ cho dậy mùi.
Khác với quả me, tai chua, sấu... thường sử dụng kèm với nhiều gia vị thì với vị chua, mát và có mùi thơm rất riêng nên mác cai thường dùng trong những món ăn đơn giản, dế nấu, không đòi hỏi nhiều nguyên liệu phụ. Các món ăn chế biến với mác cai rừng cũng như con người vùng cao giản dị, mộc mạc nhưng giàu bản sắc, đậm đà, khó quên.
Cá nướng Bảo Lạc Bảo Lạc vốn nổi tiếng với những món ăn được chế biến khéo léo và tinh tế, thể hiện nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực các dân tộc như: bánh chưng đen, cá nướng, thịt lợn chua, lạp sườn hun khói... Với hương vị thơm ngon, hấp dẫn, cá nướng là món ăn khiến nhiều thực khách ấn tượng hơn cả....