Nhân dân tệ ngã nhào xuống đáy 5 năm
Nhân dân tệ vừa chạm đáy 5 năm sau khi Trung Quốc điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu. Đến 17 giờ 05 (giờ địa phương), đồng tiền này hạ xuống còn 6,70 nhân dân tệ mới đổi được 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 9.2010.
Trung Quốc cắt giảm tỷ giá tham chiếu hằng ngày của đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4.2011 – Ảnh: AFP
Hôm nay 6.1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ( PBOC) cắt giảm tỷ giá tham chiếu hằng ngày xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4.2011, thấp hơn mức đóng cửa của nhân dân tệ (CNY) trong nước hôm 5.1.
CNY giảm 1,1% tại thị trường giao dịch tự do Hồng Kông (mức giảm lớn nhất kể từ khi nhân dân tệ được phá giá hồi tháng 8 năm ngoái) và giảm 0,6% ở Thượng Hải giữa lúc cả hai loại tỷ giá hối đoái rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.2011. Khoảng cách giữa CNY giao dịch trên thị trường hải ngoại và CNY giao dịch trong nước lên đến mức kỷ lục.
Dù các biện pháp hỗ trợ nhân dân tệ giúp đồng tiền này ổn định trong 4 tháng kể từ ngày phá giá 11.8.2015, động thái can thiệp của Trung Quốc khiến dự trữ ngoại hối nước này có năm suy giảm đầu tiên. Mức hỗ trợ CNY chính thức đã rời rạc hơn từ tháng 12 năm ngoái, giữa lúc kinh tế Đại lục tăng trưởng yếu nhất trong một phần tư thế kỷ và việc Mỹ tăng lãi suất cũng thúc đẩy luồng vốn thoái.
Các chuyên gia tại ngân hàng Macquarie và Mizuho cho hay chính sách tỷ giá của PBOC đang ngày càng khó đánh giá hơn.
Video đang HOT
“Thị trường sẽ bối rối trước những tín hiệu mà Bắc Kinh đang cố gắng đưa ra thông qua việc can thiệp thị trường và điều chỉnh tỷ giá ngày hôm nay”, chuyên gia về ngoại hối Nizam Idris tại ngân hàng Macquarie ở Singapore nói.
Hôm 5.1, PBOC đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn biến động quá mức, theo thông tin từ một nguồn thân cận. Một vài ngân hàng lớn của Trung Quốc bán ra đô la Mỹ khi đồng nhân dân tệ trong nước hạ xuống mức 6,5460 CNY đổi 1 USD.
Đến 17 giờ 05 (giờ địa phương), đồng nhân dân tệ hải ngoại hạ xuống mức 6,70 nhân dân tệ đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 9.2010, thời điểm sau hai tháng kể từ khi giao dịch lần đầu tiên được cho phép ở đặc khu Hồng Kông. Nhân dân tệ nội địa thì dừng ở mức 6,5560 đổi 1 USD.
Đông thái của Trung Quốc có tác động đến thị trường toàn cầu. “Đây không phải là tin tốt cho phần còn lại của thế giới. Cho đến khi Trung Quốc ngừng làm suy yếu nhân dân tệ, các thị trường thế giới sẽ chật vật để ổn định. Chính quyền Đại lục có thể đang cố vực dậy nền kinh tế bằng cách thúc đẩy xuất khẩu. Việc này sẽ giúp một phần kinh tế Trung Quốc, song lại khiến một phần khác phải hi sinh”.
Biến động nhân dân tệ có xu hướng ảnh hưởng tiền tệ và triển vọng xuất khẩu khắp châu Á, nơi mà Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của nhiều nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan…
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Vốn thoái khỏi Trung Quốc lên mức kỷ lục
Dự trữ ngoại hối Trung Quốc vừa hạ xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2013. Vốn thoái khỏi nước này được cho là đã lên đến mức kỷ lục trong tháng 11 vừa qua.
Vốn thoái khỏi Trung Quốc lên đến mức kỷ lục trong tháng 11 - Ảnh: AFP
Theo CNN, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa báo cáo dự trữ ngoại hối nước này có 3.400 tỉ USD, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2013. Khoản sụt giảm dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua là một trong những đợt suy giảm lớn nhất từ trước đến nay.
Nhiều nhà đầu tư đang cố gắng để ít nhiều có thể đem tiền của họ ra khỏi đất nước. Không ít người Trung Quốc nhìn thấy cơ hội tốt hơn trên đất khách, dù cho đó là bất động sản ở New York (Mỹ) và London, chứng khoán, tác phẩm nghệ thuật đắt tiền hay trái phiếu nước ngoài.
Khó có được số liệu chính xác từ Trung Quốc, nhưng hãng nghiên cứu Capital Economics vừa dự báo rằng tháng 11 vừa rồi chứng kiến lượng vốn kỷ lục thoái khỏi Đại lục khi nhiều người chuyển tiền ra ngoài đất nước.
"Các số liệu hôm nay cho thấy rằng dòng vốn thoái khỏi Trung Quốc tăng vọt", nhà kinh tế chuyên về Trung Quốc Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics nói.
Tất cả số liệu đều chứng minh tiền đang chảy khỏi Đại lục rất nhanh kể từ tháng 8, khi Trung Quốc khiến thế giới bất ngờ bằng việc phá giá nhân dân tệ. Điều này gây nên một đợt bán tháo lớn trong thị trường chứng khoán Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm hơn mức chính phủ kỳ vọng.
Tiền chảy khỏi Đại lục đồng nghĩa với việc nhiều người đang đổi nhân dân tệ để lấy USD, EUR và các loại tiền tệ khác. Tình trạng này sẽ còn khiến nhân dân tệ sụt giá hơn nữa. PBOC, trong bối cảnh này, dường như đang cố gắng để cân bằng bằng cách dùng dự trữ ngoại hối để mua lại đồng bản tệ.
Ngoài ra, một cách giải thích khác cho chuyện dự trữ ngoại hối Đại lục sụt giảm đó là việc các số liệu được báo cáo bằng đồng đô la Mỹ, trong khi USD đang tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác trong tháng vừa qua. Bất cứ ai sở hữu nhân dân tệ hay yen Nhật đều nắm giữ đồng tiền có giá trị thấp hơn.
"Cách giải thích rằng một nửa của sự suy giảm trong dự trữ ngoại hối Trung Quốc bắt nguồn từ những thay đổi bất thường của thị trường ngoại hối có thể hợp lý", chuyên gia về chiến lược tiền tệ Marc Chandler tại hãng Brown Brothers Harriman nhận định.
Trung Quốc nhìn nhận dòng vốn thoái là một vấn đề cần lưu ý khi mà từ đầu năm đến nay, đã có 500 tỉ USD chảy khỏi nước này, theo số liệu hồi tháng 8 của Bộ Tài chính Mỹ. Quốc gia Đông Á đã hạn chế lượng tiền một cá nhân có thể đem ra nước ngoài trong vòng 50.000 USD/năm nhưng vào mua thu năm nay, Bắc Kinh thậm chí kiểm soát lượng tiền mặt mà công dân họ rút ra từ các máy ATM ở nước ngoài. Đây là một nỗ lực nữa nhằm giảm thiểu dòng vốn thoái.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Dự trữ ngoại hối các thị trường mới nổi an toàn dù tiền tệ lao dốc Các nước đang phát triển tận hưởng sức cạnh tranh cao hơn đi cùng với những đồng bản tệ yếu đi, để lại các quỹ dự trữ ngoại hối của họ không thay đổi nhiều trong năm qua. Ảnh: Reuters Theo Bloomberg, dự trữ ngoại hối trong 12 thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc và các nước với đồng tiền có...