Nhận hối lộ tình dục bị xử sao?
Tại nhiều nước tiên tiến, luật pháp đều quy định dù hối lộ vật chất hay phi vật chất (như hối lộ tình dục) thì đều bị xếp vào hàng tội phạm tham nhũng.
Mới đây, tại hội thảo “Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật Hình sự năm 1999″, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, cho biết hiện nay ở Việt Nam chắc chắn có tình trạng hối lộ bằng tình dục. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên đưa hành vi hối lộ bằng tình dục vào Bộ luật Hình sự. Trong khi đó, thực tế hiện nay tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, hành vi hối lộ tình dục đều bị quy thành tội hình sự và bị xử lý rất nặng.
Giải thích tại sao hiện nay Việt Nam chưa đưa hối lộ tình dục vào luật hình sự, nhiều chuyên gia cho rằng hành vi hối lộ bằng tình dục là hiện tượng không mới nhưng để đưa vào những quy luật pháp luật để xử lý thì rất khó. Trong khi tại Anh, Mỹ hay Singapore, hối lộ tình dục được xếp vào loại tội phạm tham nhũng nguy hiểm không thua kém so với các loại tham nhũng hình thức hối lộ tài sản, tiền bạc.
Ba bài học từ Singapore
Với phương châm ngăn ngừa tham nhũng từ trong trứng nước, Đạo luật Chống tham nhũng (PCA) của Singapore dự tính trước mọi biến tướng của hành vi đưa hối lộ, trong đó hành vi hối lộ tình dục cũng không nằm ngoài “tầm ngắm”.
Trong tháng 6-2010, ông Peter Lim, nguyên là lãnh đạo lực lượng cứu hỏa Singapore (SCDF), đã phải ra tòa vì bị cáo buộc nhận hối lộ tình dục. Ông đã có mối quan hệ bất chính với một nữ tổng giám đốc của một công ty công nghệ thông tin.
Video đang HOT
Đổi lại, công ty này sẽ có được mối quan hệ làm ăn “tốt đẹp” với SCDF. Do vị lãnh đạo SCDF cũng không nhận thêm khoản hối lộ vật chất nào khác, tòa đã tuyên án Peter Lim sáu tháng tù giam, không bảo lãnh và cũng bác luôn mọi đơn kháng án của ông nhằm “trấn an công chúng”.
Tại Mỹ, “hối lộ” là hành vi “đề nghị”, “đưa”, “nhận”, “gạ gẫm” bất kỳ một dạng giá trị nào làm ảnh hưởng đến hành vi của một công chức hay người nào đó thực hiện công vụ hoặc chức vụ pháp lý. Nguồn: usa.chinadaily.com
Cũng trong tháng này, một cựu lãnh đạo của Cục Điều tra tội phạm ma túy trung ương (CNB) cũng phải ra tòa chỉ vì nhận hối lộ tình dục. Tuy nhiên, ông được tòa tuyên trắng án vì các công tố viên không tìm ra đủ bằng cớ để chứng minh “mục đích tham nhũng” của hành vi. Vụ án của ông hiện vẫn đang bị các cơ quan điều tra giám sát và tìm kiếm thêm bằng chứng.
Không chỉ “sờ gáy” các vị quan chức cấp cao, Đạo luật PCA của Singapore thậm chí còn giám sát luôn cả môi trường sư phạm. Trong tháng 7-2012, một giảng viên luật của ngôi trường ĐHQG Singapore (NUS) danh tiếng đã phải ra hầu tòa vì nhận hối lộ tình dục và quà cáp của sinh viên. GS Tey Tsun Hang đã bị cáo buộc sáu tội danh nhận hối lộ để nâng điểm cho một số sinh viên của mình. Sau phiên tòa công khai kéo dài 28 ngày, được đưa tin dày đặc trên toàn quốc, Tey đã bị kết án năm tháng tù giam.
Singapore luôn được xem là quốc gia chống tham nhũng hàng đầu thế giới. Theo kết quả điều tra (năm 2013) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transperancy International), Singapore đã được xếp hạng năm trên tổng số 177 quốc gia về độ trong sạch của chính quyền (thứ hạng càng cao tức là mức độ tham nhũng càng thấp).
Có thể thấy được ba bài học lớn trong cách Singapore giải quyết vấn đề hối lộ tình dục như sau: (1) Hình thức xử phạt chủ yếu đánh vào người nhận hối lộ, vì đó mới chính là đối tượng tham nhũng. (2) Nghiêm khắc xử phạt tham nhũng ở mọi mức độ, mọi đối tượng. Các vụ án tham nhũng không phải chờ đến quan chức cấp cao, quy mô tham nhũng lớn mới xử lý. Có như vậy thì tính răn đe và sự tôn nghiêm của tinh thần pháp luật mới được đảm bảo. (3) Khái niệm về hối lộ được định nghĩa là cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần, giúp dễ dàng giải quyết các trường hợp biến tướng của hối lộ, mà cụ thể là hối lộ tình dục.
Quan chức nào “đổi quyền lấy tình” đều sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Ảnh: growthbusiness.co.uk
Trung Quốc cũng mạnh dạn cải cách
Vấn đề chống hối lộ tình dục bắt đầu nổi cộm tại Trung Quốc từ những năm đầu thế kỷ 21, khi lần lượt nhiều quan chức cấp cao trong hàng ngũ lãnh đạo nước này bị sa lưới lực lượng chống tham nhũng. Thế nhưng cơ chế luật pháp chống tham nhũng của Trung Quốc chỉ quy tội tham nhũng dưới hình thức hối lộ về vật chất chứ không thừa nhận hình thức hối lộ về tinh thần, trong đó có tình dục.
Một số cơ quan Trung Quốc đã quyết định tự xử lý nội bộ các trường hợp hối lộ “xôi thịt”. Năm 2007, tờ nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh đã đưa tin về một vụ xử kín trong nội bộ lực lượng công an Trung Quốc.
Theo đó, một quan chức lực lượng cảnh sát chữa cháy bị cáo buộc nhận hối lộ tình dục đã được Bộ Công an nước này chuyển đến xét xử tại một phiên tòa kỷ luật nội bộ. Hành động này của Bộ Công an nhằm tạo sức ép cải cách luật pháp, giúp nhà lập pháp vượt qua các tranh cãi và thừa nhận khái niệm hối lộ tình dục.
Đến tháng 7-2007, TAND Tối cao và VKSND Tối cao Trung Quốc đưa ra khái niệm mới hơn về hối lộ: “Sử dụng người có quan hệ đặc biệt để trục lợi, bao gồm người thân, họ hàng, người tình và những người cùng chia sẻ lợi ích”. Quan chức nào “đổi quyền lấy tình” đều sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.
Ba cái khó khi xử lý tội danh hối lộ tình dục
(1) Hối lộ tình dục là dạng hối lộ không có giao dịch tiền tệ, vật chất nên khó bị phanh phui cho đến khi một bên tham gia lên tiếng làm chứng hoặc các thỏa thuận trao đổi của hai bên bị tiết lộ (ghi âm, quay lén, tiết lộ thư từ…).
(2) Theo như Giáo sư luật học kiêm Chánh án Ma Kechang, việc kết tội cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở để “định lượng” mức độ phạm tội. Fang Deng, giảng viên của ĐH Khoa học Chính trị Trung Quốc, cho biết khó có thể “tính toán” được số lần quan hệ tình dục hay số người quan hệ tình dục là bao nhiêu thì mới “thỏa” khái niệm giá trị.
(3) Không thể loại trừ nhiều trường hợp cả hai bên thật sự nảy sinh tình cảm với nhau, mặc dù đó là quan hệ bất chính. Như vậy nhà điều tra và cơ quan xét xử sẽ khó kết luận chính xác về động cơ tham nhũng của mối quan hệ.
Theo ĐẠI THẮNG – TRUNG NHÂN
Pháp luật TP Hồ Chí Minh