“Nhân dân khao khát đi du lịch ngoài Trường Sa lắm!”
“Chúng tôi muốn rằng nên tổ chức du lịch cho nhân dân vì nhân dân chúng ta khao khát đi du lịch ngoài Trường Sa lắm. Tại sao nước ngoài họ làm mà mình không làm? Phải mạnh dạn tổ chức, làm du lịch bằng đường hàng không, du lịch bằng đường biển, xây dựng các khách sạn, vận động nhà đầu tư, dân sự hóa, đẩy mạnh nuôi trồng hải sản ở ngoài đó”- đại biểu Đặng Ngọc Tùng nói.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai).
Phát biểu tại hội trường Quốc hội cuối buổi sáng nay 3/11, đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết ông đồng tình với báo cáo về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 và 5 năm sắp tới (2016-2020) của Chính phủ, đặc biệt với bối cảnh kinh tế đất nước trong thời gian hội nhập và Biển Đông phức tạp.
Ông Tùng phân tích, Biển Đông phức tạp, thiệt hại nhiều nhất là Việt Nam. Vấn đề đặt ra là Việt Nam phải nắm bắt được lợi thế hướng biển, đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi lệ thuộc. Chỉ khi nền kinh tế thực sự vững mạnh mới không phải phụ thuộc vào bất kỳ nền kinh tế, đất nước nào.
Hoàn toàn đồng tình với 8 nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong 5 năm tới, ông Đặng Ngọc Tùng đặc biệt lưu ý tới câu chuyện nâng cao năng suất lao động.
“Tại kỳ họp tháng 9 vừa rồi của Chính phủ, tôi có dự họp nên biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo nói là nếu Việt Nam cứ duy trì năng suất lao động bình quân như giai đoạn 2007-2012 thế này thì đến năm 2038 năng suất lao động của chúng ta mới bắt kịp Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan. Thưa với các đại biểu Quốc hội, tôi nghe mà xót xa. Không biết các thành viên Chính phủ ngồi đó suy nghĩ thế nào? Trách nhiệm năng suất lao động đổ hết lên đầu người lao động hay do Chính phủ điều hành?”- ông Tùng đặt vấn đề.
Video đang HOT
Ông Tùng cho rằng năng suất lao động hoàn toàn không phụ thuộc vào người lao động mà ở đây có nhiều yếu tố, quan trọng nhất là công nghệ sản xuất, máy móc trang thiết bị đưa vào nền kinh tế. Tiếp đến là thể chế kinh tế, luật pháp có thực sự thông thoáng, khả năng quản lý điều hành của những nhà điều hành đã tốt chưa?
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định: “Theo tôi quan trọng nhất là công nghệ. Tôi kiến nghị Chính phủ không nên nhập khẩu công nghệ lạc hậu nữa, gây ô nhiễm môi trường mà cứ thế thì làm sao nâng cao năng suất lao động?”. Theo ông Tùng, công nghệ lạc hậu cộng với nhân công giá rẻ, sức cạnh tranh kém thì “chết đất nước này trong những năm tới”.
Đồng thời, ông Đặng Ngọc Tùng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội phải chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Vấn đề này dù đã được nói khá nhiều nhưng chưa chú trọng. Phải mạnh dạn dân sự hóa quần đảo Trường Sa, xây những âu tàu cho ngư dân giữ biển ở những đảo lớn và cung cấp dịch vụ hậu cần cho ngư dân.
“Chúng tôi muốn rằng nên tổ chức du lịch cho nhân dân vì nhân dân chúng ta khao khát đi du lịch ngoài Trường Sa lắm. Tại sao nước ngoài họ làm mà mình không làm? Phải mạnh dạn tổ chức, làm du lịch bằng đường hàng không, du lịch bằng đường biển, xây dựng các khách sạn, vận động nhà đầu tư, dân sự hóa, đẩy mạnh nuôi trồng hải sản ở ngoài đó”- đại biểu Đặng Ngọc Tùng kết thúc bài phát biểu.
Thế Kha
Theo Dantri
Năng suất lao động thấp, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người lao động
"Gần đây trên truyền hình có phát một phóng sự về một số chợ lao động ở Hà Nội. Cứ có xe máy hoặc ô tô dừng lại thì cả nhóm người ùa đến với một hy vọng, khát khao có việc làm. Hàng triệu người lao động ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp khác cũng đang cần mẫn làm việc, sẵn sàng làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Những con người như vậy lẽ nào là nguyên nhân chính của năng suất lao động thấp?".
Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên).
Phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 2/11, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - cho biết, những năm trước chúng ta tăng trưởng với tốc độ khá cao 7 - 8%, nhưng lạm phát cũng gần 20% nên người dân có thực sự được hưởng thành quả đó không lại là chuyện khác.
"Năm nay tuy chỉ tăng trưởng 6,5% nhưng giữ được lạm phát ở mức độ khoảng 2%. Tôi cho đây là điều rất có ý nghĩa"- ông Hùng nói.
Ông Hùng đặc biệt quan tâm tới vấn đề năng suất lao động, bởi đây là 1 trong 9 chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch của giai đoạn 2011 - 2015 (chỉ đạt 22% trên kế hoạch là 29 - 32%) và là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, thực chất của nền kinh tế nói riêng cũng như của đất nước nói chung.
"Vừa rồi, tôi thấy có một số quan điểm hình như đi tìm nguyên nhân từ phía người lao động, nhất là vấn đề tiền lương tối thiểu. Dường như năng suất lao động thấp thì người lao động phải chịu trách nhiệm. Do vậy, mức lương tối thiểu vùng của năm tới không nên quá 10%. Tôi cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người lao động, vì người Việt Nam có truyền thống cần cù, sáng tạo và rất nhiều phẩm chất tốt đẹp khác"- ông Hùng bày tỏ quan điểm.
Ông dẫn ra ví dụ, gần đây trên truyền hình có phát một phóng sự về một số chợ lao động ở Hà Nội. Cứ mỗi khi có một chiếc xe máy hoặc ô tô dừng lại thì cả nhóm người ùa đến với một hy vọng, khát khao có việc làm.
"Hàng triệu người lao động ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp khác cũng đang cần mẫn làm việc, sẵn sàng làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Những con người như vậy lẽ nào là nguyên nhân chính của năng suất lao động thấp?"- ông Hùng nêu lý lẽ và khẳng định phải đi tìm nguyên nhân ở những lĩnh vực khác.
Theo ông Hùng, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới năng suất lao động thấp: Một là do thiết bị, công nghệ lạc hậu; hai là quản trị doanh nghiệp ở nhiều doanh nghiệp, quản trị xã hội ở nhiều địa phương yếu kém; ba là tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp, chỉ đạt trên 20% - nguyên nhân này không phải lỗi hoàn toàn từ phía người lao động.
"Người Việt Nam ta có câu "Một người biết lo bằng cả kho người biết làm", chúng ta còn ít người thực sự giỏi để biết lo. Đây cũng là nguyên nhân tạo nên năng suất lao động thấp"- ông Hùng nói.
Từ những phân tích nêu trên, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị phải dứt khoát không nhập khẩu những thiết bị, công nghệ lạc hậu hoặc sắp lạc hậu. Chú trọng đổi mới công nghệ trong nước, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, quản trị xã hội. Đồng thời có cơ chế công khai, minh bạch trong tuyển dụng nhân lực để đảm bảo tuyển đúng người, đúng việc; đổi mới, nâng cao chất lượng đào nghề cho người lao động.
Thế Kha
Theo Dantri
Năng suất lao động thấp: Xoay sở ra sao khi hội nhập quốc tế? Năng suất lao động của Việt Nam quá thấp, xếp cuối khu vực là vấn đề đáng lo lắng trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển...