Nhận định chứng khoán tuần tới: Có thể gặp khó trong nỗ lực phục hồi
Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới, cùng với việc không có thông tin tích cực hỗ trợ, tuần tới thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục gặp khó khăn trong nỗ lực phục hồi.
Nhận định chứng khoán tuần tới: Có thể gặp khó trong nỗ lực phục hồi. Ảnh minh họa: TTXVN
Thực tế, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam giảm khá mạnh trong tuần qua, đi kèm với đó là thanh khoản cũng tiếp tục giảm.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ 27 – 31/5, VN – Index giảm 10,15 điểm xuống 959,88; HNX – Index giảm 1,038 điểm xuống 104,35 điểm.
Thanh khoản trung bình mỗi phiên trong tuần qua suy giảm so với tuần trước đó với chỉ khoảng 3.700 tỷ đồng giao dịch/phiên trên cả hai sàn.
Thanh khoản giảm cho thấy giới đầu tư đang rất thận trọng trong giao dịch. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu vì trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới lao dốc mạnh như tuần vừa qua sẽ có ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 770,65 điểm, tương đương 3,01%, xuống 24.815,04 điểm, ghi dấu tuần giảm thứ sáu liên tiếp, giai đoạn mất điểm dài nhất kể từ năm 2011. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 2,6%, xuống 2.752,06 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,4%, xuống 7.453,15 điểm.
Tháng Năm cũng là tháng giảm mạnh nhất của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ năm 2010, với chỉ số Dow Jones giảm 6,7%, chỉ số S&P 500 giảm 6,6% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 7,9%.
Những căng thẳng thương mại trên toàn cầu rõ ràng đã và đang có những ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán.
Ngày 1/6, Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc nhập cảng nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc cùng ngày cũng nâng mức thuế đối với nhiều mặt hàng trong danh mục trị giá 60 tỷ USD mà Washington xuất sang Bắc Kinh.
Trong khi đó, theo Bloomberg, Trung Quốc có kế hoạch sẵn sàng trong việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ nếu thấy cần thiết. Những biện pháp này sẽ được tập trung vào đất hiếm nặng được sử dụng trong ô tô và các sản phẩm tiêu dùng mà Mỹ có nhu cầu lớn.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Trump thông báo sẽ áp thuế 5% lên hàng nhập khẩu của Mexico, nhằm gây sức ép buộc nước này phải ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép vào nước Mỹ.
Trên mạng Twitter, ông cho biết, thuế sẽ tăng lên 10% vào ngày 1/7 nếu cuộc khủng hoảng người nhập cư không được giải quyết và tăng thêm 5% mỗi tháng sau đó, lên 25% vào ngày 1/10, duy trì ở mức này cho đến khi Mexico chấm dứt được tình trạng để người di cư bất hợp pháp vào lãnh thổ Mỹ.
Theo nhà phân tích về hàng hóa Robbie Fraser tại Schneider Electric, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kế hoạch áp thuế 5% lên hàng hóa của Mexico với dự kiến sẽ còn tăng lên các mức cao hơn, liên quan đến vấn đề an ninh biên giới, sẽ gây thêm những lo ngại về thương mại và kinh tế, trong khi cũng tiềm ẩn nguy cơ tác động đến dầu thô, khi Mexico là đối tác thương mại chủ chốt về năng lượng của Mỹ.
Giá dầu của Mỹ giảm hơn 5% trong phiên cuối tuần, khiến mức giá tuần và tháng đều giảm mạnh, khi việc Mỹ đe doạ áp thuế lên hàng hóa của Mexico gây lo ngại về kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.
Cụ thể, giá dầu thô West Texas Intermediate giao tháng Bảy tại Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 3,09 USD, hay 5,5%, xuống chốt phiên 31/5 ở mức 53,5 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 12/2.
Giá dầu theo hợp đồng này giảm gần 8,8% trong cả tuần và giảm 16,3% trong tháng Năm, theo Dow Jones Market Data. Đây là tháng mà giá dầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2018, khi giá giảm 22%.
Trong khi đó, trong ngày hết hạn, hợp đồng giao tháng Bảy đối với dầu Brent giảm 2,38 USD, hay 3,6%, xuống 64,49 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 13/2. Giá dầu theo hợp đồng này giảm 6,1% trong tuần và 11,4% trong tháng Năm.
Xu hướng đi xuống của giá dầu thế giới đã tác động tiêu cực tới nhóm cổ phiếu dầu khí, khiến hàng loạt mã quan trọng trong nhóm dầu khí giảm giá như: GAS giảm 2,1%, PLX (0,4%), BSR (0,7%), PVD (4,8%), PVS (5%), PVB (3,1%), PVC (2,8%)…, gây áp lực rất lớn lên 2 chỉ số.
Trong tuần tới, chưa có thông tin tích cực nào giúp nhóm cổ phiếu này đảo chiều xu hướng. Có lẽ áp lực giảm giá vẫn “đè nặng” lên nhóm cổ phiếu này, từ đó gây ra những khó khăn cho nỗ lực hồi phục của thị trường chung.
Nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng cũng đang yếu đi. Tuần qua, các mã cổ phiếu quan trọng nhất trong nhóm này đều ở chiều giảm giá như: CTG giảm 4,2%, BID (3,1%), VPB (2,4%), TCB (2,6%), SHB (1,4%), ACB (0,7%)…
Diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng cho thấy, không những giảm giá mà dòng tiền tỏ ra khá “thờ ơ” với nhóm cổ phiếu này. Không có động lực nâng đỡ từ dòng tiền có lẽ nhóm cổ phiếu ngân hàng khó hồi phục trong tuần tới.
Diễn biến của những mã cổ phiếu có mức vốn hóa lớn đầu bảng trên thị trường cũng đang có diễn biến tiêu cực. Cụ thể, VIC có 3/5 phiên giảm giá với tổng mức giảm 0,3%, VHM giảm tới 3%, VNM (0,7%), MSN (1,6%)… Các mã còn lại đa số đi ngang, tích cực nhất có VJC khi mã này tăng 3,8% với 4/5 phiên tăng điểm.
Như vậy, hầu hết các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đều đang ở chiều giảm giá và đi ngang tích lũy. Chưa có cơ hội rõ ràng nào để các cổ phiếu này có thể quay đầu tăng giá trong tuần tới.
Ngoài ra, thị trường còn chịu thêm áp lực bán ròng của khối ngoại. Theo đó, khối ngoại trong tuần cuối tháng Năm đã bán ròng trên toàn thị trường.
Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 80,7 triệu cổ phiếu, trị giá 3.389 tỷ đồng, trong khi bán ra 74,7 triệu cổ phiếu, trị giá 3.659,3 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 6 triệu cổ phiếu, nhưng tính về giá trị thì khối ngoại bán ròng trở lại 270 tỷ đồng.
Như vậy, xét đến diễn biến từ tình hình thế giới và giao dịch nội tại của các nhóm cổ phiếu cho thấy cơ hội hồi phục của thị trường trong tuần tới là khá mong manh.
Nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần chứng khoán Agribank nhận định: Dòng tiền gặp khó trong việc tìm kiếm các cơ hội mới là nguyên nhân khiến thị trường chịu áp lực điều chỉnh mạnh. Các cổ phiếu đã tăng giá tích cực trong giai đoạn vừa qua liên tục bị chốt lời và tạo đỉnh ngắn hạn, đây là tín hiệu tiêu cực cho thấy thị trường đang thiếu đi động lực tăng điểm.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC, tuần tới, VN – Index dự kiến sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 955 – 960 điểm trong những phiên giao dịch đầu tuần. Chỉ số được kỳ vọng sẽ hồi phục tại vùng điểm này để hướng đến thử thách vùng cản 968 – 972 điểm.
“Mặc dù vậy, chúng tôi cũng lưu ý rằng, nếu chỉ số tiếp tục xuyên thủng vùng hỗ trợ trên thì nguy cơ thị trường giảm mạnh về các vùng hỗ trợ sâu hơn như 935 – 945 điểm hay 910 – 920 điểm trong thời gian tới là điều cần được tính đến”, BVSC khuyến nghị./.
Theo
Video đang HOT
Phiên 31/5: Mạnh tay bắt đáy, khối ngoại mua ròng hơn 210 tỷ đồng
Khối ngoại quay lại mua ròng hơn 200 tỷ đồng trên HOSE và 10 tỷ đồng trên UPCoM.
Trên HOSE, khối ngoại thực hiện mua vào 533 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường và bán ra 329 nghìn đơn vị.
Đứng đầu giá trị mua ròng là HPG với 41,7 tỷ đồng, tương ứng 1,3 triệu đơn vị. Ảnh hưởng tích cực từ hoạt động trên, HPG tăng nhẹ 0,3% lên giá 32.100 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, khối này cũng giải ngân mạnh vào các mã khác như VCB (389 nghìn đơn vị), PLX (409 nghìn đơn vị), HVN (487 nghìn đơn vị), NVL (342 nghìn đơn vị), VJC (153 nghìn đơn vị) và BVH (216 nghìn đơn vị). Điều chỉnh mạnh nhất, PLX mất 2,6% về lại giá 63.100 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, khối này chỉ tập trung bán mạnh ở VNM với khối lượng 368 nghìn đơn vị, tương ứng 48 tỷ đồng. Chốt phiên, VNM mất 1,5% về lại giá 129.500 đồng/cổ phiếu.
Còn lại, các mã khác chỉ bị bán ra nhẹ như VHM (94 nghìn đơn vị), SSI (243 nghìn đơn vị), YEG (53 nghìn đơn vị), DPM (155 nghìn đơn vị) và BMI (104 nghìn đơn vị).
Trên HNX, vẫn không có hoạt động gì đáng chú ý, khối ngoại chỉ mua vào 2,7 tỷ đồng và bán ra 3,7 tỷ đồng.
Bên mua giải ngân nhẹ vào các mã như TIG (215 nghìn đơn vị), ART (90 nghìn đơn vị) và SHB (25 nghìn đơn vị).
Chiều ngược lại, khối này cũng chỉ bán ra tập trung ở 2 cổ phiếu là PVS (68 nghìn đơn vị) và DNP (54 nghìn đơn vị). Chốt phiên, PVS mất 4,6% về lại giá 22.600 đồng/cổ phiếu, còn DNP giữ giá tham chiếu.
Trên UpCoM, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 2 với giá trị hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, bên giải ngân vào 2 cổ phiếu chính là VEA (151 nghìn đơn vị), VTP (19 nghìn đơn vị). Giao dịch tích cực, cả 2 cổ phiếu trên đều tăng nhẹ.
Bên bán ròng, khối này bán ra nhẹ ở các mã HND (124 nghìn đơn vị), BSR (80 nghìn đơn vị), SDI (9 nghìn đơn vị) và VGI (17 nghìn đơn vị).
MAI HƯƠNG
Theo bizlive.vn
Chứng khoán 31/5: VN-Index có thể hồi phục do đã về ngưỡng 969,5 điểm Thị trường chứng khoán vừa giảm điểm nhẹ phiên thứ ba liên tiếp với thanh khoản vẫn ở mức thấp, VN-Index hiện đang kết phiên ngay trên ngưỡng 969,5 điểm (MA20). Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 30/5, chỉ số VN-Index giảm 2,20 điểm, tương đương 0,23% về mức 969,34 điểm. Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index biến động tăng giảm...