Nhận diện mỹ phẩm xanh
Sử dụng mỹ phẩm xanh đang là một phong trào càng ngày càng mạnh mẽ. Tại những quốc gia Âu, Mỹ, không chỉ các thương hiệu mỹ phẩm hữu cơ (organic) ra đời nhiều hơn mà số sản phẩm được chứng nhận hữu cơ cũng có mặt nhiều hơn trên thị trường. Vậy mỹ phẩm hữu cơ là gì và những gì quyết định sản phẩm đó là hữu cơ?
Từ nông trại đến giấy chứng nhận
Dù nhiều hay ít, mỹ phẩm hữu cơ đều có các thành phần từ nguồn gốc nông nghiệp như dầu, bơ, sáp thực vật và tinh dầu để tạo mùi. Vì thế, thành phần trong các sản phẩm này phải được cấp chứng nhận hữu cơ theo một trong các tiêu chuẩn có trên thế giới. Chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) được coi là một trong những chuẩn khắt khe nhất và thường được các nông trại áp dụng khi canh tác. Theo chuẩn hữu cơ của USDA, sản phẩm được chứng nhận hữu cơ phải được sản xuất qua những phương pháp dân gian, sinh học và công nghiệp ưu tiên cho việc tái chế, phát huy sự cân bằng sinh thái và gìn giữ sự đa dạng của môi trường. Phân hữu cơ, phế thải từ cống rãnh, bức xạ và kỹ thuật di truyền có thể không được sử dụng.
Ở mỹ phẩm, chứng nhận hữu cơ có nghĩa là những thành phần có nguồn gốc từ nông nghiệp trong sản phẩm này đã được sản xuất ở những môi trường phù hợp với định nghĩa nêu trên vì USDA chỉ kiểm soát các thành phần có nguồn gốc nông nghiệp mà thôi. Ngoài ra, trên nhãn hiệu chứng nhận hữu cơ còn ghi rõ phần trăm thành phần hữu cơ trong sản phẩm. Có bốn loại chứng nhận hữu cơ mà USDA cấp: 100% hữu cơ, hữu cơ (chứa ít nhất 95% thành phần hữu cơ), làm với thành phần hữu cơ (có ít nhất 70% hữu cơ) và có thành phần hữu cơ (70% hữu cơ trở xuống). Chỉ có hai loại đầu là được dán nhãn chứng nhận USDA Organic Seal mà thôi.
Video đang HOT
Tại các quốc gia khác trên thế giới, việc xét chuẩn hữu cơ có thể không dựa vào bộ nông nghiệp. Thay vào đó, một số tổ chức tư nhân hoặc phi chính phủ đặt chuẩn hữu cơ và cấp giấy phép cho các công ty nào có nhu cầu. Tại Pháp, ECOCERT là một đại diện có thẩm quyền cấp chuẩn hữu cơ cho mỹ phẩm ở 85 quốc gia trên toàn thế giới. Ra đời tại Pháp năm 1991, ECOCERT kiểm nghiệm 70% thị trường công nghiệp thực phẩm hữu cơ tại Pháp và 30% thị trường thực phẩm hữu cơ trên thế giới. Tại Canada, Québec Vrai và Certech là những công ty có thẩm quyền cấp chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm chăm sóc cơ thể. Certech sử dụng những quy định về sản phẩm hữu cơ được áp dụng trên thế giới khi đánh giá sản phẩm. Hiện nay, chứng nhận IOS 2008 của Certech là chứng nhận thông dụng của thị trường Bắc Mỹ. Trong khi đó, ICEA là tổ chức cấp giấy phép cho các sản phẩm tại Ý và các nước châu Âu khác còn Indocert làm việc này cho các sản phẩm ở Ấn Độ và toàn cầu.
Quá trình xác nhận một mỹ phẩm hữu cơ là một quá trình khó khăn và thường tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Ngoài ra, nếu nhà sản xuất thay đổi công thức, họ có thể phải trải qua những lần sát hạch nữa trong tương lai. Vì thế, một số công ty mỹ phẩm từ chối xác nhận hữu cơ mặc dù có rất nhiều các thành phần này trong sản phẩm. Để nhận biết các sản phẩm có phải là hữu cơ hay không, hãy chú ý đến sự hiện diện của các tem chứng nhận trên bao bì sản phẩm. Sự hiện diện của một trong các tem USDA Organic, ECOCERT, California Organic, ICEA… cho thấy sản phẩm này đã đạt chuẩn hữu cơ do một hiệp hội đưa ra.
Ngoài ra, hãy xem kỹ danh sách thành phần có mặt trong sản phẩm. Khi một thành phần có mặt trong sản phẩm là hữu cơ, bạn sẽ thấy chữ organic trước tên sản phẩm đó. Ví dụ, ở một lotion hữu cơ, tên của nha đam sẽ được viết là organic aloe vera thay vì chỉ là aloe vera mà thôi. Cuối cùng, các sản phẩm hữu cơ thường tránh sử dụng 6 nhóm hóa chất có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường. Chúng là các hóa chất có nguồn gốc từ xăng dầu, bao gồm Vaseline, isopropyl alcohol (isopropanol), methyl alcohol (methanol), butyl alcohol (butanol), ethyl alcohol (ethanol); sodium laureth/laurul sulfate và các chất liên quan như sodium lauryl ether sulfate, sodium laureth sulphate, sodium lauryl ether sulphate; propylene glycol và polyethylene glycol; formaldehyde và paraben; màu nhân tạo; mùi nhân tạo.
Chăm sóc tóc: Jason và Kiss My Face
Một khuyết điểm của các dầu gội đầu hữu cơ là không có khả năng tẩy rửa và tạo bọt mạnh như các sản phẩm thường vì không có sự hiện diện của sodium lauryl/laureth sulfate (hai hóa chất tẩy rửa mạnh). Vì thế, người dùng thường bỏ cuộc sau vài lần sử dụng vì không cảm thấy tóc và da đầu mình sạch. Các dầu gội đầu của Jason và Kiss My Face sử dụng các chất tẩy rửa nhẹ cộng thêm nha đam và các tinh dầu nhằm nuôi dưỡng tóc và làm tóc sạch đẹp hơn. Đặc biệt, Jason là một thương hiệu được một số vận động viên trong đội tuyển bơi lội Mỹ sử dụng vì giúp giữ tóc không bị ngả màu xanh do ảnh hưởng của chlor trong hồ bơi.
Chăm sóc da: Avalon Beauty, Alba Botanica và MyChelle Dermaceuticals
Sản phẩm dưỡng da hữu cơ nhẹ nhàng đến nỗi người sử dụng sẽ không nghĩ là chúng có tác dụng. Tuy nhiên, Avalon Beauty, Alba Botanica và MyChelle Dermaceuticals sẽ làm cho bạn bất ngờ. Đây là ba công ty có rất nhiều các bằng khen từ các hiệp hội và tổ chức chứng nhậnhữu cơ tại Hoa Kỳ. Với đầy đủ các chủng loại sản phẩm từ toner đến lotion, serum và crème dưỡng da, bạn có thể kết hợp để có một chế độ chăm sóc da phù hợp cho mình.
Trang điểm: Burt’s Bees
Burt’s Bees là một nhãn hiệu son dưỡng môi nổi tiếng ở Mỹ với nguồn gốc từ sáp ong thiên nhiên. Sau khi được Clorox mua lại thương hiệu, Burt’s Bees đã đa dạng hóa với nhiều sản phẩm chăm sóc da, tóc và mỹ phẩm nữa. Đặc biệt, Burt’s Bees còn có những sản phẩm nhẹ nhàng dành cho em bé.
Theo Dep